Hải Phòng: Yêu cầu các nhà trường rà soát, đánh giá hoạt động liên kết
Sở GD-ĐT Hải Phòng vừa có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường quản lý hoạt động của các Trung tâm ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống, hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.
Theo Sở GD-ĐT, hiện nay trên địa bàn thành phố có nhiều cơ sở giáo dục đã và đang thực hiện hoạt động liên kết với các trung tâm ngoại ngữ, kỹ năng sống. Sở đã đề nghị trường THPT, các đơn vị trực thuộc tổ chức rà soát, đánh giá hoạt động liên kết của đơn vị mình và tổng hợp báo cáo trước 30.9 .
Đối với các trường THPT, các đơn vị trực thuộc tiến hành tổ chức rà soát, đánh giá thuận lợi, ưu điểm, hiệu quả, hạn chế và đề xuất trả lời có hay không việc triển khai hoạt động liên kết trong thời gian tới tại quận, huyện của đơn vị mình.
Đối với phòng GD-ĐT quận huyện cần báo cáo UBND quận, huyện để tham mưu tổ chức rà soát, đánh giá hoạt động liên kết của các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở thuộc địa bàn phụ trách tổng hợp đánh giá thuận lợi, ưu điểm, hiệu quả, hạn chế và đề xuất trả lời có hay không việc triển khai hoạt động liên kết trong thời gian tới tại quận, huyện.
Đối với các trung tâm ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống cần rà soát về tổ chức và hoạt động của Trung tâm theo các quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch nhằm chú trọng việc hoạt động chủ yếu tại địa điểm đã được Sở GD-ĐT cho phép hoạt động. Đồng thời, phối hợp với các trường học (khi có liên kết) để đánh giá hiệu quả, chất lượng của việc liên kết.
Nam Định: Không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm
Theo Sở GD-ĐT Nam Định, hiện nay một số cơ sở giáo dục và giáo viên đang tổ chức dạy thêm, học thêm không đúng với các văn bản hướng dẫn. Do đó, Sở GD-ĐT yêu cầu các trường THPT, các Phòng GD-ĐT chỉ đạo các trường trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm.
Trong đó, không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm. Học sinh có nhu cầu học thêm tự nguyện viết đơn xin học thêm và được gia đình đồng ý (Cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ trực tiếp ký vào đơn).
Thực hiện đúng quy định về thời gian, thời lượng, các yêu cầu chung về dạy thêm học thêm trong nhà trường và theo đúng kế hoạch đã báo cáo về Sở GD-ĐT (đối với trường THPT), Phòng GDĐT (đối với trường tiểu học và THCS).
Đặc biệt, không dạy thêm học thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống, dạy tiếng Anh theo Đề án 1792 của UBND tỉnh.
Ngoài ra, không dạy quá 5 buổi/tuần đối với lớp 9, 12 và không quá 4 buổi/tuần đối
với các khối lớp còn lại ở cấp trung học; không dạy quá 04 tiết/buổi; không tổ chức
dạy thêm, học thêm vào ngày chủ nhật, ngày lễ và sau 17 giờ 30 phút các ngày trong tuần.
Đồng thời, không tự ý cho giáo viên trong trường mượn hoặc thuê cơ sở vật chất, tài sản nhà trường để tổ chức dạy thêm học thêm.
Nếu cho cá nhân, tổ chức mượn hoặc thuê cơ sở vật chất, tài sản nhà trường để tổ chức dạy thêm học thêm, nhà trường phải xây dựng Đề án báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng quy định tại Hướng dẫn 1595/STC-QLG&CS ngày 30.7.2018 của Sở Tài chính.
Bên cạnh đó, đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm học thêm ngoài nhà trường; có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường nhưng không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khoá khi chưa được sự cho phép (bằng văn bản) của Hiệu trưởng quản lý giáo viên đó.
Nghệ An: Tạm dừng tạm dừng việc triển khai giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường
Sở GD-ĐT Nghệ An vừa chỉ đạo các Phòng GD-DT và nhà trường tạm dừng tạm dừng việc triển khai giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường. Bởi một số cơ sở giáo dục trong quá trình liên kết với các Trung tâm kỹ năng sống tổ chức hoạt động sau giờ học chính khóa cho học sinh chưa thống nhất, thiếu đồng bộ, tạo ra một số dư luận thiếu tích cực trong cộng đồng.
Đồng thời rà soát về con người, cơ sở vật chất, thẩm định chương trình dạy học và các điều kiện tổ chức khác trước khi đưa vào nhà trường.
Việc dạy và học phải được triển khai theo tinh thần tự nguyện, không được ép buộc. Riêng các trung tâm ngoài nhà trường nếu đủ điều kiện đảm bảo theo quy định vẫn được hoạt động theo đúng các văn bản hướng dẫn và theo nhu cầu phụ huynh.
Bên cạnh đó, Sở tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc hoạt động của các trung tâm này.
Phú Thọ: Tuyệt đối không tổ chức dạy thêm đối với học sinh học buổi chiều 2 buổi/ngày
Sở GD-ĐT Phú Thọ ban hành công văn số 1021/SGD&ĐT-TTr về việc chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm.
Để hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng quy định của pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, Sở GD-ĐT yêu cầu, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục trong công tác quản lý dạy thêm học thêm; nghiêm cấm việc ép học sinh học thêm dưới mọi hình thức.
Tuyệt đối không tổ chức dạy thêm đối với học sinh học buổi chiều 2 buổi/ngày, học sinh tiểu học (ngoại trừ trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống).
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát theo trách nhiệm quản lý; thường xuyên theo dõi, nắm bắt và quản lý cán bộ, giáo viên đơn vị mình tham gia dạy thêm trong và ngoài nhà trường theo quy định về dạy thêm học thêm và các quy định của pháp luật có liên quan.
Quản lý, tổ chức có chất lượng dạy và học chính khóa. Trực tiếp tổ chức, quản lý và kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm đối với cán bộ, giáo viên thuộc thẩm quyền quản lý. Chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên về hoạt động dạy thêm, học thêm.
Bên cạnh đó, kịp thời ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm.
Đồng thời, yêu cầu trưởng phòng GD-ĐT các huyện, thị, thành tăng cường công tác quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn theo phân cấp; chịu trách nhiệm trước Sở GD-ĐT, Ủy ban nhân dân cấp huyện về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn.