GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Người thầy thắp sáng ước mơ khoa học cho thế hệ trẻ

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) vừa là nhà khoa học, vừa là nhà giáo đã có nhiều cống hiến cho nền khoa học trong nước và thế giới. Ông được biết đến với vai trò là người thầy mở đường và dẫn dắt các thế hệ học trò hội nhập vào nền khoa học thế giới.

Bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Toán - Lý tại Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva khi mới 28 tuổi

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức sinh năm 1963 tại quê ngoại ở thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức (Hà Tây cũ). Ông là học sinh xuất sắc nhất của lớp chuyên toán khóa 1 của tỉnh Hoàng Liên Sơn (1978), và cũng là thủ khoa của Khoa Toán - Cơ trường Đại học Tổng hợp Hà Nội khi chưa đầy 21 tuổi (1984), được trường Đại học Tổng hợp đề nghị và Bộ trưởng Nguyễn Đình Tứ (khi đó đang là Bộ trưởng Bộ Đại học) quyết định cho tham gia kỳ thi chọn nghiên cứu sinh đi nước ngoài.

Ngay kỳ thi tuyển nghiên cứu sinh năm 1985, ông đỗ đầu với số điểm cao nhất, sau đó được Bộ Đại học cử đi làm luận án tiến sĩ ở Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva mang tên mang tên M. V. Lomonosov. Tại đây, ông đã bảo vệ thành công xuất sắc luận án Tiến sĩ Toán - Lý năm 1991, khi mới 28 tuổi và sau đó tiếp tục bảo vệ thành công xuất sắc luận án Tiến sĩ khoa học ở Viện hàn Lâm Khoa học Nga khi 34 tuổi (năm 1997).

Năm 1999, khi mới 36 tuổi, ông được công nhận và cấp bằng phát minh về quy luật ứng xử của các vật liệu composite 3 pha có cấu trúc không gian 3Dm (nền, hạt và sợi).

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Người thầy mở đường, dẫn dắt các thế hệ học trò hội nhập vào nền khoa học thế giới -0
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội

Ông là Viện sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học Tự nhiên Nga và Viện Hàn lâm Phát minh và Sáng chế quốc tế (từ năm 1999); nguyên Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga (1999-2001).

Ông cũng là một trong những người sáng lập và một trong những Phó chủ tịch đầu tiên của Hội Trí thức Khoa học Công nghệ trẻ Việt Nam (2004-2010); Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa V (1999-2004); đại biểu chính thức dự Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ VI năm 2000 (Hà Nội); Phó Chủ tịch Hội Cơ học Hà Nội (từ năm 2014) và Phó Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam (12/2017).

Một trong những nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam trong lĩnh vực Cơ học và Vật liệu composite

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức là một trong những nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam trong lĩnh vực Cơ học và Vật liệu composite, là nhà khoa học có tầm ảnh hưởng quốc tế.

Theo kết quả xếp hạng các nhà khoa học có ảnh hưởng nhất trên thế giới của tạp chí PLoS Biology (Hoa Kỳ), GS.TSKH Nguyễn Đình Đức là 1 trong 2 nhà khoa học Việt Nam đang làm việc trong nước liên tục lọt top 10.000 trong 5 năm liên tiếp từ năm 2019 đến nay. Ông cũng lọt top 100 - đứng thứ 85 trong danh sách các nhà khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ (Engineering and Technology) năm 2023.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức còn là thành viên của Hội đồng biên tập của 10 tạp chí quốc tế có uy tín và đã được mời báo cáo tại phiên toàn thể của nhiều hội nghị quốc tế lớn trên thế giới.

Trong suốt 40 năm gắn bó với nghề, Giáo sư Nguyễn Đình Đức tập trung nghiên cứu về các vật liệu mới trên thế giới hiện nay như: vật liệu composite nano cácbon siêu bền nhiệt, được ứng dụng trong an ninh quốc phòng; vật liệu composite polymer nhiều pha, ứng dụng trong công nghệ đóng tàu và các sản phẩm dân dụng; vật liệu và kết cấu tiên tiến thông minh có cơ lý tính biến đổi độ bền cao, chịu nhiệt độ cao, cách điện, cách nhiệt, ứng dụng trong công nghiệp, năng lượng hạt nhân; vật liệu chức năng và vật liệu nano có cơ lý tính biến đổi và áp điện, ứng dụng trong các linh kiện bán dẫn; vật liệu auxetic hấp thụ năng lượng và chống sóng nổ; vật liệu có hệ số poission âm ứng dụng trong y sinh, lưu trữ thông tin,…

