Thuận thiên bền vững

- Chủ Nhật, 30/01/2022, 06:23 - Chia sẻ
Hơn 300 năm trước, những người mang gươm đi mở cõi đã nương theo những dòng sông để khai làng, lập ấp. Từ đó đến nay, con người và những dòng sông đã hòa hợp tạo nên nét độc đáo của nền văn minh sông nước, văn minh miệt vườn. Ngày nay, người dân đồng bằng vẫn đang mong chờ một kế hoạch sử dụng nguồn nước theo hướng thuận thiên, lấy nước làm điểm tựa cho phục hồi phát triển bền vững.

 “Sông mở nước ôm tôi vào dạ”[1]

Ngày còn nhỏ, mỗi khi được ra phố thị sắm Tết, tôi lại về nhà òn ỉ với nội (ông nội), sao nhà mình không ở phố mà lại ở ven sông? Thế rồi, thỉnh thoảng nội lại kể cho tôi nghe chuyện về những dòng sông bất tận.

Nội dạy tôi rằng, đồng bằng sông Cửu Long có hai dòng sông cái lớn là sông Tiền và sông Hậu. Hai dòng sông mẹ này sinh ra hàng trăm sông con; mỗi sông con lại sinh ra các con rạch nhỏ; mỗi rạch nhỏ lại rẽ ra các con xẻo, khóm, mương, ngòi… Hệ thống ấy cùng các sông lớn, sông bé khác làm nên một vùng châu thổ trù phú với nhiều nét văn hóa sông nước hào sảng, quyến rũ và đầy thú vị.

Từ bao đời, người dân vùng Tây Nam Bộ xây nhà dọc theo những dòng sông. Nhà cửa quay ra sông, lấy sông làm mặt tiền, bởi dòng sông khi xưa không chỉ đong đầy phù sa mà còn chứa đầy tôm cá. Nước lan tỏa theo các dòng sông, kênh, rạch mở đường cho những làng xóm mọc lên với những cái tên gắn với sông nước như “miệt giồng”, “miệt vườn”, “miệt cù lao”, “miệt kênh”, “miệt thứ”… Khi đó, đường bộ chưa phát triển nên hầu như mỗi nhà đều có xuồng ghe như xe máy bây giờ. Việc đi lại, vận chuyển của người Tây Nam Bộ gắn chặt với ghe thuyền, sông rạch. Họp chợ cũng ở trên sông, lâu dần hình thành chợ nổi Cái Bè, Trà Ôn, Ngã Bảy, Cái Răng...

Phần lớn nghề nghiệp của cư dân ở đồng bằng sông Cửu Long đều gắn với môi trường sông nước, nhờ sông nước mà tồn tại như trồng lúa nước, đánh bắt cá, chăn nuôi, chuyên chở hàng hóa, khai thác thủy sản, đóng ghe xuồng… Lâu dần, sinh hoạt và ứng xử của người đồng bằng sông Cửu Long cũng hình thành theo quy luật sông nước. Dựa vào con nước lớn, nước ròng, theo mùa nước nổi, người ta trồng những mùa vụ thích hợp, tránh nước ngập, né khô hạn; dựa theo con nước để đánh bắt cá; xuôi theo con nước mà tính toán giờ đi giờ về.

Thỉnh thoảng, trong những lúc cao hứng, khề khà với vài người bạn tri kỷ, nội tôi lại ngâm nga vài điệu Lục Vân Tiên hay câu vọng cổ Tình anh bán chiếu. Từ vốn văn hóa dân gian của ông bà, ngày vào đại học, trong vốn ngôn từ tôi mang ra phố thị dày đặc những rạch, xẻo, vàm, lung, láng, bưng, bàu, cù lao, cồn, giồng, nước lớn, nước ròng, nước rong, nước nổi… khiến bạn bè dù mới gặp cũng đoán ngay tôi dân miền Tây.

Bao giờ thi văn nghệ, tôi cũng chọn một trong những điệu hò độc đáo xứ mình. Những Lý con cua, Lý bông súng, hò chèo ghe, hò mái dài, mái cụt, hò sông Hậu, hò Đồng Tháp… khiến đám bạn nằng nặc đòi về thăm quê tôi cho biết. Mâm cơm đãi khách bao giờ má cũng nấu những món đặc trưng của ẩm thực khẩn hoang khiến bạn bè tôi nhớ mãi, còn trong tôi dậy lên niềm hạnh phúc khi được sinh ra ở một nơi đậm nền văn hóa sông nước, văn minh miệt vườn, nơi có những con người hiền hòa, trọng nghĩa khí, yêu thiên nhiên, giàu lòng hào hiệp. 

