Kể chuyện giải sầu (Phần 2)
Truyện của Nguyễn Trí

03/02/2015 09:01

>> Kể chuyện giải sầu (Phần 1)

Sau khi cha và anh lên đường đi cải tạo. Sĩ cùng gia đình ghé vô khu gia binh của quân đội cũ tạm sống, may mà còn có ba cái doanh trại bỏ hoang nầy, bằng không cả nhà Sĩ ra vỉa hè là chắc. Bà quan và bầy con gái còn có ít nữ trang trên tai trên cổ cũng lần lượt ra tiệm kim hoàn. Trong khi khẩu hiệu lao động là vinh quang ai cũng nằm lòng thì cả nhà Sĩ chả ai biết lao động tay chân là chi. Cũng nên thông cảm cho họ, cả đời ăn ngon mặc đẹp, nay rời nệm ấm chăn êm xuống nằm nền xi măng, thời gian sống họ dùng để khóc có đâu mà tham gia lao động. Với lại đất đai đâu để chân lấm tay bùn?

Sĩ cũng lao vô cái guồng xoay của cơm áo gạo tiền. Từ khi ông Mẽo rút binh về nước nạn thất nghiệp dữ dội lắm, mấy ông cậu bà cô xưa kia làm sở Mỹ, mấy ông sau giải ngũ chỉ còn biết vào rừng chặt củi đốt than. Hòa bình đến cả một triệu tay súng về lại dân dã làm khó khăn kinh tế cao hơn. Tất cả lao vô rừng. Thư sinh mặt trắng Sĩ có mà ăn cám hấp. Chặt củi đốt than ư? Nói thì dễ lắm hôm nay tao chặt được một mét khối. Cứ đụng con rựa rồi biết, chặt một cây có bề hoành to bằng cái đầu là tay chân đổ máu luôn nói chi phồng với rộp. Thằng xì ke yếu như sên làm được thì từ điển làm chi có chữ nghèo. Ngày đầu tiên bò lên đỉnh cao Sĩ run rẩy tay chân, lội về hẹn ngày sau lên lại, làm cái chi cũng từ từ, chả ai sinh ra đời mà biết làm liền. Thánh dạy vậy.

Ngày hôm sau lên rừng không đến với Sĩ nữa. Rất tình cờ gặp lại bạn chơi bời thuở đi học:

- Ê, Sĩ Chín Ngón - Lúc ấy thường gọi của Sĩ là vậy - Long them nô si (long time no see, lâu quá không gặp). Khỏe mậy?

- Trời! Minh Cao. Lâu quá không gặp.

Cả hai kéo nhau vô cà phê. Thuở ấy ba cái nước đen thui đắng nghét nầy là xa xỉ phẩm hạng đặc biệt. Chủ quán phải thiết kế một gian kín tương đương tù phục vụ cho chính mình và khách cực quen. Tất nhiên là giá thành của nó thì dân tư sản mại bản mới rớ được. Sau một năm lâm cảnh bần cố nông chính hiệu, Sĩ cảm động khi bạn mình cho ngửi lại hương vị cà phê:

- Làm chi mà bảnh dữ Minh Cao?

- Cũng làng nhàng.

- Làm chi cho tao theo kiếm cơm với.

- Mày theo tao không được đâu. Tao chỉ có thế giúp mầy chừng nầy.

Nói xong Minh đưa cho Sĩ mười đồng. Lúc ấy là sau đợt đổi tiền lần thứ nhất, năm trăm tiền cũ lấy một đồng mới. Mười đồng tức năm mươi nghìn. Với nhiều người chứ không riêng chi Sĩ, đó là một gia tài. Khấp khởi mừng, Sĩ cố kèo bạn cũ:

- Tao cám ơn nhưng xin mày cho tao cái cần câu, còn mồi tao ăn hết lại đói tiếp.

Giọng nói của Sĩ bi thiết lắm nên Minh cám cảnh:

- Thôi được để tao tính. Nhưng mà, chuyện tao làm không bình thường.

- Tao cũng thích làm chuyện bất thường, còn như vầy thà chết cho xong.

