Có nên quay lại phát triển điện hạt nhân?

Bài 2: "Hãy đợi 10 năm nữa!"

- Thứ Bảy, 14/05/2022, 07:06 - Chia sẻ

Ngay các chuyên gia cũng có quan điểm khác nhau về việc phát triển điện hạt nhân. GS. Phạm Duy Hiển, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cho rằng, Việt Nam hãy đợi thêm 10 năm nữa!

Dừng điện hạt nhân là quyết định đúng đắn và đúng lúc

- Trước năm 2016, ông nhiều lần nêu quan điểm Việt Nam không nên phát triển điện hạt nhân. Ông có thể lý giải rõ hơn?

Bài 2:

- Trước 2016, Việt Nam đã có một kế hoạch xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận với bốn lò phản ứng công suất 4000MW và đưa vào vận hành trước năm 2030. Tôi đã nhiều lần nêu quan điểm không đồng tình với việc làm quá vội vàng này, lại không lường hết những rủi ro có thể xảy ra do trình độ phát triển của ta còn quá thấp so với yêu cầu của một công nghệ rất phức tạp như điện hạt nhân. Bảo đảm an toàn cho các lò phản ứng công suất lớn là việc không hề dễ dàng đối với các nước chưa phát triển. Về lâu dài, phóng xạ rất cao trong bã thải hạt nhân vẫn luôn là mối đe dọa. 

Năm 2016, Trung ương Đảng và Quốc hội đã ra nghị quyết dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Một quyết định cực kỳ đúng đắnđúng lúc. Nếu không dừng lúc ấy, chắc giờ này, với tình hình hiện nay, dự án sẽ gặp muôn vàn rắc rối, tiến thoái lưỡng nan.

Việt Nam không có bất cứ lợi thế nào để làm điện hạt nhân theo con đường xây dựng các lò phản ứng công suất lớn, như kế hoạch trước đây. Chúng ta không hề có tiềm năng về nhiên liệu urani. Chúng ta không đủ năng lực công nghệ và trình độ chuyên gia để có thể tiếp thu, làm chủ và nội địa hóa công nghệ điện hạt nhân như Trung Quốc và Hàn Quốc đã làm. Trung Quốc đã tự xây dựng các nhà máy điện hạt nhân trong những năm 1990 sau khi nhập và nội địa hóa các lò phản ứng từ Pháp, Nga, Mỹ.

Nói tóm lại, làm điện hạt nhân theo con đường như trước đây không hề bảo đảm an ninh năng lượng và an toàn cho đất nước.    

Chúng ta còn nhiều giải pháp khác!

- Hiện nay, tình hình đã khác khi tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 ( COP26), đa số các nước đã cam kết cân bằng phát thải CO2 vào 2050/2060, bằng việc chuyển đổi cơ cấu điện năng, xem điện hạt nhân là nguồn điện sạch không phát thải CO2. Liệu quan điểm của ông có thay đổi?

- Điện hạt nhân với mức phát thải cacbon rất thấp, có thể xem là một trong số các giải pháp cho mục tiêu này, như một số nước tiên tiến đang xem xét. Nhưng mỗi nước một khác. Đối với Việt Nam, điện hạt nhân chưa thể xem là giải pháp cấp bách.

- Vấn đề được đặc biệt quan tâm trong phát triển điện hạt nhân là công nghệ và an toàn. Vậy, vấn đề công nghệ và an toàn điện hạt nhân trên thế giới hiện nay ra sao, đã đủ để chúng ta yên tâm nếu muốn đầu tư điện hạt nhân chưa, thưa ông?

- Hiện nay, người ta đang nghiên cứu và phát triển các loại lò phản ứng công suất bé rất an toàn, cộng thêm nhiều tính năng ưu việt khác, rất thích hợp với các nước đang phát triển. Có triển vọng nhất trong số này là các lò công suất bé lắp ghép theo mô đun gọi là SMR. Các mô đun được chế tạo và kiểm tra chất lượng tại nhà máy, sau đó vận chuyển chúng đến nơi xây dựng, tránh được khâu lắp ráp tại hiện trường với nhiều tiềm năng rủi ro mất an toàn, nhất là ở các nước còn kém phát triển. Yêu cầu về địa điểm xây dựng lại không quá gắt gao như các lò công suất lớn, cho nên lò phản ứng SMR có thể xây dựng ở mọi địa phương, phù hợp với xu thế phi tập trung hóa các nguồn điện hiện nay. Giá thành các lò SMR hiện còn quá cao do chưa thể chế tạo hàng loạt. Nhưng theo các chuyên gia, SMR chắc chắn sẽ được thương mại hóa trong mười năm tới. Hãy đợi thêm mười năm nữa để làm điện hạt nhân với các lò SMR mà vẫn không lỡ hẹn với cam kết trung hòa khí cacbon vào năm 2050. 

Bài 2:
Trang trại điện gió Trung Nam được khánh thành tại huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận
Ảnh: TTXVN

- Trong các quan điểm ủng hộ điện hạt nhân hiện nay có một phần nguyên nhân là để bảo đảm an ninh năng lượng, thưa ông?

- Chúng ta vẫn còn nhiều giải pháp khác dựa trên tiềm năng và lợi thế của mình. Nhờ dừng dự án điện hạt nhân, tỉnh Ninh Thuận đã bứt phá lên trở thành một trung tâm năng lượng tái tạo hàng đầu của cả nước. Đến nay, nhờ lợi thế có nguồn ánh sáng mặt trời rất ưu việt, Ninh Thuận đã đưa vào vận hành nhiều trang trại điện mặt trời với tổng công suất hàng nghìn MW, và con số này còn lớn hơn nữa trong những năm tới. Những trang trại năng lượng gió cũng đang tiến đến công suất nghìn MW.

Như vây, chỉ vài năm sau khi dừng dự án điện hạt nhân, năng lượng tái tạo của Ninh Thuận đang tiến rất gần đến mục tiệu 4000 MW điện hạt nhân vốn được dự kiến cho năm 2030. Rất nhiều địa phương khác cũng đang ra sức phát triển năng lượng tái tạo. Năng lượng gió ven biển của ta cực kỳ lớn, đầy hứa hẹn. Đương nhiên, con đường năng lượng tái tạo cũng không ít gập ghềnh. Song những chủ trương đúng đắn của Trung ương và Quốc hội về phát triển năng lượng tái tạo, cộng với nỗ lực của Ninh Thuận và các địa phương khác là bài học quý giá để hoạch định chính sách cho thời gian tới.

- Nếu trước mắt không tính đến phát triển điện hạt nhân thì theo ông liệu Việt Nam có đạt mục tiêu phát thải bằng “0” - Net Zero vào năm 2050 không?

- Nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng điện năng, chí ít ngang bằng với các nước ASEAN, chẳng những là giải pháp cắt giảm phát thải khí nhà kính cơ bản nhất, mà còn góp phần làm lành mạnh nền công nghiệp theo hướng hiện đại.

- Nhìn từ thực tế phát triển năng lượng của Việt Nam, bài học lớn nhất cần rút ra là gì, thưa ông?

- Theo tôi, bài học lớn nhất ở đây là phát triển năng lượng phải xuất phát từ tiềm năng và lợi thế của đất nước, phát huy nội lực và chủ động tránh phụ thuộc quá nhiều vào nước ngoài.

­- Trân trọng cảm ơn ông!

Đan Thanh thực hiện