Theo báo cáo xếp hạng Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu (GCI) năm 2020 do Liên hiệp Viễn thông Quốc tế hoặc Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) công bố mới đây, Việt Nam đã tăng 25 bậc trong 2 năm, vươn lên vị trí thứ 25 trong tổng số 194 quốc gia, vùng lãnh thổ và đứng thứ 7 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thứ 4 trong khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Số điểm đánh giá của Việt Nam đạt 94,55 với sự cải thiện điểm ở cả 5 trụ cột được ITU đánh giá. Bên cạnh 2 trụ cột Pháp lý và Hợp tác đạt số điểm tuyệt đối 20/20, điểm của Việt Nam ở 3 trụ cột: Kỹ thuật (16,31/20); Tổ chức (18,98/20); Nâng cao năng lực (19,26/20).
An toàn thông tin đồng thời đặt ra các vấn đề với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Đặc biệt, với đặc trưng có mặt ở khắp nơi, có khả năng cảm biến, liên tục thu thập thông tin về hoạt động của con người, môi trường chung quanh và liên tục kết nối, hàng chục tỷ thiết bị “Internet của vạn vật” (IoT) đang hoạt động trên thế giới có thể bị lợi dụng để tạo ra những mạng lưới thu thập thông tin với phạm vi hoạt động cực rộng, len lỏi vào từng khía cạnh của đời sống con người, tạo ra những nguy cơ chưa từng có với các tổ chức, cá nhân trước hoạt động của tội phạm mạng. Trước thực trạng đó các chuyên gia đánh giá, vấn đề về bảo đảm an toàn thông tin quốc tế đang là một trong những vấn đề được ưu tiên toàn cầu, khu vực và mỗi quốc gia.
Tại Hội thảo và Triển lãm An toàn không gian mạng Việt Nam 2024 với chủ đề “An toàn trong thời kỳ bùng nổ của trí tuệ nhân tạo” (Vietnam Security Summit 2024) các chuyên gia chỉ ra, tình trạng xâm phạm dữ liệu đã trở thành một đại dịch toàn cầu, đe dọa dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư của người dùng trên khắp thế giới. Số vụ vi phạm dữ liệu đã tăng gần gấp ba lần trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2022, xâm phạm 2,6 tỷ hồ sơ cá nhân chỉ riêng trong hai năm 2022 và 2023.
Theo Trưởng BU An ninh mạng, phụ trách đảm nhiệm vai trò công tác An ninh mạng (Tổng Công ty Viễn thông MobiFone) Lê Công Trung, thế giới có 99,19 triệu người, trong đó có 78,44 triệu người dùng internet, (79,1%), sử dụng trung bình 6 tiếng 18 phút/ngày với 168,5 triệu thiết bị di động thông minh. Điều này khiến gia tăng nguy cơ mất an ninh mạng gia tăng.
“Các mối đe dọa phức tạp, tinh vi, mục tiêu tấn công đa dạng. Số lượng cuộc tấn công mạng nhắm vào thiết bị di động tăng 30% so với năm 2022. Trung bình mỗi tháng có 1.160 vụ tấn công lừa đảo. Dự báo năm 2024 số lượng các hình thức lừa đảo tấn công tiếp tục tăng.”, ông Lê Công Trung cảnh báo.
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) năm 2023, thiệt hại là 1.026 tỷ USD, tương đương 1,05% GDP toàn cầu.
Các chuyên gia cũng chỉ ra, tại Việt Nam, trong năm 2023, các đối tượng tội phạm mạng trong và ngoài nước liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, triệt để lợi dụng công nghệ mới để tấn công, xâm nhập, lừa đảo quy mô lớn, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, đe dọa cuộc sống bình yên, hạnh phúc của người dân.
Trước thực trạng đó, để nâng cao kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng trong thời kỳ chuyển đổi số, chuyên gia khuyến cáo, cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách về quản lý rủi ro an ninh mạng; chính sách về bảo vệ dữ liệu; hính sách bảo mật hệ thống và ứng dụng; chính sách về đào tạo và nâng cao nhận thức, kỹ năng tự bảo mật thông tin của người dùng.
Với hơn 15 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tích hợp hệ thống và dịch vụ bảo mật, Kỹ sư giải pháp bảo mật (Sophos Security Solution Engineer tại Việt Nam) Vũ Lê nêu giải pháp cần thực hiện để bảo đảm an toàn thông tin mạng, cần giám sát an ninh mạng 24/7 cho toàn bộ hệ thống quan trọng; backup toàn bộ dữ liệu quan trọng và dự phòng backup định kỳ; sẵn sàng kịch bản, quy trình ứng phó sự cố tấn công; tăng cường đào tạo nhận thức an toàn, an ninh mạng cho toàn bộ nhân viên; rà soát, kiểm tra định kỳ tháng và quý cho toàn bộ hệ thống.
Để chủ động ứng phó các thách thức này, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thông tin các chuyên gia cũng chỉ ra, cần xác định công tác bảo đảm an toàn thông tin, phòng, chống vi phạm và tội phạm công nghệ cao là một bộ phận trọng yếu của cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Đây cũng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, trong đó lực lượng công an giữ vai trò nòng cốt. Về phía mỗi cá nhân, tổ chức trước hết cần tự đề cao cảnh giác, chủ động tham khảo, tìm hiểu và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin, lựa chọn, sàng lọc, kiểm tra thông tin cho mình.