Vậy rồi sau đó Sĩ theo Minh chủ yếu… chơi. Ban ngày là cà quán xá tối về nhà dượt võ. Minh có nhà ở thị trấn X, cha mẹ đã ra đi trong chiến tranh. Một thầy võ được triệu đến tận nhà nắn gân bẻ gối cho cả hai. Thầy tên Tấn Trung Trực nên Sĩ cũng có cái hiệu nầy. Tấn Trung Sĩ nhảy nhót vung tay thọc direct, chân đá cũng ra hồn lắm. Nói chung là ăn chơi không và chả hiểu tiền đâu mà Minh có để hoang vậy. Thậm chí lâu lâu còn dúi vào tay Sĩ vài đồng về cho bà má. Má hỏi:

- Con đi làm gì với Minh Cao vậy?

- Nó làm ở thông tin văn hóa xã, nhờ con giúp một tay.

- Giúp gì ở đó?

- Con cắt chữ dán băng rôn.

Thực đó, không phải chơi đâu. Minh Cao chuyên tổ chức nhưng đêm vui văn nghệ và nhiều thứ linh tinh khác. Nhưng mà thời mới, hai chữ vô sản là trên hết thì lấy đâu ra tiền uống cà phê Moka? Bà má ngây thơ tin rằng thời nào cũng như nhau, trước bà giàu lên nhờ lót tay, thì nay âu cũng lót tay. Bà không chịu tìm hiểu thông tin văn hóa thì lót tay cái nỗi gì. Sĩ thì kệ mẹ mày đi có tiền thì xài cái đã rồi ra sao thì ra. Kẻ dám chặt tay mình thì không liều cũng lĩnh. Cho đến một hôm Minh Cao ung dung trên Honda 67 đưa Sĩ về thị xã. Và trong một căn nhà sát biển, Sĩ hội kiến với một tay vạm vỡ như tài tử Địch Long trong phim Đại hải tặc:

- Ai đây? - Gã hỏi.

- Dạ. Sĩ Chín Ngón đó anh.

Vạm vỡ vỗ mạnh lên vai Sĩ. May mà có luyện tập sơ sơ vài tháng, bằng không chắc sệ vai:

- Ba nó ngụy quyền, anh sĩ quan dù.

- OK. Tối nay một chuyến ở bãi PL. Hai giờ sáng.

Minh họa của Thúy Hằng
Minh họa của Thúy Hằng
Chả biết là chuyến chi nhưng Sĩ không hỏi. Ngu chăng? Còn lâu mới ngu dại, chả qua là Sĩ chán đời lắm. Đang là con quan té cái oành xuống đáy cuộc đời, bị tha nhân bỉ khinh như loài sâu bọ. Đau nhất là bị gọi ngụy, con em bọn ăn bơ thừa sữa cặn của đế quốc. Phải chi những lời ấy phát ra từ những ông cán bộ đã trải qua đau thương của chiến cuộc thì không nói, đằng nầy lại là bọn ăn theo, tục gọi cán bộ ba mươi, có thằng trước là bạn của Sĩ mới là tức hận. Nên chi Minh Cao dẫn đi đâu thì Sĩ theo đó, miễn có tiền là được. Tám giờ tối cả hai tấp xuống bến X, đây là chợ của xóm chài có đủ các thứ bình dân để nhậu. Ghé vào một quán Minh Cao gọi ký ghẹ và nửa lít rượu.

Một em gái đi ngang, thêm một em và một em nữa. Cứ mươi phút là một hoa hồng biển lượn lờ. Thấy vẻ ngạc nhiên hiện trên mặt Sĩ. Minh Cao giải thích:

- Tàn dư của chế độ cũ chớ có chi mà ngạc nhiên. Tao hú một em cho mày tâm sự nghe?

- Thôi, tao không thích món nầy. Mà nè…

- Gì?

- Đắt đỏ không?

- Bốn đồng, tức hai ngàn, tức bốn ký gạo cho một lần mây mưa.

Nói xong Minh khùng khục cười. Sĩ thì tợp nguyên ly xây chừng vô họng. Thêm một ly nữa thì mắt Sĩ muốn ríu lại sau một hơi thở thăm thẳm dài đầy phiền muộn. Bụi đời đâu có nề hà chi chỗ ngả lưng, Sĩ gối đầu lên hai tay và trên bãi cát đánh một giấc. Tỉnh dậy là một giờ sáng. Minh Cao nói:

- Đi thôi.

- Về hả?

- Đến điểm hẹn.

Vừa đi Minh Cao vừa giải thích:

- Bọn tao canh mánh vượt biên. Tay hồi chiều tao giới thiệu với mày chuyên gia tổ chức vượt biên. Nó chỉ điểm xuất phát cho tao để kiếm chác chút đỉnh.

