Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW do Bộ GD-ĐT vừa tổ chức, lãnh đạo một số trường đại học đã nêu đề xuất, kiến nghị về các vấn đề lớn cần quan tâm trong phát triển giáo dục đại học thời gian tới.
Xây dựng Nghị định mới về tự chủ đại học, tạo đột phá cho sự phát triển
PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương nhìn nhận, chúng ta đã và đang phát triển giáo dục đào tạo nói chung, giáo dục đại học nói riêng theo đúng tinh thần, mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết 29.
Theo PGS.TS Bùi Anh Tuấn, giáo dục đại học Việt Nam đã có được sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, để phấn đấu đến năm 2030 nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, chúng ta cần cố gắng nhiều hơn.
PGS.TS Bùi Anh Tuấn nhấn mạnh tới một vấn đề lớn, quan trọng - là nút thắt trong phát triển giáo dục đại học, đó là tự chủ đại học. Theo ông, tự chủ đại học đã được khởi đầu thận trọng bằng cách thực hiện thí điểm tự chủ từng bước, từng lĩnh vực, từ tự chủ tài chính đến tự chủ toàn diện.
“Tự chủ đại học là giải pháp có tính đột phá trong thời gian vừa qua, thực sự đem lại sức sống mới, động lực cho sự phát triển của giáo dục đại học. Và chúng ta cần tiếp tục kiên trì việc tự chủ này.
Nhiều chính sách phù hợp đã được ban hành, có tính dẫn dắt, định hướng cao trong các cơ sở giáo dục đại học. Đa số các cơ sở giáo dục đại học thành công, thành công toàn diện hoặc thành công từng phần khi thực hiện tự chủ. Nhiều mô hình quản trị đại học đã được xây dựng và bước đầu thành công trong thời gian vừa qua”, PGS.TS Bùi Anh Tuấn cho hay.
Tuy nhiên, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương cũng nhìn nhận, trong thực hiện tự chủ đại học, nhận thức và kỳ vọng của các bên liên quan là có sự khác nhau, đặc biệt giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và các nhà đầu tư tư nhân. Đôi khi, chúng ta đồng nhất tự chủ đại học với tự chủ tài chính, dẫn tới một số cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý chỉ mới chú trọng tới việc cắt giảm ngân sách đầu tư và chi tiêu thường xuyên, chưa chú trọng tới xây dựng các cơ chế, chính sách, quy định quản lý phù hợp với tự chủ đại học.
Bên cạnh đó, nhiều quy định trong các văn bản hiện hành không phù hợp với tự chủ của giáo dục đại học, thậm chí còn hạn chế xu hướng tự chủ đại học. Các quy định này có thể tìm thấy trong rất nhiều văn bản quy định của pháp luật. Đa số các văn bản không quy định riêng đặc thù cho các cơ sở giáo dục đại học ở mức tự chủ khác nhau, ví dụ như quy định về đất, về thuế đất, quy định liên quan tới các tổ chức bộ máy về nhân sự, liên kết đào tạo,...
Việc triển khai tự chủ đại học hiện nay cũng thiếu một lộ trình rõ ràng, các cơ sở giáo dục đại học đang tồn tại rất nhiều hình thức với mức độ tự chủ khác nhau; cơ chế thị trường để các cơ sở giáo dục đại học tự chủ, cạnh tranh bình đẳng với nhau chưa được hoàn thiện.
PGS.TS Bùi Anh Tuấn cho hay, một số phương hướng đã xuất hiện trong quá trình tự chủ đại học. Một số cơ sở giáo dục đại học e ngại không muốn tự chủ do chưa nhận thức đúng, đầy đủ lợi ích của tự chủ mang lại. Một số khác lại nghĩ đơn giản: tự chủ đại học đơn thuần là tự chủ đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư; những nội dung khác như xây dựng và thực hiện chiến lược đào tạo, tuyển sinh, học thuật, tổ chức, nhân sự chưa được chú trọng một cách đúng mức. Cũng còn nhiều cơ sở giáo dục đại học hiểu sai quyền tự chủ và quyền được tự quyết định mọi việc, nên lúng túng trong việc triển khai, thậm chí là làm chưa đúng với quy định của pháp luật.
“Các cơ sở giáo dục đại học tự chủ ở mức độ cao đã thực hiện được và có nhiều kết quả trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, có khó khăn trong việc tích luỹ vốn cho đầu tư phát triển, điều này cần có sự tháo gỡ từ phía Nhà nước”, PGS.TS Bùi Anh Tuấn nói thêm.
Trên cơ sở một số thuận lợi, hạn chế nói trên, PGS.TS Bùi Anh Tuấn kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần rà soát, đánh giá, hoàn thiện hành lang pháp lý; điều chỉnh, xây dựng các chính sách, văn bản pháp luật mới, dẫn dắt quá trình tự chủ đại học tập trung vào chính sách.
“Ngoài ra, thực sự để tiếp tục phát huy hiệu quả tự chủ đại học, chúng tôi mạnh dạn đề nghị với Chính phủ, Bộ GD-ĐT và cơ quan liên quan xem xét có thể xây dựng một Nghị định mới về tự chủ đại học để tạo đột phá cho sự phát triển trong bối cảnh mới. Tôi cho rằng nếu với các quy định hiện nay thì tự chủ đại học khó có thể phát triển bền vững và tiếp tục được nữa. Nếu chúng ta muốn tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của tự chủ đại học, cần có một Nghị định mới liên quan tới lĩnh vực này”, PGS.TS Bùi Anh Tuấn nhấn mạnh.
Theo ông, cần chú ý tới việc tạo lập môi trường lành mạnh giữa các cơ sở giáo dục đại học, đảm bảo bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục đại học với các mô hình tự chủ đại học khác nhau. Khuyến khích mạnh mẽ hơn các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào thị trường giáo dục đại học. Tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, đồng thời tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học. Hoàn thiện các mô hình tự chủ đại học, trong đó làm rõ mô hình quản trị đại học theo các cấp độ tự chủ khác nhau đối với các đại học công lập.
PGS.TS Bùi Anh Tuấn cũng đề xuất cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng cơ chế đầu tư và phát triển, hình thành các quỹ hỗ trợ phát triển của các cơ sở giáo dục đại học hoạt động theo cơ chế cạnh tranh.
“Hiện nay, các trường đại học công lập tự chủ không đủ vốn tích lũy để đầu tư phát triển, như vậy vẫn cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Do đó, tôi kiến nghị Nhà nước xây dựng những quỹ đầu tư, để các trường cạnh tranh bằng các dự án liên quan đến sự phát triển của các cơ sở giáo dục đại học trong thời gian tới”, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương đề xuất.
Nên đầu tư thí điểm vào một số trường đại học có sức ảnh hưởng
Theo PGS.TS Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Nghị quyết 29/NQ-TW có tính thực tiễn rất cao và đi vào đời sống. Chất lượng nguồn nhân lực của nước ta đã bước đầu phát triển, đáp ứng được yêu cầu của các đối tác lớn về công nghệ.
“Tất cả những doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) vào Việt Nam trong những năm gần đây một phần là do nguồn nhân lực của chúng ta đã có những bước phát triển, tiếp cận được với các doanh nghiệp FDI. Một trong những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu - Samsung nói rằng, khi vào Việt Nam, 30% là nhờ vào đánh giá nguồn nhân lực để họ quyết tâm đầu tư”, PGS.TS Đặng Hoài Bắc nêu dẫn chứng.
Ông khẳng định, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là một trong những trường khi tiếp thu, quán triệt Nghị quyết 29 đã có sự tự chủ cao, đặc biệt áp dụng vào chuyển đổi số - mang lại những giá trị tốt nhất cho người học. Học viện thực hiện đổi mới trong quản trị đại học, phương thức giảng dạy và tiếp cận các bài giảng quốc tế, giảng dạy trực tuyến môt cách sinh động.
Góp ý tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, PGS.TS Đặng Hoài Bắc cho biết nhà trường có một số kiến nghị, đề xuất.
Theo đó, Nhà nước cần có các quy hoạch về giáo dục đại học một cách rõ ràng, đặc biệt với các trường tự chủ. “Nếu tự chủ nhưng các trường đại học không có được sự hỗ trợ từ Nhà nước và doanh nghiệp, xã hội thì đâu đó trong bối cảnh sắp tới, chúng ta sẽ gặp rất nhiều sự cạnh tranh từ các nước trong khu vực và trên thế giới. Cần có định hướng rõ ràng về cơ chế từ Bộ GD-ĐT”, PGS.TS Đặng Hoài Bắc nói.
Cũng theo PGS.TS Đặng Hoài Bắc, hiện các trường đại học ở nước ngoài đầu tư vào Việt Nam rất nhiều và đã tạo ra những hiệu quả. Tầm nhìn từ nay đến năm 2030, nước ta nên đầu tư thí điểm vào một số trường đại học có sức ảnh hưởng, nhận diện ở nước ngoài để nâng tầm chất lượng của giáo dục đại học Việt Nam.
Nhấn mạnh sinh viên là lực lượng tinh hoa của đất nước, PGS.TS Đặng Hoài Bắc cho rằng sinh viên cần được định hướng, có sự gắn kết của doanh nghiệp và nhận được sự hỗ trợ từ nhà trường, xã hội để tạo động lực học tập, hình thành trí thức mới, đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi số của nước nhà.