Chính trị

Hướng tới tự chủ, minh bạch cho ngân sách địa phương

Hải Thanh- Lê Nguyên 17/05/2025 17:10

Chiều 17/5, thảo luận tại Tổ 11 ( gồm các Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, Sơn La, Long An, Vĩnh Long) về dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), các ĐBQH đề nghị rà soát các quy định về phân chia nguồn thu giữa ngân sách Trung ương và địa phương. Đồng thời đề xuất nhiều giải pháp nhằm tăng cường quyền chủ động cho các địa phương, nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước.

Tăng quyền chủ động ngân sách địa phương

Tại phiên thảo luận tổ về Dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước, đa số ĐBQH tổ 11 bày tỏ sự ủng hộ đối với sự cần thiết sửa đổi Luật, đánh giá cao cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn của việc này trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Tuy nhiên, đi sâu vào một số điều khoản cụ thể, các ĐBQH đã có những góp ý, đề xuất điều chỉnh, bổ sung một số điều khoản nhằm tăng cường tính chủ động và hiệu quả của ngân sách địa phương.

Quang canh 17
Quang cảnh thảo luận tại Tổ 11. Ảnh: Lê Nguyên

Góp ý về nguyên tắc cân đối ngân sách nhà nước (Điều 7) và nguyên tắc cân đối nguồn thu, nhiệm vụ chi và quan hệ giữa các cấp ngân sách (Điều 9), ĐBQH Lê Thị Song An ( Long An) đề nghị Quốc hội cân nhắc nâng mức dư nợ vay ngân sách địa phương quy định tại điểm a khoản 6 Điều 7 lên 150% thay vì 120% đối với các địa phương không nhận phân bổ cân đối từ ngân sách trung ương. Đại biểu cho rằng, điều này sẽ giúp các địa phương chủ động hơn về nguồn vốn đầu tư phát triển, đặc biệt là các dự án đã được HĐND tỉnh phê duyệt, nhất là sau sáp nhập. Mặc dù đã có quy định mở về việc báo cáo Quốc hội khi cần vay vượt mức, đại biểu lo ngại quy trình này sẽ kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ phát triển địa phương.

Bên cạnh đó, ĐBQH Lê Thị Song An nhấn mạnh sự cần thiết bổ sung quy định rõ ràng về nguyên tắc công khai, minh bạch và tăng cường sự tham gia của người dân, đặc biệt thông qua các nền tảng công nghệ số. Đồng thời, cần quy định cụ thể hơn về trách nhiệm giải trình trong toàn bộ chu trình ngân sách, từ khâu lập dự toán, phân bổ, thực hiện đến quyết toán. Đại biểu cho rằng, việc minh bạch hóa và tăng cường trách nhiệm giải trình sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ số hiện nay, sự tham gia của người dân sẽ giúp giám sát tốt hơn, bảo đảm sử dụng ngân sách đúng mục tiêu, ngăn ngừa thất thoát, lãng phí.

le Thi Song An 17
ĐBQH Lê Thị Song An (Long An) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Lê Nguyên

Liên quan đến hành vi bị cấm (Điều 18), đại biểu đề xuất bổ sung hành vi "Lợi dụng công nghệ để che giấu sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách hoặc cản trở quyền tiếp cận thông tin ngân sách của công dân", nhằm ứng phó với tình trạng lợi dụng công nghệ để vi phạm trong lĩnh vực này.

Đối với nguồn thu ngân sách Trung ương (Điều 35), đặc biệt là khoản thu từ tiền sử dụng đất và tiền thuê đất, ĐBQH Lê Thị Song An đề nghị cân nhắc lại tỷ lệ phân chia. Dẫn chứng từ thực tế tỉnh Long An, nơi nguồn thu này đóng vai trò quan trọng trong chi đầu tư phát triển, đại biểu lo ngại việc điều chỉnh tỷ lệ theo dự thảo sẽ gây khó khăn cho địa phương thực hiện các dự án trọng điểm. Theo đó, đại biểu đề xuất có lộ trình điều chỉnh hoặc xem xét tỷ lệ phân chia khác, ví dụ ngân sách trung ương 10%, địa phương 90%, đồng thời cho biết đây cũng là kiến nghị của nhiều địa phương khác.

Tương tự, đại biểu cũng đề nghị điều chỉnh tỷ lệ phân chia đối với tiền thuê đất theo hướng tăng tỷ lệ cho địa phương để bảo đảm nguồn lực chi thường xuyên trong bối cảnh nhiệm vụ chi ngày càng tăng.

