Hà Nam - từ vùng chiêm trũng đến trung tâm công nghiệp

- Thứ Hai, 08/02/2021, 08:39 - Chia sẻ
24 năm sau ngày tái lập (01.01.1997) “vùng chiêm trũng” Hà Nam đã khẳng định được vị thế của một tỉnh công nghiệp phát triển hiện đại, bền vững. Nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỉnh Hà Nam nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu về tăng trưởng với tốc độ bình quân đạt 10,9%/năm. Riêng năm 2020, mặt dù ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, Hà Nam vẫn tăng trưởng 7,02%, thu ngân sách đạt 10,78 nghìn tỷ đồng, vượt trên 18% so với dự toán trung ương giao. Thành quả ấy kết tinh từ nhiều yếu tố, trong đó không thể không nhắc tới khát vọng phát triển, lòng quyết tâm và tầm nhìn đầy bản lĩnh, trí tuệ của các thế hệ lãnh đạo tỉnh Hà Nam.

Điểm đến hấp dẫn

Ngót 30 năm làm việc trong Tổ chức xúc tiến thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản, Chủ tịch Công ty BTD Japan Nakagawa Ryoichi có một ấn tượng sâu đậm về Hà Nam. Đó là từ chỗ chưa có nhà đầu tư Nhật Bản nào, sau 15 năm thu hút đầu tư, Hà Nam đã có trên 100 dự án và trở thành nơi tập trung nhiều doanh nghiệp Nhật Bản nhất trong khu vực lân cận Hà Nội. “Đây là điểm tuyệt vời của Hà Nam!”, ông Nakagawa Ryoichi nói.

Hành trình lột xác từ một vùng chiêm trũng thành một tỉnh công nghiệp của Hà Nam có lẽ bắt đầu từ những năm 2000. Năm 2002, cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ thông tuyến rút ngắn thời gian di chuyển Hà Nội – Hà Nam xuống còn khoảng 40 phút. Hai năm sau, cầu Yên Lệnh nối Hà Nam – Hưng Yên được đưa vào sử dụng giúp quãng đường từ Hà Nam đến cảng Hải Phòng chỉ còn 2,5 tiếng…Đây là những tiền đề quan trọng giúp phát triển khu công nghiệp Đồng Văn khi ấy vừa mới thành hình trên đất Duy Tiên.

Ở thời điểm mới tái lập tỉnh, thật khó để hình dung một Hà Nam với nông nghiệp chiếm trên 52% cơ cấu kinh tế; cả tỉnh có khoảng gần 100 doanh nghiệp, đến nay sau hơn 20 năm phát triển Hà Nam là một trong những tỉnh, thành phố có tốc độ phát triển công nghiệp cao của cả nước. Hiện tại, tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ của Hà Nam chiếm 90,3%, trong đó công nghiệp - xây dựng chiếm 64%; còn lại chưa đầy 10% là nông nghiệp. Tỷ lệ lấp đầy của 8 khu công nghiệp vào khoảng 75%. Lũy kế đến hết năm 2020, Hà Nam có 1.027 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 327 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký gần 4,33 tỷ USD và 700 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký trên 139 nghìn tỷ đồng.

Đáng chú ý, mặc dù chịu tác động của đại dịch Covid- 19 trong năm 2020, thu hút đầu tư của Hà Nam vẫn duy trì kết quả tốt, cụ thể thu hút được 32 dự án FDI với vốn đăng ký đạt trên 570 triệu USD. Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 7,02% so với cùng kỳ năm 2019. Đây tuy là mức tăng thấp nhất của Hà Nam so với những năm trước nhưng vẫn cao thứ 3 trong khu vực Đồng bằng sông Hồng và thứ 6 trên toàn quốc. Đặc biệt, năm 2020 Hà Nam thu ngân sách đạt 10,78 nghìn tỷ đồng, tăng 18% dự toán trung ương giao; trong đó số thu từ các khu công nghiệp chiếm gần một nửa.

Giải bài toán phát triển bền vững

“Lên” thị xã vào cuối năm 2019, Duy Tiên là vùng trọng điểm công nghiệp của tỉnh Hà Nam với 4/8 khu công nghiệp nằm trên địa bàn. Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng hiện đạt xấp xỉ 73%; nông nghiệp, thủy sản chỉ còn chưa đầy 2%; còn lại là dịch vụ, thương mại. Phát triển công nghiệp vừa mang lại diện mạo đô thị hiện đại cho thị xã “trẻ”, vừa tăng thu nhập cho người dân nhưng “áp lực với chính quyền cũng rất lớn khi dân số tăng và nảy sinh các vấn đề môi trường, xã hội, an ninh trật tự… ”, Bí thư Thị ủy Duy Tiên Phạm Hồng Thanh chia sẻ.

