Đây là yêu cầu của Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi tại buổi làm việc nghe báo cáo tiến độ và giải pháp thực hiện công trình 4.500 phòng học chào mừng kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trên địa bàn thành phố.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh ghi nhận sự nỗ lực của Sở Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) TP. Hồ Chí Minh đã chủ động phối hợp với các ngành, cấp, địa phương trong việc thực hiện các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả chỉ tiêu 4.500 phòng học. Tuy nhiên, kết quả còn chậm, còn nhiều vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách, quy hoạch đô thị; quỹ đất dành cho giáo dục và vốn đầu tư công còn hạn chế để xây dựng các công trình bảo đảm theo tiến độ và yêu cầu.
Chủ tịch UBND Thành phố giao Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND TP. Thủ Đức và quận, huyện hoàn chỉnh Đề án thực hiện hoàn thành chỉ tiêu công trình 4.500 phòng học, trình UBND Thành phố duyệt trong tháng 10.2023. Chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch – Đầu tư rà soát và đề xuất các dự án sử dụng vốn đầu tư công. Đối với các dự án không sử dụng vốn đầu tư công thì chuyển sang thực hiện xã hội hóa, đầu tư kích cầu, đối tác công tư…
Đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công thì xác định rõ bao nhiêu dự án bố trí vốn đầu tư trong kỳ trung hạn 2021 - 2025, hoàn thành thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm đưa dự án vào hoạt động; bao nhiêu dự án chưa được bố trí vốn trung hạn, cần đẩy nhanh thủ tục đầu tư để có đủ điều kiện bố trí trung hạn.
Đồng thời, giao Sở Kế hoạch - Đầu tư ưu tiên bố trí vốn đầu tư công để đầu tư tăng thêm phòng học nhằm đáp ứng kịp thời tốc độ phát triển dân số, đô thị hóa nhanh trên các địa phương đang chịu áp lực cao. Đề xuất các giải pháp đặc thù, chính sách ưu đãi cụ thể về đất, thuế, thủ tục hành chính... để huy động các nguồn lực ngoài ngân sách, đầu tư phát triển mạng lưới trường học theo phương thức hợp tác công tư, kích cầu, xã hội hóa.
UBND TP. Hồ Chí Minh cũng giao các sở, ngành, địa phương phối hợp rà soát tổng thể mạng lưới trường học trên địa bàn nhằm tăng thêm quỹ đất dành cho giáo dục bằng nhiều biện pháp như di chuyển, thu hồi các kho bãi, khu đất bỏ hoang, sử dụng kém hiệu quả để xây dựng trường học; bố trí quỹ đất tại các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu vực đông dân cư để xây dựng trường học.
Riêng quận, huyện, TP. Thủ Đức chủ động rà soát lại số phòng học đảm bảo việc thực hiện chỉ tiêu đến năm 2025 đạt 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học, rà soát pháp lý các vị trí xây dựng trường, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.