Tết Thầy qua thế hệ xưa và thay đổi sang thế hệ Gen Z như thế nào?

Câu nói “Mùng một Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, nét đẹp văn hóa của người Việt đã muôn đời nay. Cách thể hiện truyền thống này có nhiều đổi khác qua từng thế hệ. 

Tết Thầy trong tâm khảm của thế hệ ông bà

Thuộc lứa học trò tốt nghiệp THPT đầu thập kỉ 70 thế kỉ trước, nhà giáo Nguyễn Thị Bình, nguyên Trưởng bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chia sẻ những mẩu chuyện nhỏ về ngày Tết thầy trong thế hệ của bà rất đỗi gần gũi và trong sáng: "Mỗi huyện đồng bằng Bắc bộ khi đó chỉ có một đến hai trường THPT. Học hết lớp 10 thì tham gia kì thi tốt nghiệp, tiếp đó dự kì thi tuyển sinh vào các trường Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Cả 2 kì thi đều khó khăn, trượt như ngả rạ. Vùng quê tôi thuần nông, nghèo. Lại bị chiến tranh phá hoại của Mỹ khá ác liệt. Học sinh đa số dừng học khi hết cấp 2. Thế mà thi vào cấp 3 vẫn rất khó. Chứng tỏ dân mình thực sự hiếu học. Truyền thống hiếu học nuôi dưỡng tinh thần tôn sư trọng đạo. 

Tôi không nhớ từ khi nào thì ngày 20.11 trở thành ngày Nhà giáo Việt Nam, còn suốt thời học sinh, tôi không thấy nơi tôi học tổ chức lễ lạt gì ngày này cả. Nhưng dịp tết Nguyên đán thì bao giờ các ông bố bà mẹ nông dân rặt của chúng tôi cũng nhắc con cháu nhớ đến thầy bằng câu tục ngữ: "Mồng một Tết cha, mồng hai Tết chú, mồng ba Tết thầy.

Và lũ học trò cùng lớp, nhà ở gần nhau sẽ rủ rê, hẹn hò đến nhà thầy chúc Tết. Có cả ngàn lẻ một chuyện vui xung quanh cái vụ đi Tết thầy. Nhiều chuyện giờ già rồi tôi quên mất. Nhưng có một kỉ niệm tôi chưa quên, mỗi lần nhớ đến lại cười một mình.

Số là bọn tôi hơn chục đứa học sinh lớp 5 (đầu cấp 2) quyết định đến chúc Tết thầy chủ nhiệm dạy toán. Nhà thầy cách xa nhà tôi tầm 15 km. Chúng tôi hẹn nhau điểm “hội quân” và độ tám giờ sáng thì xuất phát. Cả xã chỉ vài ông cán bộ biết đến cái xe đạp nên đương nhiên bọn nhóc chúng tôi chỉ có phương tiện di chuyển duy nhất là "cuốc bộ".

Tết năm đó mồng ba nắng ấm, đi một lúc thì đứa nào đứa nấy mồ hôi mồ kê nhễ nhại, mặt đỏ ửng vì nóng. Xế trưa, hỏi thăm được nhà thầy. Đến cổng, một đứa bảo khoan hẵng vào, bọn mình xem quà tết có những gì, dồn cho hai đứa đại diện đưa thầy chứ.

Đứa lôi ra hộp mứt thập cẩm đã méo xẹo, gọi thập cẩm nhưng chủ yếu là kẹo trứng chim, tức hạt lạc bọc bột mì tẩm đường, thêm ít miếng bí xanh, cùi dừa, cà rốt. Đứa rụt rè chìa ra gói chè mạn 50g.

Đứa vẻ mặt tự tin nhất móc từ túi sách ra cái bánh khảo bọc giấy bóng đỏ đã hơi nhăn nhúm và lấm tấm vụn bột trắng (mứt, bánh khảo, chè đều mua phân phối theo sổ gia đình, tiêu chuẩn tết mới có. 

