Tết thầy, Tết tri ân

- Thứ Ba, 24/01/2023, 06:02 - Chia sẻ

Mùng ba Tết thầy, một lời nhắc nhở nhẹ nhàng đầu xuân đủ giúp mỗi người nhớ về những người đã dạy dỗ mình nên người. Cứ như vậy, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam ngày càng được tô đẹp và sáng ngời.

"Mùng 3 Tết Thầy"

Dân gian Việt Nam có câu: “Muốn sang phải bắc cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu quý thầy”. Những ngày Tết cổ truyền không chỉ để chúng ta nghỉ ngơi, đoàn tụ gia đình, Tết còn mang tinh thần giáo dục ông cha ta tổng kết để nhắc nhở con cháu phải luôn ghi nhớ đạo lý “uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo” luôn phải biết ơn những người đã sinh thành dưỡng dục cho mình khôn lớn. Đặc biệt những ngày đầu xuân, năm mới càng là dịp ý nghĩa để tri ân người bảo ban mình. 

Phong tục "Mùng ba Tết Thầy" là một trong những nét đẹp truyền thống đáng trân trọng. Trong tâm thức người Việt, dù trong hoàn cảnh nào thì nhớ về thầy trong những ngày vui của Tết là điều không bao giờ mất đi.

Nhà giáo TS. Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ, “Mùng ba Tết thầy” ở đây được đặt trong ngữ cảnh “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” nghĩa là Tết thầy đi liền với Tết ông bà, cha mẹ, những người đã sinh thành và dưỡng dục của mỗi người.

Đây không chỉ nêu cao vị thế của người thầy mà còn khẳng định cha mẹ không chỉ có công sinh thành mà còn có công dưỡng dục đầu tiên từ khi mới chào đời đến khi trưởng thành.

Điều này hoàn toàn khác với quan điểm đạo lý kỷ cương của nho giáo luôn xếp hạng “Quân, sư, phụ” (trên hết là Vua, sau Vua là thầy và sau thầy mới đến cha mẹ). Ông cha ta nhắc “mồng ba Tết thầy” không phải để nhằm đối lập với quan niệm của Nho giáo thời phong kiến mà chỉ muốn nhấn mạnh đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và muốn nhấn mạnh truyền thống tôn sư trọng đạo, biết ơn thầy cô như biết ơn cha mẹ và cũng muốn nhắc nhở những người làm ông bà, cha mẹ cũng phải nhớ đến vai trò làm thầy, cùng với ông thầy ở trường để giáo dục dẫn dắt con cái trưởng thành.

Như vậy việc nhớ ơn đến thầy cô trong những ngày Tết cũng lớn lao như “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Đây mới chính là ý nghĩa to lớn của “Mùng ba Tết thầy”. Ông cha ta không nhắc nhở con cháu phải mâm cao cỗ đầy để Tết thầy, mỗi người phải luôn ghi nhớ, luôn biết ơn những người thầy không sinh thành ra mình nhưng là những người đã có công lao dưỡng dục không khác gì cha mẹ mình. Thầy cô luôn là người có công lao rất lớn với mỗi người khi trưởng thành.

Lễ vật mang theo để dâng kính thầy cô khi xưa không nặng về vật chất. Không phân biệt chức vụ, vị trí xã hội, học trò cứ tự phục vụ bánh kẹo, rồi ngồi quây quần tâm sự, nghe thầy cô hỏi chuyện và thông báo cho thầy cô về công việc, gia đình năm qua cũng như những dự định sắp tới…

Tri ân với những người thầy đã giúp chúng ta trưởng thành cùng năm tháng trên ghế nhà trường không chỉ giúp chúng ta có tri thức mà quan trọng phải có nhân cách trở thành những người tử tế, những người có phẩm chất năng lực để đóng góp cống hiến cho xã hội.

