Hàng loạt vi phạm bị Thanh Tra Chính phủ chỉ rõ
Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có Thông báo kết luận thanh tra việc chuyển đổi mục đích đất từ đất sản xuất, kinh doanh sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011 – 2019 của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa. Trong đó, kết luận thanh tra đã đề cập đến việc thực hiện dự án Khu thương mại dịch vụ và chung cư cao tầng tại ngõ 622 Minh Khai, Hà Nội (tên thương mại là Dự án Amber Riverside).
Theo kết luận này, ngày 7.9.2017, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 6247/QĐ-UBND cho phép Công ty CP Xuất nhập khẩu lương thực – Thực phẩm Hà Nội chuyển mục đích sử dụng 6.364,8m2 đất để thực hiện dự án Khu thương mại, dịch vụ và chung cư cao tầng.
Đến ngày 26.4.2018, UBND TP Hà Nội tiếp tục có Quyết định 2031/QĐ-UBND phê duyệt giá đất làm căn cứ tính tiền thuê đất hàng năm đối với diện tích 2.519,8m2 thuộc Dự án theo đơn giá đất SXKD tại Quyết định số 96/2014/QĐ-UBND ngày 29/12/2014 của UBND TP Hà Nội.
TTCP kết luận, việc UBND TP Hà Nội ban hành 2 quyết định vừa nêu trên là không đúng quy định tại khoản 1 Điều 3, Thông tư 77/2014/TT-BTC ngày 16/6/2016 của Bộ Tài chính. Do đó, việc xác định tiền thuê đất hàng năm là không chính xác.
“Trách nhiệm thuộc về UBND TP Hà Nội, các sở ngành có liên quan (Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Hội đồng Thẩm định giá đất thành phố…”, kết luận của TTCP nêu rõ.
Ngoài ra, kết luận của TTCP cũng đề cập sai phạm về việc góp vốn hợp tác kinh doanh, phân chia lợi ích liên quan đến dự án này.
Cụ thể, hợp đồng hợp tác đầu tư, trong đó các bên thỏa thuận góp vốn bằng quyền thuê đất là không đúng quy định pháp luật về đất đai. Ngoài ra vào năm 2009, thời điểm Công ty CP Xuất nhập khẩu lương thực – Thực phẩm Hà Nội (Nhà nước nắm 51% vốn góp) và Công ty CP Kỹ nghệ và hạ tầng Telin ký kết hợp đồng hợp tác, tiền chuyển mục đích sử dụng đất chưa được xác định.
Năm 2017, UBND TP Hà Nội cho phép Công ty CP Xuất nhập khẩu lương thực – Thực phẩm Hà Nội chuyển mục đích sử dụng 6.364,8m2 đất sang xây dựng nhà ở, tiền sử dụng đất đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, nhưng hai bên chưa tính toán lại phương án góp vốn, phân chia sản phẩm.
Trách nhiệm này, theo kết luận TTCP thuộc về Hội đồng quản trị, TGĐ Công ty CP Xuất nhập khẩu lương thực – Thực phẩm Hà Nội người đại diện phần vốn góp của Tổng công ty Lương thực miền Bắc (công ty mẹ) tại doanh nghiệp này.
Để khắc phục những tồn tại, sai phạm liên quan dự án tại ngõ 622 Minh Khai, TTCP đề nghị UBND TP Hà Nội chủ trì, chỉ đạo các sở ngành thực hiện rà soát, xác định lại đơn giá để tính tiền thuê đất; trên cơ sở đó xác định tiền thuê đất đối với diện tích 2.519,8m2 tại dự án 622 ngõ Minh Khai, tránh thất thu ngân sách.
Ngoài ra, TTCP cũng đề nghị Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định pháp luật đối với các doanh nghiệp/ chủ đầu tư dự án thuộc thẩm quyền quản lý về những khuyết điểm, vi phạm liên quan dự án này đã được nêu rõ trong kết luận thanh tra;
Chỉ đạo Tổng công ty Lương thực miền Bắc chủ trì, phối hợp người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, HĐQT Công ty CP XNK lương thực – Thực phẩm Hà Nội thực hiện đàm phán với Tập đoàn Telin trong việc liên danh thực hiện dự án Khu thương mại dịch vụ và chung cư cao tầng, để rà soát, tính toán lại phương án góp vốn, phân chia sản phẩm, đảm bảo lợi ích phần vốn Nhà nước trong liên danh.
Tập đoàn Telin có trách nhiệm thanh toán cho Công ty CP Xuất nhập khẩu lương thực – Thực phẩm Hà Nội phần lợi ích kinh tế tăng thêm.
Hé lộ “đế chế” bất động sản kín tiếng
Dữ liệu doanh nghiệp thể hiện, Công ty CP Tập đoàn Telin (Telin Group) đi vào hoạt động năm 2018, tiền thân là Công ty TNHH Kỹ nghệ và hạ tầng Telin. Telin Group tự giới thiệu là một tập đoàn với các công ty con hoạt động trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực, gồm: Công ty TNHH Công nghệ và Truyền thông COMTEC; Công ty CP DEBORAH, Công ty CP TELINME và Công ty CP Hạ tầng Công nghiệp và Đô thị TELIN (TELIN PARK).
Các cổ đông sáng lập của Telin Group bao gồm: Lê Bình Minh; Lê Tuấn Hải và Lê Thị Ngọc Anh. Trong số các cổ đông, ông Lê Tuấn Hải hiện đang là người đại diện pháp luật của Telin Group với chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị. Quy mô vốn điều lệ của Telin Group đang ở mức 540 tỷ đồng.
Telin Group hiện đặt trụ sở ngay tại tầng 23 của dự án ngõ 622 Minh Khai nêu trên. Ban lãnh đạo ngoài đại gia Lê Tuấn Hải (SN 1961) còn có Hoàng Thiếu Sơn (Tổng giám đốc); các Phó TGĐ Lê Thị Nghĩa, Lê Văn Hướng, Nguyễn Thị Biên và Nguyễn Minh Cường.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Minh Cường hiện đang là TGĐ kiêm đại diện pháp luật cho Công ty CP Phát triển đô thị Kha Sơn – doanh nghiệp bất động sản vài năm tuổi nhưng tham gia cạnh tranh nhiều dự án lớn trong thời gian qua. Ngoài ông Cường (nắm 35% vốn), bà Nguyễn Thị Biên cũng là cổ đông lớn của Công ty CP Phát triển đô thị Kha Sơn.
Ngoài ra, ông Nguyễn Minh Cường cũng là cổ đông lớn của Công ty CP Đầu tư Dapha. Bên cạnh đó, ông Giáp Thanh Hùng (người có cùng địa chỉ thường trú với bà Nguyễn Thị Biên) cũng đang nắm giữ cổ phần tại Công ty CP Cơ điện Telin. Đây là hai trong số những pháp nhân thuộc hệ sinh thái Telin Group.
Ngoài dự án Amber Riverside - 622 Minh Khai, Telin Group còn được biết đến là chủ đầu tư nhiều dự án đình đám như: Chung cư và nhà chia lô 45 Nguyễn Sơn; Dự án nhà chia lô Thụy Phương; Khu đô thị tại tỉnh Hòa Bình; Dự án đường BT liên tỉnh Hà nội – Hưng Yên; Cụm công nghiệp Kim Bài tại Hà Nội (tổng vốn đầu tư 1.094 tỷ đồng, quy mô 46,1 ha).
Vừa qua, Telin Group gây chú ý khi liên quan đến Công ty TNHH Đảo Ngọc Xanh Kỳ Sơn – doanh nghiệp dù chỉ có 3 lao động nhưng vẫn phát hành thành công lô trái phiếu riêng lẻ có tổng giá trị 1.200 tỷ đồng, lãi suất 12,5%/năm.
Theo đó, Công ty TNHH Đảo Ngọc Xanh Kỳ Sơn thành lập tháng 9.2021, trụ sở ở Khu biệt thự nghỉ dưỡng Đảo Ngọc, phường Kỳ Sơn, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.
Doanh nghiệp hiện có vốn điều lệ 455 tỷ đồng, trong đó Công ty CP Đầu tư Phát triển Xanh Kỳ Sơn góp 454,5 tỷ đồng (chiếm 99,89%, ông Khuất Hữu Việt đại diện ủy quyền), còn lại Tập đoàn TELIN góp 500 triệu đồng (chiếm 0,11%, bà Nguyễn Thị Biên đại diện ủy quyền).