Khó ở khâu xử lý
Ông Nguyễn Quang Huân phân tích, thực tế có các loại rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, rác thải xây dựng…, phải tùy vào từng loại rác mà có cách quản lý, xử lý khác nhau.
Chẳng hạn, với rác thải xây dựng chỉ cần quản lý tốt bởi lẽ loại rác thải này không độc hại, thậm chí còn là nguồn quý nếu trở thành vật liệu san lấp. Với rác công nghiệp cũng cần phân rõ thuộc tính của ngành công nghiệp gì. Như rác thải ngành công nghiệp vi mạch, có thể thu gom, xử lý để lấy các kim loại quý trong đó. Ví dụ, thu gom dầu thải để lấy niken, vàng, nhiều kim loại quý khác...
Quá trình thu gom, xử lý các loại rác thải này cần bảo đảm áp dụng công nghệ để không gây ảnh hưởng môi trường, quy trình xử lý không quá tốn kém so với mua mới ngoài thị trường.
Vấn đề nhức nhối hiện nay là rác thải sinh hoạt. Theo ông Nguyễn Quang Huân, với con số khoảng 60.000 tấn rác thải phát sinh mỗi ngày, xử lý tốt thì đó là tài nguyên hoặc ngược lại là nguồn ô nhiễm môi trường. Hiện nay tỷ lệ thu gom, xử lý rác rất cao, 80 – 90% nhưng nếu tách hai nội hàm riêng biệt thì việc xử lý rác hiện nay là chưa đạt.
Ngay từ phiên giải trình chất thải rắn của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường thực hiện cuối 2022 đã khẳng định rõ tỷ lệ xử lý rác thải rất thấp. Sau này Nghị quyết 499/NQ-UBTVQH15 năm 2022 về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV cũng nêu vấn đề xử lý rác thải còn nhiều bất cập, không đạt được tỷ lệ xử lý rác thải cao. Vì thế năm 2025, Quốc hội sẽ xem xét Báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”. Hy vọng khi ấy sẽ có số liệu để biết chúng ta đang thu gom và xử lý rác thải như thế nào, ông Nguyễn Quang Huân nói.
Tập trung vào công nghệ
Về vấn đề công nghệ xử lý rác thải cũng đa dạng tùy vào mỗi loại rác thải khác nhau. Theo đó, mỗi sản phẩm công nghiệp có cơ chế xử lý rác thải khác nhau. Một số loại rác công nghiệp thậm chí rất khan hiếm vì tạo nên giá trị lớn như rác thải ngành giầy da, rác thải vi mạch… Tập trung vào công nghệ xử lý rác nên chú ý đến rác thải sinh hoạt.
Nhận định như vậy, ông Nguyễn Quang Huân cho rằng áp dụng công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt là vấn đề nan giải. Việc phân loại rác tại nguồn đã đề cập nhiều song hạ tầng không đồng bộ, tiêu chuẩn xử lý cũng nhiều vấn đề. Theo đó, sử dụng công nghệ cần chú ý các yếu tố như sau khi xử lý, đầu ra của rác thải là bao nhiêu % phải mang chôn lấp, hay quá trình xử lý đó tạo ra khí thải môi trường bao nhiêu? Điều này phụ thuộc vào thành phần rác và lượng rác phát sinh hàng ngày.
Câu chuyện đốt rác phát điện cũng là điều cần hết sức quan tâm. Trên thực tế nhiều nơi trong quá trình đốt rác phát điện dùng dầu, hình thành khói độc hại. Trong khi đó, đốt rác phát điện ở Việt Nam chưa hẳn là ưu thế, bởi rác ở Việt Nam nhiệt trị rất thấp, cơ bản chỉ khoảng 5,5 – 6MJ/kg rác thấp hơn rất nhiều so với rác ở châu Âu khoảng 20MJ/kg rác. Chưa kể, có nhà máy rác sau xử lý rác, thành phần rác thải mang ra chôn lấp lên đến 30%.
Con số trên cho thấy hiệu quả xử lý rác đang rất thấp. Do đó, cơ quan nhà nước một mặt khuyến khích tất cả thành phần kinh tế, nhà đầu tư, nhà công nghệ tập trung phát triển xử lý rác, mặt khác kiểm soát chất lượng xử lý rác. Nếu để tình trạng hiện nay, không kiểm soát chất lượng khí thải, kiểm soát rác sau xử lý thì rất nguy hiểm, ông Nguyễn Quang Huân nhấn mạnh.