Góp phần bảo đảm an ninh năng lượng
Việt Nam là quốc gia có tiềm năng về năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) nên cần khai thác triệt để các nguồn năng lượng này. Tuy nhiên, điện gió và mặt trời không ổn định, phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Nếu công nghệ tích trữ năng lượng không tốt thì khó đáp ứng nhu cầu sử dụng. Ở nhiều nước trên thế giới, năng lượng tái tạo được sử dụng như một nguồn năng lượng bổ trợ, còn vẫn phải sử dụng các nguồn năng lượng điện chạy đáy từ nhiệt điện than, dầu khí và điện hạt nhân.
Theo chủ trương của Chính phủ về giảm phát triển nhiệt điện than, thì phải đẩy mạnh phát triển nhiệt điện khí. Tôi không rõ tiềm năng điện khí của Việt Nam có thể sử dụng được bao nhiêu năm (tất nhiên là hữu hạn), trong khi nguồn dầu khí trên thế giới 65% trữ lượng tập trung vào khu vực Trung Đông vốn không mấy ổn định về chính trị. Do đó, nếu trữ lượng dầu khí của chúng ta không thể đáp ứng được nhu cầu mà phải nhập khẩu khí cho phát điện thì khó bảo đảm an ninh năng lượng. Khi đó điện hạt nhân sẽ là một giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng cho quốc gia.
Thêm vào đó, Việt Nam là một nước lớn với quy mô dân số cả trăm triệu người và nguồn tài nguyên năng lượng nội địa hạn chế. Để đạt được mục tiêu "zero carbon" vào giữa thế kỷ này như cam kết của Chính phủ thì điện hạt nhân là một giải pháp cần phải được xem xét dựa trên cân đối cung cầu năng lượng sơ cấp, hiệu quả kinh tế - xã hội và các tác động tương hỗ mà dự án điện hạt nhân sẽ mang lại về phát triển các ngành công nghiệp có liên quan, phát triển tiềm lực khoa học công nghệ và nguồn nhân lực có chất lượng, kỷ luật.
Như vậy, trước sau gì chúng ta cũng phải phát triển điện hạt nhân để bảo đảm an ninh năng lượng. Vấn đề hiện nay là phải xem xét các cơ sở hạ tầng cần thiết, trong đó có hạ tầng về an toàn, an ninh và bồi thường hạt nhân của chúng ta như thế nào và kế hoạch hoàn thiện ra sao thì mới biết khi nào mới nên tái khởi động dự án điện hạt nhân. Muốn vậy, Chính phủ cần giao nhiệm vụ cho Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Bộ Công thương đánh giá hiện trạng và đề xuất kế hoạch cũng như giải pháp bảo đảm phát triển các cơ sở hạ tầng cần thiết phải có để có thể tái khởi động dự án điện hạt nhân trong thời gian sớm nhất.
Có kế hoạch cụ thể để xây dựng và hoàn thiện hạ tầng
Điện hạt nhân là sản phẩm công nghệ cao của nhân loại, đã có lịch sử phát triển và tích lũy kinh nghiệm phát triển gần 70 năm. Các công nghệ điện hạt nhân đang được thương mại hóa hiện nay trên thế giới đã bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn cao có tính đến các kịch bản sự cố, tai nạn giả định dựa trên kinh nghiệm vận hành tích lũy trong rất nhiều năm và sự hợp tác quốc tế rộng rãi.
Nếu làm điện hạt nhân, chúng ta cũng phải nhập khẩu công nghệ và nhiên liệu, nhưng do lượng nhiên liệu tiêu thụ ít hơn rất nhiều so với điện than và dầu khí nên có thể dự trữ nhiều năm (nhà máy điện than chạy công suất 1.000MW hàng năm tiêu thụ 2,6 triệu tấn than, trong khi nhà máy điện hạt nhân cùng công suất hằng năm tiêu thụ khoảng 30 tấn nhiên liệu hạt nhân; một viên gốm nhiên liệu hạt nhân 20gram urani tương đương về năng lượng với 400kg than hay 410 lít dầu hay 350m3 khí tự nhiên). Ngoài ra, phát triển điện hạt nhân phải gắn với cam kết quốc gia với nước cung cấp công nghệ mang tính chiến lược hàng trăm năm để bảo đảm an ninh cung cấp nhiên liệu và các dịch vụ hậu mãi khác.