Mùa nước nổi miền Tây
Nguồn: ITN

Thuận thiên để phát triển bền vững

Hiểu được giá trị của sông nước, từ hàng trăm năm trước, người dân Nam bộ đã xẻ đất, đào kênh, tạo nên những dòng kênh Thoại Hà, Vĩnh Tế, Bảo Định dài hàng trăm kilomet, đưa nước đến muôn nơi. Thế kỷ trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, những con kênh xuyên qua vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên cũng được hình thành vừa tạo những tuyến giao thương đường thủy, vừa đưa nước ngọt vào thau chua, rửa phèn, thoát lũ để khai hoang, mở rộng vùng trồng lúa, trồng màu. Những dòng kênh chiến lược và giàu trí tuệ này đã giúp cho vùng đồng bằng châu thổ không chỉ trở thành vựa lúa, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia mà còn đưa Việt Nam vươn lên trở thành cường quốc xuất khẩu gạo, tạo ra những giống gạo ngon hàng đầu thế giới như ST24, ST25.

Rồi khi những tuyến đường nhựa, những cây cầu bê tông mọc lên ngày càng nhiều, con người chạy theo tốc độ đô thị hóa, đua theo sản lượng nên tuôn hàng trăm loại hóa chất xuống các dòng sông. Canh tác nông nghiệp lạm dụng phân vô cơ, thuốc trừ sâu, các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong, những công trình ngăn lũ trong nội địa ngăn nước đổ về, mực nước mùa nước nổi ngày càng thấp, nước sông không còn đỏ ngầu phù sa, cá tôm thiên nhiên cạn kiệt dần. Người dân giữa mênh mông sông nước không ngờ có ngày phải đối phó với hạn mặn, thiếu nước sinh hoạt, nước uống phải mua từng thùng. Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ sụt lún và biến mất hoàn toàn bởi vấn nạn khai thác nước ngầm, khai thác khoáng sản.

Nhận thấy nguy cơ khi con người phụ lòng con nước, nhiều năm gần đây, rất nhiều nhà khoa học, nhà quản lý lên tiếng bảo vệ những dòng sông, bảo vệ đất chín rồng theo phương châm thuận theo tự nhiên, sử dụng hợp lý tài nguyên nước theo phương châm sống chung với nước ngọt, nước lợ và nước mặn, lấy nước làm điểm tựa cho phục hồi và phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long.

Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu chủ trương “lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, là cơ sở cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng cần phải được quản lý tổng hợp trên toàn lưu vực. Bên cạnh tài nguyên nước ngọt, cần coi nước lợ, nước mặn cũng là nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế”.

Tại Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu tổ chức ở Cần Thơ tháng 3.2021, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc - khi đó giữ cương vị Thủ tướng Chính phủ - nhấn mạnh tầm quan trọng của tài nguyên nước, của hệ thống sông ngòi trong vùng. Ông cho rằng, chiến lược phát triển của vùng cần tận dụng được lợi thế, phát huy vai trò của các con sông để phát triển kinh tế nông nghiệp, lúa gạo, trái cây, thủy sản, giao thông và đặc biệt là hệ thống logistics đường sông thì mới thành công, mới có văn hóa đồng bằng sông Cửu Long. Ông cũng đề nghị nghiên cứu khái niệm “kinh tế sông” để phát triển đồng bằng sông Cửu Long bền vững.

Tháng 11.2021, Hội đồng thẩm định Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030 họp, đánh giá cao và cơ bản nhất trí với dự thảo Quy hoạch do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng với đơn vị tư vấn là Liên danh Haskoningdhv (Hà Lan) và GIZ (CHLB Đức). Dự thảo Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2050, vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển là đồng bằng bền vững, là nơi đáng sống và làm việc; là điểm đến hấp dẫn du khách và nhà đầu tư. Trọng tâm của chiến lược phát triển vùng là “bảo vệ người dân, cải thiện sinh kế, phát triển cân bằng, bảo vệ môi trường”.

Dự thảo Quy hoạch cũng bổ sung quan điểm lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, chủ động thích nghi sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn, coi nước mặn, nước lợ là nguồn tài nguyên thiên nhiên theo Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, để hỗ trợ cho chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, phân vùng theo độ mặn thành 3 vùng, gồm: vùng ngọt quanh năm; vùng chuyển tiếp ngọt - lợ và vùng mặn - lợ. Phân vùng theo sinh thái nông nghiệp thành 14 vùng, bao gồm 6 tiểu vùng trong vùng ngọt quanh năm, 5 tiểu vùng trong vùng chuyển tiếp ngọt - lợ, 3 tiểu vùng trong vùng mặn - lợ…

Tết năm nay tôi sẽ về nhà, kể cho nội nghe những chuyển động chính sách trong việc nhìn nhận, khai thác, phát huy những giá trị tài nguyên nước của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Mùa xuân sẽ rực rỡ hơn trong lòng của một lão nông tri điền nặng lòng với vùng sông nước!

___________

[1] Thơ Tế Hanh, bài “Nhớ con sông quê hương” 

Vũ Châu