PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài: "Ngành giáo dục nên dạy đại trà về AI"

- Thứ Ba, 21/02/2023, 15:51 - Chia sẻ

Đó là khuyến nghị của PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài – Viện trưởng Viện nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam trước “cơn bão” ChatGPT đang phát triển mạnh mẽ.

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài, bản chất trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh hay mô hình AI sáng tạo như ChatGPT sẽ cho phép sản sinh ra các nội dung mới. Như vậy ChatGPT sẽ tác động rất lớn tới các ngành luôn sản sinh ra nội dung mới như giáo dục, truyền thông, sau đó có thể là nghệ thuật và các ngành khác.

Hiện giờ, còn quá sớm để đưa ra những nhận định mang tính khái quát hay vĩ mô về ChatGPT, như ChatGPT có thể  thay thế con người trong một số ngành nghề đặc thù, khiến nhiều nghề có thể biến mất. Cần có thời gian cho những đánh giá nghiêm túc, hệ thống, bài bản hơn.

Hơn thế nữa ChatGPT hiện mới là phiên bản thử nghiệm (beta) và mô hình ngôn ngữ cũng như hệ thống sẽ còn được cập nhật.

Mặt khác ChatGPT hay các công nghệ AI tạo sinh không phải không có hạn chế. Vì thế chưa đủ cơ sở để kết luận như "AI thay thế con người" hay "AI sẽ thay thế nghề nghiệp". 

Hiện nay, có một thực trạng là truyền thông về AI luôn bị thổi  phồng quá mức. Còn quá sớm đế nói ChatGPT có thể thay thế con người.

Ngành giáo dục cần dạy đại trà về AI -0
PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài – Viện trưởng Viện nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam

Việt Nam không thể chậm chân về AI so với thế giới

- Ông đánh giá thế nào về thực trạng phát triển AI và tương lai của ứng dụng AI ở Việt Nam?

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài: Khoảng 6 - 7 năm lại đây công nghệ AI dần đi vào thực tế và phát triển rất nhanh, khi bắt đầu có tính ứng dụng. Năm 2017 tôi đã nhận thấy công nghệ AI đã tới thời điểm chín muồi để bước ra thực tế. Và quan trọng nhất, nó đã trở thành một ngành công nghiệp. Trước đây AI chỉ gói gọn trong những cuộc bàn luận của những nhà nghiên cứu nhưng bây giờ tất cả mọi người, cả thế giới đều phải quan tâm đến nó.

Ở Việt Nam có một thực tế đáng buồn là từ trước đến giờ chỉ những lĩnh vực công nghệ, hay doanh nghiệp mới nghiên cứu về AI. AI không chỉ tác động lên con người, xã hội mà ảnh hưởng lên cả cách quản trị xã hội.

Năm 2017,  chúng tôi, những người nghiên cứu và làm AI tại Việt Nam, đã tổ chức một sự kiện “Hội nghị AI nghiên cứu và ứng dụng” là hội nghị AI đầu tiên ở Việt Nam có mục đích kết nối giữa bên làm nghiên cứu hàn lâm và bên ứng dụng AI tại Việt Nam. Thật bất ngờ, khi sự kiện được chào đón nồng nhiệt với số lượng đông các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cùng nhiều công ty, doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng AI tham gia.

Qua đó, chúng tôi nhận ra rằng câu chuyện đưa AI vào cuộc sống không phải của thế giới mà còn là câu chuyện hiện thực tại Việt Nam. 

Cũng từ sự kiện này, chúng tôi nhận thấy rằng Việt Nam không thể chậm chân về AI so với thế giới được. Vì đây là vấn đề toàn cầu, càng phát triển thế giới càng phải dựa vào AI nên Việt Nam không thể bỏ qua làn sóng cách mạng công nghệ này. 

Mặt khác, với một công nghệ mới, ngành mới thì cơ hội sẽ chia đều, nếu chúng ta nắm bắt được cơ hội vẫn có thể cạnh tranh, bằng chứng là những công ty của Việt Nam đang cung cấp AI cho nhiều nước phát triển. Nhưng cách tiếp nhận của chúng ta như thế nào sẽ quyết định sự thành công và phát triển của AI tại Việt Nam

Ngành giáo dục phải chủ động đón “bão” AI và ChatGPT

- ChatGPT nói riêng và AI nói chung với những thay đổi lớn trong ngành giáo dục cũng như toàn xã hội. Theo ông, ngành giáo dục phải làm sao để theo kịp xu hướng này, triển khai dạy và học cũng như ứng dụng AI một cách rộng rãi và thực chất?

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài: Theo tôi, trước hết về ngành giáo dục, cần hiểu đúng về ChatGPT và AI sau đó cần sự tham gia của toàn bộ xã hội. Đây không phải là câu chuyện riêng của ngành giáo dục, cũng không phải của câu chuyện của riêng ngành AI. Câu chuyện này đòi hỏi sự chủ động tham gia của tất cả mọi người.

Tôi vẫn hay nói với các phụ huynh, học sinh về việc dù có thích hay không thích thì con cái vẫn sẽ phải sống với AI và chịu ảnh hưởng từ AI. Các con học không phải để làm AI mà để sống, để làm việc, để làm chủ, đề hợp tác với AI.

Ngành giáo dục – một trong những ngành chịu ảnh hưởng của AI và ChatGPT phải chủ động “đón bão” – bão đến thì sẽ có những đổ vỡ. Tuy nhiên, chúng ta phải chủ động để tránh những đổ vỡ lớn.

Ngành giáo dục phải chủ động kết hợp với các nhà khoa học để nghiên cứu ra những sản phẩm sử dụng AI có có ích trong tình hình này. Bởi vì, với những công nghệ AI tạo sinh gần đây, hay như ChatGPT, sẽ thấy một điều rất đáng buồn là để nghĩ ra những ứng dụng có hại dễ hơn là làm ra những ứng dụng có ích. 

Tôi được biết, hiện nay học sinh ở nhiều nước như Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc… bắt buộc phải học về AI từ cấp 1. Ước mơ của tôi là tất cả các học sinh thuộc thế hệ sau này của Việt Nam đều được học AI. 

Trong bộ phim “Chú chuột đầu bếp” có thông điệp “ai cũng có thể nấu ăn” , tôi cũng muốn “Ai cũng được học AI và học được AI”. Phải làm sao để các em học sinh ở Việt Nam đều được học về AI. Việc này đòi hỏi sự giúp sức của toàn bộ xã hội,  mỗi một người cũng cần thay đổi nhận thức và ngành giáo dục cũng phải chủ động chuyển mình.

Ngành giáo dục cần dạy đại trà về AI -0

Không nên quan niệm: “Phải giỏi toán mới học AI”

- Nếu “ai cũng được học AI và học được AI” thì phải chăng cần quan niệm mới, một cách tiếp cận mới về việc dạy và học so với mô hình truyền thống?

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài: Sai lầm lớn nhất là suy nghĩ học AI để làm về AI, bởi vì tôi thấy 1000 học sinh thì có thể sau này chỉ vài em có khả năng theo ngành này. Có rất nhiều phụ huynh có suy nghĩ rằng: “Con tôi sau này chắc gì đã theo ngành AI mà phải học AI?”. Nhưng AI, đặc biệt như chatGPT có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống của chúng ta, vậy nên trước hết phải học.

Đầu tiên là học để biết về AI, để làm chủ AI, không để AI làm chủ mình. Học để sống và tương tác với AI và tôi dự đoán với mô hình hiện nay, 5-10 năm nữa AI sẽ kết hợp với con người để làm việc. Chính vì thế, việc dạy về AI phải mang tính chất đại trà chứ không nên quan niệm theo khuôn mẫu: “Phải giỏi toán mới học AI”.

Chúng tôi có cách làm khác: dạy AI, sử dụng công nghệ AI để làm các công việc ở tất cả các ngành nghề. Chúng tôi đang thử nghiệm ứng dụng AI vào tất cả các môn học, chẳng hạn như dạy lịch sử. Tôi chọn môn lịch sử vì môn học này gần đây bị kêu ca “Thầy chẳng muốn dạy, trò chẳng muốn học”. Theo tôi, môn lịch sử bị kêu ca lý do chính nằm ở cách dạy. Chúng tôi đã dạy học môn sử bằng cách tìm ra mối lương duyên giữa giáo dục STEM và AI.

Tôi dạy lịch sử thế này: “Các em có biết vì sao có rất nhiều người đến tham quan, du lịch tại Hà Nội không? “Câu hỏi này sẽ giúp các em học sinh nhìn ra được rằng lịch sử có thể dùng để kinh doanh du lịch.

Sau đó chúng tôi cho các con chọn một di tích lịch sử, như Văn Miếu, tôi cho các con lên mạng thu thập các dữ liệu về Văn Miếu và làm một bài trình bày về Văn Miếu. Ngoài ra, các em học sinh có thể trải nghiệm làm các mô hình di tích lịch sử, vật dụng chiến đấu ngày xưa như xe tăng của Pháp,… điều này kích thích về mặt công nghệ đối với các em học sinh. 

Khi để các em học sinh đóng vai  hướng dẫn viên du lịch, chúng tôi cũng đặt ra các tình huống cho các em học sinh xử lý, ví dụ: Sẽ có rất nhiều khách du lịch đặt ra các câu hỏi mà các em chỉ có thể trả lời 1-2 người cùng một lúc.

Điều này sẽ khiến nhiều câu hỏi bị bỏ ngỏ, vì vậy chúng tôi đã đề xuất cách để các em có thể chuẩn bị dữ liệu, trí thức để  “dạy” cho Chatbot, chatGPT giúp các em trong công việc. Nó sẽ như phiên bản 4.0 sở hữu trí tuệ của các  em, thay các em trả lời. Cái hay là tất cả công thức sáng tạo đều như nhau, nhưng ai chăm chỉ hơn sẽ tạo ra được sản phẩm AI có sự khác biệt.

Có những bạn học sinh chuẩn bị tới 200 câu hỏi vô cùng chi tiết, điều này sẽ khiến Chatbot trở nên thông minh hơn trong công việc. Qua đó, các em học sinh có thể học về lịch sử, học về công nghệ, học về AI và thấy được rằng lịch sử học không phải chỉ để cho vui. 

-Xin trân trọng cảm ơn ông!

Huỳnh Đăng
#