Đây là những hướng nghiên cứu khoa học về vật liệu tiên tiến và hiện đại trên thế giới, có tính ưu việt hơn hẳn các vật liệu truyền thống, ứng dụng trong thực tiễn và tương lai, đáp ứng yêu cầu cao về mặt kỹ thuật của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, Giáo sư Nguyễn Đình Đức đã công bố trên 350 bài báo và công trình khoa học; xuất bản 6 giáo trình và sách chuyên khảo bằng các thứ tiếng Việt, tiếng Nga và tiếng Anh. Đặc biệt, trong số các công trình của ông có hơn 200 bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế ISI có uy tín của các nhà xuất bản lớn trên thế giới như Elsevier, Springer, SAGE, Taylor & Francis;….

Từ những định hướng nghiên cứu khoa học và các kết quả đã công bố nêu trên đã hình thành nên một trường phái khoa học của Việt Nam về Vật liệu và Kết cấu tiên tiến ứng dụng trong kỹ thuật và công nghệ do Giáo sư Nguyễn Đình Đức đứng đầu. Trường phái này đã và đang tiếp tục có nhiều công bố độc lập đóng góp vào nền khoa học thế giới và được nhiều nhà khoa học quốc tế biết đến.

Bên cạnh những nghiên cứu cơ bản theo các hướng hiện đại của thế giới, các nghiên cứu về vật liệu composite tiên tiến của Giáo sư Nguyễn Đình Đức cũng được ứng dụng phục vụ thực tiễn như nghiên cứu của Giáo sư Đức và tập thể các nhà khoa học của Trường Đại học Công nghệ hợp tác với Bộ quốc phòng về hệ thống dẫn đường quán tính phục vụ các phương tiện chuyển động có điều khiển.

Kết quả nghiên cứu này đã được giải ba Nhân tài Đất Việt về sản phẩm có định hướng ứng dụng cao. Ở lĩnh vực dân sự, việc nghiên cứu vật liệu composite nhiều pha với các hạt nano gia cường đã được ứng dụng thành công để chống thấm trong ngành công nghiệp đóng tàu bằng vật liệu composite, chế tạo các vật liệu chống chịu các điều kiện khắc nghiệt cũng như vật liệu làm tăng khả năng chuyển đổi năng lượng trong các tấm pin mặt trời.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Người thầy mở đường, dẫn dắt các thế hệ học trò hội nhập vào nền khoa học thế giới -0
Trong suốt 40 năm gắn bó với nghề, Giáo sư Nguyễn Đình Đức tập trung nghiên cứu về các vật liệu mới trên thế giới hiện nay

Xây dựng thành công nhóm nghiên cứu mạnh, đào tạo nhiều tài năng trẻ cho đất nước

Sau nhiều năm kiên trì và bền bỉ, Giáo sư Nguyễn Đình Đức đã xây dựng thành công nhóm nghiên cứu mạnh về vật liệu và kết cấu tiên tiến tại Trường Đại học Công nghệ (ĐHQGHN). Sự hình thành và phát triển của mô hình nhóm nghiên cứu này là bài học kinh nghiệm có thể nhân rộng ở các trường đại học khác của Việt Nam.  

Nhóm nghiên cứu của Giáo sư Đức là mô hình ưu việt kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu trong trường đại học. Ưu điểm của nhóm nghiên cứu là tạo môi trường gắn kết quá trình đào tạo với nghiên cứu khoa học và thực hành, và từ các kiến thức nghiên cứu khoa học mới phát hiện ra của nhóm, sau khi công bố lại được ứng dụng vào giảng dạy, đào tạo đại học và sau đại học. Mô hình này cho thấy tính ưu việt vượt trội, đầu tư tài chính rất ít, nhưng hiệu quả lại rất cao.

Tất cả các sinh viên trong nhóm nghiên cứu sau khi tốt nghiệp đại học, trở thành các kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ giỏi, đều có kết quả nghiên cứu được công bố trên các tạp chí quốc tế ISI có uy tín. Điển hình là hai học trò của ông được giải thưởng Nguyễn Văn Đạo - Giải thưởng mang tên vị Giám đốc đầu tiên của ĐHQGHN và là giải thưởng danh giá nhất ngành Cơ học ở Việt Nam; 1 học trò xuất sắc được Forbes Việt Nam vinh danh.

Đội ngũ những học trò của ông lại tiếp tục lan tỏa tâm huyết và các hướng nghiên cứu, tâm nguyện của ông đến những thế hệ học trò khác, đến mai sau.