Một điều thú vị là chính quyền Duy Tiên đã biến áp lực thành động lực trong việc tìm lời giải cho bài toán phát triển bền vững. Từ rất sớm, chính quyền Duy Tiên đã xác định rõ quan điểm: đưa thị xã trở thành trung tâm phát triển công nghiệp, dịch vụ của tỉnh theo hướng bền vững, hiện đại; hài hòa tốc độ phát triển kinh tế, môi trường cũng như các lĩnh vực khác. Tại các xã, phường đặt cạnh khu công nghiệp sẽ tập trung phát triển dịch vụ, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự. Đối với những xã nông nghiệp sẽ phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, gắn chuỗi cung ứng sản phẩm, gắn sản xuất với tiêu dùng. Theo Bí thư Thị ủy Duy Tiên Phạm Hồng Thanh, hướng đi này vừa tránh bỏ hoang đất ruộng, vừa nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất, tăng thu nhập cho người nông dân. Sản phẩm làm ra lại cung ứng cho chính bếp ăn của các khu công nghiệp.

Giống như Duy Tiên, không đánh đổi tăng trưởng kinh tế với ô nhiễm môi trường là tinh thần chung của tất cả các địa phương theo đúng định hướng của tỉnh Hà Nam. Đầu năm 2016, UBND tỉnh phê duyệt Đề án đổi mới định hướng đầu tư phát triển giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó xác định rõ ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có ưu thế cạnh tranh trên thị trường và thân thiện môi trường; tập trung thu hút doanh nghiệp đến từ các nước có nền công nghiệp phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu... Tỉnh còn quy hoạch Khu công nghiệp hỗ trợ Đồng Văn III để thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản. Dòng vốn ngoại chất lượng cao thì tỉnh, thành phố nào cũng “thích” cũng “mê” nhưng để có được nó không hề đơn giản! Ngoài những ưu thế sẵn có như vị trí địa lý, đất đai…, địa phương phải “nâng tầm” lên nếu muốn “phượng hoàng” đến làm tổ.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016, lãnh đạo tỉnh Hà Nam công bố 10 cam kết về tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, như: Cung cấp đủ điện 24/24 giờ; bảo đảm hạ tầng và cung cấp các dịch vụ thiết yếu tới chân hàng rào doanh nghiệp; giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn; cung cấp nguồn lao động có kỹ thuật và ý thức tổ chức kỷ luật; giao đất sạch không thu tiền để xây nhà cho công nhân; thành lập đường dây nóng của Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh để tiếp nhận thông tin và giải quyết ngay các kiến nghị từ phía các doanh nghiệp…

“10 cam kết của Hà Nam rất đặc sắc”, TS. Trần Đình Thiên, lúc ấy đang trên cương vị Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ. Ông cũng tin rằng, cùng với quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, 10 cam kết ấy sẽ trở thành lợi thế thu hút đầu tư mạnh mẽ.

Niềm tin ấy giờ đã thành hiện thực!  

ĐBQH Trần Thị Hiền, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề Xã hội khẳng định: Sự phát triển của Hà Nam hôm nay là “trái ngọt” kết tinh từ một hành trình nỗ lực  theo đuổi mục tiêu trở thành tỉnh phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững thay vì phát triển bằng mọi giá. Trên hết, đó là tầm nhìn của lãnh đạo tỉnh qua các nhiệm kỳ, thể hiện từ việc coi quy hoạch là công cụ quản lý đến.

Đặc biệt, tỉnh luôn bám sát định hướng của Đại hội Đảng bộ cũng như các quy hoạch đề ra; phân công trách nhiệm cho các ủy viên trong Ban Chấp hành phụ trách các huyện, thị, thành phố. Lãnh đạo tỉnh thể hiện rõ tính minh bạch, công khai các thông tin từ quy hoạch, định hướng phát triển trong các cuộc tiếp xúc với cộng đồng doanh nghiệp, bà Hiền nhận xét.

	Công ty Yokowo của Nhật Bản đầu tư tại Hà Nam Nhà máy sản xuất thiết bị liên lạc ô tô
Công ty Yokowo của Nhật Bản đầu tư tại Hà Nam Nhà máy sản xuất thiết bị liên lạc ô tô

“Bốn kiên, tứ đồng”

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kim Bảng Lưu Trần Sơn là cán bộ trưởng thành từ tỉnh được luân chuyển về huyện. Ông Sơn đang cùng chính quyền huyện Kim Bảng nỗ lực thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra, phấn đấu đưa Kim Bảng trở thành Thị xã trước năm 2025.

“Bốn kiên, tứ đồng” là bài học kinh nghiệm trong công tác cán bộ được Chủ tịch UBND huyện Kim Bảng đúc kết. Đó là “kiên quyết, kiên trì, kiên định, kiên tâm” và “đồng lòng, đồng sức, đồng chí, đồng hướng”. Các bài học đó bắt đầu từ quan điểm về công tác cán bộ trong điều hành, trong đó có công tác luân chuyển cán bộ. “Khi được luân chuyển vị trí mới, lãnh đạo cấp trên thường đặt vấn đề: Việc giao cấp bách, thời gian ngắn, việc khó có làm được không? Thử thách đến như thế!”, ông Sơn cho biết.

Luân chuyển cán bộ chính là cách để rèn luyện, đào tạo, thử thách đội ngũ cán bộ qua thực tiễn. Chính điều này đã giúp đội ngũ cán bộ trưởng thành, dám nghĩ, dám làm, không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Nói như Ủy viên Ủy ban về các vấn đề Xã hội Trần Thị Hiền, “quy hoạch có, tầm nhìn có nhưng nếu đội ngũ cán bộ lãnh đạo không được tôi luyện, thử thách ở nhiều vị trí, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tất cả vì mục tiêu chung là đưa tỉnh phát triển nhanh và bền vững thì sẽ không thể có được một Hà Nam như hôm nay”.

Đặt mình vào vị trí doanh nghiệp

Sau 8 năm đầu tư tại tỉnh Hà Nam, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Finetek Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc) Hoàng Thanh Tùng “hoàn toàn hài lòng với quyết định của mình”. Vào thời điểm năm 2013, Finetek có nhiều lựa chọn nhưng đã “chốt” Hà Nam để rót vốn. Lý do rất nhiều, ví như Hà Nam có vị trí thuận lợi (cửa ngõ Thủ đô), có nguồn nhân lực dồi dào, kinh tế - xã hội đang trên đà phát triển. Quan trọng hơn cả, chính quyền Hà Nam đã thể hiện những cam kết mạnh mẽ với nhà đầu tư, giải quyết “gần như ngay lập tức các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp”. “Ưu đãi của Nhà nước áp dụng chung cho các địa phương, nhưng địa phương cụ thể hóa ra sao, thực tâm thu hút, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thế nào mới là yếu tố chi phối quyết định đầu tư của doanh nghiệp. Bằng cách đó, chính quyền Hà Nam đã tạo được niềm tin nơi nhà đầu tư”, ông Tùng chia sẻ.

Rất ấn tượng với Hà Nam trong thu hút đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư Nhật Bản, Chủ tịch Công ty BTD Japan Nakagawa Ryoichi cho rằng “hành động tích cực của lãnh đạo tỉnh Hà Nam là yếu tố góp phần to lớn trong thu hút doanh nghiệp Nhật Bản”. Chính quyền Hà Nam không chỉ kêu gọi đầu tư “suông” mà nói đi đôi với làm, ngay lập tức hoàn thiện hạ tầng để doanh nghiệp hoạt động được. Lãnh đạo tỉnh không chỉ tập trung cải thiện các thủ tục hành chính, hoàn thiện môi trường đầu tư mà còn đặt mình vào vị trí của doanh nghiệp để giải quyết các vướng mắc, khó khăn doanh nghiệp Nhật Bản gặp phải một cách hài hòa. “Lãnh đạo tỉnh Hà Nam đã xây dựng chính sách phát triển công nghiệp dựa trên sự thấu hiểu giữa tỉnh và doanh nghiệp, tỉnh và doanh nghiệp luôn đồng hành và cùng phát triển”, ông Nakagawa Ryoichi bình luận.

