Đáng nói, khi mọi việc đã sáng tỏ, ngã ngũ thì những người bị hàm oan suốt 40 năm kia chưa hề được một câu xin lỗi. Người duy nhất có quyết định đình chỉ kiện ra tòa đòi bồi thường thì gặp muôn vàn khó khăn. Mãi 34 năm sau, tháng 4.2017 Viện KSND tỉnh Tây Ninh mới mời ông Dũng lên làm việc, bồi thường gần 600 triệu đồng. Với 7 người còn lại, Viện KSND tỉnh Tây Ninh cho biết không có căn cứ xem xét, thụ lý, giải quyết bởi “thất lạc, chưa tìm thấy quyết định đình chỉ điều tra”, “thời gian quá lâu, trải qua nhiều vấn đề lịch sử, những người trực tiếp giải quyết vụ việc đều đã nghỉ hưu hoặc mất”.
Theo nhiều luật sư, về nguyên tắc, quyết định đình chỉ điều tra phải được gửi cho đương sự và các cơ quan khác như Viện KSND cấp huyện, hay địa phương nơi đương sự cư trú. Vì thế, việc Viện KSND tỉnh lấy lý do thời gian quá lâu, trải qua nhiều vấn đề lịch sử để không tìm lại các quyết định đình chỉ vụ án đối với 7 người oan sai còn lại trong vụ án chỉ là một cách thoái thác trách nhiệm. Hậu quả là do những người tiền nhiệm nhưng Viện KSND tỉnh Tây Ninh không thể chối bỏ chỉ bằng một văn bản thông báo. Bởi trong quyết định đình chỉ điều tra của Viện KSND tỉnh Tây Ninh cấp cho 1 người duy nhất năm 1983 đã nêu rõ tên cả 8 người bị oan sai, nếu Viện KSND tỉnh Tây Ninh thực sự muốn giải oan cho những người này thì hoàn toàn có căn cứ.
Oan sai có thể xảy ra trong đời sống do nhiều lý do khác nhau. Nhưng chính thái độ vô cảm, đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm của một số cán bộ đương chức có trách nhiệm xử lý vụ việc hiện nay mới gây ra làn sóng phẫn nộ trong dư luận đến như thế. Những lá đơn “xin cứu xét” của 8 người oan sai đều rơi vào im lặng. Họ quyết định khởi kiện Viện KSND tỉnh Tây Ninh ra tòa, để đòi quyền có cái quyết định tha tù, đình chỉ vụ án. Bởi trong vụ việc này, sự mất mát, thiệt thòi không chỉ là về mặt tư pháp mà còn rất nhiều cơ hội liên quan tới quyền lợi của bản thân và gia đình họ trong suốt mấy chục năm qua. ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Phó Trưởng ban Dân nguyện khẳng định, nếu Viện KSND tỉnh làm thất lạc thì cơ quan này phải có trách nhiệm phục hồi hoặc ra quyết định lại, chứ không thể lấy lý do thời gian quá lâu để thoái thác. “Xem xét các vấn đề oan sai thì không có thời hiệu. Kể cả 100 năm sau chúng ta vẫn phải xem xét”.
Theo số liệu Bộ Tư pháp báo cáo Chính phủ về công tác bồi thường nhà nước năm 2017, tổng số tiền Nhà nước phải bồi thường được xác định trong các quyết định giải quyết bồi thường, bản án, quyết định của tòa án giải quyết các vụ án dân sự về bồi thường nhà nước có hiệu lực là 32,82 tỷ đồng. Một vụ sai sót của cơ quan chính quyền hay án oan sai của tòa án là một lần đánh vào lòng tin của người dân vào công lý và pháp luật. Cái mất này rất khó lấy lại được, bởi với con số đền bù trên không chỉ một hai vụ, mà còn nhiều oan sai tồn tại, dưới nhiều hình thức khác nhau.
Rõ ràng, phải xây dựng một đội ngũ cán bộ nhà nước giỏi nghiệp vụ, làm việc chuyên nghiệp và có đạo đức, có quy định chặt chẽ bắt buộc người gây ra thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường, tùy từng trường hợp để áp dụng mức cụ thể. Với số tiền cán bộ làm sai hoàn trả chỉ được 166,6 triệu đồng trong tổng số trên gần 33 tỷ đồng cho thấy trách nhiệm bồi thường đối với người thi hành công vụ có hành vi gây thiệt hại là quá thấp. Nhiều chuyên gia còn cho rằng, để giảm án oan sai, không chỉ bắt buộc cán bộ gây ra oan sai phải bồi thường, mà kèm theo hình thức kỷ luật, thậm chí là xử lý hình sự nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật…