Tự chủ đại học: Nhiều trường tăng quy mô nhưng chưa tăng chất lượng

- Thứ Sáu, 06/01/2023, 08:34 - Chia sẻ

Chính sách tự chủ đại học đã mang lại kết quả tốt cho các cơ sở Giáo dục đại học (GDĐH), nâng cao vai trò của Hội đồng trường (HĐT). Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT đã thừa nhận trong triển khai thực tế đã bộc lộ nhiều hạn chế, nhiều cơ sở giáo dục vẫn trì trệ, chưa chú trọng xây dựng chất lượng.

Tự chủ đại học: Một số trường đại học tăng quy mô nhưng chưa tăng chất lượng  -0
Một số trường đại học tăng quy mô đào tạo nhưng chưa tăng kịp các điều kiện bảo đảm chất lượng tương ứng

Hội đồng trường vẫn chưa làm tốt vai trò,  mất dân chủ

Về tổ chức bộ máy và quản trị, chính sách tự chủ đại học đã mang lại kết quả tốt cho các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH), nâng cao vai trò của Hội đồng trường (HĐT). HĐT được quyết định vị trí lãnh đạo chủ chốt của nhà trường; cơ cấu tổ chức. Quản trị đại học thông qua các quy định, văn bản nội bộ do Nhà trường ban hành để chủ động tổ chức thực hiện bảo đảm các quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cho biết, nhiều cơ sở GDĐH hiện vẫn còn chưa quen với việc tự ban hành văn bản, vẫn muốn các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ và chi tiết để thực hiện như trước đây. HĐT tại một số cơ sở GDĐH vẫn chưa làm tốt vai trò, mất dân chủ.

Nguyên nhân do HĐT chưa hiểu rõ vai trò, vị trí, quyền hạn và trách nhiệm của mình; chưa kịp thời bồi dưỡng nhân sự chủ chốt, kiện toàn các vị trí lãnh đạo chủ chốt đủ tiêu chuẩn theo quy định của Đảng và Nhà nước.

Một số cơ sở GDĐH vẫn chưa phân cấp, phân quyền tới các đơn vị, cá nhân và thực hiện quy chế dân chủ. Mặc dù đã tinh giản bộ máy nhưng có cơ sở GDĐH vẫn tăng số lượng chuyên viên, phục vụ thay vì đẩy mạnh chuyển đổi số theo xu hướng chung trên thế giới hiện nay. Nguyên nhân là do nhận thức và năng lực của cán bộ.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng, những hạn chế này dẫn đến ảnh hưởng tới uy tín cho nhà trường, đặc biệt ở một số cơ sở còn “hoài nghi” về thành công, kết quả và chủ trương đúng đắn về tự chủ đại học mang lại. Từ những ảnh hưởng này đã dẫn đến hậu quả về việc kìm hãm sự phát triển của nhà trường, nhiều cán bộ, giảng viên giỏi chuyển công tác, các chỉ số về thu nhập, quản lý chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học suy giảm.

Chưa chú trọng nâng cao chất lượng 

Về Quản lý chất lượng đào tạo, theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, nhiều cơ sở GDĐH tự chủ (đặc biệt là các đơn vị đã được tự chủ toàn diện, sâu rộng từ trước khi Luật Giáo dục đại học có hiệu lực thi hành) đã thành công trong việc quản lý chất lượng tuyển sinh, đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cho rằng, vẫn còn hiện tượng một số trường chưa chú trọng tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng dẫn đến các vi phạm như liên kết đào tạo ngoài cơ sở, đào tạo văn bằng đại học khác, mở ngành khi chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, thực hiện tuyển sinh vượt so với kế hoạch.

Một số trường tăng quy mô đào tạo nhưng chưa tăng kịp các điều kiện bảo đảm chất lượng tương ứng (năng lực đội ngũ giảng viên, đầu tư phát triển cơ sở vật chất, đặc biệt cơ sở vật chất thực hành thí nghiệm còn yếu).

Một số trường diện tích, khuôn viên chưa đảm bảo quy định, chưa đầu tư, phát triển hiện đại và hiệu quả cơ sở vật chất. Nhiều trường mở ra nhiều phương thức tuyển sinh, phân bổ tỷ lệ giữa các phương thức chưa phù hợp dẫn đến thiếu công bằng trong tuyến sinh; Một số phương thức tuyển sinh, tổ hợp các môn học/môn thi để xét tuyển chưa hoàn toàn phù hợp với yêu cầu đầu vào, chưa công bằng cho các thí sinh.

Số lượng các cơ sở GDĐH và các chương trình đào tạo được kiểm định ngày một tăng thêm. Tuy nhiên, nhiều cơ sở GDĐH vẫn chưa quan tâm và chú trọng xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong nhà trường.

Nguyên nhân dẫn đến việc nhiều trường còn yếu trong công tác quản lý chất lượng đào tạo do nhận thức về vai trò của hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, chưa chú trọng đến công tác tuyển dụng, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, thiếu nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở vật chất.

Về huy động nguồn lực, Bộ GD-ĐT cho biết, các trường đã tự chủ từ sớm và nhiều trường ngoài công lập có tầm nhìn, kế hoạch và nguồn lực tài chính để đầu tư, phát triển nhà trường, nâng cao uy tín, năng lực cạnh tranh thông qua chất lượng cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, cơ hội việc làm cho sinh viên.

