Tết thầy!
Trong tâm thức của người Việt, hình ảnh người thầy luôn tượng trưng cho những điều chuẩn mực và cao đẹp nhất. Truyền thống “tôn sư trọng đạo” là ví dụ điển hình cho giá trị nhân văn được nhân dân Việt Nam vun bồi qua nhiều thế hệ.
Mỗi mùa Tết đến xuân về, mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy, đây là quan niệm để vinh danh những người đại diện cho tri thức, thực hiện sứ mệnh truyền tải tri thức cho các thế hệ học trò.
Bên cạnh tri thức, người thầy là người thực hành và truyền đạt những đạo lý giúp học trò trở thành người có học vấn, văn hoá, nhân cách giúp ích cho xã hội. Tết thầy cũng là lúc học trò tri ân các thầy, cô và người dạy dỗ mình nên người.
Trong kỷ nguyên 4.0 và nền kinh tế trí thức, trọng trách cũng như trách nhiệm của người thầy càng trở nên khó khăn và quan trọng hơn. Ngoài những giờ đứng lớp, người thầy cũng phải dành thời gian bồi dưỡng, tự phát triển bản thân và hoàn thành những mục tiêu nghiên cứu khoa học của mình.
Trung bình, thầy cô giáo sẽ phải làm việc trí óc 60-70 tiếng một tuần, liên tục 15 tuần trong cả năm học. Như vậy thời gian nghỉ hè hay nghỉ lễ sẽ là thời gian dành cho các thầy cô hồi phục năng lượng, hồi phục sức khoẻ tinh thần, chuẩn bị tâm lý cho một năm học mới. Mỗi một kỳ nghỉ là vô cùng quan trọng đối với đội ngũ giảng viên.
Tuy nhiên đó là lý tưởng, trên thực tế, những kỳ nghỉ, ví dụ như nghỉ Tết là một khoảng thời gian mà người làm thầy tiếp tục phải lo lắng. Những công việc còn tồn đọng của năm cũ, được thầy cô dùng khoảng nghỉ này để làm bù. Việc Tết, việc riêng dồn lại dẫn đến thiếu thời gian và không thể hoàn thành mục tiêu đề ra.
Ngày Tết, những áp lực liên tục bủa vây, nào áp lực mua sắm, chi tiêu nhiều, áp lực tặng quà hay lì xì trong khi đồng lương của người thầy có giới hạn. Thời gian sinh hoạt dịp Tết bất thường, do phải tiếp khách, thăm viếng nhau cũng tạo thêm những căng thẳng.
Thực tế ngay cả trong Tết, nhiều giáo viên cảm thấy mệt mỏi hơn, những giấc ngủ ập tới vì mệt chứ không phải giấc ngủ một cách tự nhiên. Họ không ngừng suy nghĩ về những việc họ cần hoàn thành trong năm học mới. Ngày Tết là dịp để nghỉ ngơi, quây quần bên gia đình và các thầy cô cần được hưởng trọn vẹn những ngày tết của dân tộc này.
Chính thì thế dưới góc độ của nhà giáo, Tết thầy quan trọng ở chỗ cảm thấy mình được học trò tri ân, biết ơn các thầy cô. Ngày này, mỗi thầy cô đều có một đặc quyền rất thiêng liêng, đó là lắng nghe sự trưởng thành của học sinh, chứng kiến những bước đường thành công của học trò trên nhiều phương diện.
Tết với người thầy là được cảm thấy giá trị nghề nghiệp của họ được trân trọng. Có những người thầy đã chủ động tạo ra những thói quen mới, có lịch cố định hàng năm thầy chuẩn bị trà, nước để tiếp học trò vào một khung giờ, nơi học trò có thể đến và chia sẻ những thành tựu năm qua hay dự định năm mới.
Tập trung hơn vào chất lượng
Thế hệ Gen Z và Gen Alpha, thế hệ của sự đổi mới và sáng tạo. Việc tri ân thầy cô cũng thay đổi nhiều bởi thế hệ Gen Z. Họ có xu hướng tập trung hơn vào chất lượng của mối quan hệ, tập trung vào việc thể hiện luôn nhớ tới, sự biết ơn thầy cô hơn là các quy tắc hình thức gây mệt mỏi và tốn thời gian cho cả thầy và trò.
Học trò có thể gửi tới thầy cô một video clip tập hợp lời chúc của tất cả học sinh từ khắp mọi miền tổ quốc. Hay một tấm thiệp điện tử với đám mây và gương mặt kèm lời chúc của mỗi thành viên của khoá học. Có những học trò gọi đến một chương trình trò chuyện trên đài phát thanh, để được nói lời tri ân những người thầy trong cuộc đời mình và yêu cầu một bài hát để tặng thầy cô. Thậm chí có những người còn lập fanpage ví dụ như học sinh Toán cô Hiền… để gửi những món quà tinh thần tới thầy cô.
Đôi khi thay cho lời chúc sức khỏe, học trò tự làm các sản phẩm thực phẩm sức khỏe đóng gói độc bản. Rồi các món đồ công nghệ như đồng hồ thông minh ra đời giúp theo dõi sức khỏe tốt nhất cho thầy cô mà họ yêu quý.
Dẫu truyền thống hay hiện đại, Tết thầy vẫn là một nét đẹp đang được các thế hệ giữ gìn và truyền lại cho nhau như một giá trị văn hoá đầy ý nghĩa. Đối với các thầy cô, món quà vô giá nhất chính là thành công của học trò và sự ghi nhận công lao của họ một phần trong những thành công đó./.