Nhiều thí sinh muốn có một nghề nghiệp không vất vả, có thu nhập cao
Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, số liệu thống kê về tỷ lệ thí sinh trúng tuyển nhập học trên toàn quốc theo từng lĩnh vực cho thấy, trong 3-5 năm gần đây, tỷ lệ thí sinh nhập học vẫn tập trung nhiều ở các khối ngành Kinh doanh, Quản trị, Quản lý; tiếp đến là Máy tính và Công nghệ thông tin; Kỹ thuật công nghệ; Báo chí; Luật,…
Trong khi đó, những lĩnh vực có tỷ lệ thí sinh trúng tuyển và nhập học thấp gồm nhóm ngành Nông Lâm Thủy sản, Khoa học cơ bản, Dịch vụ xã hội, Khoa học tự nhiên.
“Đây là những lĩnh vực chúng tôi thấy rằng chỉ tiêu tuyển sinh có, nhu cầu xã hội cũng rất cần, thậm chí nhiều đơn vị tổ chức, doanh nghiệp còn đến tận trường đào tạo, xin sinh viên tốt nghiệp ra trường để mời về làm việc nhưng không có. Tức là nhu cầu nhân lực hoàn toàn có, nhưng xu hướng các em chọn nhập học vào những lĩnh vực này lại thấp, chỉ trên dưới 50% trong số chỉ tiêu các trường đã đề xuất, đăng ký tuyển sinh”, PGS Thủy thông tin.
PGS Thủy nhận định, xu hướng trên rất đáng quan ngại, đặc biệt trong lĩnh vực Khoa học cơ bản - lĩnh vực khoa học nền tảng cần thiết cho tất cả lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế xã hội, ở mọi ngành nghề. Đây là vấn đề đặt ra cho các cơ quan quản lý chính sách, cơ quan quản lý Nhà nước cho đến các trường đại học, các đơn vị đào tạo cần có giải pháp.
Phân tích về lý do dẫn tới thực trạng trên, theo PGS Thủy, thế hệ trẻ hiện nay đôi khi khả năng chấp nhận khó khăn, rủi ro thấp hơn so với những thế hệ trước đây (thế hệ đã gặp khá nhiều khó khăn trong cuộc sống). Ngày nay, khi đời sống kinh tế xã hội phát triển cao hơn, có thể khả năng chịu đựng của các em trước khó khăn bị giảm đi.
Do đó, tâm lý của nhiều thí sinh khi chọn ngành đào tạo là mong muốn có một nghề nghiệp không vất vả quá, có thu nhập cao, có hình ảnh đẹp và có cơ hội làm việc nhẹ nhàng hơn những lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, ở những lĩnh vực có tỷ lệ thí sinh trúng tuyển nhập học cao (như Kinh doanh, Công nghệ thông tin,…), có thể thấy năng lực đào tạo ở những nhóm ngành này để đáp ứng nhu cầu xã hội và số chỉ tiêu của các trường cũng lớn, nên số trúng tuyển nhiều hơn.
“Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận rằng ở lĩnh vực có tỷ lệ thí sinh trúng tuyển và nhập học thấp, chẳng hạn như Nông Lâm Thủy sản, hiện nay đều có những ngành nghề đào tạo công nghệ cao chứ không phải là tay chân thủ công như trong hình dung của nhiều bạn.
Công nghệ cao ứng dụng trong lĩnh vực này là rất sâu; các ngành nghề đào tạo cũng đã đổi mới, ứng dụng những chương trình tiên tiến, phương pháp giảng dạy tiên tiến trên thế giới. Sự đầu tư cho trang thiết bị trong giảng dạy cũng được tăng cường lên rất nhiều”, PGS Thủy cho hay.
Làm thế nào để lựa chọn ngành học phù hợp?
Chia sẻ về vấn đề làm thế nào để thí sinh lựa chọn được ngành học phù hợp, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy đưa ra lời khuyên, ngay khi bước chân vào cấp 3, các em nên tìm hiểu dần về các ngành học.
Trước hết, cần tìm hiểu định hướng bản thân mong muốn trong tương lai, thế mạnh của mình (thể hiện trong quá trình học phổ thông). Bên cạnh đó, nên tham khảo các nguồn thông tin về ngành học qua gia đình, những người đi trước trong các lĩnh vực, các chuyên gia tư vấn, thầy cô từ các trường phổ thông.
Hiện các trường phổ thông đã có những chương trình định hướng, hướng nghiệp cho học sinh. Bên cạnh đó, các trường đại học cũng tổ chức nhiều sự kiện tư vấn tuyển sinh, các sự kiện truyền thông để truyền tải thông tin tới thí sinh. Các em cũng có thể tiếp cận thông tin từ trang web của các trường đại học.
PGS Thủy cũng nhấn mạnh, thí sinh nên tham khảo thông tin về dự báo sự phát triển của ngành nghề, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực của các Bộ Ngành được công bố định kỳ hàng năm hoặc những qua các báo cáo 3 năm, 5 năm, 10 năm.
Các địa phương cũng có những báo cáo thể hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực của địa phương trong từng thời kỳ; cho thấy những lĩnh vực nào, khu vực nào được ưu tiên phát triển. Đây là những nguồn thông tin quan trọng giúp thí sinh xác định đâu là ngành nghề có nhiều tiềm năng trong tương lai.
“Từ tất cả những thông tin nói trên, các em nên cân nhắc, cân đối với những điều kiện hoàn cảnh của cá nhân; bối cảnh, nền tảng, khả năng tài chính của gia đình. Ngoài ra, tìm hiểu những chính sách về tín dụng cho sinh viên để tận dụng trong quá trình học tập đại học. Từ đó, đưa ra sự lựa chọn phù hợp nhất”, PGS Thủy chia sẻ.
Có cơ hội để sửa sai, nhưng nên chọn đúng ngay từ đầu
Trường hợp thí sinh đã lựa chọn ngành học, nhưng sau khi nhập học mới thấy không phù hợp, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, trong quy chế đào tạo trình độ đại học của Bộ GD-ĐT đã cho phép cơ hội để sinh viên có thể chuyển trường, chuyển ngành, hoặc học cùng lúc 2 chương trình đào tạo. Chính sách này mở ra cơ hội lớn cho sinh viên.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy khẳng định, việc học cùng lúc 2 chương trình đào tạo là vô cùng khó khăn. Học tốt được 1 chương trình, 1 ngành đã đòi hỏi sự nỗ lực lớn, phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức, sinh viên gần như phải toàn tâm toàn ý cho việc học. “Chúng tôi không khuyến khích việc học cùng lúc 2 chương trình đào tạo, trừ khi là sinh viên rất xuất sắc, biết bố trí thời gian, sức lực cũng như năng lượng của mình phù hợp để học tập”, PGS Thủy nói.
Về vấn đề chuyển trường, chuyển ngành, bà Thủy cho biết trong quy chế của Bộ GD-ĐT đặt ra những điều kiện nhất định để nếu đáp ứng được, sinh viên có thể chuyển trường hoặc chuyển ngành.
Ví dụ, để chuyển từ trường này sang trường khác cần sự đồng ý của hiệu trưởng ở cả 2 cơ sở đào tạo. Thứ hai, sinh viên phải hoàn thành ít nhất 1 năm học đầu tiên tại trường đầu tiên và có những kết quả nhất định; điểm xét tuyển đầu vào cũng phải đáp ứng được với ngành mà các bạn dự định chuyển sang.
PGS Thủy chia sẻ, qua các năm, đã có nhiều sinh viên đang học ở trường này, muốn chuyển sang trường khác và liên hệ với Vụ Giáo dục Đại học để đề xuất xin hỗ trợ. Dù được hỗ trợ tối đa về mặt chính sách, tuy nhiên những trường hợp nói trên phải mất rất nhiều thời gian, công sức mới có thể chuyển trường.
“Khi ấy, các em vừa đánh mất rất nhiều thời gian, công sức của mình cũng như của gia đình vì đã học trong một khoảng thời gian rồi; về mặt thủ tục, quy trình để chuyển cũng có rất nhiều khó khăn, làm các em lỡ đi nhiều cơ hội. Vì vậy, lời khuyên của chúng tôi là cơ hội thì có cho các em sửa sai, nhưng chúng ta hãy chọn ngành học đúng ngay từ đầu. Một chiến lược đúng sẽ tiết kiệm được chi phí cho gia đình và xã hội rất lớn”, PGS Thủy nhấn mạnh.