Liên quan đến vụ phá rừng tự nhiên làm đường dây 110 kV (giai đoạn 2) của thủy điện Tr’Hy, ngày 5.3, Công an huyện Tây Giang (Quảng Nam) cho biết, đã tiếp nhận hồ sơ, tài liệu do Hạt kiểm lâm huyện này chuyển sang. Trước đó, cơ quan kiểm lâm cũng đã tiến hành khởi tố vụ án hình sự vụ phá rừng tự nhiên quy mô lớn.
Phá rừng xong… xin trồng lại rừng
Theo tìm hiểu, sau khi vụ việc tự ý chặt phá rừng tự nhiên để thi công dự án đường dây 110 kV của thủy điện Tr’Hy bị phát hiện, Giám đốc Công ty CP Tài chính và Phát triển Năng lượng Đinh Quốc Quyền đã có công văn gửi UBND huyện Tây Giang.
Trong đó nêu rõ, hạng mục đường dây 110 kV (giai đoạn 2) của dự án thủy điện Tr’Hy gồm có 75 vị trí cột, dài hơn 29,9 km đi qua địa bàn các huyện, xã như: xã Lăng, A Tiêng, Dang (huyện Tây Giang) và xã Ma Cooih thuộc huyện Đông Giang.
Hiện nay, hạng mục này là đường găng của dự án thủy điện Tr’Hy, do các hạng mục còn lại của dự án như: Đập dâng – Đập trà, Cửa nhận nước, Hầm dẫn nước, Nhà máy thủy điện, Trạm biến áp 110kV, đường dây 110 kV đoạn 1 và đoạn 3 đã hoàn thành toàn bộ công tác xây lắp và tích nước hồ chứa vào ngày 18-6-2023. Chỉ còn xây lắp hoàn thành hạng mục: đường dây 110 kV (giai đoạn 2) là đủ điều kiện đấu nối thủy điện Tr’Hy vào lưới điện Quốc gia.
Trong công văn này, ông Quyền cũng thừa nhận, trong quá trình thi công hạng mục nêu trên, FED đã tác động đến 1,79 ha rừng tự nhiên khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.
“Nhằm tạo điều kiện để dự án sớm hoàn thành, đáp ứng công tác truyền tải công suất Nhà máy thủy điện Tr’Hy lên lưới điện Quốc gia, Công ty cam kết với UBND huyện Tây Giang thực hiện trồng rừng khắc phục hậu quả của đường dây 110 kV (giai đoạn 2) với tích 5,37 ha sau khi phương án trồng rừng khắc phục hậu quả được cấp có thẩm quyền phê duyệt. FED cũng xin được xử phạt hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp do Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định ban hành” (Công văn FED nêu).
Công văn này của doanh nghiệp được gửi đến Viện kiểm sát Nhân dân huyện Tây Giang, Hạt kiểm lâm huyện Tây Giang.
Khởi tố vụ án
Liên quan đến vụ án tự ý phá rừng tự nhiên làm đường dây 110 kV của chủ thủy điện Tr’Hy, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang (Quảng Nam) Nguyễn Văn Lượm cho biết, sau khi nhận được tin báo về tình trạng phá rừng xảy ra trên địa bàn huyện đã cử lực lượng chức năng đến kiểm tra, báo cáo làm rõ trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị trong quản lý rừng.
Theo lãnh đạo huyện Tây Giang, qua làm việc với Ban quản lý Nhà máy thủy điện Tr’Hy, đơn vị này cho biết mục đích việc phá rừng không phải lấy gỗ mà làm đường để vận chuyển nguyên vật liệu thi công làm trụ điện. Qúa trình vận chuyển có xâm hại đến rừng tự nhiên.
Đối với việc chủ đầu tư dự án thủy điện Tr’Hy đề xuất trồng rừng thay thế, lãnh đạo huyện này xác nhận có nhận được đề xuất như trên. Theo đó, đây là việc mà chủ đầu tự dự án thủy điện phải làm. Nhưng đi kèm với đó thì việc xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan vẫn phải được tiến hành theo quy định chứ không thể nói trồng rừng thay thế là xong.
Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân ngày 4.3, ông Nguyễn Văn Sinh - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Tây Giang cho biết, do địa bàn quản lý của đơn vị khá rộng, nhiều khoảnh rừng đã được giao khoán về cho người dân quản lý nên khi chủ đầu tư thủy điện Tr’Hy lén lút phá rừng thì đơn vị quản lý khó phát hiện. “Sau thời điểm phát hiện rừng bị phá, Ban quản lý đã tăng cường 5 đội tuần tra liên tục để bảo vệ. Đây cũng là thời điểm vào mùa vụ, đồng bào đốt rẫy nhiều nên công tác bảo vệ rừng càng phải siết chặt hơn. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của chúng tôi là thiếu thốn nhân lực để quản lý một vùng rừng rộng lớn”, ông Sinh nói.
Trao đổi về phương án trồng rừng khắc phục do chủ đầu tư thủy điện đề xuất, ông Sinh nói: “Phương án này cần phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép mới triển khai. Nhưng tôi cho rằng vẫn có tính khả thi. Theo đó, phía công ty phải trồng lại các loại cây bản địa với diện tích và quy mô lớn hơn nhiều lần số rừng bị phá”, ông Sinh chia sẻ.
Trước đó, như Báo Đại biểu Nhân dân đã thông tin, mặc dù chưa hoàn thành các thủ tục theo quy định nhưng chủ đầu tư dự án đường dây 110 kV (giai đoạn 2) thuỷ điện Tr’Hy đã tự ý thi công san ủi các móng trụ, mở đường và chặt hạ cây rừng tự nhiên, làm thiệt hại diện tích 2,2492 ha rừng tự nhiên, khối lượng gỗ thiệt hại còn tại hiện trường là 113,294 m3/395 cây.
Trong đó, huyện Tây Giang có diện tích rừng bị thiệt hại là hơn 2,2 ha (trong đó Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Giang quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Giang quản lý 0,4791 ha, UBND xã quản lý 1,7466 ha; Huyện Đông Giang: 0,0235 ha thuộc UBND xã quản lý).
* Báo Đại biểu Nhân dân sẽ tiếp tục giám sát, thông tin kết quả thực thi pháp luật của các cơ quan liên quan trong vụ việc trên đến bạn đọc và cử tri cả nước.