Về các khoản thu phân chia (Điều 35) như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, đại biểu đề nghị giữ nguyên tỷ lệ phân chia như hiện hành (điều tiết 5%) và đề nghị đánh giá tác động cụ thể đến khả năng cân đối ngân sách của các địa phương nếu áp dụng phương án mới.

Về điều khoản chuyển tiếp (Điều 57), ĐBQH Lê Thị Song An chỉ ra sự thiếu đồng bộ giữa quy định về phân chia khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (thực hiện từ năm ngân sách 2026 theo Luật sửa đổi) với việc xây dựng dự toán chi năm 2026 theo Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 (áp dụng định mức chi cũ). Điều này sẽ gây khó khăn cho địa phương trong việc cân đối nguồn lực, đặc biệt là chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển. Do đó, đại biểu đề nghị rà soát, điều chỉnh nội dung khoản 2 Điều 57 để bảo đảm tính đồng bộ và cân đối thu - chi trong quá trình triển khai.

Nhấn mạnh, việc ngân sách tỉnh phụ thuộc nhiều hơn vào khoản bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương sẽ làm giảm tính chủ động, tự chủ tài chính của ngân sách địa phương, ảnh hưởng đến khả năng điều hành, lập kế hoạch và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Do đó, để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn và tăng cường tính chủ động, tự chủ của ngân sách địa phương, ĐBQH Lê Thị Song An đề nghị Ban soạn thảo rà soát, xem xét, điều chỉnh theo hướng: rà soát lại các quy định liên quan đến phân chia nguồn thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, bảo đảm tỷ lệ điều tiết hợp lý hơn cho các địa phương có mức phát triển trung bình nhằm duy trì khả năng tự cân đối ngân sách.

Cần chế tài nghiêm, minh bạch chi tiêu công

Về khoản 1 Điều 18 về các hành vi bị cấm, ĐBQH Nguyễn Thanh Phong kiến nghị bổ sung thêm hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để điều chỉnh, thay đổi mục đích sử dụng ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền quyết định mà không tuân thủ đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật". Đại biểu lý giải rằng, tình trạng tự ý điều chuyển mục đích sử dụng ngân sách đang diễn ra ở một số nơi, gây ra thất thoát và làm giảm hiệu quả sử dụng ngân sách.

Đánh giá dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), được xây dựng bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ giữa các quy định của pháp luật; đồng thời, luật hóa những vấn đề đã rõ, phù hợp với thực tiễn; kế thừa những quy định còn phù hợp của Luật hiện hành; sửa đổi, bổ sung những quy định không còn phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, song ĐBQH Nguyễn Thanh Phong ( Vĩnh Long) cũng cho rằng: dự thảo Luật còn một số điểm cần phải bổ sung, sửa đổi cho hoàn chỉnh, phù hợp với tình hình thực tế, nhất là trong bối cảnh thay đổi tổ chức bộ máy như hiện nay.

Cụ thể, tại khoản 3 Điều 18, đại biểu đề xuất chỉnh sửa ngôn ngữ pháp lý cho rõ ràng hơn, cụ thể hóa hành vi "chi ngân sách sai chế độ" thành "Thực hiện chi ngân sách nhà nước không đúng mục tiêu, định mức, tiêu chuẩn, chế độ quy định hoặc không đúng quy trình kiểm soát chi theo quy định hiện hành". Theo đại biểu, cách diễn đạt này sẽ bao quát hơn các sai phạm thường gặp như chi vượt định mức, sai đối tượng, hoặc không qua kiểm soát của Kho bạc.

Liên quan đến chế tài xử lý vi phạm, ĐBQH Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh sự cần thiết bổ sung quy định về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức vi phạm hoặc dẫn chiếu đến các luật liên quan như Luật Cán bộ, công chức, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Hình sự. Đại biểu cho rằng, việc thiếu quy định rõ ràng về hậu quả pháp lý có thể dẫn đến việc xử lý vi phạm thiếu thống nhất và tùy tiện.

Về điểm h khoản 2 Điều 38, đại biểu đề xuất bổ sung nhiệm vụ chi cho "hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn ở địa phương". Đại biểu cho rằng, đây là những vấn đề cấp thiết và mang tính chiến lược, cần được địa phương chủ động bố trí ngân sách.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị tăng cường giám sát độc lập, cộng đồng và công khai ngân sách, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát hiệu quả các hành vi bị cấm, như truy vết dòng tiền chi tiêu công.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Hướng tới tự chủ, minh bạch cho ngân sách địa phương
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO