Đầu tư sinh lời với vốn chỉ từ 50.000 đồng
Thời gian gần đây, trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech), các ứng dụng đầu tư nở rộ, đã thu hút sự chú ý của nhiều khách hàng cá nhân với các hoạt động đầu tư, quản lý tài sản, gửi tiết kiệm trực tuyến. Hàng loạt ứng dụng đầu tư có thể kể đến như Infina, Finhay, Tikop, BUFF, Save Now, 3GANG,...
Đáng chú ý, lĩnh hoạt động của các công ty Fintech ở nước ta còn khá mới mẻ và hầu hết chưa có khung pháp lý toàn diện hoặc quy định pháp lý cụ thể nào để điều chỉnh. Do đó tiềm ẩn rủi ro đối với các chủ thể tham gia thị trường, bao gồm khách hàng sử dụng dịch vụ và chính bản thân doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, giải pháp Fintech.
Theo ghi nhận thực tế, Finhay đang là cái tên nổi bật thu hút sự quan tâm với hơn 2,7 triệu người dùng trong độ tuổi từ 22 đến 30 với cam kết đầu tư sinh lời chỉ từ 50.000 đồng.
Cụ thể, trên ứng dụng Finhay, sau khi đăng ký tài khoản, người dùng sẽ được trải nghiệm các tính năng của ứng dụng này. Sản phẩm của Finhay gồm có đầu tư chứng khoán, đầu tư quỹ, tích luỹ, hũ vàng.
Đối với dịch vụ đầu tư quỹ tăng trưởng dài hạn, người dùng chỉ cần số vốn ít ỏi từ 50.000 đồng sẽ được hưởng lãi suất từ 6% - 49,6%/năm.
Đối với dịch vụ tích luỹ, người dùng được lựa chọn các gói tích luỹ chính với mức lãi suất hấp dẫn. Gói tích luỹ không kỳ hạn là 6%/năm, tích luỹ 21 ngày là 7%/năm, tích luỹ 3 tháng là 8,5%/năm, tích luỹ 12 tháng là 10%/năm.
Với kỳ hạn gửi tiền tích luỹ 3 tháng trên Finhay, mức lãi suất 8,5% cũng cao hơn hẳn so với các "ông lớn" như BIDV, Agribank, Vietcombank, MB Bank, TP Bank...
Bên cạnh đó, tất cả tiền của khách hàng nạp vào Finhay để dùng các gói tiết kiệm hay tích luỹ đều sẽ được Finsight chuyển đến đơn vị quản lý đầu tư là Công ty cổ phần Quản lý quỹ Thiên Việt (công ty con của Công ty Chứng khoán Thiên Việt) để đầu tư vào chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu doanh nghiệp,...
Công ty Chứng khoán Thiên Việt là một trong 3 cổ đông của Finhay - một fintech khác cũng đang tích cực huy động tiền tiết kiệm của khách hàng cá nhân mấy năm qua. Từ giữa năm 2020, các sản phẩm tiết kiệm của Finhay được đổi tên thành tích lũy, song bản chất sản phẩm hầu như không thay đổi.
Theo Finhay, số tiền của khách hàng sẽ được chuyển tới các quỹ đầu tư tài chính tại Việt Nam (bao gồm quỹ mở và quỹ hoán đổi danh mục), được sử dụng để đầu tư vào thị trường cổ phiếu hoặc trái phiếu, trả về cho nhà đầu tư một số chứng chỉ quỹ (CCQ), tương ứng số tiền mà khách hàng đã đầu tư. Nếu quỹ hoạt động tốt, chứng chỉ quỹ của khách hàng sẽ có giá trị cao hơn và ngược lại.
Không chỉ đi đường vòng, đứng sau các fintech để huy động vốn, nhu cầu cho vay margin tăng mạnh khiến thời gian qua, rất nhiều công ty chứng khoán đã trực tiếp đưa ra các hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng hợp tác kinh doanh mà bản chất chính là huy động vốn, trả lãi tiết kiệm cho nhà đầu tư cá nhân. Bộ Tài chính cũng đã tuýt còi đối với Công ty Chứng khoán MB (MBS) và VNDirect về hoạt động huy động vốn trá hình.
Siết chặt kẽ hở đối với ứng dụng huy động vốn
Trong bối cảnh khát vốn kinh doanh, việc các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ tìm mọi cửa huy động vốn là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, UBCKNN đã tuýt còi đối với hành vi huy động vốn qua ứng dụng điện thoại.
Theo đó, ngày 5.10.2022, UBCKNN đưa ra khuyến cáo nêu rõ, trong thời gian gần đây, một số doanh nghiệp đã thiết lập các website, app giao dịch (Passion Invest, Finhay, Tikop, Infina, Savenow, BUFF,…) sử dụng công cụ truyền thông, báo chí quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ của mình để huy động vốn của các nhà đầu tư dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán mà không được UBCKNN cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
Nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi có tranh chấp xảy ra mà không được pháp luật về chứng khoán bảo vệ quyền và lợi ích của mình. UBCKNN khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng khi thực hiện các giao dịch đầu tư chứng khoán trên các app giao dịch này, nhà đầu tư chịu trách nhiệm đối với các rủi ro có thể phát sinh.
Với cảnh báo này, rủi ro của nhà đầu tư là dễ nhận thấy. Còn về phần các công ty Fintech, có thể nói, rủi ro lớn nhất cho hoạt động kinh doanh tới từ quy định của nhà quản lý.
Theo Bộ Tài chính, để thu thập tài liệu chứng minh hoạt động của các tổ chức sử dụng ứng dụng điện thoại có dấu hiệu vi phạm hay không và đưa ra cảnh báo phù hợp cho nhà đầu tư thì sẽ mất một khoảng thời gian do một số yếu tố khó khăn tác động.
Cụ thể, các doanh nghiệp này không phải là các đơn vị do UBCKNN thành lập và quản lý, mà được các sở kế hoạch và đầu tư tỉnh, thành phố cấp theo Luật Doanh nghiệp. Hoạt động của những đơn vị này cũng được thực hiện trong môi trường công nghệ, thông qua cung cấp nền tảng công nghệ, gồm hệ thống website và các ứng dụng app giao dịch trên điện thoại di động.
Các doanh nghiệp trên truyền thông để quảng bá, thu hút vốn của nhà đầu tư nhưng lại dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh theo Luật Dân sự. Điều này gây khó khăn trong quá trình giám sát, xác minh làm rõ dấu hiệu vi phạm.
Bộ Tài chính cho rằng, cần định hướng các công ty fintech sử dụng nền tảng công nghệ và hoạt động đúng vai trò cung cấp dịch vụ công nghệ trung gian cho các công ty quản lý quỹ, tuân thủ quy định của pháp luật nhằm khuyến khích phát triển công nghệ fintech nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư.