Không thay đổi các nhiệm vụ chi từ đầu tư công và thường xuyên
Trước đề xuất sửa đổi các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước được bố trí từ hai nguồn chi đầu tư công và chi thường xuyên, một số ĐBQH đề nghị, không thay đổi các nhiệm vụ này, vì quy định hiện hành đã khắc phục được khó khăn trong thực hiện.
Chỉ nên liệt kê khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương
Thảo luận tại Tổ 5 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Quảng Nam, Yên Bái và Bình Dương, các ĐBQH thống nhất với sự cần thiết, quan điểm và phạm vi sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, do đã bảo đảm căn cứ chính trị, cơ sở pháp lý, căn cứ thực tiễn, phù hợp với yêu cầu sắp xếp đơn vị hành chính theo mô hình 2 cấp chính quyền địa phương; tăng cường phân cấp cho Chính phủ, các bộ ngành, địa phương.

ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) nhận thấy, dự thảo Luật đã có những quy định giúp đổi mới và rút ngắn quy trình phân bổ, quyết toán ngân sách nhà nước; bảo đảm tăng cường kỷ luật tài chính, công khai, minh bạch thu, chi ngân sách, phù hợp với chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.
Tán thành với nhiều nội dung tại dự thảo Luật, song ĐBQH Nguyễn Thành Trung (Yên Bái) đề nghị, không sửa đổi, bổ sung khoản 11 Điều 8 về các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước được bố trí từ hai nguồn (chi đầu tư công và chi thường xuyên).
Lý giải cho đề nghị này, đại biểu nêu rõ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tám đã quy định: “Các nhiệm vụ chi NSNN được bố trí từ hai nguồn (chi đầu tư công và chi thường xuyên): mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị; chi thuê hàng hóa, dịch vụ; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng và các nhiệm vụ cần thiết khác. Chính phủ quy định chi tiết khoản này”.

Quy định trên đã khắc phục được khó khăn trong thực tế khi phân định giữa nhiệm vụ chi thường xuyên và chi đầu tư đối với một số nội dung đặc thù như mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng... đồng thời được bố trí từ cả 2 nguồn chi đầu tư và chi thường xuyên để thực hiện.
Luật hiện hành cũng đã quy định các nhiệm vụ cần thiết khác và giao Chính phủ quy định. Thực tế, một số nội dung chi đã được quy định tại Nghị định 138/2024/NĐ-CP.
Do đó, đại biểu Nguyễn Thành Trung cho rằng, không cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số nội dung từ Nghị định vào Luật để đảm bảo đúng tinh thần phân cấp trong xây dựng luật.
Về các khoản thu phân chia và tỷ lệ phần trăm (%) giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, so với quy định của Luật hiện hành, dự thảo Luật thay đổi phương thức phân chia nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, bỏ thời kỳ ổn định ngân sách (bao gồm thời kỳ ổn định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách và số bổ sung cân đối từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới trong thời gian 5 năm, trùng với kỳ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm hoặc theo quyết định của Quốc hội).

