Khắc phục chồng chéo, bất cập trong công tác quy hoạch
Thảo luận dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, các ĐBQH đã tập trung góp ý nhằm khắc phục những chồng chéo, bất cập trong công tác quy hoạch.
Sáng 28/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.

Quy định rõ chính quyền địa phương cấp xã là chủ thể phối hợp trong hệ thống quy hoạch
Các ĐBQH cơ bản tán thành với các nội dung trong dự thảo Luật nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quy hoạch phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường quyền tự chủ, tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị gắn với nâng cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu, kiểm soát quyền lực chặt chẽ; đồng thời, khắc phục những chồng chéo, bất cập trong các quy phạm pháp luật nhằm khơi thông các điểm nghẽn, tạo động lực mới cho phát triển.
.jpg)
ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhận thấy, Luật hiện hành và dự thảo Luật chưa có các quy định cụ thể về vai trò, trách nhiệm, cơ chế của chính quyền địa phương cấp xã trong công tác quy hoạch. Do đó, đại biểu đề nghị, xem xét bổ sung một khoản mới tại Điều 5 Luật hiện hành về hệ thống quy hoạch quốc gia nhằm quy định rõ chính quyền địa phương cấp xã là chủ thể phối hợp trong hệ thống quy hoạch, có trách nhiệm tham gia cung cấp thông tin, đề xuất phương án quy hoạch và phối hợp triển khai thực hiện quy hoạch trên địa bàn.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cũng đề nghị xem xét bổ sung vào khoản 4 Điều 16 Luật hiện hành quy định về quy trình lập quy hoạch tỉnh; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan lập quy hoạch tỉnh trong việc lấy ý kiến chính thức của UBND cấp xã, yêu cầu UBND cấp xã cung cấp dữ liệu, đề xuất định hướng phát triển không gian dân cư, sản xuất, hạ tầng.

Điểm a, khoản 6, Điều 1 dự thảo Luật quy định cơ quan lập quy hoạch hoàn thiện quy hoạch theo kết luận của hội đồng thẩm định quy hoạch, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định đối với quy hoạch tổng thể quốc gia, trình Chính phủ quyết định đối với quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Theo ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk), quy định như vậy là đúng với trình tự pháp lý theo các quy định về ban hành quy hoạch.
.jpg)
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt cũng lưu ý, dự thảo Luật chưa đề cập tới cơ quan lập quy hoạch ngành quốc gia. Trong khi đó, tại khoản 15 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi Điều 34 Luật hiện hành về thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát nhằm quy định thống nhất trong dự thảo Luật về thẩm quyền quyết định đối với quy hoạch ngành quốc gia.
Tránh tầng nấc trung gian cồng kềnh
Góp ý về quy định tại khoản 2 Điều 1 về hệ thống quy hoạch, ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) đề nghị nên bỏ quy hoạch vùng khỏi hệ thống quy hoạch độc lập; gộp quy hoạch vùng vào nhiệm vụ điều phối quốc gia, nhằm tránh tầng nấc trung gian cồng kềnh, chuyển thành phần định hướng trong quy hoạch quốc gia hoặc tỉnh.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cũng đề nghị bỏ quy định “phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn nếu có mâu thuẫn”; cho rằng, nên có quy định rõ hướng điều chỉnh, không cần mọi mâu thuẫn đều phải sửa quy hoạch cấp dưới bởi nếu quy định như vậy sẽ tạo áp lực làm chậm tiến độ quy hoạch cấp dưới. Bên cạnh đó, cần có quy định cho phép linh hoạt điều chỉnh nội bộ hoặc cập nhật định kỳ. Các mâu thuẫn được điều chỉnh theo hướng thống nhất, ưu tiên giải pháp khả thi trong bối cảnh của các địa phương.
.jpg)
ĐBQH Tạ Đình Thi (Hà Nội) đề nghị, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 57 ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Cụ thể, tại khoản 1 Điều 17 về tổ chức tư vấn lập quy hoạch, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung cơ quan lập quy hoạch ngoài việc được lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch theo quy định của pháp luật về đấu thầu thì có thể tự lập quy hoạch nếu đủ điều kiện về năng lực.

Đại biểu Tạ Đình Thi cũng đề nghị cần giao Chính phủ nghiên cứu bổ sung quy định về tiêu chí lựa chọn và đánh giá tổ chức tư vấn quy hoạch theo năng lực, kinh nghiệm chuyên môn của từng cá nhân, chuyên gia trong và ngoài nước trong hồ sơ dự thầu, nhằm giúp tận dụng lực lượng chuyên gia trong nước. Qua đó nhằm từng bước nâng cao năng lực của tổ chức, cá nhân trong nước; thúc đẩy chuyển giao công nghệ tiên tiến từ nước ngoài và từng bước hạn chế việc chuyên gia trong nước làm thuê cho tư vấn nước ngoài diễn ra phổ biến như hiện nay.
ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) nhấn mạnh, thay đổi căn bản trong của Luật Quy hoạch 2017 là chuyển đổi phương thức lập quy hoạch từ phương thức truyền thống, đó là phân ngành, cục bộ theo lĩnh vực sang quy hoạch mang tính tích hợp đa ngành, liên thông, liên kết.

Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, đội ngũ chuyên gia quy hoạch ở dưới chưa nắm bắt được với tinh thần mới này, chưa làm quen được với phương pháp tiếp cận tích hợp đa ngành, liên thông, liên kết trong công tác quy hoạch, đặc biệt là phối hợp liên ngành còn rất hạn chế, dẫn tới khó khăn, hạn chế trong triển khai thi hành Luật Quy hoạch.
Băn khoăn về việc cho phép bổ sung quy hoạch có tính chất kỹ thuật và chuyên ngành vào hệ thống quy hoạch quốc gia, đại biểu Tạ Văn Hạ nêu vấn đề, trước đây quy hoạch quốc gia được coi là cơ bản, là căn cứ để lập quy hoạch từ trên xuống. Bây giờ dự thảo Luật cho phép bổ sung quy hoạch có tính chất kỹ thuật và chuyên ngành vào hệ thống quy hoạch quốc gia liệu có quay lại bài toán chồng lấn, xung đột giữa các quy hoạch; thiếu thống nhất, xung đột về không gian, về mục tiêu, về các chỉ tiêu đề ra giữa các quy hoạch với nhau hay không?
Đặt câu hỏi trên, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, cần phải tìm ra đúng nguyên nhân của những vướng mắc trong công tác quy hoạch để sửa luật lần này.