Không còn đường lùi

Phạm Thúy 21/08/2017 08:02

Sau hơn 2 năm (từ giữa năm 2015 đến nay) thực hiện Nghị quyết số 39 của Ban Chấp hành Trung ương về tinh giản biên chế, tổng số người thực tế hưởng lương từ ngân sách nhà nước của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị giảm được hơn 4.000 người. Không chỉ còn rất xa so với mục tiêu được Trung ương đặt ra trong hai năm đầu thực hiện Nghị quyết 39 mà diễn biến tinh giản biên chế ở từng nhóm đối tượng cũng đặt ra nhiều câu hỏi.

Cụ thể là, số lượng cán bộ, công chức chỉ giảm được gần 1%; số lượng viên chức giảm gần 1,2%; biên chế cơ quan đại diện ở nước ngoài cơ bản giữ nguyên; biên chế hội đặc thù ở Trung ương cơ bản giữ nguyên; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố chỉ giảm được gần 0,4%. Trong khi đó, số lượng người hưởng lương thuộc diện Hợp đồng 68 (Nghị định 68 của Chính phủ ban hành năm 2000 về chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp) thì tăng chóng mặt, tới 13,1%. Cùng với đó là, hợp đồng khác (hợp đồng chờ tuyển dụng, hợp đồng làm chuyên môn nghiệp vụ…) do các cơ quan, đơn vị, địa phương tự thực hiện ngoài quy định cũng tăng tới 8,54%. Tổng số hợp đồng 68 và hợp đồng khác trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp hiện đã lên tới hơn 271 nghìn người.

Câu hỏi đầu tiên là, trong số hơn 271 nghìn người này, có bao nhiêu người được ký hợp đồng thực sự là do yêu cầu, tính chất nhiệm vụ quản lý nhà nước và hoạt động chuyên môn của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp ngày càng tăng? Câu hỏi thứ hai là, có bao nhiêu người trong số này thuộc diện “ăn theo”, dù yêu cầu công việc không cần nhưng vì những mối quan hệ kiểu “con anh này, cháu chị kia” nên vẫn được ký hợp đồng để hưởng lương từ ngân sách? Câu hỏi thứ ba là, có bao nhiêu người đang ký hợp đồng hiện nay có đủ năng lực, trình độ chuyên môn, xứng đáng có một vị trí chính thức trong đội ngũ những công bộc của dân? Trả lời 3 câu hỏi này không dễ. Vì câu trả lời khách quan nhất, minh bạch nhất và thuyết phục nhất cho cả 3 câu hỏi này nằm ở việc xác định vị trí việc làm. Nhưng đến nay, Đề án vị trí việc làm hầu như đã đi vào ngõ cụt khi các cơ quan, bộ, ngành, địa phương đều triển khai theo một kiểu “chẳng giống ai” là từ con người hiện có, công việc mỗi người đang làm mà “phiên ra” vị trí việc làm.

Câu hỏi thứ tư là, gần 30 nghìn người tăng thêm do ký hợp đồng 68 và hợp đồng khác chỉ trong vài năm có phải là lực cản chính khiến cho tinh giản biên chế trở nên chậm chạp và thiếu động lực? Số liệu từ các cơ quan, bộ, ngành, địa phương báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội về cải cách tổ chức bộ máy hành chính 2011 - 2016 cho thấy, hầu hết số biên chế giảm vừa qua đều thuộc diện nghỉ hưu, nghỉ hưu sớm. Điều này cũng có nghĩa là, số lượng công chức, viên chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về, đến cơ quan mà không biết làm gì” vẫn được “an nhiên tự tại” trong bộ máy hành chính và đơn vị sự nghiệp. Để khỏa lấp chỗ trống mà các công chức, viên chức này tạo ra, thay vì tinh giản triệt để, không tinh giản thì không có người làm việc, các bộ, ngành, địa phương đã chọn cách dễ dàng hơn, ít đụng chạm hơn và ít nhạy cảm hơn là ký hợp đồng chuyên môn, nghiệp vụ. Tinh giản biên chế đúng nghĩa thì áp lực ngân sách giảm, hiệu quả, hiệu lực của bộ máy nhà nước tăng lên. Nhưng với cách làm hiện nay, hiệu quả, hiệu lực của bộ máy không được cải thiện, còn áp lực ngân sách ngày càng tăng. Điều này cũng lý giải vì sao, trong hai năm đầu thực hiện Nghị quyết 39 của Trung ương, tổng chi ngân sách thường xuyên cho bộ máy nhà nước lẽ ra phải giảm đi thì lại tăng tới 3,4%.

Mới đây, tại Phiên họp toàn thể của Đoàn giám sát của Quốc hội, Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ cho rằng, vẫn cần thiết phải có hợp đồng chuyên môn, nghiệp vụ vì nếu không cho phép các cơ quan, bộ, ngành, địa phương ký hợp đồng với người lao động thì không thể hoàn thành được khối lượng công việc hiện nay. Bản thân hợp đồng 68 và hợp đồng khác không có lỗi nhưng rõ ràng, nó đã trở thành lá chắn để biện minh cho việc không quyết liệt tinh giản biên chế.

Và như vậy, câu hỏi cuối cùng là, nếu không còn hợp đồng 68, không còn hợp đồng khác thì các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, đơn vị sự nghiệp có bắt buộc phải tập trung vào tinh giản biên chế theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước hay không?

Kinh nghiệm cho thấy, khi không còn đường lùi, không còn có thể du di được thì để tồn tại người ta chỉ có một cách: Đó là, phải xử lý triệt để những bộ phận dư thừa, không đáp ứng được yêu cầu về năng lực, trình độ, đạo đức. Tinh giản biên chế cũng vậy. Những người yếu kém trong biên chế phải được đưa ra khỏi bộ máy, nhường chỗ cho những người xứng đáng hơn, trong đó có cả những người thuộc diện hợp đồng 68 và hợp đồng khác hiện nay thì mới có thể nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Không còn đường lùi
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO