Dạy học tích hợp: Thành công nằm ở chất lượng giáo viên

Từ những kết quả đạt được trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều địa phương đã chỉ ra rằng thành công của Chương trình bắt đầu từ việc đào tạo, nâng cao chất lượng giáo viên.

Giải quyết khó khăn với tinh thần “Khó ở đâu tháo gỡ ngay ở đó”

Theo đánh giá Mạng lưới quản lí giáo dục không biên giới - EdulightenUp thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển Quản lí giáo dục, huyện Than Uyên là một trong những địa phương tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 một cách hiệu quả. Trong đó việc đào tạo giáo viên giảng dạy môn tích hợp là điểm sáng của huyện.

Chia sẻ về khó khăn trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Than Uyên Trịnh Ngọc Hải cho biết, ban đầu huyện thiếu nhất là đội ngũ giáo viên hiểu về Chương trình. Điều này cũng đồng nghĩa với việc giáo viên hiểu về giáo dục STEM (phương thức giáo dục tích hợp theo cách tiếp cận liên môn và thông qua thực hành, ứng dụng) là cực kỳ hiếm hoi. Số lượng giáo viên có thể dạy tích hợp liên môn rất ít. Cụ thể môn Lịch sử có 2 giáo viên; môn KHTN chưa có thầy, cô đủ điều kiện dạy cả 3 môn Hoá – Lý – Sinh.

Trước thực tế đó, huyện Than Uyên xác định nhà giáo, cán bộ giáo dục là đội ngũ then chốt để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Vì vậy, huyện tập trung bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo để triển khai.

Trong đó ngay từ những chương trình bồi dưỡng hè, với tinh thần vừa làm vừa tháo gỡ khó khăn, Phòng GD-ĐT huyện Than Uyên đã chỉ đạo các nhà giáo tham gia đầy đủ khoá tập huấn và bồi dưỡng. Sau mỗi buổi tập huấn, huyện tổ chức những lớp dạy minh hoạ để từ đó rút kinh nghiệm cho giáo viên. Đây cũng là cách huyện lắng nghe khó khăn của giáo viên từ đó tháo gỡ ngay.

Đại diện Phòng GD-ĐT huyện Than Uyên khẳng định, chất lượng các buổi tập huấn tới lớp dạy minh hoạ đều được kiểm soát chất lượng.

Nhận thấy tập huấn về chuyên môn cho từng cá nhân thầy, cô là chưa đủ. Phòng GD-ĐT huyện Than Uyên đã chủ động thành lập nhóm nhà giáo cốt cán, đội ngũ này có nhiệm vụ kết nối giữa các môn nhằm hỗ trợ thầy, cô trong toàn huyện.

Trong năm học Phòng GD-ĐT đã tổ chức cho các nhà giáo cốt cán tới hầu hết nhà trường để dự giờ, tư vấn, đồng thời có tiết dạy minh hoạ, cùng chia sẻ với giáo viên trên địa bàn huyện.

Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Than Uyên Trịnh Ngọc Hải tiếp tục chia sẻ, đối với các nhà trường, Phòng đã chỉ đạo cán bộ quản lý, tổ, khối, giáo viên sẽ đóng vai trò nòng cốt trong nhà trường. Những cán bộ này sẽ phải định kỳ dạy 2 chuyên đề trong 1 năm để cùng nhau rút kinh nghiệm, học hỏi từ đồng nghiệp, bổ sung kiến thức.

Bên cạnh đó tại mỗi trường học của huyện Than Uyên đều xây dựng 1 phòng học kết nối chung. Đây là biện pháp huyện áp dụng để đẩy mạnh sinh hoạt chuyên môn liên môn, liên trường, đặc biệt tập trung vào các vấn đề chung. Thường xuyên tổ chức các tiết học kết nối trong huyện, trong tỉnh hoặc ngoài tỉnh. Tạo cơ hội cho giáo viên có thể trao đổi, học hỏi về phương pháp, hình thức dạy học. Cùng với đó học sinh giữa các vùng miền có thể giao lưu với nhau, các bạn có thể tự tin hơn trong các tiết học.

