Có nên quay lại phát triển điện hạt nhân?

Bài cuối: Điện hạt nhân không phải là cứu cánh của “net zero”

- Thứ Ba, 17/05/2022, 05:24 - Chia sẻ

Với góc nhìn của nhà hoạch định chính sách, ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cho rằng về lâu dài Việt Nam có thể cân nhắc phát triển điện hạt nhân bởi tính ổn định và không phát thải CO2, song cũng không nên đặt vấn đề điện hạt nhân là cứu cánh trong việc hiện thực hóa cam kết “net zero”.

Công nghệ điện hạt nhân đã có nhiều thay đổi

- Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 31/2016/QH14 của Quốc hội về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (2016 - 2021), ông đánh giá thế nào về quyết định này?

- Cuối năm 2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã giao Thường trực Ủy ban Kinh tế chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và các Ủy ban của Quốc hội, tỉnh Ninh Thuận và các cơ quan có liên quan sơ kết kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 31/2016/QH14 của Quốc hội. Tháng 4 vừa qua, hội nghị báo cáo giám sát 5 năm thực hiện Nghị quyết 31/2016/QH14 đã được tổ chức tại Ninh Thuận.

Bài cuối: Điện hạt nhân không phải là cứu cánh của “net zero” -0

Cho đến nay, chúng ta có thể khẳng định, quyết định dừng đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận hoàn toàn chính xác và hợp lý. Điện hạt nhân có nhiều ưu điểm nhưng đòi hỏi trình độ vận hành cao. Vào thời điểm đó, trình độ của ta về điện hạt nhân còn ở mức độ nhất định. Hơn nữa, tình hình kinh tế đất nước lúc đó có nhiều thay đổi so với thời điểm quyết định chủ trương đầu tư; dư địa tiết kiệm điện còn nhiều và đặc biệt là tiềm năng sử dụng các dạng năng lượng tái tạo như gió, mặt trời rất khả thi.

Sau 5 năm dừng đầu tư điện hạt nhân, chúng ta có thể thấy năng lượng tái tạo có bước phát triển vượt bậc. Trong đó, Ninh Thuận đang hướng tới trở thành trung tâm năng lượng mới của cả nước theo một hướng đi khác, bền vững và kinh tế hơn, đó là năng lượng tái tạo. Không chỉ đóng góp quan trọng cho an ninh năng lượng cả nước, năng lượng tái tạo còn là một trụ cột kinh tế đưa Ninh Thuận vào nhóm 5 địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất nước và giúp thu hẹp nhanh khoảng cách thu nhập của người dân Ninh Thuận so với mặt bằng chung cả nước.

- Quan điểm của ông như thế nào về việc quay lại phát triển điện hạt nhân, đặc biệt trong bối cảnh tại COP26 tháng 11.2021, Việt Nam cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

- Lợi ích của điện hạt nhân chúng ta biết rồi, đó là phát điện ổn định và thải CO2 rất ít. Nguyên liệu đầu vào cũng dễ vận chuyển, không cồng kềnh như than, có khi chỉ bằng ngón tay đã sản xuất ra năng lượng tương đương một tấn than. Thời gian tích trữ nguyên liệu có thể lên tới 70 - 80 năm.

Hơn nữa, như các nhà khoa học đã chỉ ra, công nghệ điện hạt nhân đã có nhiều thay đổi sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản năm 2011. Các lò thế hệ III+ hiện nay đều đáp ứng các yêu cầu khắt khe mới nhất về an toàn và rác thải hạt nhân không còn là vấn đề lớn nữa. Các nhà khoa học Nhật Bản cũng nhận xét Việt Nam có lợi thế nhất định trong phát triển điện hạt nhân vì địa tầng và khí hậu ổn định, khả năng xảy ra sóng thần, động đất thấp nên rủi ro ít hơn.