Khu công nghiệp Đồng Văn IV
Khu công nghiệp Đồng Văn IV

“Hà Nam là nhà”

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định mục tiêu đến năm 2025, Hà Nam có tốc độ tăng trưởng GRDP trên 10%, tự cân đối ngân sách; năm 2030 có tốc độ tăng trưởng trong tốp đầu vùng đồng bằng Bắc Bộ, đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

“Hà Nam quan tâm tới chất lượng dự án chứ không chỉ số lượng; trong đó ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, vốn lớn, không gây ô nhiễm môi trường”.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy

Để hiện thực hóa những mục tiêu đó, Hà Nam đề ra 3 đột phá phát triển: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ là trọng tâm; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng cán bộ; tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy khẳng định: “Hà Nam quan tâm tới chất lượng dự án chứ không chỉ số lượng; trong đó ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, vốn lớn, không gây ô nhiễm môi trường”. Định hướng sắp tới, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư hạ tầng (điện, nước, xử lý môi trường…), đồng thời tính toán cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao chất lượng sống cho người lao động. Ông Huy phân tích, phát triển công nghiệp hiện đại đòi hỏi nguồn lao động lớn, chất lượng cao. Điều này đồng nghĩa với việc cần đến lao động từ các tỉnh ngoài. “Người xưa có câu an cư lạc nghiệp. Vì vậy, để thu hút lao động và giữ họ gắn bó với địa phương, Hà Nam sẽ rà soát, quy hoạch đất để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư”, Chủ tịch tỉnh Hà Nam cho biết.

Song song với đó, tỉnh cũng quan tâm đầu tư giáo dục cho con em công nhân thông qua xây dựng trường học, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Đồng thời, đào tạo giáo viên dạy nghề, nâng cao tay nghề cho công nhân, phân luồng học sinh ngay sau khi kết thúc THCS; thu hút, liên kết với các trường đại học trong và ngoài nước để đào tạo, đặt hàng đào tạo nguồn nhân lực, nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp. “Phải để Hà Nam là nhà của công nhân, để họ yên tâm gắn bó, cống hiến, cùng phát triển”, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy nhấn mạnh.

Vẫn giữ ấn tượng của nhiều năm trước khi tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư do Hà Nam tổ chức và tài liệu “hoàn toàn bằng tiếng Nhật”, nhìn vào định hướng Hà Nam thu hút, giữ chân lao động, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài (VAFIE) Nguyễn Văn Toàn bình luận “Hà Nam luôn có cách làm rất bài bản, thể hiện tầm nhìn toàn diện”, phù hợp với tinh thần Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về thu hút đầu tư nước ngoài. Bởi lẽ, thực tế cho thấy ở nhiều khu công nghiệp dù rất tốt bên trong song ở bên ngoài, nhà ở lưu trú cho công nhân hoàn toàn tự phát, không có quy hoạch đã xảy ra nhiều hệ lụy tiêu cực ảnh hưởng trực tiếp tới công nhân cũng như thu hút đầu tư. Nếu không có nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ không thể đón sóng FDI chất lượng. Bài học Microsoft vào Việt Nam song việc tìm nhân lực, nhất là nhân lực công nghệ và nhân lực quản trị rất khó khăn vẫn còn giá trị. “Hà Nam nên ưu tiên hướng đến các doanh nghiệp từ EU vốn có rất nhiều tiềm năng”, ông Toàn nói.

Chủ tịch Công ty BTD Japan Nakagawa Ryoichi đề xuất, để tiếp tục thu hút đầu tư, nhất là với các dự án FDI chất lượng cao, tỉnh Hà Nam cần tiếp tục duy trì và tăng cường sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Ông cũng nêu rõ, phát triển sản xuất sản phẩm phụ trợ (nguyên liệu, vật tư, linh kiện) rất quan trọng đối với việc phát triển công nghiệp và công nghiệp kỹ thuật cao, do vậy, tỉnh nên tập trung phát triển hơn nữa ngành công nghiệp phụ trợ, không chỉ tập trung vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà còn thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp Việt Nam. Trước mắt đối với một số loại sản phẩm phụ trợ mà các doanh nghiệp Việt Nam chưa thể tự sản xuất được thì có thể thực hiện thông qua hình thức liên doanh với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản để học tập kinh nghiệm và kỹ thuật”. Khi phát triển ngành công nghiệp, Hà Nam không chỉ tập trung vào một số lĩnh vực, một số loại sản phẩm mà phải phát triển đa lĩnh vực và đa dạng sản phẩm thì mới tạo ra được chuỗi cung ứng phát triển bền vững”.

Có khát vọng, trí tuệ, bản lĩnh của chính quyền, có sự đồng lòng và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp, Hà Nam chắc chắn sẽ hiện thực hóa mục tiêu tự cân đối ngân sách vào năm 2022 và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035.

Thanh Lan