Trên thị trường tài chính từ lâu đã xuất hiện cái tên Truemoney thuộc Công ty Cổ phần Truemoney Việt Nam. Thương hiệu Truemoney bản chất là một App (ứng dụng) tài chính để sử dụng trên các thiết bị thông minh có kết nối internet. Truemoney cũng gây chú ý khi thực hiện nhiều liên kết để thực hiện các dịch vụ tài chính với các ngân hàng thương mại cổ phần lớn tại Việt Nam.
Về lịch sử phát triển, Truemoney được ra đời bởi công ty fintech ở Đông Nam Á, thuộc CP Group. Năm 2013, Công ty Cổ phần Truemoney Việt Nam bắt đầu hoạt động. CEO của Truemoney Việt Nam là ông Nguyễn Thiện Tâm.
Vốn điều lệ của Truemoney hiện tại ở mức 50 tỷ đồng (90% là vốn nước ngoài). Các cổ đông sáng lập của Truemoney gồm: Công ty TNHH Truemoney có đại diện là ông Punnamas Vichikul Wongsa (Thái Lan); Công ty cổ phần MOG Việt Nam; Đinh Quang Huy; Hoàng Mạnh Hà; Trần Anh Dũng và Luyện Ngọc Huy.
Theo giới thiệu, TrueMoney Việt Nam cung cấp các dịch vụ tài chính điện tử thông qua Ví điện tử TrueMoney và Cổng thanh toán TrueMoney. Ví TrueMoney có 40 triệu khách hàng tin dùng, 65.000 đại lý trong hệ thống và hàng trăm nghìn điểm chấp nhận thanh toán đến dịch vụ online trên ví điện tử.
Mặc dù hoạt động kinh doanh “sôi nổi” như vậy nhưng tình hình kinh doanh của Truemoney trong những năm gần đây gây bất ngờ cho giới tài chính khi liên tục sụt giảm nguồn thu và lỗ “đầm đìa”.
Cụ thể, chỉ từ năm 2018 đến 2022, doanh thu của Truemoney Việt Nam đã rơi từ đỉnh hơn 600 tỷ xuống chỉ còn vỏn vẹn hơn 6 tỷ. Đáng chú ý, trong giai đoạn 2020-2021 là năm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, doanh thu của Truemoney bất ngờ “suy kiệt” trầm trọng. Điều này đi ngược lại với một số app tài chính khác trên thị trường khi đây chính là giai đoạn vay để chi trả của người dân tăng cao.
Không chỉ doanh thu, lợi nhuận của Truemoney còn cho thấy tình trạng kinh doanh bết bát của doanh nghiệp do CEO Nguyễn Thiện Tâm điều hành. Bởi lẽ, dù vào năm 2018, doanh thu đạt đỉnh hơn 600 tỷ đồng nhưng Truemoney vẫn báo lỗ hàng trăm tỷ.
Tính trong cả giai đoạn 5 năm gần đây không một năm nào Truemoney sinh lời, triền miên thua lỗ là tình trạng của Fintech đình đám này khiến khoản lỗ lũy kế đội lên hơn 600 tỷ đồng.
Quay trở lại câu chuyện doanh thu của Truemoney, đúng vào giai đoạn “khủng hoảng” doanh thu nêu trên, năm 2021, Truemoney bất ngờ cho ra đời “Truemoney vay” hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ tương tự với mô hình của F88.
“Truemoney vay” được thành lập bởi pháp nhân là Công ty TNHH dịch vụ TFS vẫn do ông Nguyễn Thiện Tâm làm Tổng giám đốc, vốn điều lệ của TFS đang ở mức 82 tỷ đồng.
Cửa hàng “Truemoney vay” đầu tiên ra đời là cơ sở tại Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội. Sau đó, “Truemoney vay” liên tục mở rộng các cơ sở phủ kín địa bàn Hà Nội.
Việc Truemoney Việt Nam kinh doanh thua lỗ như vậy nhưng ông Nguyễn Thiện Tâm vẫn đủ lực để mở rộng kinh doanh cho vay cầm đồ được nhiều người cho rằng đến từ việc “bơm tiền” của C.P Group.
Tuy nhiên, với thực trạng thị trường tài chính tiêu dùng đang gặp khó khăn như hiện nay, việc ‘nhảy’ vào mảng cho vay cầm đồ để tìm kiếm lợi nhuận sẽ không hề dễ dàng đối với hệ sinh thái của Truemoney.