Cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc để xử lý vấn đề liêm chính khoa học

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái cho rằng, đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ GD-ĐT phải vào cuộc để xử lý vấn đề liêm chính trong nghiên cứu và công bố. Đây là vấn đề cần từng bước đưa lên để tạo ra môi trường khoa học công nghệ, giáo dục, giảng dạy lành mạnh, hạn chế những ý kiến phản hồi tiêu cực từ các phía.

Ngày 19.12, tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức Hội thảo khoa học về liêm chính trong nghiên cứu. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái và Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc chủ trì hội thảo.

Hội thảo có sự tham dự của đại biểu đến từ Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ GDĐT, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, các viện nghiên cứu, các cơ sở giáo dục đại học, các chuyên gia, nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khoa học và công nghệ trên cả nước.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, Hội thảo là diễn đàn thảo luận đa chiều từ các nhà khoa học, các chuyên gia, các tổ chức khoa học và công nghệ, các nhà quản lý, để cùng chia sẻ góc nhìn, nhận định, đánh giá về vị trí, vai trò của liêm chính trong nghiên cứu, các vấn đề thực tiễn đặt ra hiện nay và các công việc cần triển khai thực hiện nhằm giúp cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam tiếp tục có những bước phát triển về chất lượng, đóng góp thiết thực cho công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập sâu rộng với cộng đồng khoa học thế giới trong thời gian tới.

Cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc để xử lý vấn đề liêm chính khoa học -0
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái và Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc chủ trì hội thảo

Việt Nam đứng thứ 45 trên thế giới về số lượng công bố quốc tế trên Scopus

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, trong 10 năm trở lại đây, một trong các kết quả nổi bật của hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là số lượng công bố khoa học trên các tạp chí uy tín quốc tế đã gia tăng mạnh mẽ, thể hiện sự đóng góp của các nhà khoa học Việt Nam trong việc phát triển nền tri thức của nhân loại, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao vị thế và tiềm lực khoa học và công nghệ của quốc gia.

Cụ thể, theo cơ sở dữ liệu của Elsevier, tổng số công bố khoa học của Việt Nam trong danh mục Scopus năm 2013 là khoảng 3.800 bài và năm 2022 là gần 18.500 bài, tăng khoảng 5 lần, đưa xếp hạng của Việt Nam lên đứng thứ 5 trong khu vực ASEAN, đứng thứ 12 Châu Á và thứ 45 trên thế giới về số lượng công bố quốc tế trên Scopus.

Số lượng công bố quốc tế này góp phần đưa chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2022 xếp thứ 48/132 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng; xếp thứ 4 trong Đông Nam Á và xếp thứ 2 trong các quốc gia có mức thu nhập bình quân thấp (sau Ấn Độ).

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, sự tăng trưởng mạnh mẽ của các công bố quốc tế trong những năm gần đây, bên cạnh những đóng góp tích cực như đã nêu cũng đang đặt ra một số vấn đề cần quan tâm, giải quyết đối với các nhà quản lý, các tổ chức khoa học và công nghệ cũng như cộng đồng và cá nhân các nhà khoa học, trong đó nổi lên các tranh luận về liêm chính trong nghiên cứu khoa học.

Cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc để xử lý vấn đề liêm chính khoa học -0
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Văn Phúc (Ảnh: Trần Hiệp)

Về vấn đề liêm chính nghiên cứu, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho hay: Trong năm 2022 Bộ GDĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2022/NĐ-CP quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học, trong đó đã giao cho các cơ sở giáo dục đại học chủ động ban hành quy định và tự chịu trách nhiệm về liêm chính học thuật đối với hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của đơn vị mình theo 2 nội dung: Ban hành bộ quy tắc về liêm chính học thuật trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, bảo đảm nguyên tắc trung thực, trách nhiệm, công bằng, minh bạch, phù hợp với thực tiễn và theo thông lệ quốc tế;

Đồng thời ban hành các quy định nội bộ, công cụ để kiểm soát, ngăn chặn và xử lý các hành vi đạo văn, gian lận và bịa đặt trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Sau thời gian triển khai Nghị định, Bộ GD-ĐT mong muốn lắng nghe kết quả triển khai tại các cơ sở giáo dục đại học về nội dung liêm chính học thuật, các kinh nghiệm tốt, cách làm hay, các vấn đề cần quan tâm tháo gỡ.

Cần có khung quy định về nghiên cứu học thuật dưới góc độ nhà nước

Tại hội thảo, nhiều ý kiến tham luận, thảo luận của các nhà khoa học xung quanh thực trạng, kinh nghiệm tại các cơ sở giáo dục đại học, cũng như đề xuất, kiến nghị nhằm thực hiện liêm chính trong nghiên cứu.

PGS.TS Trương Việt Anh – Trưởng Ban Khoa học - Công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, cần thiết phải có quy định nội bộ để đảm bảo căn cứ, sự tuân thủ liêm chính học thuật; sự cần thiết phải tuyên truyền/truyền thông cho cán bộ và người học, nhận thức đúng để thực hiện liêm chính học thuật; Cần thống nhất, sử dụng công cụ kiểm soát đạo văn; Có quy định khen thưởng minh bạch trong thực hiện liêm chính học thuật để làm rõ thái độ và phòng ngừa;  Sự cần thiết của mỗi cá nhân: Nhận thức, hiểu biết, trách nhiệm, phòng ngừa, tuân thủ.

Cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc để xử lý vấn đề liêm chính khoa học -0
PGS.TS Trương Việt Anh – Trưởng Ban Khoa học - Công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội (Ảnh: Trần Hiệp)

PGS.TS Trương Việt Anh kiến nghị: "Các cơ sở GDĐH cần có quy định về liêm chính học thuật, nêu rõ về ngưỡng đạo văn (% trùng lặp giới hạn) trong các báo cáo và công bố theo đặc thù lĩnh vực phù hợp (Bách khoa Hà Nội đã xây dựng quy định 18 điều, 6 chương).

Cùng đó, cần sử dụng các công cụ kiểm tra đạo văn đảm bảo khách quan trong các sản phẩm khoa học, đào tạo tại các cơ sở GD ĐH (có thể sử dụng công cụ Turnitin). Đại học Bách khoa Hà Nội đã và đang xây dựng phần mềm kiểm tra trùng lặp bằng tiếng Việt.

Cơ sở GDĐH cần có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về liêm chính học thuật cho cán bộ, người học, phòng ngừa vi phạm. Xây dựng chế tài xử lý các vi phạm về liêm chính học thuật. 

Đặc biệt, cần có sự phối hợp, kết nối các cơ quan quản lý nhà nước: Quan điểm thống nhất và xây dựng chính sách thực hiện liêm chính học thuật tại các cơ sở nghiên cứu, đào tạo; Cơ quan quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học và đào tạo dùng chung: CSDL phục vụ kiểm soát đạo văn; Thống nhất về các công cụ kiểm soát đạo văn; Các đơn vị trong nghiên cứu và đào tạo xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học và đào tạo chia sẻ, phối hợp tuyên truyền nhận thức cho cán bộ và người học.

PGS.TS Trương Việt Anh nhấn mạnh: “4 nguyên tắc trong liêm chính học thuật: Trung thực trong mọi khía cạnh của nghiên cứu; có trách nhiệm khi tiến hành nghiên cứu; công bằng và chuyên nghiệp khi nghiên cứu với người khác; quản lý/bảo vệ tốt việc nghiên cứu khi nhân danh người khác”.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN cho rằng: "Việc quy định về liêm chính trong nghiên cứu khoa học và trong học thuật là cần thiết phải bàn để đưa ra một khung và hoàn thiện dần dần. Mục đích liêm chính là cần hướng tới sự lành mạnh, trước hết con người cần ý thức được liêm chính trong đạo đức, hành vi của mình.

Bên cạnh đó cũng cần tránh việc lợi dụng liêm chính để làm tổn thương các nhà khoa học. Các cơ quan quản lý, cần có chỉ đạo để tất cả các trường phải chủ động, có công cụ quản lý để kiểm soát, tạo cơ chế lành mạnh trong khoa học".

Cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc để xử lý vấn đề liêm chính khoa học -0
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội

PGS.TS Nguyễn Tài Đông, Viện trưởng Viện Triết học, cho rằng, Việt Nam không phải là một “hoang mạc” về liêm chính khoa học, chúng ta đã có rất nhiều quy định thể hiện trong luật, thể hiện trong nghị định, thể hiện theo các quy định của Bộ Khoa học Công nghệ, của Bộ GDĐT, của nhiều trường, nhiều tạp chí. Trước tới nay, chưa có một quy định tổng thể và giờ cần có một khung cơ chế pháp lý chung. Điều này là bắt buộc trong việc xây dựng một bộ tiêu chí hay một quy định chung cho quốc gia. 

Cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc để xử lý vấn đề liêm chính khoa học -0
PGS.TS Nguyễn Tài Đông, Viện trưởng Viện Triết học (Ảnh: Trần Hiệp)

Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Xuân Hùng, giảng viên Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh cho hay, những thứ mà các nhà khoa học theo đuổi là tri thức, trí tuệ, từ đó tìm ra chân lý, giá trị của bản thân. Và nếu như không bảo vệ được điều đó thì sẽ không còn khoa học và không có đào tạo. GS.TS Nguyễn Xuân Hùng mong muốn sẽ có một bộ quy quy tắc chung, để từ đó các trường chiếu vào xây dựng bộ quy tắc riêng. Cùng với đó là cơ chế hậu kiểm và một chế tài xử lý.

Cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc để xử lý vấn đề liêm chính khoa học -0
GS.TS Nguyễn Xuân Hùng, giảng viên Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh

GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất, cần hình thành thiết chế, nền tảng pháp luật, gắn với nền tảng văn hóa và giáo dục. Cần có khung quy định bao trùm về nghiên cứu học thuật dưới góc độ nhà nước.  

Cần ứng xử với liêm chính khoa học một cách văn hóa

Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái nhấn mạnh: “Qua ý kiến của các đại biểu, thấy rằng vấn đề liêm chính khoa học đã bắt đầu trở thành mối quan tâm của xã hội. Từ 5 năm nay, trong các Hội đồng giáo sư đã bắt đầu đề cập tới liêm chính khoa học rất nhiều. Hệ thống truyền thông, các nhà khoa học cũng đã vào cuộc để phản ánh. Như vậy, đã đến lúc các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt Bộ GD-ĐT, Bộ Khoa học và Công nghệ phải quan tâm, cùng nhau lắng nghe ý kiến của cộng đồng khoa học và các nhà báo để có cách hành xử hợp lý”.

Thứ trưởng Trần Hồng Thái cho rằng, vấn đề liêm chính khoa học là vấn đề xã hội quan tâm. Có nhà khoa học nói rằng đây là vấn đề đạo đức nhưng phải xử lý pháp luật. Tuy nhiên, ở cấp độ quản lý nhà nước, vấn đề pháp luật là xử lý pháp luật, vấn đề đạo đức là xử lý quy chế. Chúng ta không thể đưa pháp luật vào xử lý vấn đề liên quan đến đạo đức. Bản chất pháp luật dựa trên nền móng của nền văn hóa, khi thấy hiệu quả thì văn hóa và pháp luật có độ tiếp giáp. Trong trường hợp vấn đề đó bức xức, không quản lý được, các cơ quan nhà nước sẽ sử dụng các biện pháp khác nhau. Bộ GD-ĐT, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ cùng nhau nghiên cứu để có sự tuyên truyền, đôn đốc thực hiện.

Về vấn đề liêm chính, cần các đơn vị quản lý nhà nước, Bộ GD-ĐT và Bộ Khoa học Công nghệ sẽ cùng nhau nghiên cứu để thống nhất những quan điểm cụ thể hơn.

Cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc để xử lý vấn đề liêm chính khoa học -0
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái: "Cần ứng xử với liêm chính khoa học một cách văn hóa" (Ảnh: Trần Hiệp)

Đồng tình với các nhà khoa học cho rằng liêm chính là khái niệm mở, Thứ trưởng Trần Hồng Thái cho biết, ngày hôm nay ở mức độ này, ngày hôm sau ở mức độ khác và ở mỗi khu vực mỗi khác nhau. Nhưng phải có sự cập nhật, đưa ra hướng dẫn để các đơn vị thực hiện.

