Hệ sinh thái Tiến Phước khởi nguồn từ Công ty nông sản tinh dầu Tiến Phước được ông Nguyễn Thành Lập sáng lập từ năm 1992, sau này dần phát triển theo mô hình "holding" và tập trung vào mảng kinh doanh bất động sản.
Dữ liệu từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, trong những năm gần đây, nhóm công ty của Tiến Phước đã huy động ồ ạt hàng nghìn tỷ trái phiếu.
Theo đó, CTCP Tập đoàn Tiến Phước (Công ty mẹ) trong năm 2021 đã phát hành hai lô trái phiếu gồm: lô trái phiếu GTPCH2123001 giá trị 300 tỷ đồng phát hành vào ngày 25.3.2021, kỳ hạn 2 năm. Lô GTPCH2123002 giá trị 200 tỷ đồng phát hành vào ngày 6.4.2021, cũng có kỳ hạn 2 năm.
Liên quan đến hai lô trái phiếu nêu trên, CTCP Tập đoàn Tiến Phước đã tổ chức Hội nghị Người sở hữu trái phiếu để bàn về việc thay đổi điều khoản, điều kiện của hai lô trái phiếu GTPCH2123001 và GTPCH2123002. Tại hội nghị, Tiến Phước và các trái chủ đã thông qua việc điều chỉnh kỳ hạn của lô trái phiếu nói trên thêm hai năm.
Về tình hình kinh doanh của CTCP Tập đoàn Tiến Phước, năm 2022, lợi nhuận sau thuế của Tiến Phước Group chỉ đạt 721 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 là 293,4 tỷ đồng. Như vậy, mức lợi nhuận của năm 2022 đã tụt giảm hơn 99% so với một năm trước.
Cùng chiều, vốn chủ sở hữu của Tiến Phước Group cũng "bốc hơi" gần 900 tỷ đồng sau một năm. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng lên 3,87 lần. ROE suy giảm từ 9,94% (năm 2021) về 0,03% (năm 2022).
Cùng trong năm 2021, một thành viên của nhóm Tiến Phước là Công ty TNHH MTV Đầu tư TPI phát hành lô trái phiếu TICCH2124001 có kỳ hạn 3 năm, qua đó huy động thành công 1.000 tỷ đồng.
Tương tự như CTCP Tập đoàn Tiến Phước, tình hình kinh doanh của TPI không mấy khả quan khi báo lỗ 251 tỷ đồng vào năm 2021 và chỉ “lãi cho có” 2 tỷ đồng vào năm 2022.
Trước đó, trong năm 2019, CTCP Sàn giao dịch Bất động sản Tiến Phước (Tiến Phước Land) đã phát hành 4 lô trái phiếu với tổng giá trị 1.056 tỷ đồng, giá trị trái phiếu này còn gấp nhiều.
Kết quả kinh doanh trong 3 năm gần đây thể hiện, Tiến Phước Land lần lượt thua lỗ 126 tỷ đồng (năm 2019), 87,3 tỷ đồng (năm 2020) và 227 tỷ đồng (năm 2021) dù doanh thu hàng năm vẫn lên đến hàng trăm tỷ đồng. Kết quả là vốn chủ sở hữu của của công ty giảm nhưng nợ phải trả lại tăng đáng kể.
Bên cạnh đó, một thành viên “nòng cốt” trong hệ sinh thái của Tiến Phước Group là Công ty CP Bất động sản Tiến Phước cũng tham gia cuộc chơi trái phiếu. Theo dữ liệu trái phiếu, Bất động sản Tiến Phước từng phát hành hai lô trái phiếu với tổng giá trị là 461 tỷ đồng phát hành vào 14.5.2021 và 30.3.2022, đều có kỳ hạn 12 tháng.
Tình hình kinh doanh của Bất động sản Tiến Phước cũng giống như những người “anh em” trong “đại gia đình” Tiến Phước Group khi năm 2022 có mức lợi nhuận đạt 791 triệu đồng, giảm hơn 99% so với năm 2021.
Việc huy động vốn hàng nghìn tỷ từ kênh trái phiếu với mục đích để đầu tư các dự án, tăng quy mô kinh doanh nhưng kết quả kinh doanh của nhóm Tiến Phước lại kém sắc khiến nhà đầu tư không khỏi băn khoăn.
Tập đoàn Tiến Phước được biết đến là một trong những doanh nghiệp địa ốc đầu tiên tại TP HCM cùng với Nam Long và Vạn Thịnh Phát.
Một dự án được chú ý của Tập đoàn này phải kể đến Khu phức hợp tháp quan sát Empire City nằm tại khu chức năng số 2B ở “khu đất vàng” Thủ Thiêm, do liên doanh Tập đoàn Tiến Phước, Công ty TNHH Bất Động sản Trần Thái, Công ty Denver Power Ltd cùng Công ty TNHH Keppel Land thực hiện.
Dự án có diện tích 14,5 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD và dự kiến hoàn thành trong năm 2022. Đáng chú ý, theo quy hoạch, dự án sẽ có tòa nhà đa chức năng cao 88 tầng và dự kiến sau khi hoàn thiện sẽ vượt qua Landmark 81 trở thành tòa nhà cao nhất Việt Nam.