Có nên quay lại phát triển điện hạt nhân?

Bài 1: Phải xem xét toàn diện, kỹ lưỡng

- Thứ Sáu, 13/05/2022, 06:07 - Chia sẻ

Sau 5 năm thực hiện chủ trương của Trung ương dừng đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, có thể thấy đây là quyết sách đúng đắn và phù hợp thực tiễn. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, trong tình hình mới hiện nay và trước bài toán bảo đảm an ninh năng lượng cũng như hiện thực hóa cam kết “net zero” của Việt Nam tại COP26, vấn đề phát triển điện hạt nhân cần được đặt ra và xem xét toàn diện để sớm có đề xuất hợp lý.

Trong bối cảnh xu thế chung của thế giới, để có thể bảo đảm cam kết theo COP26, cung cấp điện năng ổn định công suất lớn và đặc biệt là không phụ thuộc vào nguồn cung dầu và khí (bảo đảm an ninh năng lượng), có lẽ việc quay lại phát triển điện hạt nhân là vấn đề cần xem xét một cách toàn diện, khoa học và kỹ lưỡng.

Xu thế tất yếu

Tại hội nghị toàn cầu COP26 tháng 11.2021, đa số các nước đã cam kết cân bằng phát thải CO2 vào 2050/2060, bằng việc chuyển đổi cơ cấu điện năng. Cụ thể là dần loại bỏ nhiệt điện than, giảm dần nhiệt điện khí và khí hóa lỏng (LNG), đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, và xem điện hạt nhân là nguồn điện sạch không phát thải CO2 có thể đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu nguồn điện.

Bài 1: Phải xem xét toàn diện, kỹ lưỡng -0
Việc quay lại điện hạt nhân cần xem xét toàn diện và kỹ lưỡng. (Nguồn: ITN)

Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng ukraine đã đẩy giá dầu và khí lên cao, đặc biệt là khí, đồng thời cho thấy an ninh năng lượng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Mỹ và các nước phương Tây đang loại bỏ hoặc giảm dần sự phụ thuộc vào dầu và khí của Liên bang Nga. Để thực hiện được mục tiêu này, năng lượng hạt nhân đóng vai trò rất quan trọng.

Trên thế giới, tính đến cuối tháng 3.2022, có 441 lò hạt nhân năng lượng đang vận hành, với tổng công suất lắp đặt 394.000 MWE; có 51 lò đang được xây dựng với tổng công suất khoảng 54.000 MWE. Điện hạt nhân vẫn giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu nguồn điện của nhiều nước (32 nước có điện hạt nhân), và xu thế đang tiếp tục phát triển. Theo Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi, trong 10 năm tới sẽ có thêm khoảng một chục nước mới phát triển điện hạt nhân.

Mỹ hiện có số lò hạt nhân nhiều nhất thế giới, 93 lò đang vận hành với tổng công suất khoảng 96.000 MWe, đóng góp khoảng 20% điện năng. Tiếp theo là Pháp, có 56 lò đang vận hành với tổng công suất 62.000 MWe, chiếm khoảng 75% lượng điện năng sản xuất quốc gia. Trung Quốc hiện có 54 lò đang vận hành, tổng công suất hơn 51.000 MWe, đóng góp khoảng 5% điện năng. Từ sau Fukushima, Nhật Bản đã tái khởi động và đang vận hành 10 lò hạt nhân, đồng thời tiếp tục tái khởi động các lò khác…

Công nghệ mới bảo đảm an toàn mức độ cao

Một vấn đề rất được lưu tâm trong phát triển điện hạt nhân là công nghệ và an toàn. Trải qua quá trình phát triển gần 70 năm, với những thăng trầm nhất định liên quan đến các sự cố, cho đến nay, công nghệ điện hạt nhân dùng lò nước nhẹ (LWR) tiên tiến thế hệ III+ đã rất khác so với thời kỳ ban đầu (thế hệ II).

Các lò thiết kế thế hệ mới hiện nay đều đáp ứng các yêu cầu khắt khe mới nhất về an toàn (được đưa ra sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản năm 2011). Hiện, các nước tiên tiến vẫn duy trì và phát triển điện hạt nhân với việc tiếp tục vận hành các lò đang có, kéo dài thời gian vận hành, và xây mới lò nước nhẹ (LWR) công nghệ tiên tiến thế hệ III+, cùng với phát triển lò mô đun công suất nhỏ (SMR) sau khi công nghệ này được thương mại hóa và kiểm chứng.

Thực tế chứng minh qua gần 70 năm tồn tại của điện hạt nhân cho thấy, nó chỉ có hiệu quả kinh tế khi vấn đề an toàn được bảo đảm. hiện, an toàn điện hạt nhân có thể được bảo đảm vì những nền tảng sau đây: hệ thống pháp quy hạt nhân luôn luôn củng cố và hoàn thiện; thiết kế điện hạt nhân đã tích lũy kinh nghiệm nhiều thế hệ, bảo đảm tất cả các nguyên tắc về an toàn; tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng cho điện hạt nhân rất cao; sản xuất, chế tạo thiết bị cũng như quá trình xây dựng, lắp đặt nhà máy được tiến hành bài bản, giám sát chặt chẽ, áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất về quản lý dự án; nhân lực quản lý vận hành chất lượng cao; có hệ thống nghiên cứu hỗ trợ kỹ thuật và bảo đảm an toàn…

Điện hạt nhân thế hệ mới sẽ chủ yếu dựa vào công nghệ lò nước nhẹ tiên tiến thế hệ III+ hoặc lò SMR, tùy điều kiện của từng nước. Công nghệ mới bảo đảm an toàn ở mức độ cao, không ảnh hưởng đến con người và môi trường ngay cả trong trường hợp sự cố (nếu xảy ra, mặc dù xác suất vô cùng thấp). Vấn đề giá thành và kinh tế cần được xem xét tùy điều kiện từng quốc gia, để có giá điện hợp lý cho quá trình phát triển.

