Hà Nội sẵn sàng thử nghiệm thi tốt nghiệp THPT trên máy tính

- Thứ Năm, 21/09/2023, 16:38 - Chia sẻ

Hà Nội tập trung rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị máy tính để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức kỳ thi và sẵn sàng thử nghiệm thi trên máy tính khi có chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cần công bố trước tháng 9/2024 -0
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023 (Ảnh: Trần Hiệp)

Thông tin trên được Sở GD-ĐT Hà Nội đưa ra tại hội nghị tổng kết công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ kỳ thi năm 2024 ngày 20.9. 

Theo đó, Sở GD-ĐT Hà Nội đề xuất với Bộ GD-ĐT nghiên cứu xây dựng và công bố phương án thi tốt nghiệp năm 2025 trong học kỳ I năm học 2023-2024 (kèm theo bộ đề minh họa các môn thi) nhằm giúp các địa phương xây dựng được kế hoạch tổ chức dạy học, ôn tập và định hướng thi cho học sinh học theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Bên cạnh đó, dự thảo và ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và Quy chế tuyển sinh đại học vào trước tháng 9.2024 để giúp các địa phương kịp tiến độ triển khai, tổ chức, phổ biến đến học sinh lớp 12 ngay từ đầu năm học 2024-2025; đồng thời phối hợp với các Sở, ngành có liên quan sớm tham mưu cho UBND cấp tỉnh xây dựng Kế hoạch tổ chức triển khai Kỳ thi thống nhất với các Kế hoạch khác của địa phương.

Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, tăng cường kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng đánh giá năng lực phù hợp chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Đặc biệt, nghiên cứu xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi theo hướng đánh giá năng lực phù hợp chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

"Rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị máy tính để tăng cường ứng dụng CNTT trong tổ chức kỳ thi và sẵn sàng thử nghiệm thi trên máy tính khi có chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo" - Sở GD-ĐT Hà Nội nhấn mạnh. 

Cần đổi mới đánh giá tốt nghiệp THPT để tránh “có Thi mà không có Đua”
Hà Nội sẵn sàng thử nghiệm thi tốt nghiệp THPT trên máy tính khi có chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Ảnh: Trần Hiệp)

Đề thi phải đáp ứng yêu cầu đánh giá năng lực và phát hiện tiềm năng của thí sinh

Sở GD-ĐT Hải Phòng đề xuất, Bộ GD-ĐT nên ấn định tổ chức ngày thi tốt nghiệp THPT 2024 vào tuần đầu tháng 7, do các địa phương tổ chức Kì thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT vào tuần đầu tháng 6 hàng năm (trong tháng 6 tổ chức 2 kì thi gây khó khăn cho địa phương).

Với Kỳ thi tốt nghiệp năm 2025, Sở GD-ĐT Hải Phòng đề nghị Bộ GDĐT sớm công bố môn thi (môn thi bắt buộc, môn thi tự chọn), đề thi minh họa Kỳ thi tốt nghiệp THPT chương trình GDPT 2018.

Về hình thức thi, Sở GD-ĐT Hải Phòng cho rằng cần giữ nguyên phân cấp như hiện nay, Bộ GDĐT thực hiện công tác chỉ đạo và ra đề thi, các địa phương tổ chức coi thi, chấm thi; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của cấp trên để đảm bảo sự công bằng giữa các địa phương.

Sở GD-ĐT Tây Ninh đưa quan điểm, để đáp ứng mục tiêu đổi mới chương trình giáo dục trung học phổ thông năm 2018, đòi hỏi kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 trở về sau cần đảm bảo các tiêu chí như: đề thi phải đáp ứng yêu cầu đánh giá năng lực và phát hiện tiềm năng của thí sinh; các phương án thi phải vừa đảm bảo được nhiệm vụ chính trị của Ngành, vừa đảm bảo cung ứng nguồn lực cho sự phát triển bền vững của đất nước, của địa phương.

Đặc biệt, phải đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ khoa học, hợp lý giữa việc lựa chọn môn học, tổ hợp môn học ở bậc THPT và việc lựa chọn môn thi, tổ hợp môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT trên nguyên tắc đánh giá được các năng lực cốt lõi cơ bản, thiết yếu và năng lực sở trường phù hợp của thí sinh giúp thí sinh định hướng nghề nghiệp chính xác phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước và của địa phương.

Như vậy, theo Sở GD-ĐT Tây Ninh giai đoạn 2024-2025, song song với việc thi trên giấy, cần thí điểm tại một số địa phương hội đủ các điều kiện theo quy định để tổ chức thi tốt nghiệp THPT trên giấy (đối với các môn tự luận) kết hợp với thi trên máy tính (đối với các môn trắc nghiệm) nhằm hướng đến tổ chức đồng loạt thi tốt nghiệp THPT trên máy tính cho các năm về sau.

Đồng quan điểm với các Sở GD-ĐT trên, Sở GD-ĐT Kiên Giang kiến nghị cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là năm đầu tiên thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, đề nghị Bộ GDĐT sớm công bố phương án tổ chức và Quy chế của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, chủ trì trong công tác ra đề và chỉ đạo thực hiện kỳ thi như hiện nay để đảm bảo thống nhất trong toàn quốc, sớm công bố đề thi tham khảo để học sinh sớm tiếp cận và nắm được cấu trúc đề thi theo chương trình mới.

Hà Nội sẵn sàng thử nghiệm thi tốt nghiệp THPT trên máy tính -0
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng

“Nếu dạy tốt, học tốt phương thức nào cũng sẽ sẵn sàng”

Từ năm 2025, phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT được Bộ GD-ĐT xác định với mục đích đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu của Chương trình GDPT 2018; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở giáo dục phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Theo đó, dự kiến từ năm 2025 sẽ tổ chức thi theo môn, gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Trong đó, một số môn bắt buộc và một số môn lựa chọn.

Nội dung thi sẽ bám sát mục tiêu của Chương trình GDPT 2018, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đề thi theo hướng tăng cường đánh giá năng lực, phù hợp với quy định và lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018.

Về hình thức thi, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực.

Về phương thức tổ chức thi và lộ trình thực hiện, giai đoạn 2025-2030 giữ ổn định phương thức thi trên giấy, đồng thời tăng cường ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính).

Giai đoạn sau 2030, phấn đấu để đến khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện để tổ chức thi trên máy tính sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, các địa phương trong việc chuẩn bị tâm thế cho học sinh để các em không quá lo lắng. Hiện nay, Bộ GDĐT đang tích cực triển khai hoàn thiện phương án, làm kỹ lưỡng với phương châm: gọn nhẹ, không căng thẳng, áp lực, không gây tốn kém, có lộ trình, có đổi mới nhưng có kế thừa, tiếp thu.

Nhấn mạnh quan điểm “nếu dạy tốt, học tốt phương thức nào cũng sẽ sẵn sàng”, Thứ trưởng mong muốn lãnh đạo các Sở GDĐT tiếp tục làm tốt công tác định hướng chuyên môn trong việc dạy và học tới các nhà trường, giáo viên.

Bộ GD-ĐT cho biết, việc phân cấp, phân quyền tổ chức thi từ năm 2025 cũng sẽ được thực hiện rõ nét hơn. Trong đó, Bộ GDĐT chỉ đạo chung, ban hành quy chế và hướng dẫn tổ chức kỳ thi; xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi cung cấp cho các địa phương tổ chức thi; quy định lịch thi chung; thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Các địa phương chỉ đạo, tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT; thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT tại địa phương theo lịch thi chung của Bộ GDĐT.

Nhật Hồng
#