Từ mô hình nhóm nghiên cứu trên, Giáo sư Nguyễn Đình Đức đã đào tạo được nhiều tiến sĩ trẻ tài năng; thu hút, tập hợp đội ngũ, thành lập Phòng thí nghiệm Vật liệu và Kết cấu tiên tiến để đào tạo kỹ sư cơ kỹ thuật trong chuyên ngành này; thành lập Khoa Công nghệ Xây dựng - Giao thông, đào tạo ra các kỹ sư, thạc sỹ và tiến sỹ trong lĩnh vực Civil Engineering; quy tụ các nhà khoa học ưu tú của các trường đại học lớn trong nước và quốc tế đến làm việc, trao đổi.

Đến nay, Nhóm nghiên cứu mạnh do Giáo sư Nguyễn Đình Đức đứng đầu đã và đang có quan hệ hợp tác bình đẳng, ngang tầm với các Phòng thí nghiệm và các nhà khoa học có uy tín trong các trường đại học hàng đầu của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Vương quốc Anh, Úc, Canada, Trung Quốc, Ấn Độ,… như Đại học Công nghệ Tokyo và Đại học Tổng hợp Tokyo (Nhật Bản), Đại học Tổng hợp Melbourne (Úc), Đại học Birmingham (UK), Đại học Yonsei và Sejong (Hàn Quốc), Đại học Vũ Hán (Trung Quốc),…

Bên cạnh đó, Nhóm đã thu hút được nhiều tiến sĩ trẻ của các trường đại học lớn ở trong nước như Trường Đại học Công nghệ, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Việt Nhật, Học Viện Kỹ thuật Quân sự, Trường Đại học Xây dựng, trường Đại học Giao thông Vận tải,… cùng tham gia hợp tác nghiên cứu và đào tạo.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Người thầy mở đường, dẫn dắt các thế hệ học trò hội nhập vào nền khoa học thế giới -0
Giáo sư Nguyễn Đình Đức đã xây dựng thành công nhóm nghiên cứu mạnh về vật liệu và kết cấu tiên tiến tại Trường Đại học Công nghệ (ĐHQGHN)

Mở những ngành đào tạo mới, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Với tầm nhìn xa trông rộng và nắm bắt được xu thế của thời đại, được sự đồng ý và ủng hộ nhiệt thành của lãnh đạo nhà trường và lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Đình Đức đã mở ngành đào tạo tiến sĩ Cơ kỹ thuật (2013); thành lập phòng thí nghiệm và mở chuyên ngành đào tạo kỹ sư vật liệu và kết cấu tiên tiến (2015), mở ngành đào tạo kỹ sư công nghệ kỹ thuật xây dựng (2017) và thành lập Bộ môn Công nghệ kỹ thuật Xây dựng Giao thông trực thuộc trường năm 2018.

Đến năm 2022, Bộ môn này đã nâng cấp lên thành Khoa Công nghệ Xây dựng Giao thông của Trường Đại học Công nghệ với quy mô đào tạo gần 600 sinh viên/năm. Cũng trong năm 2022, Giáo sư Đức đã xây dựng chương trình đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ kỹ thuật xây dựng, hoàn chỉnh các bậc đào tạo đầy đủ theo khung trình độ quốc gia của lĩnh vực này.

2 khóa kỹ sư xây dựng của trường Đại học Công nghệ đã ra trường. 100% sinh viên đều có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Đặc biệt, có em khi ra trường đã được giao phụ trách kỹ thuật của tập đoàn quốc tế lớn.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức cũng là người đề xuất và thành lập ngành kỹ sư và thạc sỹ Civil Engineering ở Trường Đại học Việt Nhật, ngành kỹ sư Tự động hóa và Tin học ở Trường Quốc tế, ĐHQGHN. Đây đều là những lĩnh vực quan trọng, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, rất cần trong sự nghiệp xây dựng và kiến thiết đất nước.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Người thầy mở đường, dẫn dắt các thế hệ học trò hội nhập vào nền khoa học thế giới -0
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Người thầy mở đường, dẫn dắt các thế hệ học trò hội nhập vào nền khoa học thế giới -0
Giáo sư Nguyễn Đình Đức cùng học trò

Đóng góp quyết sách chiến lược, thúc đẩy vị thế ĐHQGHN trên bảng xếp hạng quốc tế

Giáo sư Nguyễn Đình Đức đã đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng của Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Công Nghệ như: Trưởng ban KHCN (2005-2008), Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội (2013-2023), Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN từ những năm 2008-2012.