8 lưu ý nếu muốn quay lại điện hạt nhân

Việt Nam đã có Chương trình phát triển điện hạt nhân từ trước khi thống nhất đất nước, đã triển khai mạnh mẽ giai đoạn 1996 - 2009, đặc biệt từ 2010 - 2016 khi triển khai 2 dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Tuy nhiên, hiện các dự án này đã dừng lại (từ 2016).

Cho đến nay, trong bối cảnh xu thế chung của thế giới, để có thể bảo đảm cam kết theo COP26, cung cấp điện năng ổn định công suất lớn cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, và đặc biệt là bảo đảm an ninh năng lượng, không phụ thuộc vào nguồn cung dầu và khí, việc quay lại phát triển điện hạt nhân cần được đưa ra xem xét toàn diện, khoa học và kỹ lưỡng để sớm có quyết định. đặc biệt, phải có nhóm chuyên gia giỏi trong và ngoài nước để phân tích, đánh giá đầy đủ.

Trong trường hợp xem xét đưa điện hạt nhân quay lại, cần chú trọng một số điểm.

Một là, cần bắt đầu từ chương trình phát triển điện hạt nhân trên cơ sở lò nước nhẹ (LWR) tiên tiến, thế hệ III+, vì đây là công nghệ thuần thục, đã tích lũy nhiều cơ sở khoa học và kinh nghiệm qua gần 70 năm phát triển. Sẽ không hợp lý nếu bắt đầu lại chương trình điện hạt nhân từ SMR, đặc biệt khi SMR chưa thương mại hóa, chưa được kiểm chứng.

Hai là, Việt Nam đã có những kết quả đáng ghi nhận trong việc thực hiện Chương trình điện hạt nhân: đã có quy hoạch địa điểm (8 địa điểm, trong đó khảo sát kỹ 2 địa điểm Phước Dinh và Vĩnh hải ở Ninh Thuận), đã có hệ thống pháp quy hạt nhân, đã chuẩn bị và đào tạo nguồn nhân lực cho điện hạt nhân, đã triển khai đội ngũ thực hiện dự án, đã nghiên cứu, đánh giá và lựa chọn công nghệ lò nước nhẹ tiên tiến thế hệ III+, đã có hợp tác chặt chẽ với các cường quốc hạt nhân… Do đó, việc quay lại điện hạt nhân sẽ hợp lý hơn nếu tiếp tục những gì đã có và thực hiện từ trước năm 2016.

Ba là, việc chuẩn bị để phát triển điện hạt nhân là quá trình lâu dài, cần 15 - 20 năm, do đó cần sớm có chủ trương của lãnh đạo cấp cao mới có thể giữ được nguồn nhân lực và những gì chúng ta đã chuẩn bị từ trước 2016.

Bốn là, cần xem xét kỹ và lựa chọn đối tác (các cường quốc hạt nhân) phù hợp để thực hiện các dự án điện hạt nhân, củng cố và nâng cao tiềm lực khoa học, vị thế địa chính trị của đất nước. Đồng thời, cần giữ các địa điểm để xây dựng nhà máy điện hạt nhân đã quy hoạch, trong đó ưu tiên việc giữ 2 địa điểm tại Ninh Thuận.

Năm là, Việt Nam cần xem xét và tái cơ cấu hệ thống chỉ đạo và các cơ quan tham gia vào Chương trình điện hạt nhân (nếu khởi động lại), phù hợp với thông lệ quốc tế, phát huy hiệu quả để có thể thực hiện một cách tốt nhất và thành công.

Sáu là, cần chú trọng xây dựng lại và hoàn thiện hệ thống pháp quy hạt nhân, trước hết là việc sửa Luật Năng lượng nguyên tử, điều chỉnh, trong đó chú trọng hoàn thiện các nội dung liên quan đến điện hạt nhân.

Bảy là, cần xây dựng hệ thống nghiên cứu, ứng dụng (R&D) năng lượng nguyên tử mạnh (để hỗ trợ kỹ thuật), với chú trọng về công nghệ, an toàn điện hạt nhân. Đặc biệt cần xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu mạnh, đào tạo đội ngũ chuyên gia giỏi về điện hạt nhân, với các cơ chế đặc thù để khuyến khích những người giỏi, tâm huyết vào ngành hạt nhân. đồng thời, có cơ chế thu hút đội ngũ chuyên gia hạt nhân ở nước ngoài về Việt Nam làm việc, mời các chuyên gia giỏi quốc tế tham gia vào chương trình.

Tám là, thực hiện tốt công tác thông tin truyền thông. Trước hết tập trung vào ứng dụng năng lượng nguyên tử cho phát triển kinh tế - xã hội, và sau đó là truyền thông về lợi ích của điện hạt nhân.

TS. TRẦN CHÍ THÀNH - Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM)