Tâm lý phải "bảo toàn vốn" khiến doanh nghiệp chần chừ, lỡ thời cơ?
Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu đổi mới, hội nhập, cơ cấu lại doanh nghiệp có vốn nhà nước... Tuy nhiên, thời gian qua, có sự điều chỉnh một số chủ trương, quan điểm chỉ đạo và hệ thống pháp luật có liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, quá trình triển khai thực hiện Luật năm 2014 và các văn bản hướng dẫn qua rà soát cho thấy đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.
Trong đó, theo các chuyên gia, phạm vi điều chỉnh của Luật hiện hành chưa tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp; chưa bao gồm nội dung cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Việc đổi mới căn bản, toàn diện trong công tác quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp theo Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước chưa được thể hiện đầy đủ. Điều này cũng khiến các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Mặt khác, vì tư duy quản lý phải bảo toàn vốn nên đã có tâm lý chần chừ trong kinh doanh, bỏ lỡ nhiều cơ hội.
Việc xác định vai trò của cơ quan quản lý nhà nước với vai trò của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các quy định mang tính hành chính can thiệp vào hoạt động quản trị doanh nghiệp chưa rõ, chưa thực sự được khắc phục. Việc đầu tư vốn (bao gồm cả việc bổ sung và rút vốn) Nhà nước tại doanh nghiệp cũng chưa được quy định cụ thể, chưa tạo tính chủ động, kịp thời, linh hoạt.
Một số quy định liên quan đến quản trị tại doanh nghiệp do Nhà nước đầu tư trực tiếp còn bất cập, trong đó việc đánh giá xếp loại doanh nghiệp cũng như việc đánh giá bảo toàn vốn của doanh nghiệp chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Việc quản lý lợi ích thu được từ vốn nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp chưa được quy định cụ thể trong Luật mà đang thực hiện theo hướng dẫn tại các văn bản dưới Luật. Quy định thực hiện quyền, trách nhiệm của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước là cơ quan chuyên trách chưa được quy định trong Luật...
Để khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, thực hiện các chủ trương của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 về triển khai thực hiện kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và đề án định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu đề xuất đưa dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 - 2023. Tại Phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về đề nghị bổ sung dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Tuy nhiên, đây là dự án Luật khó, nhiều vấn đề phải giải quyết, nên đến nay, dù hết sức tích cực, nhưng Bộ Tài chính hiện mới đang báo cáo Chính phủ để hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật này.
Bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, tự chủ trong hoạt động doanh nghiệp
Tại Tọa đàm về sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp do Ủy ban Tài chính - Ngân sách tổ chức, Bộ Tài chính đã báo cáo những chính sách mới dự kiến sẽ đưa vào dự án Luật này.
Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Bùi Tuấn Minh cho biết, Bộ Tài chính dự kiến đề xuất sửa đổi căn bản các nội dung của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp thể hiện ở 6 nhóm chính sách mới. Trong đó, với nhóm chính sách về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, dự luật sẽ quy định rõ nguyên tắc quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp bảo đảm nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, bảo toàn, hiệu quả, công bằng, thị trường, linh hoạt và công khai, minh bạch. Tăng cường phân công, phân cấp ủy quyền cho hội đồng thành viên, hội đồng quản trị doanh nghiệp gắn với trách nhiệm giải trình của người đứng đầu, của lãnh đạo doanh nghiệp; trách nhiệm giám sát, kiểm tra của cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn. Vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp phải được quản lý thống nhất, không phân biệt cấp quyết định thành lập.
Với nhóm chính sách về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, dự luật sẽ quy định rõ vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp để thực hiện nghĩa vụ góp vốn chủ sở hữu nhà nước được xác định là tài sản/vốn của pháp nhân doanh nghiệp theo quy định của Bộ luật Dân sự, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, tự chủ trong hoạt động của pháp nhân là doanh nghiệp. Nhà nước thực hiện quản lý doanh nghiệp theo pháp nhân doanh nghiệp đầu tư vốn, không quản lý doanh nghiệp theo từng tài sản mà chủ sở hữu góp vốn điều lệ (đã chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp).
Với nhóm chính sách về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, dự kiến tại dự luật sẽ quy định cụ thể, phân cấp rõ để bảo đảm chủ động và xác định rõ thẩm quyền trình tự, thủ tục, rõ trách nhiệm của doanh nghiệp và các cơ quan trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp.
Với nhóm chính sách về sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất, sẽ quy định cụ thể các nguyên tắc về sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước đã đầu tư tại doanh nghiệp (các quy định tại nghị định đã được thực hiện ổn định trong thời gian qua) và quy định rõ hình thức chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu. Trong đó, quá trình sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp là quá trình thực hiện thường xuyên, liên tục.
Với nhóm chính sách về cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn, tại dự án Luật dự kiến sẽ quy định tách bạch rõ nội dung chức năng quản lý, đầu tư vốn của đại diện chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản trị, điều hành của doanh nghiệp nhà nước cần phải quy định rõ quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện, người đại diện chủ sở vốn theo chức năng.
Đối với nhóm chính sách về quản trị doanh nghiệp, chính sách, tại dự án Luật sẽ quy định điều chỉnh một số nội dung trong công tác quản trị doanh nghiệp để quy định rõ quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp (không quy định các nội dung mang tính quản trị điều hành của doanh nghiệp), bảo đảm tính tự chủ trong hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, nguồn lực nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp rất lớn nên cần phải tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực này. Do vậy, dù đây là dự án Luật khó, có nhiều chính sách mới, song các cơ quan cũng phải quyết tâm cao hơn nữa, quyết liệt trong công tác chuẩn bị hồ sơ dự án Luật để sớm trình Quốc hội, hoàn thành nhiệm vụ lập pháp đã được xác định tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.