- Tao đếch hiểu?

- Nghĩa là bọn vượt biên đang tập trung để xuất phát thì tao và mày xuất hiện. Mình yêu cầu chung, không là báo biên phòng. Túng cùng tất cả phải chung để đi cho lọt. Hiểu không? Tao kiếm tiền nhờ chiêu này. Bấy nay chỉ mình tao và anh Hải. Nhưng một mình ớn lắm. Mấy thằng vượt biên đâu sợ chết chóc gì, khùng lên nó chơi lại thì nguy nên anh Hải kêu tao chiêu mộ thêm vài thằng cho chắc. Nhưng tao nói hai thằng là đủ rồi nên cho mày một chân.

- Nghĩa là thằng Hải đã tổ chức vượt còn cướp kiếm thêm?

- Tạm gọi là vậy.

- Vậy rồi chung chi làm sao?

- Anh Hải đưa bao nhiêu biết bấy nhiêu. Chuyện thu thêm chỉ có hắn và bọn vượt biên biết. Mình đui đúng hai con mắt.

Chuyến ấy Sĩ được Minh Cao giao năm chỉ vàng. Mẹ ơi. Chỉ nói vài câu mà năm chỉ, quả là chả có cái nghề chi ngon ăn cho bằng Canh Mánh Vượt Biên.

Mỗi một chuyến cách nhau vài tháng bởi hiểm họa rình rập dữ lắm. Phải ra đi khi trời êm mây tạnh. Mà mây tạnh thì đâu thoát lưới biên phòng. Muốn thoát phải biết sống biết chơi. Vụ biết nầy thì con quỷ biển tên Hải quá xá rành. Ghe đánh cá thường không bao giờ trở lại vì ưng lên tài công cũng vượt luôn. Ba bốn tháng tổ chức một lần thì năm chỉ cũng bốc hơi vô tăm dạng. Đến chuyến thứ tư thì có biến xẩy ra. Một thằng vượt biên nổi máu yêng hùng rút lê ra ngạo nghễ:

- Đù má, tao lụi chết hai thằng bây ngay tức khắc, cho bọn mày báo luôn đó.

Minh Cao lên đạn khẩu ép tay (M16):

- Tao cho mày bể gáo bây giờ. Bỏ lê xuống.

- Bắn đi. Bắn đi, tao đang thèm chết lắm đây, mày bắn tao cám ơn. Mày dám bắn thì biên phòng đến cả bọn cùng chết cho vui… Ê Hải, mày nói bãi nầy tuyệt đối an toàn mà ra vụ nầy là sao? Có ngu cũng biết mày dàn cảnh. Cà chớn tao giết mày ngay tại đây à.

- Mày đừng nói bá láp - Quỷ biển lên tiếng - Tao đâu có điên mà làm bậy.

May mà dân vượt không ít, họ kéo thằng liều lại nhỏ to bàn. Nói vậy chứ hai mươi em cho một chuyến. mỗi em chung ít cũng chục cây vàng, thêm tí chút đâu có gì mà lớn họng. Nó đòm một phát chỉ thiên, biên phòng kéo đến là tù chắc. Sau màn căng thẳng biết thắng lợi về ta, Minh lớn giọng:

- Tao đếm một đến ba không chung là tao đòm. Một…

- Mấy anh để từ từ… - Quỷ biển đóng kịch.

Vậy là xong.

Sĩ nói với Minh Cao:

- Má nó, vụ nầy nguy hiểm quá, nó biết súng không đạn là tao với mày bị hai chục thằng vây lại bóp cổ chết liền. Năm chỉ là không đáng, mày hiểu không?

- Tao biết, nhưng mà bây giờ tao chả biết làm cái chi cho ra tiền.

 Đến chuyến thứ năm thì Sĩ áp sát ghe cá để nghe cuộc thương lượng chung thêm giữa những tay vượt biển và quỷ biển. Cuối cùng cả ba hội nhau ở chợ vạn chài, Hải đặt chai rượu xuống cái bàn trong cái quán tứ bề gió lộng, mỗi thằng tu một hơi. Sĩ văng tục khi nhét năm chỉ vàng vào túi:

- Anh chơi không đẹp.

- Mày muốn gì?

- Tôi nép ngoài ghe biết bọn nó chung thêm cho anh thằng một cây, vị chi hai chục cây. Anh cho hai thằng tôi một cây là không đẹp.