Đại biểu Nguyễn Thành Trung tán thành với quy định về các khoản thu phân chia và tỷ lệ phần trăm (%) giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương (khoản 2, Điều 35) theo hướng liệt kê đầu mục các khoản thu sẽ phân chia, không quy định tỷ lệ phân chia cụ thể (phương án 2).
Đại biểu cho biết, khi xây dựng dự toán NSNN hàng năm Chính phủ cũng sẽ trình Quốc hội xác định cụ thể tỷ lệ phân chia, số bổ sung cân đối từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới. Do đó, quy định như phương án thứ 2 sẽ bảo đảm phù hợp với việc bỏ thời kỳ ổn định ngân sách như luật hiện hành; có thể xác định được số bổ sung cân đối của ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương căn cứ theo tình hình thực tế và thực hiện các nhiệm vụ chi NSNN; bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương.
Từ thực tế địa phương, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân nêu rõ, nhiều tỉnh, thành phố ít phát sinh sử dụng quỹ dự trữ tài chính nên tồn quỹ lớn, nhưng không thể sử dụng để đầu tư phát triển hay phục vụ những mục tiêu khác của địa phương.
Do đó, đại biểu đề nghị, bổ sung vào khoản 2, Điều 11 dự thảo Luật về một số trường hợp được sử dụng quỹ dự trữ tài chính gồm: các khoản chi cần thiết, cấp bách, quan trọng để phục vụ phát triển của địa phương và chi an sinh xã hội; đồng thời giao Chính phủ quy định hướng dẫn chi tiết về việc sử dụng và thẩm quyền sử dụng quỹ này.
Cân nhắc mở rộng đối tượng được đặc cách nhập quốc tịch Việt Nam
Tán thành với việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, ĐBQH Đặng Thị Bảo Trinh (Quảng Nam) cũng cho ý kiến với quy định tại khoản 2, Điều 16 quy định “trẻ em sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam nếu cha mẹ thỏa thuận lựa chọn quốc tịch Việt Nam cho con vào thời điểm thực hiện thủ tục về khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo hướng dẫn của Chính phủ.”
Đại biểu cho rằng, cụm từ “cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam” trong dự thảo Luật còn chung chung, chưa đủ rõ để áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Bởi, theo quy định của Luật Hộ tịch, Ủy ban nhân dân cấp huyện là cơ quan thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15, từ ngày 1/7/2025, nhiều đơn vị hành chính cấp huyện sẽ sáp nhập, giải thể, chấm dứt hoạt động của UBND cấp huyện.

“Nếu Luật không quy định rõ cơ quan có thẩm quyền thì sẽ gây lúng túng trong xác định thẩm quyền xử lý quốc tịch cho trẻ em; ảnh hưởng quyền lợi của trẻ sinh ra tại các địa phương đang trong quá trình tinh gọn bộ máy; đồng thời, khó khăn trong phối hợp quản lý liên ngành giữa hộ tịch – tư pháp – quốc tịch – cư trú”.
Đại biểu đề nghị sửa đổi khoản 2 Điều 16 theo hướng “... nếu cha mẹ thỏa thuận lựa chọn quốc tịch Việt Nam cho con tại cơ quan đăng ký khai sinh có thẩm quyền theo quy định của Luật Hộ tịch. Trường hợp không còn cơ quan cấp huyện do tổ chức lại đơn vị hành chính, thì thẩm quyền được chuyển giao cho cơ quan hành chính kế thừa hoặc cơ quan do Chính phủ quy định.”
Về điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam, đại biểu nhận thấy, các điều kiện nhập quốc tịch theo quy định hiện hành (yêu cầu cư trú hợp pháp 5 năm, biết tiếng Việt, có khả năng đảm bảo cuộc sống…) là cần thiết để sàng lọc công dân.
Tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy, quy định tại Điều 19 Luật hiện hành đã bộc lộ những bất cập, vì thiếu cơ chế đặc thù cho những người gốc Việt Nam ở nước ngoài muốn trở về quê hương; chưa phản ánh đúng chủ trương “đại đoàn kết dân tộc” và thu hút người tài, người Việt toàn cầu về với Tổ quốc...
Với những lý do nêu trên, đại biểu cho rằng, bên cạnh giữ nguyên các điều kiện cơ bản để nhập quốc tịch Việt Nam thì cần cân nhắc mở rộng đối tượng được đặc cách, miễn một hoặc một số điều kiện trong các trường hợp. Ví dụ như, người có vợ/chồng, con là công dân Việt Nam; Người có cha mẹ, ông bà là người Việt Nam; người có công lao, đóng góp cho Việt Nam trên lĩnh vực khoa học, đầu tư, giáo dục; trường hợp nhân đạo, người cao tuổi, người tị nạn hoặc không có quốc tịch.