Tuy nhiên, khi các cơ quan chủ quản cắt giảm kinh phí (cắt giảm ngay, cắt giảm có lộ trình, mức đầu tư thấp) nhiều trường đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận hành, đầu tư phát triển và giữ đội ngũ giảng viên giỏi. Vì vậy, các trường này buộc phải mở rộng quy mô tuyển sinh và tăng học phí, dẫn đến các điều kiện bảo đảm chất lượng để thực hiện đào tạo (giảng viên, cơ sở vật chất) không theo kịp.

Mặc dù số bài báo khoa học, công bố quốc tế tăng mạnh, nhưng đa phần các trường chưa có nguồn thu từ hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ phục vụ cộng đồng. Đồng thời, nguồn thu từ các dịch vụ khác chiếm tỷ lệ rất thấp, chủ yếu nguồn thu của nhà trường vẫn là nguồn học phí.

Tinh thần “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”

Mục đích tự chủ đại học là nâng cao chất lượng, nhưng nguồn lực lại hạn chế là khó khăn, thách thức của nhiều cơ sở GDĐH công lập. Cần khẳng định việc tiếp tục đầu tư tài chính từ ngân sách (thông qua chế độ chi đầu tư theo Luật Ngân sách nhà nước hoặc giao vốn theo Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp), chi đầu tư từ các bộ, ngành cho lĩnh vực GDĐH mà bộ, ngành quản lý… để tự chủ không đồng nghĩa với cắt toàn bộ đầu tư nhà nước như giai đoạn thí điểm và cách hiểu của một số cá nhân.

Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tập trung nghiên cứu, tham mưu sử dụng nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả; tập trung cho các khâu đột phá chiến lược trên tinh thần “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”. Vì vậy, các cơ sở GDĐH trong giai đoạn hiện nay rất cần Nhà nước tiếp tục đầu tư công thông qua các chương trình, dự án để bảo đảm nguồn lực phát triển bền vững, thực hiện tự chủ đại học thành công.

Tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước

Trong 05 năm tới, giai đoạn 2022-2026, định hướng trọng tâm đẩy mạnh nhận thức, quan điểm về tự chủ đại học theo đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn của Đảng và Nhà nước:

Bộ GD-ĐT cho biết, thời gian tới, thống nhất và làm sâu sắc hơn quan điểm, nhận thức về tự chủ đại học, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, đổi mới phương thức quản lý nhà nước và xây dựng môi trường thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh để thực hiện tự chủ đại học toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân trách nhiệm tới các cơ sở GDĐH; làm rõ và sâu sắc hơn vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan quản lý trực tiếp và chính quyền địa phương đối với phát triển hệ thống GDĐH và quản lý các cơ sở GDĐH.

Hoàn thiện quy hoạch và triển khai các giải pháp thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở GDĐH. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với GDĐH.

Tăng cường năng lực quản trị và đầu tư nguồn lực

Năm 2023, Bộ GD-ĐT đề ra 3 giải pháp lớn trong tự chủ đại học, cụ thể: 

Thứ nhất, Bộ GD-ĐT cho biết, tiếp tục rà soát, hoàn thiện chiến lược phát triển và hệ thống quản trị chiến lược, hệ thống văn bản, quy chế và quy định quản trị nội bộ; làm rõ và sâu sắc hơn vai trò, vị trí, quyền hạn và trách nhiệm của hội đồng trường/hội đồng đại học, chủ tịch hội đồng trường/hội đồng đại học trong hệ thống quản trị nhà trường.

Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn các vị trí lãnh đạo chủ chốt theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Quy hoạch, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tăng cường phân cấp, phân quyền, phân trách nhiệm tới từng đơn vị và cá nhân gắn với đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, xây dựng môi trường đại học dân chủ, năng động, sáng tạo.

Xây dựng hệ thống quản trị, quản lý nhà trường minh bạch, hiệu quả trên môi trường số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Thứ hai, tiếp tục triển khai Khung trình độ quốc gia, xây dựng và ban hành chuẩn chương trình đào tạo các ngành, lĩnh vực cho các trình độ của GDĐH.

Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của chương trình “Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với GDĐH và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022-2030” theo Quyết định số 78/QĐ- TTg ngày 14/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Đổi mới hình thức và tăng cường hiệu quả thực hiện công tác công khai, minh bạch, kiểm tra, thanh tra và giám sát (nội bộ và từ các cơ quan quản lý nhà nước) đối với các hoạt động tuyển sinh, đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Thứ ba, Hoàn thiện và triển khai các cơ chế, chính sách đầu tư, chi ngân sách của Nhà nước đối với GDĐH theo chủ trương, nghị quyết của Đảng và quy định tại Luật Giáo dục đại học (được sửa đổi, bổ sung năm 2018) để GDĐH thực sự trở thành động lực then chốt và thực hiện đột phá chiến lược về nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Xây dựng cơ chế, chính sách thuận lợi, tăng cường huy động, khai thác các nguồn lực tài chính từ xã hội cho GDĐH, thực hiện lộ trình nâng mức độ tự chủ tài chính của các cơ sở GDĐH đồng thời mở rộng triển khai cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo theo quy định của Chính phủ.

Tiếp tục triển khai tốt các đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồng thời khai thác, huy động các nguồn lực khác để đào tạo, bồi dưỡng, tăng quy mô và chất lượng đội ngũ giảng viên.

Hồng Hạnh
#