Liêm chính nghiên cứu khoa học: "Phải liêm chính trong đạo đức, trong hành vi, hướng đến sự trong sáng"

- Thứ Năm, 21/12/2023, 08:46 - Chia sẻ

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho rằng: "Đấu tranh để giữ gìn liêm chính nhưng phải hướng tới sự lành mạnh. Trước hết, để có liêm chính khoa học, bản thân mỗi người phải ý thức được sự liêm chính trong đạo đức, trong hành vi của mình, liêm chính phải hướng đến sự trong sáng".

Phát biểu tại Hội thảo khoa học về Liêm chính nghiên cứu do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ GD-ĐT vừa tổ chức, nhiều nhà khoa học cho rằng, việc quy định về liêm chính trong nghiên cứu khoa học và trong học thuật là cần thiết. Cần đưa ra một khung và hoàn thiện dần dần, cần có cơ quan quản lý Nhà nước vào cuộc để xây dựng bộ tiêu chí chung về vấn đề liêm chính.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc Gia Hà Nội: "Cần phải có quy định về liêm chính, nếu không nhiều người sẽ lạm dụng sự liêm chính đó để hạ bệ nhau, làm tổn thương các nhà khoa học"

Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc Gia Hà Nội, vấn đề liêm chính thực tế không mới.

Tháng 3/1947, Bác Hồ đã đề cập tới “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” trong tác phẩm Đời sống mới. Trên báo Cứu quốc năm 1949 Bác Hồ nhấn mạnh: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông/Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc/Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính/Thiếu một mùa thì không thành trời/Thiếu một phương thì không thành đất/Thiếu một đức thì không thành người”.

“Tôi cho rằng việc Cần, Kiệm, Liêm, Chính là cốt lõi của văn hóa, là cốt lõi của đạo đức và nếu như không giữ được Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì đất nước của chúng ta không trường tồn, không phát triển được. Do đó, việc bàn chuyện liêm chính trong khoa học là rất đúng và rất phù hợp”, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nói.

Đặt vấn đề “thấy điều phải nhưng không dám bảo vệ có liêm chính không? Với điều chưa thật sự hiểu biết nhưng luôn cho ý kiến của mình là đúng có liêm chính không?”, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho rằng, liêm chính phải là sự rèn luyện, tu dưỡng mà có. Liêm chính cũng là sự trưởng thành, không thể “một sớm một chiều” mà một người có thể trở thành đúng nghĩa, tròn trịa “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư".

Cần xây dựng bộ tiêu chí chung về vấn đề liêm chính trong nghiên cứu -0
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc Gia Hà Nội 

Nói tới vấn đề liêm chính trong học thuật, liêm chính trong nghiên cứu khoa học, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức dẫn chứng, năm 2017, ĐH Quốc Gia Hà Nội ban hành Hướng dẫn số 2383/HD-ĐHQGHN về thực hiện việc trích dẫn trong các ấn phẩm khoa học tại ĐH Quốc Gia Hà Nội. Trong đó, đề cập đến một số trường hợp được coi là “đạo văn” như: “Trích dẫn phù hợp nhưng sử dụng nội dung trích dẫn chiếm chủ đạo (trên 25% tính theo từng bài viết, chương, mục của sách chuyên khảo, luận văn, luận án…) so với kết quả nghiên cứu và bàn luận, lý giải của tác giả”, hay “Tự đạo văn (dùng toàn văn 30% nội dung trở nên của một bài viết/công trình khoa học đã công bố của chính mình) để tái đăng tải/công bố ở các tổ chức xuất bản khác nhau”.

“Tuy nhiên, hướng dẫn này so với khái niệm liêm chính ban đầu tôi đã đề cập vẫn có rất nhiều vấn đề. Bởi trên thực tế, tôi thấy có khi chỉ “đạo văn” một câu thôi đã là ý tưởng gợi ý cả một vấn đề khoa học, đã gợi mở cho rất nhiều vấn đề. Do đó, tôi cho rằng việc có quy định về liêm chính là cần thiết”, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nói.

Theo ông, cần bàn luận để đưa ra một khung về liêm chính trong học thuật, liêm chính trong nghiên cứu khoa học. Khung này sẽ được hoàn thiện dần dần, không nhất thiết là một văn bản “cầu toàn” nhưng là văn bản quy định rất cần thiết.

Bên cạnh đó, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cũng cho rằng, đấu tranh để giữ gìn liêm chính nhưng phải hướng tới sự lành mạnh. Trước hết, để có liêm chính khoa học, bản thân mỗi người phải ý thức được sự liêm chính trong đạo đức, trong hành vi của mình, liêm chính phải hướng đến sự trong sáng.

“Tôi nghĩ rằng bên cạnh quy định thế nào là liêm chính, chúng ta phải mạnh dạn khẳng định sự lành mạnh, vì mục đích khoa học, nếu không nhiều người sẽ lạm dụng sự liêm chính đó để hạ bệ nhau, làm tổn thương các nhà khoa học. Đây là việc đã xảy ra nhiều trên thực tế, kể không hết những trường hợp như vậy”, ông nhấn mạnh.

Ngoài ra, muốn liêm chính cũng cần cung cấp công cụ, nhất là trong thời điểm công nghệ, trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh mẽ, cơ sở dữ liệu lớn như hiện nay. Nếu không có công cụ, khó có thể kiểm soát được vấn đề này.

Cũng theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, văn hóa chống đạo văn đã được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện ngay trong những năm phổ thông, qua việc viết bài luận rất nghiêm túc. Ông bày tỏ mong muốn cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ GD-ĐT cần có chỉ đạo về vấn đề này.

GS.TS Phùng Hồ Hải, Viện Toán học Việt Nam: “Không thể nói chuyện đạo đức với nhau, mà phải nói bằng luật pháp”

GS.TS Phùng Hồ Hải, Viện Toán học Việt Nam nhìn nhận, liêm chính là một khái niệm đạo đức nên tất nhiên không cố định, sẽ thay đổi theo thời gian, hoàn cảnh và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố xung quanh. Vấn đề đạo đức bị ảnh hưởng bởi yếu tố văn hoá và nhận thức.

Cần xây dựng bộ tiêu chí chung về vấn đề liêm chính trong nghiên cứu -0
GS.TS Phùng Hồ Hải, Viện Toán học Việt Nam 

GS.TS Phùng Hồ Hải cho rằng, thực tế hiện nay, nhận thức hay văn hoá của chúng ta có rất nhiều vấn đề, chưa thể đạt đến sự phát triển nếu so sánh với các nước phát triển trên thế giới. Do đó, để xử lý vấn đề liêm chính “không thể nói chuyện đạo đức với nhau, mà phải nói bằng luật pháp”.

Ông lý giải, luật pháp ở đây phải sâu hơn, tức là ở thể chế, cơ chế. Hiện tượng vi phạm liêm chính hiện nay chính là do hoàn cảnh, cơ chế của chúng ta tạo ra.

“Không phải các nhà khoa học tự nhiên đổ đốn. Cơ chế tạo ra như thế. Cách đây mấy chục năm làm gì có những chuyện vi phạm liêm chính khoa học như ta đang thấy xảy ra? Do đó, vấn đề quan trọng nhất là làm thế nào sửa cơ chế cho đúng. Muốn có quyết sách, phải xem thực tiễn, phải có số liệu”, ông nói.

Nhắc tới một số quan điểm cho rằng Việt Nam cần đầu tư để có nhiều tạp chí khoa học, GS.TS Phùng Hồ Hải cho rằng đây là quan điểm không thực tiễn.

“Ngành Toán học chúng tôi để công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư, về cơ bản Hội đồng giáo sư ngành Toán chỉ công nhận 2 tạp chí để tính điểm. Toán học là ngành tiên tiến ở trong nước, nhưng chúng tôi không thêm một tạp chí nào cả. Tạp chí không phải là cái chúng ta đi khoe với thế giới, tạp chí là nhu cầu của cộng đồng khoa học. Cộng đồng khoa học có mạnh thì tạp chí mới tốt, không phải ngược lại. Do đó, tôi đề nghị chúng ta phải suy nghĩ rất cẩn thận trong câu chuyện cơ chế.

Nhà khoa học có nhu cầu xây dựng tạp chí để chia sẻ khoa học, chia sẻ thông tin của mình, để giao lưu với nước ngoài. Đó mới là cơ chế sinh ra tạp chí, không phải chúng ta ra tạp chí để ghi công. Ngành Toán học Việt Nam có khoảng 1.000 người nghiên cứu, với 2 tạp chí mà chúng tôi còn không đủ bài để gửi vào. Như vậy chúng ta cần nhiều tạp chí để làm gì?”, GS.TS Phùng Hồ Hải nói.

Ông khẳng định, vấn đề cơ chế sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống đạo đức. Do đó, trước mỗi quyết định cần có khảo sát và phải làm một cách đúng khoa học, không thể “duy ý chí”.

Nhấn mạnh câu hỏi “tại sao nhà khoa học của chúng ta lại vi phạm liêm chính”, GS.TS Phùng Hồ Hải khẳng định, hoàn cảnh tạo ra chuyện này. Do đó, cần thay đổi hoàn cảnh cho nhà khoa học. Chúng ta phải xây dựng hệ thống để làm sao nhà khoa học không cần gian dối, không muốn gian dối, không dám gian dối và không thể gian dối.

“Cái gốc phải là “không cần gian dối”, tức là phải đủ ăn, đủ sống. Nếu nhà khoa học không đủ sống, họ chẳng có gì để mất nên nghĩ rằng “gian dối cũng chẳng sao”. 

Việc chúng ta cần làm là đừng để những người khác, những người trẻ đi theo con đường đó. Văn hóa nằm ở chỗ học trò sẽ học ở thầy, thầy mà xấu thì trò cũng xấu. Do đó, phải xây dựng văn hóa, mà muốn có văn hóa thì phải đủ sống đã”, GS.TS Phùng Hồ Hải nêu quan điểm.

Tiến sĩ Dương Tú, Đại học Purdue, Mỹ: "Cần sớm có cơ quan chuyên trách phụ trách về vấn đề liêm chính khoa học"

Tại hội thảo, TS Dương Tú, Đại học Purdue (Mỹ) gợi mở vấn đề bằng việc nhắc tới bản chất của hoạt động khoa học. Là một nhà khoa học “thuần túy”, ông quan điểm hoạt động khoa học là hoạt động sáng tạo tri thức mới, khám phá quy luật trong tự nhiên và đóng góp, phụng sự cho xã hội. Người làm khoa học tìm kiếm niềm vui, niềm hạnh phúc từ hoạt động khoa học.

Sơ khai khoa học dựa trên hai nền tảng rất cơ bản - đó là sự trung thực của nhà khoa học và niềm tin của những người tiếp nhận kết quả nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, hai nền tảng này rất “mỏng manh”, dễ bị lạm dụng, thao túng. Một số người không trung thực, không liêm chính đã lợi dụng việc cộng đồng khoa học tin vào hoạt động của họ nên bịa đặt, làm những chuyện “không hay”.

Sau này, khi hoạt động khoa học đã trở nên phong phú, phức tạp hơn đã nảy sinh ra việc đánh giá khoa học. Ban đầu, người ta đánh giá trực tiếp từng công trình, sau đó phải thông qua các chỉ số trung gian như số trích dẫn, xếp hạng,…

“Chính khi chúng ta dùng các công cụ đánh giá này mới xuất hiện những người thao túng các chỉ số để tạo lợi ích, danh lợi cá nhân cho họ. Những chỉ số này từ chỗ là công cụ để phục vụ việc đánh giá nghiên cứu đã trở thành mục đích để người ta chạy đua. Từ công cụ trở thành mục đích, dẫn tới rất nhiều hành vi sai trái”, TS Dương Tú nói.

Từ kinh nghiệm cá nhân, TS Dương Tú cho rằng, hình thức vi phạm liêm chính ngày càng phức tạp, tinh vi hơn, nhất là chuyện “đạo văn”, chỉnh sửa số liệu. Những hình thức vốn rất cổ điển, đã diễn ra cả mấy chục năm nay nhưng với sự phát triển của công nghệ, trí tuệ nhân tạo, nhiều công cụ mới đã sinh ra rất nhiều hình thức gian lận mới. Có những mạng lưới, hệ thống cấu kết với nhau, từ tác giả, chuyên gia bình duyệt đến tổng biên tập, biên tập viên các tạp chí.

“Nếu không ý thức được sự tồn tại của những mạng lưới, những hình thức lừa đảo, gian lận tinh vi như vậy, chúng ta sẽ không chống được, không cải thiện được”, TS Dương Tú cho hay.

Phải xây dựng hệ thống để nhà khoa học
Tiến sĩ Dương Tú, Đại học Purdue (Mỹ)

Để thúc đẩy liêm chính khoa học, xây dựng nền khoa học trong sạch hơn, TS Dương Tú đề xuất, cần thúc đẩy việc đào tạo, phổ biến kiến thức về liêm chính khoa học.

Bên cạnh đó, xây dựng một hệ thống liêm chính khoa học phát triển, thúc đẩy một cách đồng bộ, phân công trách nhiệm rõ ràng từ trên xuống dưới. Có cơ chế để đảm bảo trách nhiệm giải trình của nhà khoa học. Trách nhiệm giải trình này mang tính trọn đời.

TS Dương Tú cũng bày tỏ hy vọng sẽ sớm có một cơ quan chuyên trách phụ trách về vấn đề liêm chính khoa học.

“Nếu chúng ta có văn phòng chuyên trách phụ trách giải quyết vấn đề liêm chính quanh năm thì áp lực vào Hội đồng Giáo sư Nhà nước và một số cơ quan cụ thể sẽ giảm đi. Nếu không có bộ phận nào chuyên trách để những người quan tâm có thể liên hệ, phản ánh thì rất khó. Tôi hy vọng Bộ GD-ĐT, Bộ khoa học và Công nghệ sẽ có một văn phòng chuyên trách hoạt động này, giống như các nước khác như Mỹ, các nước ở Châu Âu đều đã có”, TS Dương Tú cho hay.

TS Đại học Purdue cũng nêu ý kiến, trong vấn đề cải cách đánh giá nghiên cứu, nên từ bỏ chuyện chạy theo các chỉ số như số lượng bài báo, số lượng trích dẫn, chỉ số H-index, xếp hạng,…

“Hãy quay lại bản chất của khoa học là sáng tạo trí thức, phát hiện tri thức mới, phục vụ xã hội. Làm sao để người nghiên cứu thực sự cảm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc được phụng sự xã hội, được cảm thấy đặc quyền của mình, được xã hội, người dân tài trợ cho nghiên cứu để phục vụ cho cộng đồng. Chúng ta phải chú trọng vào chất lượng thay vì số lượng. Ngoài ra, trong tài trợ nghiên cứu cũng cần chấp nhận những rủi ro”, ông nói.

Bên cạnh đó, TS Dương Tú nhấn mạnh, cần có chính sách đảm bảo lợi ích cho nhà khoa học để họ không phải đánh đổi sự trung thực, sự liêm chính của mình lấy “miếng cơm manh áo” duy trì cuộc sống hàng ngày.

Theo TS Dương Tú, các nhà khoa học nên đóng vai trò làm gương về liêm chính, làm gương về sự trung thực, làm gương về sự minh bạch và sự rõ ràng để tạo cảm hứng cho xã hội. “Nếu nhà khoa học từ bỏ trách nhiệm này, cơ hội này thì thực có lỗi với những người tài trợ cho mình làm nghiên cứu”, TS Dương Tú nhìn nhận.

Hồng Hạnh - Nguyễn Liên - Xuân Quý
#