Tọa đàm về sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp

- Thứ Tư, 10/01/2024, 13:03 - Chia sẻ

Sáng 10.1, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Tọa đàm về sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh và Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển đồng chủ trì Tọa đàm.

Tham dự có Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách; đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia; đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, UBND TP. Hà Nội; các chuyên gia, đại diện một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước…

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu đổi mới, hội nhập, cơ cấu lại doanh nghiệp có vốn nhà nước... Tuy nhiên, thời gian qua, có sự điều chỉnh một số chủ trương, quan điểm chỉ đạo và hệ thống pháp luật có liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Quá trình triển khai thực hiện Luật này và các văn bản hướng dẫn cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.

Theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ khóa XV đã yêu cầu đề xuất sửa đổi Luật này và đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 - 2023. Tại Phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về đề nghị bổ sung dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Tuy nhiên, đây là dự án luật khó, nhiều vấn đề phải giải quyết, do đó, đến nay mặc dù hết sức tích cực, nhưng Bộ Tài chính mới đang báo cáo Chính phủ để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật này.

Với tinh thần từ sớm, từ xa, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Mạnh cho biết, các thông tin tại tọa đàm sẽ là căn cứ giúp cơ quan soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật và cung cấp thông tin cho cơ quan thẩm tra trong quá trình thẩm tra dự án Luật khi Chính phủ trình.

Các đại biểu dự tọa đàm tập trung đóng góp ý kiến về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự án Luật; nội dung quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp của Chính phủ, các Bộ, UBND cấp tỉnh, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn; hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra, đánh giá doanh nghiệp; báo cáo, công bố, công khai thông tin doanh nghiệp; xác định nguồn vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; mục đích, yêu cầu, hình thức và nguyên tắc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; thẩm quyền, trình tự, thủ tục đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; hoạt động đầu tư của doanh nghiệp; sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp; chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn; cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn; quản trị doanh nghiệp…

Các đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp để khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, thực hiện các chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Một số ý kiến lưu ý, đây là dự luật khó, đòi hỏi phải lấy ý kiến nhiều lần, nhiều vòng để thu thập đầy đủ và đa chiều các ý kiến. Do vậy, các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần phân công cán bộ chuyên trách tham gia các hội thảo, tọa đàm, phiên họp cho ý kiến, bảo đảm đưa ra ý kiến góp ý thống nhất, thiết thực cho quá trình hoàn thiện dự án Luật.

Các đại biểu đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu kế thừa, phát huy những quy định còn phù hợp với thực tế, có tác động tích cực của Luật hiện hành; chú ý tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước và chức năng quản trị, điều hành của doanh nghiệp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp, giảm các công việc sự vụ phải xem xét, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; quy định, xác định rõ mục đích, yêu cầu, phạm vi, lĩnh vực, nguyên tắc, hình thức đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; cân nhắc giao quyền chủ động cho doanh nghiệp nhà nước quản lý hoạt động của doanh nghiệp mà mình góp vốn...

Lê Bình
#