Xây dựng chuỗi cung ứng nội địa
Theo Petrovietnam, trong 3 năm trở lại đây, Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đã nhanh chóng tham gia vào chuỗi giá trị điện gió ngoài khơi.
Đến nay, doanh nghiệp trúng thầu hơn 10 dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất phát điện là 5,2GW, tổng giá trị hợp đồng hơn 1,2 tỷ USD, với việc cung cấp hầu hết các công đoạn dịch vụ cho các dự án điện gió ngoài khơi; bao gồm công tác khảo sát, thiết kế, mua sắm, thi công chế tạo, vận chuyển, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa; 100% là các dự án xuất khẩu, tạo công ăn việc làm trực tiếp cho hơn 4.000 người lao động.
Đặc biệt, PTSC đã và đang phối hợp cùng Tập đoàn Sembcorp (SCU - Singapore) triển khai các bước đầu tiên trong việc hợp tác đầu tư trang trại điện gió ngoài khơi tại Việt Nam với công suất ban đầu dự kiến khoảng 2,3 GW, xuất khẩu điện trực tiếp sang Singapore qua đường cáp ngầm cao thế xuyên biển… Dự án này đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam trao giấy phép chấp thuận cho PTSC thực hiện công tác quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển...
Ngay sau khi các cơ quan chức năng hỗ trợ, tạo hành lang pháp lý, sớm phê duyệt và cho phép được tiến hành khảo sát, sử dụng khai thác vùng biển và xuất khẩu điện, PTSC sẽ sớm khởi động dự án để có thể có dòng điện thương mại trước năm 2035.
Cùng với PTSC, Vietsovpetro cũng là một trong những đơn vị được xác định có nhiều tiềm năng, thế mạnh để tham gia vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Với nguồn lực tài chính tốt, nguồn nhân lực chất lượng cao, hiểu rõ về công nghệ ngoài khơi, có trang thiết bị và cơ sở hạ tầng phù hợp, hệ thống cảng biển, dịch vụ logistic, đội tàu dịch vụ…
Để chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho cuộc đua năng lượng tái tạo ngoài khơi, Petrovietnam đã và đang chủ động xây dựng chuỗi cung ứng nội địa: bao gồm các đơn vị thành viên có nhiều tiềm năng, như: PTSC, Vietsovpetro, VPI, (Tổng Công ty Tư vấn thiết kế Dầu khí - CTCP (PVE), Tổng Công ty CP Dịch vụ tổng hợp Dầu khí (PETROSETCO), Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD), Công ty CP Kết cấu kim loại và Lắp máy Dầu khí (PVC-MS), PV Shipyard…
Các đơn vị chủ lực của Petrovietnam về thiết kế, chế tạo, xây lắp và vận hành các công trình dầu khí biển như PTSC, Vietsovpetro, (Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí (PETROCONs) đã được Tập đoàn giao nhiệm vụ nghiên cứu, thành lập tổ hợp phát triển chuỗi giá trị năng lượng tái tạo; với năng lực, kinh nghiệm, cơ sở hạ tầng sẵn có, tăng cường khả năng hợp tác, phát huy năng lực của nhau, phối hợp tìm kiếm cơ hội tham gia vào các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi trong và ngoài nước.
Tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Thủ tướng Chính phủ cũng đã thể hiện quyết tâm chính trị trước toàn thế giới thông qua tuyên bố Việt Nam sẽ nỗ lực đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Để thực hiện cam kết này, đặt ra nhiều yêu cầu về chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới kinh tế xanh, tuần hoàn, bền vững.
Không gian phát triển mới cho Petrovietnam
Trong tình hình mới, để khai thác tối đa hiệu quả tiềm năng, kinh nghiệm, nền tảng hiện có của tập đoàn năng lượng hàng đầu quốc gia, Petrovietnam; nhằm bảo đảm an ninh năng lượng và thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng xanh, ngày 24.4.2024, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 76-KL/TW về tình hình thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và một số định hướng cho giai đoạn mới.
Theo TS Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Kết luận số 76-KL/TW mở ra một không gian phát triển mới cho Petrovietnam thông qua việc định hướng những chủ trương khai thác các điều kiện, tiềm năng của ngành trong phát triển về lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Đối với Petrovietnam, Kết luận số 76-KL/TW có định hướng phát triển Tập đoàn trở thành một tập đoàn công nghiệp - năng lượng quốc gia, song song với việc gắn phát triển các lĩnh vực truyền thống của ngành dầu khí, nhưng đồng thời cũng xác định vai trò chủ lực tiên phong của Tập đoàn trong phát triển các lĩnh vực về năng lượng tái tạo, năng lượng mới.
Điển hình là phát triển điện gió ngoài khơi, điện gió ven biển, các hoạt động về phát triển lĩnh vực hydrogen, amoniac, tham gia vào chuỗi nhập khẩu cung ứng LNG, cũng như xác định vai trò của Petrovietnam trong phát triển lĩnh vực về công nghiệp sản xuất thiết bị năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo và năng lượng mới.
Với hơn 3.200 km bờ biển và tổng diện tích biển khoảng 1 triệu km2, Việt Nam có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi lớn nhất khu vực Đông Nam Á, lên tới 599 GW. Khi nguồn năng lượng mới này được khai thác hiệu quả, Việt Nam có thể kết hợp các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội, an ninh năng lượng, an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo, công nghiệp hóa với phát thải carbon thấp hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Kết luận số 76-KL/TW đã mở ra con đường lớn giúp Petrovietnam có thể chủ động xây dựng chiến lược, lộ trình phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi, góp phần đưa Việt Nam sớm trở thành nước làm chủ công nghệ, có chuỗi cung ứng hoàn chỉnh để cạnh tranh trên trường quốc tế, nắm bắt tốt các cơ hội "vàng", vươn lên phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực năng lượng sạch.
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh những khó khăn, thách thức; đồng thời cũng mở ra một cơ hội lớn cho ngành dầu khí nếu kịp thời nắm bắt và phát huy được thế mạnh về kinh nghiệm, năng lực hạ tầng, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng cần chú trọng phát huy tiềm năng, lợi thế của ngành để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, đây là hướng phát triển mang tính đột phá; bảo đảm phát triển ngành dầu khí bền vững, hiện đại gắn với thúc đẩy nhanh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đồng thời với phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo tiên tiến, hiện đại theo hướng nâng cao năng lực tự chủ, tự cường, tăng cường tỷ lệ nội địa hóa; quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với chính sách thu hút nhân tài, đào tạo chuyên sâu đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn quốc tế để phát triển ngành dầu khí trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.