Trước mắt có những vấn đề rất rõ như: đạo văn, ăn cắp bài báo, lấy bài báo của tạp chí này sang tạp chí khác in lại là sai. Vấn đề lấy bài báo của tạp chí này in lại ở tạp chí khác là trách nhiệm của các tạp chí khác nhau, nhưng vấn đề liêm chính liên quan tới cá nhân. Vì sao có những tổ chức tư nhân lại được công nhận? Vì họ làm liêm chính, minh bạch và công nhận. Vì sao có những báo điều tra, khảo sát được cả thế giới công nhận, thậm chí Quốc hội các nước dùng để lấy tiêu chí phát triển kinh tế xã hội? Vì họ có uy tín.

Chúng ta cần nhìn nhận, khi vi phạm liêm chính, có một bộ phận lợi dụng việc này để làm những hành vi trái đạo đức, thậm chí trái pháp luật thì chúng ta sẽ phải xử lý.

Thứ trưởng Trần Hồng Thái nhấn mạnh: "Vấn đề liêm chính động chạm đến các nhà khoa học, các nhà giáo - là đội ngũ tri thức rất nhạy cảm. Do đó, khi chưa có kiểm tra, điều tra, minh chứng rõ ràng chúng ta không nêu tên cụ thể".

Trước những tồn tại liên quan đến vấn đề liêm chính khoa học, Thứ trưởng Trần Hồng Thái đề xuất: "Các cơ quan quản lý nước, các đơn vị của hai Bộ Khoa học & Công nghệ và Bộ GD-ĐT cần khẩn trương nghiên cứu, đề xuất thể thức văn bản hướng dẫn các đơn vị, các trường đại học, cơ sở đào tạo thực hiện. Đã đến lúc phải đôn đốc việc kiểm tra, thực hiện các quy chế; xây dựng và thực hiện các quy chế về liêm chính nghiên cứu và giảng dạy ở các cơ sở đào tạo, các trường đại học.

Về mặt chính sách, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ GD-ĐT cùng với Bộ Thông tin & Truyền thông sẽ thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu; nghiên cứu xem tiêu chí giám sát các tạp chí, phát triển tạp chí nên theo hướng nào, cố gắng dùng hai tiêu chí, một là các tạp chí quốc tế nhưng phối hợp chặt chẽ với tạp chí trong nước và có tiêu chí đánh giá về góc độ đóng góp của đề tài nghiên cứu khoa học cho sự phát triển đất nước, kinh tế xã hội nước nhà. Đây là những vấn đề hết sức quan trọng, cần phải nghiên cứu".

Tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, Thứ trưởng Trần Hồng Thái cho biết, sẽ cố gắng lồng ghép những ý kiến vào trong quá trình thay đổi Luật Khoa học & Công nghệ năm 2025 để tháo gỡ các vấn đề còn tồn tại.

Cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc để xử lý vấn đề liêm chính khoa học -0
Các đại biểu tại hội thảo về liêm chính trong nghiên cứu (Ảnh: Trần Hiệp)

Tại hội thảo, Thứ trưởng Trần Hồng Thái yêu cầu, Quỹ Phát triển khoa học nghệ nghiên cứu hình thức hỗ trợ cho các nghiên cứu để phát triển đồng đều, đảm bảo liêm chính, tránh việc như thời gian qua có một số vấn đề nảy sinh. Bộ Khoa học và Công nghệ cố gắng hạn chế tối đa những tiêu cực có thể xảy ra, cố gắng nâng cao vấn đề liêm chính trong khoa học, nghiên cứu và cố gắng không chỉ hỗ trợ cho các công bố quốc tế, mà cả hỗ trợ để các nhà khoa học Việt Nam tham gia nhiều hơn ở các diễn đàn khoa học các ngành trên thế giới.