Phòng GD-ĐT đã kết nối được với các chuyên gia để hỗ trợ, về tập huấn cho giáo viên của huyện. Đặc biệt là về giáo dục STEM và rút kinh nghiệm về thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tổ chức được 6 đợt hỗ trợ tập huấn, 5 đợt tham quan, học hỏi các đơn vị thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông. Cụ thể là các đơn vị ở TP Lào Cai, một trong những địa phương triển khai rất tốt về Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Sau mỗi đợt như vậy, Phòng GD-ĐT huyện Than Uyên đã tổ chức tập huấn lại với đội ngũ giáo viên để rút kinh nghiệm.

Bên cạnh việc xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ giáo dục ngày càng chất lượng, Phòng GD-ĐT huyện Than Uyên còn chú trọng đầu tư vào cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện đại, phù hợp với các trường.

Ông Trịnh Ngọc Hải chia sẻ, khi thiết bị được nhập về, phòng luôn tổ chức tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao cách sử dụng thiết bị cho giáo viên của huyện để làm sao các thầy cô không bị bỡ ngỡ về thiết bị khi bước vào năm học mới.

Trước khi kết thúc mỗi năm học, Phòng GD-DT Than Uyên đều lấy ý kiến mỗi nhà giáo về nhu cầu bồi dưỡng, trên cơ sở đó có thể tính toán những nội dung nào mà các nhà giáo cốt cán của huyện có thể đảm đương được.

Đối với những nội dung không đảm đương được, huyện sẽ kết nối các chuyên gia cho đợt tập huấn này. Phòng GD-ĐT Than Uyên luôn nhất quán rằng, bằng bất kể cách thức nào cũng phải đảm bảo nâng cao được chuyên môn cho giáo viên, đặc biệt trong các môn tích hợp.

Do vậy, phòng luôn quan tâm tới vấn đề thảo luận, tháo gỡ khó khăn thường xuyên. Trên cơ sở đó giải quyết tại chỗ với tinh thần “khó ở đâu tháo gỡ ngay ở đó”, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương.

Báo cáo tổng kết năm học 2022-2023 của huyện Than Uyên cho thấy chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện Than Uyên tiếp tục được nâng cao.

Trong đó, cấp tiểu học đạt 99,96% học sinh hoàn thành về giáo dục và phát triển năng lực phẩm chất, 100% hoàn thành chương trình tiểu học; cấp THCS có 99,9% học sinh xếp loại kết quả rèn luyện mức đạt trở lên, 96,2% học sinh xếp loại kết quả học tập mức đạt trở lên, tỷ lệ tốt nghiệp THCS đạt 100%.

Cấp THPT có 99,5% học sinh xếp loại kết quả rèn luyện mức đạt trở lên, 97,7% học sinh xếp loại kết quả học tập ở mức đạt trở lên (trong đó có 53% học sinh khá, giỏi), tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 100%. Tỷ lệ nhà giáo đạt trình độ đào tạo chuẩn trở lên đạt 88% (tăng 3%).

Mỗi giáo viên là một tấm gương học tập

Cũng bắt đầu từ việc phát triển nguồn nhân lực, Trường THCS Trần Quốc Toản 1, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh xác định các thầy cô là tấm gương đầu tiên để học sinh noi theo và nâng cao khả năng làm việc nhóm.

Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản 1, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, ngay từ năm 2016 khi trường chính thức bắt đầu đi vào hoạt động, Nhà trường đã định hướng triển khai, tiếp cận với giáo dục STEM và dạy học trải nghiệm sáng tạo tích hợp kiến thức liên môn.

Những hoạt động này với tổ chức dạy theo định hướng từ hiệu trưởng, triển khai tới giáo viên. Tuy việc thực hiện không dễ và có nhiều khó khăn nhưng Nhà trường vẫn kiên định với hướng đi này và đạt được kết quả tốt.

Cụ thể, ngay từ đầu, nhà trường đã phải tập huấn đội ngũ, mời chuyên gia, cử đội ngũ đi tới các khoá huấn luyện, đào tạo.

Sau đó ở trường thành lập nhóm giáo viên nòng cốt, gồm các thành viên của từng tổ chuyên môn và có sự tham gia của ban giám hiệu.

Điều đầu tiên nhà trường hướng tới cho giáo viên là phải làm việc nhóm được. Muốn phát triển năng lực cho học sinh, muốn học sinh tự biết cách chiếm lĩnh kiến thức, biết tìm và vận dụng kiến thức vào học tập thì học sinh phải biết làm việc nhóm, tương tác với giáo viên và bạn bè. Do vậy ít nhất giáo viên phải biết làm việc nhóm, một cách khoa học, có thể hỗ trợ nhau để ra được sản phẩm giảng dạy.

Trong quá trình nhà trường hướng dẫn giáo viên thực hiện, trường cũng phối hợp với các đối tác, có đối tác chuyển giao công nghệ, hoặc có đối tác nhiệt tình giúp nhà trường bổ sung kiến thức và chuyên môn cho giáo viên.

Khi giáo viên đã có kiến thức cơ bản, liên môn để thực hiện dạy học tích hợp, nhà trường đã phân công mỗi tổ chuyên môn tổ chức 1 dự án học tập trải nghiệm sáng tạo tích hợp kiến thức liên môn trong 1 năm học.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, nhà trường có 7 tổ chuyên môn, vậy 1 năm có 7 dự án học tập như vậy. Quan trọng hơn, các tổ chuyên môn phải coi mỗi dự án học tập này là món ăn tinh thần, mang thương hiệu của tổ, để làm sao khi nhắc tới tổ là học sinh háo hức được học dự án do tổ đó lập nên.

Cụ thể với mỗi 1 chuyên đề, các tổ chuyên môn phải đặt ra yêu cầu, học sinh sẽ sử dụng kiến thức gì, thông qua các bộ môn liên quan để có thể giải quyết vấn đề thực tiễn. Những vấn đề rất thực tế đối với học sinh.

Ví dụ: Những con ốc sên, ăn các loại lá rồi leo lên bức tường và làm bẩn chúng. Vậy để hạn chế việc những con ốc này làm bẩn tường, hại cây thì học sinh sẽ làm như thế nào?

Hoặc dơi tập trung tại các mảng tối và làm bẩn vùng xung quanh đó thì học sinh cần phải xử lý như thế nào?

Như vậy, đây là những dự án nhỏ nhưng Nhà trường yêu cầu các tổ chuyên môn phải đặt tên làm sao để thu hút sự hứng thú của học sinh.

Ví dụ như “khám phá thế giới nấm”, “TQT vui đón chị Hằng” hay “Corona hãy lui đi”, “chúng ta khoẻ, chúng ta hạnh phúc”... Trong tất cả các dự án này kiến thức liên môn đã được giáo viên lồng ghép, hướng dẫn học sinh biết cách vận dụng để giải quyết vấn đề. Kết quả các em có thể xử lý vấn đề của dự án đặt ra bằng chính năng lực, khả năng của học sinh.

Chính bởi đội ngũ giáo viên của Trường THCS Trần Quốc Toản 1 đã được làm quen với hoạt động kiến thức liên môn như vậy nên khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo viên tuy gặp khó khăn nhưng không bị choáng ngợp.

Theo Hiệu trưởng THCS Trần Quốc Toản 1, khó khăn, ngay thời điểm đó là dịch Covid -19 ở TP. Hồ Chí Minh rất nghiệm trọng, thầy cô phải dạy trực tuyến. Khi dạy trực tuyến như vậy, nhà trường biết bên cạnh học sinh sẽ có phụ huynh kèm cặp, nên các giáo viên càng phải chỉn chu hơn trong chuẩn bị bài giảng để mình có thể tự tin trước học sinh và phụ huynh. 

Nắm bắt được điều này, Nhà trường đã tổ chức hỗ trợ giáo viên, cùng với thầy cô soạn giáo án để dùng chung. Việc cùng nhau soạn bài, cùng nhau dạy thử để góp ý đã giúp giáo viên bộ môn này bổ sung kiến thức cho giáo viên bộ môn khác, và giáo viên trở nên rất tự tin khi dạy các chủ đề, bộ môn tích hợp.

Thực tế hiện nay Chương trình giáo dục phổ thông 2018 không chỉ có các môn KHTN, hay Lịch sử - Địa lý là các môn tích hợp, nhà trường thấy rằng môn "Giáo dục địa phương”, môn “Trải nghiệm hướng nghiệp” cũng đòi hỏi giáo viên phải có kiến thức tổng hợp mới có thể dạy tốt được bộ môn này.

Cô Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, điểm may mắn của đơn vị là 2 phó hiệu trưởng phân biệt có chuyên môn về KHTN và Địa lý. Chính vì vậy, mỗi phó hiệu trưởng sẽ trực tiếp phụ trách các tổ chuyên môn tương xứng, cùng giáo viên sinh hoạt, soạn giáo án và giảng dạy. Thành ra những khó khăn của thầy cô đã được BGH kịp thời nắm bắt và hỗ trợ để giáo viên giảng dạy được tốt hơn.

Hiệu trưởng THCS Trần Quốc Toản 1 chia sẻ thêm, mỗi 1 năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường tập trung soạn giáo án của từng khối.

Với năm đầu tiên thực hiện, nhà trường tập trung soạn giáo án khối lớp 6; năm thứ 2 là chương trình lớp 7;  tới năm 2023 là giáo án cho khối lớp 8. Nhà trường luôn ý thức phải soạn ra 1 giáo án chất lượng để cùng nhau giảng dạy và tự tin hơn.

Bằng kinh nghiệm của Trường THCS Trần Quốc Toản 1, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng nhận định, còn nhiều thầy cô dạy môn tích hợp có rất nhiều lo lắng, ở nhiều trường vẫn nói rằng còn rất nhiều khó khăn. Nhưng đây chỉ là khó khăn tạm thời, theo thời gian các thầy cô sẽ vượt qua khó khăn ban đầu và thực hiện tốt chương trình.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng,  dạy học tích hợp rất quan trọng, có rất nhiều vấn đề chỉ sử dụng kiến thức của 1 bộ môn sẽ không thể giải quyết được. Tất cả đều cần kiến thức của liên môn, từ mọi lĩnh vực sẽ giúp học sinh giải quyết vấn đề một cách tốt hơn.

Do đó với sự quan trọng, cần thiết của bộ môn này, các thầy cô khi có thời gian để chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, tích luỹ kiến thức, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ thực hiện đúng yêu cầu đã đề ra.

Giáo dục

Cần sự vào cuộc của cả xã hội để mang lại môi trường học tập hạnh phúc
Giáo dục

Cần sự vào cuộc của cả xã hội để mang lại môi trường học tập hạnh phúc

Tại hội thảo Hạnh phúc trong giáo dục 2024 tổ chức trong hai ngày 23 - 24.11, Anh hùng Lao động Thái Hương bày tỏ mong muốn có sự thấu hiểu và vào cuộc của xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng cho sự nghiệp trồng người nhằm mang lại hạnh phúc đích thực cho con trẻ trong hành trình học tập.

Tuyển sinh năm 2025: Bộ GD-ĐT siết chặt quy định xét học bạ và xét tuyển sớm
Giáo dục

Tuyển sinh năm 2025: Bộ GD-ĐT siết chặt quy định xét học bạ và xét tuyển sớm

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non. Theo đó, về xét tuyển học bạ phải dùng cả kết quả lớp 12; Chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành.

Tình yêu giúp các em nhỏ lầm lỡ tìm về nẻo thiện
Giáo dục

Tình yêu giúp các em nhỏ lầm lỡ tìm về nẻo thiện

Vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục trẻ vị thành niên là vô cùng quan trọng. Bởi phần lớn em tuổi vị thành niên vi phạm pháp luật, đang học tại các trường giáo dưỡng đến từ những gia đình không hoàn thiện. Chính sự quan tâm, yêu thương là yếu tố quan trọng quan trọng để giáo dục và định hướng cho những em nhỏ lầm lỡ tìm về nẻo thiện.