![Hoạt động nghiệp vụ tại Kho bạc Nhà nước huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Ảnh: H.Liên Hoạt động nghiệp vụ tại Kho bạc Nhà nước huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Ảnh: H.Liên](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/de2ce54bdb7a59a5f7ed9fad7e3b3f20a5362974369255f882dbb839d8a32b98185fd8f9354d8f17a31fc1c0f2ba45433158fb165842eed8253246bb816c86b46e0bd552e38e45dfa99aca96f129cb185a84ccedfe722b71135366c523369ebf/1-kho_bac_dhoa_2_20240123141136_20240127054008.jpeg)
Tăng tốc giải ngân ở huyện miền núi
Ở huyện Định Hóa, Thái Nguyên, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 70% dân số. Đời sống của đồng bào còn khó khăn nên địa phương được ưu đãi phân bổ nhiều nguồn vốn, chính sách đặc thù. Trong đó, công tác giải ngân vốn đầu tư, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn hỗ trợ xây dựng nông thôn mới chủ yếu phân giao về cho các xã làm chủ đầu tư, sau đó xã tiếp tục giao khoán cho tổ đội thi công. Vì vậy, tiến độ triển khai công trình, dự án thường chậm, dẫn đến việc thanh toán cũng bị "giãn tiến độ" và thường dồn vào tháng cuối năm, gây ra những khó khăn nhất định cho việc giải quyết các thủ tục, hồ sơ.
Trung bình mỗi tháng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Định Hóa chuyển sang Kho bạc Nhà nước (KBNN) huyện Định Hóa trên 100 bộ hồ sơ; anh Lê Quang Vĩnh, kế toán Ban Quản lý, cho biết, hồ sơ gửi đi đều được KBNN huyện Định Hóa tiếp nhận và được giải quyết nhanh gọn, chủ yếu là trong ngày. Đặc biệt, việc thực hiện tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trên Cổng dịch vụ công trực tuyến đã tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị khi gửi hồ sơ, chứng từ, công khai minh bạch về thủ tục cũng như thời hạn giải quyết, rút ngắn được thời gian xử lý.
Theo ông Lương Văn Điệp, Giám đốc KBNN Định Hóa, trong 2 năm qua, toàn huyện triển khai trên 900 công trình, dự án, tăng 1,5 lần so với trước. Chính vì vậy, khối lượng hồ sơ phát sinh tăng mạnh, trên 31.000 hồ sơ/năm. Để giải quyết kịp thời các công việc, qua đó giúp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, từ năm 2022, KBNN huyện Định Hóa đã sắp xếp, phân công nhiệm vụ phù hợp cho mỗi công chức. Theo đó, những đơn vị có số lượng chứng từ, hồ sơ lớn và các xã về đích nông thôn mới trong năm sẽ được phân đều cho các giao dịch viên. Nếu bộ phận nào "quá tải”, sẽ có điều chuyển cục bộ để giải quyết công việc trong thời gian ngắn nhất. Nhờ đó, tất cả hồ sơ, chứng từ hợp lệ đều được giải quyết trước và đúng hạn.
Tiến tới kho bạc số
Tại KBNN An Giang, dịch vụ công trực tuyến được triển khai trên diện rộng từ tháng 4.2019. Chỉ một năm sau đó, 100% đơn vị và số lượng hồ sơ đã thực hiện giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến tại các đơn vị kho bạc trong tỉnh.
Theo đánh giá của các đơn vị sử dụng ngân sách ở An Giang, dịch vụ công trực tuyến kho bạc là bước đột phá, mang lại nhiều lợi ích, rút ngắn thời gian và chi phí. Trước đây, khi giao dịch, các đơn vị phải mang hồ sơ đến tận kho bạc thì nay chỉ cần ngồi nhà thao tác nhanh chóng, gọn nhẹ. Thời gian xử lý kết quả hồ sơ, từ gửi hồ sơ, tiếp nhận, xử lý và trả kết quả đều thực hiện tự động. Đơn vị sử dụng ngân sách có thể chủ động tra cứu kết quả trên hệ thống 24/7. Chủ tài khoản, kế toán trưởng có thể tải ứng dụng tra cứu số dư tại kho bạc trên điện thoại di động, thuận tiện theo dõi, sử dụng kinh phí.
Với việc cung cấp 100% thủ tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, KBNN An Giang đã hiện đại hóa công tác kiểm soát chi và giảm thiểu rủi ro trong thanh toán; tiến tới thực hiện kiểm soát chi điện tử, kho bạc số.
Sẽ tiếp tục nâng cấp Hệ thống
KBNN là đơn vị đầu tiên trong ngành tài chính hoàn thành việc cung cấp 100% thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% dịch vụ công trực tuyến được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, hoạt động giao dịch với KBNN 24/7 (kể cả ngày nghỉ, ngày lễ).
Năm 2023, số lượng giao dịch chứng từ chi ngân sách nhà nước phát sinh hàng tháng trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến đạt trên 99%. Đồng thời, KBNN tiếp tục vận hành Hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoạt động ổn định, thông suốt; nâng cấp dịch vụ công trực tuyến bổ sung cổng trao đổi dữ liệu qua Internet với các nhà cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông. KBNN cũng hoàn thành việc kiểm thử, thỏa thuận với Vietinbank dịch vụ thanh toán, chi trả cá nhân qua tài khoản tại ngân hàng thương mại của đơn vị giao dịch tham gia dịch vụ công trực tuyến.
Việc tăng cường giao dịch điện tử trên hệ thống Dịch vụ công trực tuyến của KBNN tạo điều kiện giúp các đơn vị sử dụng ngân sách tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại, đặc biệt ở các địa phương miền núi, vùng sâu vùng xa; đồng thời, góp phần rút ngắn thời gian kiểm soát, thanh toán các khoản chi ngân sách. Qua đó, góp phần vào thành công giải ngân đầu tư công năm 2023. Theo báo cáo của KBNN, tính đến hết tháng 1.2024, luỹ kế vốn đầu tư kiểm soát, thanh toán qua KBNN thuộc kế hoạch năm 2023 là 638.315 tỷ đồng, bằng 96,2% kế hoạch được giao.
Năm 2024, KBNN sẽ tập trung triển khai triển khai dịch vụ thanh toán, chi trả cá nhân qua tài khoản tại ngân hàng thương mại của đơn vị giao dịch tham gia dịch vụ công trực tuyến; xây dựng chương trình lưu trữ hồ sơ, chứng từ chi điện tử KBNN; nâng cấp và mở rộng một số chức năng Hệ thống dịch vụ công trực tuyến…