- Vậy thôi. Thích thì làm không thích có quyền hồ biến và câm họng lại. Mày ti toe với ai là tao cho cả nhà mày đi tàu suốt.

- Má mày, tao thách mày đó.

Xưa nay Sĩ là cậu nên đâu biết sợ ai. Có thêm tí rượu lại càng yêng hùng tợn. Quỷ biển thì trời đất còn coi pha nói chi thằng ôn con nầy. Hắn đứng dậy đưa tay nắm cổ áo Sĩ xốc lên. Sĩ có một lưỡi dao sau lưng, làm cái nghề đêm hôm khuya khoắt nầy không dao thì ớn lắm. Sĩ rút ra và đâm vô bụng Hải một nhát. Rút dao ra và từ trên chém xuống nhát nữa, nhát nầy phập vô vai thằng côn đồ. Nó ôm bụng lảo đảo ngã ra đất. Minh Cao ngớ người ra, đâm đầu bỏ chạy. Sĩ cũng chạy. Lúc ấy chợ vạn chài chưa họp. Ông bà đã dạy đừng có bàn chuyện lớn khi có rượu mà không nghe. Bây giờ biển xanh không vùi xác cho nó đúng tinh thần thủy thủ lại đổ máu trong bờ. Có nhục không quỷ biển?

 ***

- Ý cha, li lỳ dữ à. Vậy ông bị tù vì giết người hả Nghệ Sĩ? - Một thằng hỏi.

- Câm mẹ cái họng mày lại. Tao bẻ răng bây giờ - Sáu Cường gằn giọng - Làm ngao thuốc rồi tiếp đi Nghệ Sĩ.

Sĩ tuôn về khu gia binh ém mình chờ hậu quả. Nhưng mọi chuyện yên ắng. Không yên sao được khi chuyện xẩy ra trong vắng lặng của khuya đêm. Kẻ thủ ác cũng ba bốn tháng mới làm một vố, bí ẩn như ma thì thánh chịu sầu. Liệu nó có chết bởi nhát dao đó không? Không chết ắt cũng oằn oại. Nếu còn sống nó cũng chả dám nói ai đâm. Sĩ sẵn sàng khai tuốt luốt mọi chuyện, lúc ấy cùng nhau mà bóc lịch:

- Nhưng mà sao? - Sáu Cường nóng ruột - Bà mẹ, ông rê ra quá. Lẹ cho tui nhờ tí coi, nó có chết không? Ông có bị bắt không?

- Kể chuyện mà mày làm như coi phim màn ảnh rộng. Sau đó tao đưa gia đình đi kinh tế mới.

- Vậy là không sao? Thằng quỷ biển chết hả?

- Không, nó sống nhăn.

- Ông có gặp lại nó không?

- Có nhưng mà dông dài lắm, phải tuần tự mới hiểu bằng không là chịu sầu. Đời bây chả có thằng nào phức tạp như tao đâu. Chuyện kinh tế mới cũng gay cấn lắm.

Khu gia binh lại bị thu hồi để thành lập doanh trại quân đội. Kẻ tạm cư được động viên đi kinh tế mới. Vụ di dân nầy nếu đi từ những đợt đầu tiên Sĩ và gia đình đã không sa vô vũng lầy nhân thế thương đau. Tin rằng ông Cộng hòa và đồng minh Mỹ còn lâu mới bỏ miền Nam, mà nếu họ có bỏ thật thì cũng phải ở xứ này để chờ ngày trở về của hai ngụy một quân một quyền. Đợt một trực chỉ Tây Nguyên, xa xôi và lạnh lắm em dân duyên hải không quen. Đợt hai Lâm Đồng cũng lạnh ngắt. Đợt ba là Nam Cát Tiên cũng vô cùng xa. Đến đợt cuối thì ông nhà nước lập miền kinh tế giáp ranh cách thị trấn nơi đang tạm ngụ chẵn chục cây số đường bộ. A ha. Nơi nầy ngon lành nghe, mỗi hộ sẽ được cấp phát sáu tháng lương thực, cấp đất cất nhà và lập vườn, cấp luôn cả tiền cất nhà. Vậy là ông cố nội chứ cha là con nhỏ lắm. Nào ta lên đường. Sĩ và gia đình trực chỉ.

(Số sau đăng tiếp)

    Nổi bật
        Mới nhất
        Kể chuyện giải sầu (Phần 2)<br><i>Truyện của</i> Nguyễn Trí
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO