Khuyến khích hay siết chặt

Dương Cầm 04/08/2017 07:07

Khuyến khích hay hạn chế, siết chặt hay nới lỏng là những câu hỏi được đưa ra tại Hội thảo tham vấn “Dự án quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước” do Bộ Tư pháp tổ chức sáng 3.8.

Mặc dù có quan điểm cho rằng, trước đây, pháp luật chưa đầy đủ thì hương ước, quy ước là cần thiết, còn ngày nay, khi Nhà nước đã quản lý xã hội bằng hành lang pháp lý, mọi công dân đều thực hiện theo Hiến pháp và pháp luật thì quy ước, hương ước không còn quan trọng. Thế nhưng, phải khẳng định rằng, quy ước, hương ước là giá trị văn hóa không thể thiếu, thuộc về quy tắc của cộng đồng, do vậy, dù có thừa nhận hay không, nó vẫn tồn tại. Thậm chí, ngay cả một dòng họ, cụm dân cư cũng có “ngõ ngách riêng” mà luật pháp có thể chưa “chạm” tới được. Thực tế cho thấy, mỗi thôn, làng, bản đều có đặc trưng riêng, đơn cử như ở Bắc Ninh, có nơi chuyên đồ gỗ, mỹ nghệ; có nơi nổi tiếng với tơ tằm, gốm sứ; làm giấy hay vẽ tranh dân gian. Với từng đặc điểm kinh tế, xã hội, mỗi địa phương lại có bản hương ước, quy ước riêng biệt.

Ngay cả khi pháp luật đã có quy định, thì việc vận dụng vào từng thôn, bản cũng không dễ dàng. Đơn cử như về tổ chức lễ hội hay quản lý di tích lịch sử. Nhiều nghị định, thông tư đã đề cập tới nhưng nếu không có hương ước, quy ước định ra lễ hội này tổ chức trong bao nhiêu ngày, với những nội dung gì, ai được bầu làm trưởng ban khánh tiết thì rất khó để từng địa phương triển khai hiệu quả. Nếu thiếu hương ước, quy ước thì ai sẽ là người trông coi di tích, nguồn tài chính được lấy từ đâu để trả công cho họ? Ngay cả những nước tiên tiến như Nhật Bản, cũng có “lệ làng” riêng do người dân xây dựng, cớ sao lại nói giá trị văn hóa này ở Việt Nam là không quan trọng nữa?

Thừa nhận, coi trọng không đồng nghĩa với việc thả nổi, buông lỏng. Xây dựng hương ước cũng cần phải có nguyên tắc, bảo đảm không trái quy định của pháp luật. Đại diện Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên - nơi có gần 1.800 bản quy ước của thôn, bản, tổ dân phố thừa nhận, nếu không có định hướng chung, không có khung cụ thể thì dưới cơ sở rất khó thực hiện, nhất là với những nơi còn nhiều phong tục, tập quán lạc hậu, đã trở thành điểm nóng của khu vực Tây Bắc như hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn. Không ít trường hợp lợi dụng lồng ghép nội dung sai chủ trương, đường lối vào bản quy ước, hương ước này. Nếu phó mặc để thôn, bản tự chủ động xây dựng thì khó lòng quản lý hiệu quả được.

Tuy nhiên, quản lý tới đâu để tránh tình trạng hành chính hóa hương ước, quy ước cũng là băn khoăn của không ít người. Theo dự thảo Quyết định, về nguyên tắc xây dựng, hương ước, quy ước chỉ được áp dụng khi pháp luật chưa có quy định rõ ràng tại thời điểm phát sinh quan hệ xã hội. Quy định như vậy chẳng khác nào đòi hỏi người dân khi soạn thảo phải tìm hiểu kỹ, thế nào là quy định chưa rõ ràng. Trong trường hợp đã có quy định rồi nhưng hương ước, quy ước lại mở rộng hơn có được không. Đơn cử như lễ hỏa táng tại Hà Nội, theo quy định sẽ hỗ trợ 3 triệu đồng/người, nhưng tại những địa bàn có điều kiện sống cao hơn, đưa ra quy chuẩn hỗ trợ 5 triệu đồng/người thì có được chấp nhận hay không? Rõ ràng, nguyên tắc xây dựng hương ước, quy ước chỉ nên gói gọn trong cụm từ “không trái quy định pháp luật”.

Có nên giản tiện thẩm quyền công nhận hương ước, quy ước hay không cũng cần tính tới. Không ít ý kiến, kiến nghị, nên chuyển thẩm quyền công nhận từ cấp huyện xuống cấp xã, bởi đây là cấp sâu sát nhất, hiểu rõ nhất từng đặc điểm của địa bàn dân cư. Trái lại, cũng có quan điểm cho rằng, cấp công nhận hương ước, quy ước vẫn nên là huyện bởi không phải ở địa phương nào, cán bộ cấp xã, phường cũng đủ trình độ hiểu biết sâu về pháp luật để thẩm định, thông qua. Đó là những câu hỏi lớn, rất cần ban soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo đảm vừa không hành chính hóa hương ước, quy ước nhưng cũng không thả nổi, buông lỏng quản lý, tức là phải dung hòa quy định pháp luật và giá trị văn hóa, giữa “phép vua” với “lệ làng”.  

    Nổi bật
        Mới nhất
        Khuyến khích hay siết chặt
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO