Tư vấn tuyển sinh 2023: Có nên “mạo hiểm” chọn ngành học mới?

- Chủ Nhật, 19/03/2023, 08:08 - Chia sẻ

PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Phenikaa cho rằng, thí sinh có thể yên tâm lựa chọn các ngành học mới nếu thấy phù hợp với năng lực, đam mê, sở thích, điều kiện tài chính và điểm thi của mình. Đây thậm chí còn là một sự lựa chọn thông minh.

Thời điểm này, mùa tuyển sinh năm 2023 đã được khởi động. Vấn đề chọn trường, chọn ngành thế nào là phù hợp với bản thân và có tiềm năng phát triển trong tương lai; cũng như làm thế nào để tăng cơ hội trúng tuyển vào các trường đại học đang được rất nhiều thí sinh quan tâm.

Phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa để tìm hiểu về vấn đề này.

Tuyển sinh 2023: Có nên “mạo hiểm” chọn ngành học mới mở?
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa

Không sợ thất bại thì sẽ theo đuổi được bất cứ ngành nghề nào

- Thưa PGS.TS Nguyễn Phú Khánh. Trong thời đại công nghệ số hiện nay, nhất là sau khi phần mềm ChatGPT ra đời báo hiệu nhiều ngành nghề mất đi và xuất hiện nhiều ngành mới. Theo ông, những ngành học nào có tiềm năng phát triển, tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động trong tương lai?

PGS.TS Nguyễn Phú Khánh: Thực tế mà nói, hiện nay công nghệ đã thay đổi rất nhiều, sự liên ngành đang ngày càng lớn hơn.

Tôi cho rằng những ngành nghề có tiềm năng phát triển hiện nay bao gồm 5 nhóm chính.

Thứ nhất là nhóm ngành công nghệ thông tin liên quan nhiều đến AI, trí tuệ nhân tạo.

Thứ hai là tự động hóa (lĩnh vực này ở đâu cũng có, từ tự động hóa liên quan đến cơ điện tử, cơ khí, đến điện tử viễn thông,…).

Thứ ba là các ngành kinh tế, kinh doanh như Kinh doanh quốc tế, Logistics, Phân tích dữ liệu,…

Thứ tư là nhóm ngành khoa học sức khỏe, đặc biệt sau thời gian Covid-19 dẫn đến sự cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, nguồn lực y tế đang thiếu rất lớn sau tình trạng các y bác sĩ nghỉ việc.

Thứ năm, nhóm ngành làm đẹp, đáp ứng được nhu cầu của con người trong xã hội hiện nay. Những ngành này khi ứng dụng công nghệ sẽ có sự phát triển rất lớn.

Có một điều tôi rất trăn trở là có những ngành hiện khó tuyển sinh, ít thí sinh lựa chọn như nông lâm thủy sản hay Cơ khí, Vật liệu… trong khi thực tế nhu cầu thị trường vẫn lớn. Do đó, tôi nghĩ rằng việc hướng nghiệp từ sớm rất quan trọng.

Các em nên suy nghĩ rằng có những ngành rất hẹp, có thể nghe tên không được nhiều bạn chọn, nhưng nếu ai cũng đổ dồn vào ngành hot thì số lượng người học rất đông, khả năng cạnh tranh cao hơn.

Trong khi ở những nhóm ngành khác lại đang thiếu những chuyên gia giỏi. Tôi nghĩ rằng trong lĩnh vực hẹp, nếu em là chuyên gia giỏi, em cũng sẽ được trả lương cao, có nhiều cơ hội phát triển.

Ngoài ra, tôi muốn nhắc nhở các em một câu khẩu hiệu rất hay, rằng: “Thái độ hơn trình độ”. Có nghĩa nếu chúng ta đặt tâm thức, có thái độ tốt; chúng ta chỉn chu, quyết tâm, không sợ thất bại thì các em có thể theo đuổi được bất cứ ngành nghề nào.

Một nghiên cứu ở Đại học Harvard (Mỹ) đánh giá trên khoảng 30.000 người cho thấy, sự thành công của họ có 85% đến từ thái độ, kỹ năng; chỉ có 15% là về chuyên môn, chuyên ngành. Như vậy, rõ ràng trong xu hướng liên ngành hiện nay, nếu các em có thái độ tốt, kỹ năng tốt thì dù làm việc ở ngành nào, tôi nghĩ cơ hội phát triển đều rất lớn.

Còn nếu chỉ cố gắng chọn những ngành đang “hot” nhưng không có thái độ, kỹ năng tốt, chưa chắc các em đã có nghề nghiệp tốt.

Nên chọn ngành trước rồi mới đến chọn trường

- Rất nhiều sinh viên sau khi học đại học được 1-2 năm rồi mới thấy mình không phù hợp ngành đã chọn. Ông có lời khuyên gì cho các em nếu rơi vào tình huống này?

PGS.TS Nguyễn Phú Khánh: Các em có thể định hướng chuyển trường chuyển ngành, học cùng lúc 2 chương trình đào tạo nếu đáp ứng các điều kiện Bộ GD-ĐT đã quy định.

Các trường đều áp dụng theo nguyên tắc này. Nhưng trong trường hợp các em không đủ điều kiện chuyển, không thể chuyển được cũng không sao cả. Chúng ta cứ đi tiếp và hãy lấy thái độ, kỹ năng của mình để quyết định cuộc đời mình.

Có nhiều bạn từng tâm sự, việc chọn nhầm ngành nghề dẫn đến mất mát rất lớn về thời gian, tiền bạc và các em rất buồn, stress về điều đó. Tôi hay chia sẻ với các em rằng, đại học là một con đường.

Các em có thể nghĩ rằng đó là sự trải nghiệm rất lớn, rất quan trọng; nhưng có lẽ cuộc đời chúng ta cũng không nhất thiết phải đánh cược vào việc chọn nhầm ngành nghề là thất bại.

Việc lựa chọn ngành học tất nhiên cần sự lựa chọn, tìm hiểu thật kỹ. Nhưng nếu chúng ta lựa chọn nhầm ngành nghề thì cũng đừng quá bi quan, đừng coi đó là bi kịch. Bởi yếu tố chuyên môn chỉ chiếm khoảng 15% sự thành công của con người, 85% còn lại là thái độ, kỹ năng.

Dù chọn nhầm, em cứ hãy cố gắng làm tốt ngành nghề ấy và trau dồi thái độ, kỹ năng. Sau này khi ra ngoài xã hội, em vẫn sẽ có cơ hội làm tốt hơn ở những ngành khác.

Như vậy, tôi muốn nhấn mạnh rằng điều đầu tiên các em cần làm trước khi đăng ký xét tuyển các nguyện vọng vào đại học là cố gắng chọn ngành phù hợp với mình.

Các em nên chọn ngành trước, sau đó mới đến chọn ngôi trường phù hợp. Để lựa chọn được ngành nghề đúng, các em có thể tham gia các bài test khách quan và xem tính cách, năng lực của mình phù hợp với ngành nghề nào.

Các em cần bình tĩnh, suy nghĩ kỹ và trả lời được các câu hỏi: Mình có thích ngành nghề đó không? Có đam mê không? Có năng lực hay không? Có cơ hội phát triển không?

Nếu rơi vào tình huống khi có trải nghiệm rồi, sau một thời gian lại thấy ngành khác phù hợp hơn thì em hướng đến các cơ hội chuyển trường chuyển ngành theo quy định của Bộ GD-ĐT như tôi đã nói.

Còn nếu không có cơ hội nào khác thì hãy nỗ lực đi tiếp, phát triển bản thân. Các em không nên đặt cược cả cuộc đời mình vào sự lựa chọn ngành nghề.

Tuyển sinh 2023: Có nên “mạo hiểm” chọn ngành học mới mở? -0
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh:  "Các em cần bình tĩnh, suy nghĩ kỹ và trả lời được các câu hỏi: Mình có thích ngành nghề đó không? Có đam mê không? Có năng lực hay không? Có cơ hội phát triển không?"

Lựa chọn các ngành học mới có là mạo hiểm?

- Nhiều thí sinh băn khăn về vấn đề lựa chọn các ngành học mới là sự mạo hiểm. Ý kiến của ông thế nào? Các em có nên chọn học những ngành mới?

PGS.TS Nguyễn Phú Khánh: Khi mở ra một ngành mới, bao giờ các trường đại học cũng phải căn cứ vào  chiến lược phát triển của đất nước, điều kiện kinh tế xã hội, đặc thù của mỗi ngành nghề cũng như đặc thù của trường.

Những ngành học mới đều đã được nghiên cứu rất kỹ càng, chuẩn bị cẩn thận mới tuyển sinh. Do đó, nếu các em thật sự thấy yêu thích, muốn học và có năng lực để theo học thì nên lựa chọn. Chúng ta có thể là người tiên phong với rất nhiều lợi thế sau này.

Bên cạnh đó, những ngành đào tạo mới đều có thuận lợi là nếu như các chương trình đang đào tạo thường thời gian cập nhật nội dung sẽ phải sau khoảng 1-2 năm thì đối với các ngành mới, sự cập nhật bao giờ cũng là nhanh nhất.

Những kiến thức, nội dung hay nhất, hợp lý nhất, có tính liên ngành hay nhất sẽ được đưa vào ngành mới, chúng ta dễ dàng cập nhật, thay đổi ngay từ đầu.

Khi mở ngành mới, tất nhiên các trường cũng đã có tầm nhìn xa về cơ hội việc làm trong tương lai của nhóm ngành này. Tôi nghĩ đây là sự lựa chọn các em có thể yên tâm và còn là sự lựa chọn thông minh.