Một bạn nào đó góp mấy cành hoa giấy (hoa làm bằng giấy màu, mua ngoài chợ. Dân quê tôi vài thập niên sau mới biết chơi hoa tươi) được cả bọn xuýt xoa khen là sáng kiến.

Cuối cùng còn một bạn nam cứ đứng tần ngần, tay gãi xù mái tóc, cậu ta thọc tay vào các túi áo túi quần, lần lượt moi ra 5,6 quả hồng xiêm còn rắn như đá…Chí choé hồi lâu rồi quyết định ngắt mảnh lá chuối cạnh đó gói lại đem cùng số bánh mứt.

Tết Thầy qua thế hệ xưa và Tết qua thế hệ Gen Z -0
Tết xưa (Nguồn Internet)

Thầy chủ nhiệm còn trẻ, vợ thầy mới ở cữ, có tiếng trẻ oe oe ở buồng trong. Ông cụ bố thầy ra cửa mời lũ học trò của con trai vào nhà. Thầy lúng túng cười khi hai đứa con gái vừa lí nhí câu chúc tết đã nhẩm đi nhẩm lại vừa dúi vào tay thầy mấy thứ “lễ bạc lòng thành”.

Bọn còn lại đã kịp túa ra bể nước mưa góc sân vục nước trong bể tu ừng ực. Đã cơn khát cả bọn vào nhà, đứng túm một góc phòng, không chịu ngồi lên giường.

Ông cụ bố thầy bưng từ bếp lên một mâm có 2 đĩa bánh chưng và bát mật mía. Bố con thầy nài ép một hồi thì cả bọn gần như ùa lên giường cùng lúc, vì xấu hổ hơn là vì đói. Loáng cái mâm sạch trơn…Tôi không nhớ có ai giúp thầy thu dọn không.

Đường về, không còn cái hăm hở buổi sáng. Chân như đeo đá. Buổi tối tôi kể cho bố mẹ nghe cuộc tết thầy. Mẹ tôi cười rũ ra: a thế còn hơn con em mày (khi đó học vỡ lòng, thầy dạy người cùng làng) xin đồng bánh chưng cầm đi, lúc về hỏi có nói câu chúc mẹ dặn không? Nó bảo: không, nhà thầy đi đâu hết, con để lên giường, ra ngõ mới gặp vợ thầy, con chỉ nói: cho thầy đồng bánh chưng rồi chạy luôn vì xấu hổ…

Năm sau, chúng tôi lại hẹn nhau mồng ba đi tết cô chủ nhiệm mới. Niềm vui học trò chất phác hồn nhiên vẫn âm ỉ suốt kì nghỉ tết".

Tết Thầy với thế hệ Gen Z

Thế hệ Gen Z lớn lên trong xã hội có sự bùng nổ mạnh mẽ về công nghệ, cho nên cách thể hiện, cách lưu giữ truyền thống văn hoá trong ngày Tết thầy cũng có nhiều sự mới mẻ. 

Bạn Quỳnh Phương, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, em có ba nhóm chat của cấp 2, cấp 3 và đại học, trong những nhóm này các bạn đã rôm rả hẹn nhau đi mừng Tết thầy từ ngày 28-29 tết. Vì về quê nên Phương ưu tiên đi cùng nhóm bạn cấp 2, cấp 3 tới thăm thầy cô. Còn với giảng viên đại học của mình, Quỳnh Phương gửi những  lời chúc kèm các hoạt ảnh trân trọng nhất thông qua nền tảng nhắn tin trực tuyến. 

Theo Phương, cách làm này không chỉ tiện lợi và còn dễ dàng bày tỏ tình cảm mà thường ngày học sinh ngần ngại chia sẻ với thầy cô. Ngoài ra Phương cùng các bạn cũng dễ dàng sáng tạo nhiều video, ảnh ghép, audio dễ thương để chúc tết thầy cô. Với Phương, có công nghệ không cần mua thiệp chúc có mẫu sẵn mà em sẽ thiết kế tấm thiệp online và độc nhất cho thầy cô thân yêu của mình. 

Bạn Đình Phong, một học sinh THPT tại Hà Nội chia sẻ, năm nào Tết thầy Phong cùng các bạn cũng đến thăm thầy, cô. Cuộc sống hiện đại nên món quà gì cũng có thể dễ dàng mua được chứ không khó khăn như thời ông bà ngày xưa. Chính vì thế em cùng bạn bè nghĩ rằng phải có những món quà đặc biệt, mang dấu ấn mà chỉ riêng lớp mình có dành tặng thầy cô nhân dịp Tết cổ truyền. 

"Chúng em sẽ dàn dựng những bài nhảy trên nền nhạc dành cho nhà giáo, quay clip Tiktok vui nhộn nhưng lịch sự để tri ân thầy cô, bên cạnh đó các bạn nam sẽ giúp bạn nữ làm lẵng hoa, giỏ quà, hũ ngôi sao, những món đồ handmade... rồi đem tới trao tận tay người thầy của mình. Quá trình gấp đồ handmade, chúng em cũng quay video lại và kèm theo từng lời chúc gửi vào mỗi sản phẩm làm ra." Đình Phong dí dỏm chia sẻ. 

Với cả Quỳnh Phương và Đình Phong, mỗi dịp Tết thầy được tới thăm thầy cô các em cảm thấy rất vui, mọi áp lực thi cử, bài vở, bài kiểm tra đều được cởi bỏ. Gặp mặt và được nghe thầy, cô chia sẻ những câu truyện trong không gian gia đình, thân mật tình cảm thầy - trò như thêm khăng khít và ấm áp hơn.

"Tết vẫn là dịp đặc biệt nhất để chúng em bày tỏ lòng biết ơn, tri ân sâu sắc những giá trị nhân văn mà thầy cô đã truyền tải cho chúng em suốt nhiều năm đi học. Có những năm, tới chúc Tết, thầy cô còn mời cả nhóm đi uống trà sữa, hay ăn lẩu, nướng để có thời gian nói chuyện, tâm sự nhiều hơn. Từ đó thầy trò ngày càng hiểu nhau hơn, việc dạy và học cũng tốt hơn. Với chúng em có cơ hội được hiểu thêm về người thầy của mình cũng là cách để giúp mình lấy thêm động lực học tập cho một năm mới." Đình Phong khẳng định.

Giáo dục

Các đại biểu thực hiện nghi thức Lễ bàn giao và đưa vào sử dụng Phòng thực hành ngân hàng và Sân thanh niên
Giáo dục

PVcomBank đồng hành cùng Trường Đại học Điện lực

Ngày 14.1, tại Trường Đại học Điện lực diễn ra Lễ bàn giao và đưa vào sử dụng Phòng thực hành ngân hàng và Sân thanh niên, được tài trợ bởi Ngân hàng PVcomBank. Đây là sự kiện rất ý nghĩa trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đại học Quốc gia Hà Nội ưu tiên đầu tư nhóm các nhà khoa học xuất sắc, phòng thí nghiệm trọng điểm
Giáo dục

Đại học Quốc gia Hà Nội ưu tiên đầu tư nhóm các nhà khoa học xuất sắc, phòng thí nghiệm trọng điểm

Lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, năm 2025, phát triển các nguồn lực phục vụ nâng cao nghiên cứu khoa học, đảm bảo chất lượng đào tạo, trong đó ưu tiên đầu tư cho nhóm các nhà khoa học xuất sắc, phòng thí nghiệm trọng điểm và nhóm nghiên cứu mạnh.

Sinh viên, giảng viên háo hức tham dự “Hội làng 2025” của Trường Quản trị và Kinh doanh
Giáo dục

Sinh viên, giảng viên háo hức tham dự “Hội làng 2025” của Trường Quản trị và Kinh doanh

Trong không khí vui tươi, ấm áp chào đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ , Trường Quản trị và Kinh doanh (HSB), Đại học Quốc gia Hà Nội vừa tổ chức chương trình “Hội làng 2025”. Đây là sự kiện văn hoá truyền thống thường niên của nhà trường trong suốt quá trình 30 năm hình thành và phát triển.