Tham dự buổi họp báo có đại diện Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ cùng đại diện gần 40 cơ quan thông tấn, báo chí.
Báo cáo tại họp báo nêu rõ khối lượng và các nội dung công việc Bộ Khoa học và Công nghệ đã hoàn thành trong quý I.2024.
Xung quanh vấn đề trí tuệ nhân tạo, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao Trần Anh Tú chia sẻ, quan trong nhất của trí tuệ nhân tạo là dữ liệu (data). Dữ liệu quốc gia sẽ là cơ sở để phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.
Phó Vụ trưởng cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có một số chương trình như KC 4.0 hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 trọng tâm là phát triển trí tuệ nhân tạo.
Ngoài ra, Bộ đặc biệt quan tâm tới vấn đề về đạo đức và trách nhiệm với trí tuệ nhân tạo. Ông Trần Anh Tú viện dẫn một số ví dụ như UNESCO, Nghị viện châu Âu... đã đưa ra những đạo luật về đạo đức trí tuệ nhân tạo. Qua đó, ông Tú nhấn mạnh, tới đây Việt Nam cần quan tâm về vấn đề đạo đức trí tuệ nhân tạo để vừa thúc đẩy phát triển, vừa đảm bảo quản lý; hướng tới phát triển một cách có trách nhiệm và đạo đức với trí tuệ nhân tạo.
Tiếp nối vấn đề về trí tuệ nhân tạo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước trong các Luật, Nghị quyết, Quyết định, Nghị định,... có nhiều nội dung nhắc đến trí tuệ nhân tạo.
Thứ trưởng cho biết, có 2 quyết định liên quan trực tiếp tới trí tuệ nhân tạo là Quyết định số 127 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chiến lược Quốc gia nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo đến năm 2030; Quyết định số 411/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược Quốc gia phát triển Kinh tế Số và Xã hội Số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Để triển khai những nội dung trên, Bộ Khoa học và Công nghệ đã bắt tay vào cuộc triển khai những nhiệm vụ lớn như hỗ trợ nghiên cứu phát triển ứng dụng công nghệ công nghiệp 4.0 trong đó có trí tuệ nhân tạo.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang cũng thông tin về một chương trình nghiên cứu phát triển ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển Chính phủ Số và Đô thị thông minh cũng liên quan tới trí tuệ nhân tạo. Theo Thứ trưởng, Bộ đang triển khai hai tiêu chuẩn liên quan tới AI, đó là các khái niệm trí tuệ nhân tạo liên quan tới công nghệ thông tin và tổng quan về tính đáng tin cậy trong trí tuệ nhân tạo liên quan tới công nghệ trong trí tuệ nhân tạo.
Thứ trưởng nhấn mạnh, với AI, chúng ta cần phải đương đầu và tiếp cận với các vấn đề của thế giới. Nếu không nhập cuộc, Việt Nam sẽ bị đứng ngoài cuộc chơi về AI. Tuy nhiên muốn nhập cuộc cần phải đảm bảo hai yếu tố:
Thứ nhất, xây dựng hành lang thông thoáng, đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong việc nghiên cứu phát triển ứng dụng vào đời sống kinh tế - xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Thứ hai, nghiên cứu kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới, triển khai đảm bảo quy định cho trí tuệ nhân tạo một cách có trách nhiệm, phù hợp với thực tiễn, văn hóa Việt Nam.
Trong quý II.2024, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV;
Tập trung hoàn thiện, trình Chính phủ hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi). Tiếp tục hoàn thiện hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới tổ chức Khoa học và Công nghệ công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.