Hãy mạnh dạn chọn nếu các em thấy phù hợp với năng lực, đam mê, sở thích, điều kiện tài chính, điểm thi của mình.

Cần nghiên cứu kỹ trước khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào đại học

- Năm trước, một số trường đại học đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển. Trong đó, có những phương thức được đánh giá chưa hiệu quả, số thí sinh nhập học ít so với chỉ tiêu. Ông đánh giá sao về điều này? Năm nay, Trường ĐH Phenikaa đưa ra phương thức xét tuyển ra sao để thuận lợi nhất cho thí sinh?

PGS.TS Nguyễn Phú Khánh: Tôi nghĩ rằng mỗi trường đại học sẽ có đặc thù khác nhau và đều đặt trọng tâm là thí sinh. Với việc chúng ta đánh giá rằng “có những phương thức chưa hiệu quả, số thí sinh nhập học ít so với chỉ tiêu” thì theo tôi, nhìn theo một cách nào đó có thể phương thức ấy không hiệu quả cho cả hệ thống, nhưng với một số trường, ở riêng phương thức đó, họ chỉ có nhu cầu tuyển số lượng nhỏ thôi.

Số lượng nhỏ nhập học đó nếu là đặc thù, phù hợp với nhóm ngành nhất định thì có thể với trường đó họ sẽ thấy tốt.

Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường xét tuyển ít phương thức, làm gọn nhẹ hơn để giúp thí sinh tránh nhầm lẫn. Đó là điều rất tốt và tôi đồng tình. Nhưng chúng ta cũng nên tôn trọng sự lựa chọn của các trường để chọn được những nhóm thí sinh phù hợp nhất.

Sau mỗi năm, các trường cũng đều đánh giá lại số thí sinh vào trường mình năm vừa rồi như thế nào, có đáp ứng hay không. Nếu thấy phù hợp rồi, trường có thể giữ nguyên các phương thức, nhưng nếu điều chỉnh được phương thức xét tuyển theo hướng gọn gàng hơn thì các trường cũng sẽ điều chỉnh.

Về phía Trường ĐH Phenikaa, chúng tôi hiện tuyển sinh 4 khối ngành, gồm khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội, kinh tế kinh doanh và khoa học sức khỏe.

Năm trước, chúng tôi tuyển sinh theo 4 phương thức, đến năm nay rút gọn còn 3 phương thức với các ngành đào tạo chính quy (46 chương trình đào tạo chính quy) gồm: xét tuyển thẳng, dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT (chiếm tỷ lệ cao) và xét tuyển dựa trên kết quả học tập ở bậc phổ thông.

Với các chương trình đào tạo quốc tế, chúng tôi có những hình thức xét tuyển riêng, trong đó đa số cũng dựa vào kết quả học tập của các em và các chứng chỉ tiếng Anh. Tất nhiên, điều kiện đảm bảo vẫn là thí sinh phải tốt nghiệp THPT.

- Nhiều thí sinh băn khoăn nếu đăng ký nguyện vọng không cẩn thận sẽ dẫn đến mắc sai sót và trượt tất cả nguyện vọng. Từ kinh nghiệm tuyển sinh thực tế trong năm trước, ông có thể đưa ra lời khuyên, thí sinh nên đăng ký nguyện vọng thế nào để hiệu quả nhất?

PGS.TS Nguyễn Phú Khánh: Như Bộ GD-ĐT đã thông tin, năm nay, tất cả các khâu trong quá trình tuyển sinh sẽ được thực hiện trực tuyến (online) tới tận khâu cuối cùng là xác nhận nhập học. Điều quan trọng đầu tiên là các em phải đọc rất kỹ quy chế tuyển sinh cũng như hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, các trường và thực hiện đúng.

Bên cạnh đó, khi lựa chọn thứ tự ưu tiên nguyện vọng, cần chú ý sắp xếp những nguyện vọng mà em cảm thấy phù hợp nhất lên cao, bởi dù các em có rất nhiều lựa chọn, không giới hạn nguyện vọng nhưng sẽ chỉ đỗ 1 nguyện vọng cao nhất. Cần cân nhắc từng nguyện vọng một và tính toán thứ tự đúng.

Các em có thể lựa chọn nhiều nguyện vọng, nhưng nguyện vọng được chọn và được ưu tiên đặt vị trí cao nên phù hợp với năng lực cũng như sở thích của em, đặc biệt là phải căn cứ vào mức điểm.

Bộ GD-ĐT luôn cho thí sinh một khoảng thời gian đủ dài để suy nghĩ lựa chọn nguyện vọng và hãy cân nhắc kỹ. Khi các em đăng ký lên hệ thống, các nguyện vọng sẽ hiện lên rất rõ. Em cũng cần kiểm tra lại thật kỹ việc đăng ký, như vậy sẽ hạn chế tối đa những rủi ro.

Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!

Nguyễn Liên
#