Trên thực tế, chúng ta cũng đã xây dựng được một số cơ sở hạ tầng cần thiết, trong đó có hạ tầng về an toàn, an ninh và bồi thường hạt nhân theo hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Tuy nhiên, cũng còn khá nhiều vấn đề của cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu ngay ở giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư như khuôn khổ luật pháp, nguồn nhân lực, năng lực của chủ đầu tư, năng lực của cơ quan pháp quy hạt nhân… Vì vậy, việc dừng dự án điện hạt nhân để chúng ta có thời gian xem xét lại các vấn đề của cơ sở hạ tầng này cũng là cần thiết để có các chuẩn bị tốt hơn.
Riêng về địa điểm, chúng ta đã có quy hoạch các địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Các địa điểm này đã được các cơ quan chuyên môn trong nước phối hợp với các đối tác của nước công nghiệp điện hạt nhân như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Nga, Hoa Kỳ và IAEA nghiên cứu đánh giá và khảo sát thực địa. Vì vậy, các địa điểm này nên được bảo lưu cho kế hoạch phát triển điện hạt nhân trong tương lai tránh lãng phí nguồn lực. Hai địa điểm ở Ninh Thuận (Phước Dinh và Vĩnh Hải) là những địa điểm có ưu tiên cao trong các nghiên cứu trước đây nên đã được đề xuất cho dự án điện hạt nhân đầu tiên. Nếu Chính phủ chưa cho phép điều chỉnh quy hoạch 2 địa điểm này thì nên giữ lại vì đối với 2 địa điểm này đã có nghiên cứu chi tiết ở giai đoạn lập dự án đầu tư của đối tác Nga và Nhật Bản có thể sử dụng lại sau này, tránh lãng phí nguồn đầu tư.
Đặc thù của điện hạt nhân cần có các yêu cầu về cơ sở hạ tầng nói chung của quốc gia (19 vấn đề) và hạ tầng an toàn, an ninh và bồi thường hạt nhân (20 vấn đề). Vì vậy, cần có kế hoạch cụ thể để xây dựng và hoàn thiện các cơ sở hạ tầng cần thiết này theo hướng dẫn của IAEA (NG-G-3.1 và SSG-16). Do đó, cần phải có Ban chỉ đạo quốc gia có thẩm quyền và có nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng các cơ sở hạ tầng cần thiết.
Các vấn đề cụ thể theo quan điểm cá nhân cần quan tâm hơn bao gồm: Xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ luật pháp đầy đủ, trong đó sớm sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử; xây dựng Cơ quan pháp quy hạt nhân có năng lực và thẩm quyền; xây dựng chủ đầu tư dự án điện hạt nhân (công ty điện hạt nhân) có năng lực tổ chức thực hiện dự án và quản lý vận hành an toàn nhà máy khi dự án kết thúc; chọn đối tác tin cậy cung cấp công nghệ và nhiên liệu lâu dài cho nhà máy điện hạt nhân của chúng ta; và có chiến lược bảo đảm nguồn nhân lực và thiết lập hệ thống giáo dục trong nước liên quan đến điện hạt nhân.
Trong trường hợp chúng ta có khó khăn về tài chính, có thể xem xét phương án đầu tư BOO cho dự án điện hạt nhân. Với mô hình này, nguồn vốn đầu tư và hiệu quả kinh tế của dự án điện hạt nhân là trách nhiệm của công ty nước ngoài. Về phía Nhà nước, cần thiết phải hoàn thiện hệ thống luật pháp liên quan và xây dựng cơ quan pháp quy hạt nhân có năng lực và thẩm quyền để quản lý an toàn nhà máy điện hạt nhân của nước ngoài trên lãnh thổ nước ta.