Tri ân những người giúp đỡ mình, dẫn dắt mình trưởng thành trong cuộc sống là một phẩm hạnh mà ai cũng phải có. Một người sống không biết tri ân, không biết bao dung, không có lòng từ bi, yêu thương bao la, không có lòng tự trọng, tự chịu trách nhiệm về mỗi hành vi của mình, chắc chắn người đó không thể “lớn nổi thành người”.

Từ ngàn xưa, ông cha ta quan niệm về người thầy cũng rất thực tế, “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, cách nói ví von hình ảnh tượng trưng này để chỉ người giúp ta “một chữ” hay “nửa chữ” đều phải tôn trọng để học hỏi và phải tri ân tất cả những người đã giúp đỡ ta. Có thể hiểu rộng ra bạn bè, sách vở đều là những người thầy giúp ta trưởng thành, đều phải trân quý.

Thầy và trò thời công nghệ 4.0

Usinxki - một nhà giáo dục danh tiếng từng nói: "Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác”. Nhân cách cao quý ấy đã khai thông và dìu dắt con đường tri thức và phương cách sống của mỗi một người trò. Trong xã hội hiện đại, nhân cách của người thầy càng mang yếu tố quyết định về sự bền chặt đặt trong mối quan hệ thầy – trò. 

Ths. Nguyễn Thị Thanh Quyên, giáo viên môn Ngữ Văn trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên (KHTN) chia sẻ, cuộc đời của một người thầy gói gọn trong hai chữ “Lương sư”. Một quan niệm mang tính chất truyền thống nhưng lại rất có giá trị trong hiện tại. ... Lương sư trong “Lương sư, hưng quốc” là người mang những phẩm hạnh tốt, yêu thương nhân văn trước học trò, tài trí, tầm nhìn rộng mở, nhạy bén linh hoạt, sâu sắc,... Tất cả nội hàm hai chữ Lương đặt trong xã hội hiện đại nó vẫn hoàn toàn tươi mới và mang giá trị thực tiễn. 

Người làm thầy giáo xưa và nay không có gì khác, vẫn nằm trong dòng chảy truyền thống của dân tộc, đó là truyền thống hiếu học và trọng thầy. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất, những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh.”  

Với quan niệm truyền thống như vậy và được cụ thể hoá phù hợp với sự phát triển của lịch sử. Từ văn minh nông nghiệp, công nghiệp tới ngày nay là văn minh công nghệ, thời đại 4.0, nền kinh tế số. Thì tất yếu cả thầy và trò đều có những thay đổi dựa trên nền tảng truyền thống sẵn có. 

Học sinh hiện nay được tiếp xúc sớm với internet, chỉ qua vài cái lướt ngón tay, các em đã mở ra rất nhiều tri thức của thế giới. Ở lứa tuổi cấp ba, việc tiếp nhận thông tin, tích luỹ tri thức là điều quý giá.

Tuy nhiên khi các em phải cùng lúc tiếp nhận quá nhiều thông tin, sẽ dẫn tới tình trạng quá tải. Lúc này vai trò của người thầy cần được lên tiếng. Trên xa lộ thông tin phong phú, đa dạng và phức tạp vị thế người thầy không còn độc tôn, không hoàn toàn và duy nhất đúng trước học trò.

Người thầy hôm nay phải xem học trò là trung tâm. Giáo viên không còn truyền thụ kiến thức một chiều mà là người trao quyền chủ động cho học sinh, phát hiện, khơi gợi, vun trồng cho những giá trị của học trò. Từ đó tạo dựng nên những học sinh có bản lĩnh, lập trường, sẽ có một bộ phận học sinh sẽ trở thành công dân toàn cầu vì vậy đặc biệt học sinh phải có lập trường về tư tưởng và chính trị. 

Do vậy đòi hỏi giáo viên ngày nay cần có rất nhiều phẩm chất và năng lực đa dạng để đáp ứng với mục tiêu giáo dục theo Chương trình tổng thể giáo dục phổ thông 2018.

Một người thầy không giỏi chuyên môn, không có năng lực sư phạm thì không thể làm thầy. Nói một cách rõ hơn không giỏi chuyên môn thì khó làm chủ kiến thức, sẽ bị thông tin từ internet làm mờ hình ảnh người thầy. Không có năng lực sư phạm sẽ không biết cách xử lý các tình huống sư phạm nhạy cảm. Ví dụ như những hiện tượng đánh thầy, bắt thầy quỳ, đưa thông tin xấu về thầy cô đăng lên mạng xã hội,... Nếu không có năng lực sư phạm sẽ làm tâm lý học sinh trở nên tiêu cực dẫn tới tiêu cực xã hội. Xử lý các tình huống sư phạm xem như là một nghệ thuật xử thế, để tạo ra hiệu ứng tích cực cho xã hội. 

Năng lực phát hiện và đánh giá học trò cũng vô cùng quan trọng đối với người thầy. Nó giống như một bác sĩ bắt bệnh sai và cho uống thuốc nhầm. Ví dụ học sinh trường chuyên có những em rất giỏi về toán học hoặc có thiên hướng làm việc với máy móc, kỹ thuật, nhưng giáo viên và gia đình lại hướng dẫn em đi theo y khoa và học bác sĩ. Đây là một điều trái khoáy và lãng phí tài năng, đằng sau đó là những hậu quả khó lường. 

Học sinh hiện nay tiếp xúc sớm với máy móc, công nghệ, vô hình chung các em bị hạn chế và mất kết nối với bạn bè, thầy cô, gia đình,... Chính vì vậy không ai khác giáo viên là người nối lại sợi dây kết nối và giúp các em cân bằng giữa thế giới mạng và thế giới thực. 

Cũng bởi giáo dục đang trong thời đại 4.0, không có cách nào khác các thầy cô phải sử dụng thành thạo, luôn nhạy bén và cập nhật công nghệ thông tin để không vị tụt hậu trước học trò. 

Bạn Nguyễn Trần Minh Anh, sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân bày tỏ: 

“Em luôn lấy lời Bác Hồ dạy “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời” để nhắc nhở mình không ngừng học hỏi. Và với bản thân em, là một người trẻ thì trong giai đoạn nào của đời người cũng cần có một người thầy nhưng cần thiết nhất chính là ở quãng thời gian đầu đời và khi chuẩn bị bước ra ngoài xã hội. Đây là lúc em cảm thấy mông lung và bối rối nhất, cần có người thầy sáng suốt dẫn đường để em không bị lạc lối hay vô định.

Đối với em, ngoài vai trò hướng dẫn về mặt chuyên môn, người thầy cũng là người quan sát để đưa ra những đánh giá khách quan, những góc nhìn nằm ở điểm mù của người học trò. Người thầy cũng là người động viên và tư vấn về mặt tinh thần để người học trò có thể phát triển một cách toàn diện nhất.”

Những phẩm chất không thể thiếu được, chắc chắn mỗi thầy luôn là một tấm gương học tập không ngừng, tấm gương về đạo đức, lối sống trung thực và trách nhiệm. Hình ảnh người thầy phải xứng đáng với niềm tin của học trò, của phụ huynh, của cả xã hội. Xứng đáng là người hiền tài đủ khả năng dẫn dắt người hiền tại. 

Học sinh thế hệ này cần một người thầy đủ để tin cậy, có tầm nhìn, thực tiễn, có tâm trong sáng, thấu hiểu, yêu thương. Chúng không thích những người thầy nói lý thuyết suông. 

Tìm tới giáo viên,  các em cần sự gần gũi, chân thành, ấm áp, không những vậy học trò cần thầy không chỉ trong đời sống học tập mà còn cả trong đời sống tinh thần. Học sinh mong muốn người thầy giúp chúng rèn luyện năng lực tư duy, năng lực xử lý các tình huống trong cuộc sống. Học sinh hiện đại cần phải đi xa, đi rộng, các em ít cần tới những con điểm lạnh lùng và cứng nhắc. 

Quốc Việt
#