Tỷ lệ thất thoát nước quá cao
Thông báo Kết luận Thanh tra số 72/TB-TTr của Thanh tra tỉnh chỉ ra, kế hoạch, tiến độ cổ phần hóa Công ty TNHH MTV cấp nước Kon Tum (gọi tắt công ty cấp nước Kon Tum) thời gian hoàn tất chuyển thành công ty cổ phần là trước ngày 31.7.2016. Tuy nhiên, do việc chậm xác định giá trị doanh nghiệp và xây dựng phương án, dẫn đến chậm tiến độ và kế hoạch cổ phần hóa theo chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh. Công ty còn chậm trong xây dựng phương án xử lý tài chính. Ban chỉ đạo cổ phần hóa phải có văn bản để đôn đốc thực hiện.
Thông báo Kết luận thanh tra cũng chỉ ra, công ty không tổ chức công bố công khai thông tin về quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1, Điều 11 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP. Quá trình kiểm tra phương án 188/PA-NCKT, ngày 28.9.2020 điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch của công ty, theo phương án đơn vị lập, dự kiến tài sản cố định tăng trong giai đoạn 2019-2023 là hơn 117 tỷ đồng, tài sản cố định hữu hình tăng hơn 2,6 tỷ đồng (bao gồm chủ yếu là dự án xây dựng trạm bơm nước thô và xây dựng cụm xử lý công suất 20.000m3, mạng lưới truyền tải phân phối nước sạch). Tuy nhiên đến thời điểm thanh tra, các dự án trên vẫn chưa đưa vào hoạt động.
Ngoài ra, trong phương án sử dụng nước thì tỷ lệ thất thoát nước năm 2021 là 20,72%, năm 2022 là 19,29 %, năm 2023 là 17,86 %. Tuy nhiên, tỷ lệ thất thoát thực tế là năm 2020 là 26%, năm 2021 là 21,9% và năm 2022 là 21,45%. Tỷ lệ thất thoát này cao hơn phương án đơn vị lập và cao hơn mức tối đa theo quy định của Thông tư số 44/2021/TT-BTC, ngày 18.6. 2021 của Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, đến nay đơn vị chưa thực hiện rà soát, lập lại phương án theo quy định. Theo Thanh tra tỉnh, trách nhiệm để xảy ra khuyết điểm, tồn tại nêu trên thuộc về Công ty cổ phần cấp nước Kon Tum.
Áp dụng giá bán nước trái quy định
Kết luận Thanh tra tỉnh cũng chỉ ra, về áp dụng giá nước sạch đối với các hộ sản xuất vật chất và kinh doanh, theo quy định, hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập. Do đó, đa số hộ kinh doanh có sử dụng nước cho nhiều mục đích khác nhau (sinh hoạt hộ gia đình; sản xuất vật chất, kinh doanh dịch vụ). Tuy nhiên, không được công ty đưa đầy đủ các mục đích sử dụng nước vào hợp đồng, mà chỉ xác định một mục đích sử dụng nước chung cho sản xuất, kinh doanh dịch vụ.
Theo Thanh tra tỉnh, Công ty cấp nước Kon Tum lập các hợp đồng dịch vụ cấp nước với khách hàng, nhưng thực tế không phân biệt cụ thể cho từng mục đích sử dụng nước khác nhau, để xác định giá tiêu thụ nước sạch; mà phân biệt tất cả các đối tượng sản xuất, kinh doanh dịch vụ đều phải áp dụng một mức giá cho mục đích hoạt động sản xuất vật chất, hoạt động kinh doanh dịch vụ (16.564 đ/m3) là chưa đúng theo nguyên tắc xác định giá tiêu thụ nước sạch theo quy định.
Việc khách hàng sử dụng nước chỉ dùng một đồng hồ đo nước, nhưng sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, đã được Sở Tài chính và các cơ quan, địa phương nhiều lần đặt vấn đề với công ty; đồng thời, cũng đã đề nghị công ty thực hiện điều chỉnh hợp đồng sử dụng nước và thu tiền sử dụng nước theo từng mục đích sử dụng; hoặc có giải pháp phân loại nhóm khách hàng tương ứng với mục đích kinh doanh, để áp giá phù hợp tình hình thực tế sử dụng. Tuy nhiên, công ty đã không thực hiện việc thỏa thuận với khách hàng sử dụng nước cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau, theo đề nghị của Sở Tài chính và các cơ quan, địa phương.
Theo Thanh tra tỉnh, mặc dù, đã được Sở Tài chính và các cơ quan, địa phương nhiều lần chỉ ra và đề nghị điều chỉnh, có giải pháp để thực hiện theo quy định, nhưng công ty vẫn không tiếp thu để thực hiện. Từ đó dẫn đến phát sinh nhiều ý kiến, kiến nghị của nhân dân trên địa bàn thành phố, do các hộ kinh doanh phải áp dụng và đã chi trả giá nước sạch dùng cho mục đích sinh hoạt theo đơn giá nước sạch áp dụng cho mục đích sản xuất vật chất, kinh doanh dịch vụ.
Kết luận thanh tra cũng chỉ ra, Công ty cổ phần cấp nước Kon Tum có dấu hiệu “bỏ ngoài sổ sách” tài sản là một thửa đất 500m2, sử dụng đất sai mục đích, kê khai nộp thuế không đúng quy định.