Giữ hình phạt tử hình đối với hành vi sản xuất ma túy
Thảo luận tại Tổ 3 chiều 20/5, các ĐBQH Đoàn Hà Tĩnh, Hải Dương, Ninh Thuận đã tập trung góp ý ba dự án luật quan trọng. Trong đó, nhấn mạnh yêu cầu làm rõ quyền thu giữ tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng; giữ hình phạt tử hình đối với hành vi sản xuất ma túy; đồng thời kiến nghị bổ sung các cơ chế tố tụng phù hợp với thực tiễn điều tra và thi hành án hiện nay.

Quy định lại việc thu giữ tài sản và cho vay không thế chấp
Góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) đề nghị: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là người ký ban hành quyết định, nhưng phải có ý kiến tham vấn của các cơ quan liên quan để bảo đảm tính thận trọng, minh bạch và đồng bộ trong chính sách tiền tệ.
Về quyền thu giữ tài sản bảo đảm, đại biểu cho rằng đây là thỏa thuận dân sự giữa bên vay và tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, thực tế có trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn tạm thời nhưng bị dừng giải ngân và thu giữ tài sản, gây thiệt hại lớn. Do đó, cần quy định rõ các trường hợp được giãn, hoãn thu giữ khi có lý do khách quan.

Về nợ xấu, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng quy định hiện nay (nhóm nợ 3 quá hạn trên 90 ngày đã là nợ xấu) đã là nợ xấu, kéo theo nguy cơ thu giữ tài sản. Do đó, đại biểu đề nghị hướng dẫn linh hoạt hơn, phân loại theo nguyên nhân khách quan hay chủ quan.
Đối với khoản 5, Điều 198a trong dự thảo, đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) dẫn quy định: “Trường hợp bên bảo đảm không hợp tác hoặc không có mặt theo thông báo của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ, đại diện UBND cấp xã nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm sẽ tham gia chứng kiến và ký biên bản thu giữ tài sản bảo đảm.”
Theo đại biểu, quy định như vậy chưa đủ. Để bảo đảm an toàn, minh bạch và khách quan, cần quy định rõ: dù bên bảo đảm có mặt hay không, đại diện UBND cấp xã vẫn phải có mặt chứng kiến toàn bộ quá trình thu giữ. Điều này sẽ giúp phòng ngừa tranh chấp phát sinh, hạn chế khiếu kiện, tạo niềm tin cho người dân và các bên liên quan.

Ngoài ra, khoản 6 Điều 198a, đại biểu Trần Đình Gia đề nghị bổ sung trách nhiệm quản trị nội bộ trong việc kiểm soát hoạt động thu giữ tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ… Cần có quy định cụ thể trách nhiệm giám sát, giải trình của các tổ chức thực hiện việc thu giữ, nhằm tránh lạm dụng quyền lực và bảo đảm sự công bằng, minh bạch.
Đại biểu Chamaléa Thị Thủy (Ninh Thuận) cũng bày tỏ băn khoăn trước quy định cho phép tổ chức tín dụng được đơn phương thu giữ tài sản bảo đảm, kể cả bất động sản, mà không cần bản án hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Đại biểu cho rằng quy định này tiềm ẩn nguy cơ xung đột pháp lý, đặc biệt nếu bị lạm dụng có thể xâm phạm quyền sở hữu, quyền cư trú hợp pháp của người dân.

Bên cạnh đó, dự thảo luật tuy có quy định việc gửi văn bản thông báo cho UBND và Công an cấp xã nơi có tài sản bảo đảm, nhưng lại chưa nêu rõ trách nhiệm kiểm tra, giám sát tính hợp pháp, chính xác của nội dung thông báo. Trường hợp thông báo sai hoặc bị lạm dụng để hợp thức hóa việc thu giữ, không rõ trách nhiệm thuộc về ai. Đại biểu cũng lưu ý, dự thảo chưa có quy định rõ ràng về quyền khiếu nại, tố cáo hay yêu cầu bồi thường thiệt hại của người bảo đảm trong trường hợp thu giữ sai quy định, dẫn đến rủi ro người dân mất tài sản mà không có công cụ pháp lý để tự bảo vệ.
Về quy định cho vay đặc biệt với lãi suất 0%, đại biểu Chamaléa Thị Thủy đề nghị cần quy định cụ thể điều kiện áp dụng, cơ chế kiểm soát và tiêu chí đánh giá khả năng phục hồi của tổ chức được vay để tránh gây rủi ro cho ngân sách nhà nước.
Giữ mức phạt nghiêm, bổ sung tội danh mới
Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự, đại biểu Nguyễn Văn Thuận (Ninh Thuận) cho rằng sau 8 năm thi hành, Bộ luật Hình sự đã bộc lộ nhiều bất cập như: một số quy định chưa phù hợp thực tiễn; chưa thể hiện đầy đủ tính nghiêm khắc và nhân đạo; chưa bắt kịp sự phát triển của xã hội; một số hành vi nguy hiểm chưa được quy định là tội phạm. Vì vậy, việc sửa đổi lần này là cần thiết, cấp bách nhằm hoàn thiện thể chế pháp lý, đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong bối cảnh mới.
Đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra, tuy nhiên đại biểu đề nghị Quốc hội chỉ nên thông qua các nội dung thực sự cấp bách tại kỳ họp này. Những nội dung còn lại cần tiếp tục tổng kết, đánh giá tác động kỹ lưỡng trước khi sửa đổi toàn diện.