Nhìn ra thế giới, trong khi Đức cắt giảm thì một số nước như Anh, Pháp vẫn phát triển điện hạt nhân và cho đó là giải pháp hợp lý nhất để phát triển năng lượng. Các quốc gia tiên tiến chắc chắn đã cân nhắc cả vấn đề môi trường, an sinh, an toàn của điện hạt nhân chứ không phải chỉ vấn đề kinh tế.

Về lâu dài tôi cho rằng nước ta có thể cân nhắc phát triển điện hạt nhân bởi tính ổn định và không phát thải CO2, góp phần giảm nhẹ tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Tất nhiên chúng ta phải tính toán đến giá thành của nó nữa. Tuy vậy, tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng chúng ta không nên đặt vấn đề điện hạt nhân là cứu cánh trong việc hiện thực hóa cam kết “net zero”.

Nghiên cứu chu đáo là rất cần thiết

- Vì sao ông cho rằng điện hạt nhân không phải là cứu cánh cho “net zero”?

- Vì chúng ta còn nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo. Theo thời gian, công nghệ tiên tiến có thể hóa giải bất lợi của điện gió, điện mặt trời, giúp phát điện ổn định với giá thành hợp lý hơn. Khi đó, chúng ta sẽ phát huy hết thế mạnh của loại năng lượng xanh và sạch này.

Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch Điện VIII), bản được Hội đồng thẩm định thông qua, đã bám sát các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 nhằm đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Theo đó, giảm nguồn điện than và tăng nguồn điện năng lượng tái tạo. Điện hạt nhân chưa được đề cập song tính toán trong dự thảo Quy hoạch cho thấy chúng ta vẫn bảo đảm được an ninh năng lượng đến năm 2045.

Đối với mục tiêu “net zero”, về lý thuyết, không cần điện hạt nhân vẫn có thể đạt được thông qua các hoạt động như: chuyển dịch mạnh mẽ sang năng lượng tái tạo; giảm tiêu thụ điện năng trong sản xuất công nghiệp, sản xuất sạch; giảm phương tiện giao thông cá nhân; sản xuất nhiệt điện theo hướng sạch hơn nhờ cải tiến công nghệ và nguyên liệu đầu vào; trồng rừng để tăng khả năng hấp thụ CO2; áp dụng công nghệ hấp thụ CO2 - đang được làm thí nghiệm…

- Lý thuyết là vậy nhưng thực tế có thể khác, thưa ông?

- Đúng vậy, thực tế có thể khác bởi đi kèm giải pháp công nghệ luôn là chi phí, tiền bạc. Điện hạt nhân là một giải pháp để hiện thực hóa cam kết tại COP26 nhưng không phải là giải pháp duy nhất. Nhưng nếu bằng tính toán khoa học, nghiên cứu bài bản với sự tham gia, phản biện của các chuyên gia mà chứng minh được, chúng ta có thể bảo đảm tính khả thi về kinh tế; an toàn trong xây dựng, quản lý vận hành nhà máy điện hạt nhân trong mọi điều kiện thời tiết, thiên tai địch họa chiến tranh…; đồng thời quản lý được rác thải hạt nhân thì hoàn toàn có thể phát triển điện hạt nhân.

Nói tóm lại, chúng ta cần nghiên cứu chu đáo, chi tiết về việc này. Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần đánh giá toàn diện, khách quan, khoa học về các nguồn điện; dự báo chính xác hơn cung - cầu năng lượng và có lộ trình cụ thể thực hiện cam kết “net zero” tại COP26 của từng ngành, lĩnh vực... để có đề xuất hợp lý về điện hạt nhân, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Quá trình này cần tham vấn ý kiến các nhà chuyên gia và nhà khoa học. Mục đích cuối cùng là để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế độc lập, tự chủ của đất nước, bảo đảm an ninh cho hệ thống điện với nhu cầu đa dạng nguồn phát.

- Xin cảm ơn ông!

HÀ LAN thực hiện