- Thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước
- Phiên họp Ban Chỉ đạo Đề án tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
- Phòng, chống tham nhũng và quản trị điện tử được cải thiện
UBND TP. Hồ Chí Minh vừa có Báo cáo số 120/BC-UBND về Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) quý I.2024.
Theo đó, công tác PCTNTC trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng; UBND TP. Hồ Chí Minh tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ công tác PCTNTC theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC, Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan Trung ương; xây dựng nhiều kế hoạch, chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương về công tác PCTN.
UBND TP. Hồ Chí Minh luôn tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo vụ việc cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác PCTNTC; các giải pháp phòng ngừa TNTC được triển khai thực hiện toàn diện. Các cấp chính quyền chủ động xây dựng và triển khai chương trình, kế hoạch về công tác PCTNTC phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị..
Theo báo cáo, trong quý I.2024, tổng số vụ việc, đối tượng tham nhũng được phát hiện là 5vụ/7người; có 513 trường hợp cán bộ, công chức, viên chức được chuyển đổi vị trí công tác (thực hiện theo Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 1.7.2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tham nhũng).
Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, dù công tác PCTNTC đạt được nhiều thành quả nhưng vẫn còn không ít khó khăn. Cụ thể, một số biện pháp phòng ngừa TNTC còn chưa đáp ứng được yêu cầu, hiệu quả chưa cao; công tác kiểm tra, giám sát nội bộ chưa thường xuyên. Công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTNTC được quan tâm nhưng hiệu quả chưa tương xứng.
Các văn bản liên quan công tác PCTNTC thường được phát hành theo chế độ “Mật” dẫn đến khó tiếp cận, khó triển khai thực hiện. Nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến việc thực hiện các giải pháp PCTNTC nhất là việc chuyển đổi vị trí công tác; công tác kiểm tra, giám sát việc kê khai, công khai và kiểm soát tài sản thu nhập…
Việc phát hiện tham nhũng còn ít so với thực tế; việc xử lý tham nhũng còn kéo dài; công tác kiểm tra, giám sát nội bộ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa hiệu quả; việc tự phát hiện tham nhũng trong đơn vị còn ít. Tiến độ xử lý tin tố giác tội phạm và công tác điều tra, khởi tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng còn chậm.
Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, trong thời gian tới, công tác PCTNTC sẽ tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiến hành thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện pháp luật về PCTNTC là công tác kê khai tài sản, xác minh tài sản, thu nhập người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện quy định về công khai, minh bạch trên các lĩnh vực (đặc biệt trong quy hoạch, sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, dự án đầu tư, các dự án đầu tư lớn, trọng điểm của Thành phố; công tác quản lý đất đai; các dự án có nguồn vốn nhà nước, dự án BOT, BT, quản lý tài chính, tài sản trong các doanh nghiệp có vốn nhà nước, cổ phần hóa doanh nghiệp; tuyển dụng, bổ nhiệm…)…
UBND TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Thanh tra Chính phủ xây dựng và ban hành Quy trình xác minh tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập) bao gồm các biểu mẫu kèm theo) để việc thực hiện các trình tự, thủ tục xác minh được đồng bộ, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế tại mỗi địa phương. Sớm xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập tập trung, thống nhất, bảo đảm sự quản lý chặt chẽ, đồng thời có sự phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo thẩm quyền…