Trên cương vị Trưởng ban KHCN, Giáo sư Đức là người đề xuất và xây dựng Đề án thành lập Quỹ phát triển KHCN của ĐHQGHN. Ông cũng là người đề xuất và phối hợp với Ban Tổ chức Cán bộ xây dựng các tiêu chí cán bộ khoa học đầu ngành, đầu đàn, để từ đó có kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng cán bộ khoa học; xây dựng bài bản Kế hoạch chiến lược phát triển KHCN của ĐHQGHN giai đoạn 2005-2010.

Trong đó, có những điểm mới như bắt đầu tập trung cho các nghiên cứu về biển và hải đảo, về sở hữu trí tuệ, về các nghiên cứu liên ngành và xuyên ngành và đặc biệt là chú trọng đầu tư xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh ở ĐHQGHN.

Trên cương vị Trưởng Ban Đào tạo, ngay từ năm 2013, Giáo sư Nguyễn Đình Đức là người xây dựng đề án và quy chế đổi mới tuyển sinh theo đánh giá năng lực ở ĐHQGHN.

Ông cũng mạnh dạn xây dựng những chính sách đặc thù cho học sinh trung học phổ thông chuyên ở ĐHQGHN, cho phép học sinh chuyên xuất sắc có thể được ưu tiên xét thẳng vào đại học và được học tích lũy trước một số học phần ở bậc đại học; quy hoạch và phân tầng các ngành, chuyên ngành đào tạo ở ĐHQGHN; xây dựng các quy chế đào tạo bậc đại học, thạc sĩ, tiến sĩ ở ĐHQGHN với nhiều điểm tiên phong với yêu cầu cao về chất lượng và hội nhập quốc tế.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức đặc biệt chú trọng đến đào tạo tài năng và đào tạo tiến sỹ; đã xây dựng Đề án đào tạo tiến sỹ chuẩn quốc tế và Đề án đổi mới hoạt động đào tạo tiến sỹ ở ĐHQGHN. Hiện nay, ĐHQGHN là cơ sở đào tạo duy nhất trong cả nước yêu cầu nghiên cứu sinh phải có công bố quốc tế.

Ông cũng là người thúc đẩy tin học hóa quản lý đào tạo, đổi mới hoạt động giảng dạy, chú trọng STEM trong các chương trình đào tạo ở ĐHQGHN; xây dựng Đề án và triển khai các kỳ thi Olympic của ĐHQGHN nhằm lựa chọn học sinh giỏi của các trường THPT trên toàn quốc bổ sung cho nguồn tuyển sinh đầu vào đại học chất lượng cao của ĐHQGHN.

Hơn 10 năm trên cương vị trưởng Ban Đào tạo, với quyết tâm và tầm nhìn chiến lược, ông đã thúc đẩy thành công ĐHQGHN triển khai từng bước chuyển đổi cơ cấu các ngành nghề đào tạo, từ chỗ chỉ là Đại học mạnh về khoa học cơ bản, đã chuyển sang đào tạo và nghiên cứu những lĩnh vực kỹ thuật công nghệ mới, tiên tiến, liên ngành.

Đến nay, quy mô tuyển sinh các lĩnh vực kỹ thuật công nghệ ở ĐHQGHN từ 8% trong tổng số 7000 chỉ tiêu năm 2013, đã lên tới hơn 20% trong tổng số 15.000 chỉ tiêu trong năm 2023. Lĩnh vực kỹ thuật công nghệ của ĐHQGHN đã vươn lên xếp hạng 386 thế giới trong bảng xếp hạng QS năm 2022 và trở thành trụ cột trong tương lai phát triển của ĐHQGHN.

Niềm tự hào của các thế hệ học trò và giáo dục đại học Việt Nam

Với những cống hiến và đóng góp xuất sắc của Giáo sư Nguyễn Đình Đức cho ĐHQGHN và cho ngành giáo dục, ông đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng Ba (2016), Huân chương Lao động hạng Nhì (2022) và được Bộ GD-ĐT vinh danh là nhà giáo tiêu biểu của ngành nhân dịp kỷ niệm 40 năm sự nghiệp giáo dục. Ông cũng là người đầu tiên được nhận giải thưởng Nhà Giáo của ĐHQGHN vào năm 2022.

Việc Giáo sư Nguyễn Đình Đức liên tiếp nhiều năm liền lọt top 100 nhà khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ (Engineering and Technology) đã khẳng định vị thế và uy tín của các nhà khoa học Việt Nam trên bản đồ khoa học quốc tế.

Trải qua 40 năm gắn bó với nghề, với ĐHQGHN, Giáo sư Nguyễn Đình Đức là nhà giáo, nhà khoa học luôn cống hiến hết mình không biết mệt mỏi cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Tấm gương kiên trì bền bỉ, đam mê khoa học của ông là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo, là niềm tự hào của ĐHQGHN và của nền giáo dục đại học Việt Nam.

Giáo dục

Giáo dục đang trong thời kỳ chuyển đổi sâu sắc
Giáo dục

Giáo dục đang trong thời kỳ chuyển đổi sâu sắc

"Đất nước đang trong thời kỳ chuyển đổi, giáo dục cũng đang trong thời kỳ chuyển đổi sâu sắc, rất nhiều vấn đề mới phát sinh. Tuy nhiên, thách thức càng lớn, biến động càng nhiều, cái mới càng dồn dập, giáo dục càng cần quay về củng cố, trang bị cho người học những cái cơ bản nhất, nền tảng nhất". Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn với Báo Đại biểu Nhân dân trước thềm năm mới Xuân Ất Tỵ 2025.

Hành trình đưa Trường Đại học Hà Nội vươn ra thế giới
Giáo dục

Hành trình đưa Trường Đại học Hà Nội vươn ra thế giới

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng, quốc tế hóa giáo dục đã trở thành yếu tố then chốt trong chiến lược phát triển của Trường Đại học Hà Nội. Với tầm nhìn phấn đấu trở thành đại học đa ngành định hướng ứng dụng, thuộc tốp đầu tại Việt Nam và có danh tiếng trong khu vực châu Á, Nhà trường không ngừng mở rộng hợp tác quốc tế, nâng cao chất lượng giảng dạy và xây dựng môi trường học thuật đa văn hóa, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực toàn cầu.

Trường Đại học Giao thông Vận tải đạt top 500 trường đại học hàng đầu châu Á
Giáo dục

Trường Đại học Giao thông Vận tải đạt top 500 trường đại học hàng đầu châu Á

Trong năm 2024, một lần nữa Trường Đại học Giao thông Vận tải được tổ chức xếp hạng các trường đại học trên thế giới - QS xếp trong 500 trường hàng đầu ở châu Á và top 15 trường hàng đầu Việt Nam. Kết quả này là minh chứng cho sự nỗ lực của đội ngũ các giảng viên, nhà khoa học và sự đóng góp từ kết quả học tập của sinh viên có chất lượng cao.

Những tin tức giáo dục đáng chú ý tuần qua
Giáo dục

Những tin tức giáo dục đáng chú ý tuần qua

Rộn ràng không khí Tết ở các trường học là một trong những điểm nhấn giáo dục tuần qua. Bên cạnh đó một số trường đại học đã thông tin về đề án tuyển sinh năm 2025. Vụ việc ngộ độc thuốc chuột tập thể tại Tuyên Quang đang được xã hội rất quan tâm...

Trường Đại học Lâm Nghiệp phát triển thành đại học số, khởi nghiệp và đa lĩnh vực
Giáo dục

Trường Đại học Lâm Nghiệp phát triển thành đại học số, khởi nghiệp và đa lĩnh vực

Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, công nghệ trí tuệ nhân tạo, trước yêu cầu xây dựng nền kinh tế xanh, tuần hoàn, hiện đại, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao và trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ, suy thoái tài nguyên, môi trường càng đặt lên vai của Trường Đại học Lâm nghiệp sứ mệnh cao cả và ý chí quyết tâm đổi mới.

Tri thức là nền tảng trong kỷ nguyên vươn mình
Xã hội

Tri thức là nền tảng trong kỷ nguyên vươn mình

Nhà nghiên cứu NGUYỄN XUÂN TUẤN Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chúng ta hãy bắt đầu từ những "tế bào" của trụ cột quốc gia về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa đều có vị trí quan trọng. Tri thức là nhân tố quan trọng nhất tạo ra động lực phát triển thịnh vượng bền vững của một quốc gia vượt lên các yếu tố về thể chế, địa lý, văn hóa. Tập hợp nguồn tri thức là tập hợp những "tế bào" mạnh khỏe của mọi mặt đời sống xã hội. Chúng ta cùng nhau tập hợp tri thức, kiến thức của các tầng lớp Nhân dân tạo ra các nền tảng cơ bản tạo đà cho kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.