Về nội dung cụ thể, đại biểu đề nghị bổ sung điều khoản giải thích từ ngữ để bảo đảm áp dụng thống nhất. Đồng thời, đồng tình việc điều chỉnh mức định lượng, mức phạt tiền đối với một số tội danh nhưng lưu ý không nên đồng loạt tăng gấp đôi cho tất cả loại tội phạm, cần phân biệt rõ giữa các nhóm tội kinh tế, chức vụ và các tội danh khác.
Về mở rộng phạm vi trách nhiệm hình sự, đại biểu nhất trí với việc mở rộng hành vi chuẩn bị phạm tội đối với 6 tội danh nguy hiểm. Tuy nhiên, cần rà soát thêm các tội khác có khả năng gây hậu quả nghiêm trọng để áp dụng phù hợp, tránh hình sự hóa không cần thiết. Đại biểu cũng đề nghị bổ sung tội danh như buôn lậu, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, và làm rõ trách nhiệm giữa cá nhân và pháp nhân khi cùng phạm tội, cũng như quy trình tố tụng tương ứng.
Đối với Điều 25, đại biểu tán thành nhưng đề nghị làm rõ các tiêu chí như “rủi ro”, “biện pháp phòng ngừa” để tránh lạm dụng trong thực tiễn. Riêng Điều 242 về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, đại biểu đề nghị đối chiếu với Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản hướng dẫn để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Còn đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) thì đề nghị hoàn thiện cơ chế tịch thu toàn bộ tài sản do phạm tội mà có, đặc biệt là đối với các tội tham ô, nhận hối lộ, nhằm bảo đảm nguyên tắc: không để người phạm tội vẫn được hưởng lợi. Trong xét xử các vụ án ma túy, đại biểu đề nghị cần làm rõ hành vi, vai trò của từng đối tượng để tránh xử sai người, sai tội. Đặc biệt, với hành vi “vận chuyển”, cần xác định rõ ranh giới giữa vận chuyển đơn thuần và vận chuyển có liên quan đến sản xuất, buôn bán – vốn là các hành vi nghiêm trọng hơn.

Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị tăng cường năng lực điều tra, xét xử và thực thi pháp luật một cách công minh; đồng thời, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện đồng bộ thể chế pháp luật liên quan đến phòng, chống tham nhũng, ma túy, và tăng cường giáo dục pháp luật từ sớm, từ xa.
Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn (Hải Dương) góp ý: Quy định “tù chung thân không xét giảm án” hiện chưa rõ ràng, vì đây vừa là hình phạt, nhưng nội dung “không xét giảm” lại thuộc về tổ chức thi hành án, dễ gây lẫn lộn. Nếu đã không xét giảm thì tại sao vẫn có thể đặc xá, ân giảm? Như vậy, về bản chất, hình phạt này không khác nhiều với tù chung thân thông thường.
Về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy không nhằm mục đích mua bán, đại biểu cho rằng việc xác định mục đích rất khó trong thực tiễn. Nhiều người dân tộc thiểu số được thuê vận chuyển, không biết rõ bản chất hàng hóa nhưng vẫn bị xử phạt nặng. Cơ quan công an cũng thừa nhận điều tra, bóc tách mục đích vận chuyển trong những trường hợp này rất khó.

Về hiệu lực thi hành luật từ ngày 1/7/2023, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn cho rằng nếu không có yêu cầu đặc biệt thì nên áp dụng hiệu lực như các luật thông thường, tránh sự bất nhất không cần thiết.
Đồng quan điểm với các ý kiến phát biểu về việc không áp dụng hình phạt tử hình và nên dừng hình thức tù chung thân không xét giảm án, nhằm thể hiện tính nhân văn của pháp luật Việt Nam và phù hợp với xu hướng quốc tế… Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Trung Dũng - Tổ trưởng Tổ thảo luận cho rằng: đối với hành vi sản xuất ma túy, vẫn cần giữ hình phạt tử hình. “Đây là hành vi đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng và niềm tin xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, khi lực lượng công an liên tục phát hiện các vụ sản xuất ma túy quy mô lớn, nếu không có hình phạt nghiêm khắc thì rất khó để răn đe hiệu quả”, đại biểu nhấn mạnh.
Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự này, đại biểu Hoàng Trung Dũng (Hà Tĩnh) cho rằng, cơ bản phù hợp với yêu cầu sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị…
Về công tác thi hành án, đại biểu nhận định: thực tế hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. Có những bản án đã có hiệu lực nhưng không thể thi hành được. Trách nhiệm cụ thể của các cơ quan thi hành án cũng như vai trò phối hợp của chính quyền địa phương cần được quy định rõ ràng hơn. Nếu chỉ giao cho lực lượng thi hành án thực hiện thì rất khó đạt hiệu quả thực chất.