Bên cạnh đó, cố gắng đẩy mạnh hội nhập quốc tế để các nhà khoa học Việt Nam tham gia và chủ động tham gia chủ trì - là lãnh đạo của các diễn đàn khác nhau trên quốc tế, khu vực. Đây mới chính là mục tiêu mà ngành khoa học nước nhà hướng tới.

Qua các ý kiến phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Trần Hồng Thái cho rằng, đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ GD-ĐT phải vào cuộc để xử lý vấn đề liêm chính trong nghiên cứu và công bố. Đây là vấn đề cần từng bước đưa lên để tạo ra môi trường khoa học công nghệ, giáo dục, giảng dạy lành mạnh, hạn chế những ý kiến phản hồi tiêu cực từ các phía.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Hồng Thái nhấn mạnh: “Cần ứng xử với liêm chính khoa học một cách văn hóa. Bởi chúng ta đang ứng xử với các thầy cô giáo, các nhà khoa học - là những người cần được tôn trọng. Đây là một diễn đàn dân chủ, minh bạch, chúng ta không thể áp đặt và khẳng định điều chưa được xã hội công nhận một cách công khai. Vấn đề liêm chính cần giải quyết nhưng cũng phải làm một cách công khai, minh bạch, dân chủ, có văn hoá”.

Giáo dục

Tuyển sinh năm 2025: Bộ GD-ĐT siết chặt quy định xét học bạ và xét tuyển sớm
Giáo dục

Tuyển sinh năm 2025: Bộ GD-ĐT siết chặt quy định xét học bạ và xét tuyển sớm

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non. Theo đó, về xét tuyển học bạ phải dùng cả kết quả lớp 12; Chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành.

Tình yêu giúp các em nhỏ lầm lỡ tìm về nẻo thiện
Giáo dục

Tình yêu giúp các em nhỏ lầm lỡ tìm về nẻo thiện

Vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục trẻ vị thành niên là vô cùng quan trọng. Bởi phần lớn em tuổi vị thành niên vi phạm pháp luật, đang học tại các trường giáo dưỡng đến từ những gia đình không hoàn thiện. Chính sự quan tâm, yêu thương là yếu tố quan trọng quan trọng để giáo dục và định hướng cho những em nhỏ lầm lỡ tìm về nẻo thiện.

Nhiều cảm xúc tại Lễ tri ân Ngày Nhà giáo Việt Nam của Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều)
Giáo dục

Nhiều cảm xúc tại Lễ tri ân Ngày Nhà giáo Việt Nam của Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều)

Ngày 20.11, tại sân Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều) đã diễn ra buổi lễ Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 đầy cảm xúc và trang trọng. Buổi lễ không chỉ là dịp để các thế hệ học trò thể hiện lòng tri ân đối với thầy cô mà còn là không gian ấm áp, gắn kết tình cảm thầy trò.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp mặt đại biểu Quốc hội là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục
Thời sự Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp mặt đại biểu Quốc hội là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục

Chiều tối nay, 20.11, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì cuộc gặp mặt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11.1982 - 20.11.2024). 

Nhiều giảng viên của Đại học Đà Nẵng được Bộ GD-ĐT khen thưởng nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam
Giáo dục

Nhiều giảng viên của Đại học Đà Nẵng được Bộ GD-ĐT khen thưởng nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam

Ngày 20.11, nhiều Trường Đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng đã tổ chức kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và trao tặng bằng khen của Bộ GD-ĐT, Đại học Đà Nẵng cho các nhà giáo có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Ngày Nhà giáo Việt Nam, CHIN-SU lên vùng cao tiếp sức học trò, tiếp lửa thầy cô
Giáo dục

Ngày Nhà giáo Việt Nam, CHIN-SU lên vùng cao tiếp sức học trò, tiếp lửa thầy cô

Ngày 20.11.2024, trong khuôn khổ chuỗi dự án vì cộng đồng “Một Triệu Bữa Cơm Có Thịt”, tại trường Tiểu học Tân Tiến, Bản Pe, Lạng Sơn, CHIN-SU đã phối hợp cùng Quỹ Trò nghèo Vùng cao và các nghệ nhân đầu bếp chuyên nghiệp mang đến “chảo cơm có thịt khổng lồ”. Đây là một hoạt động đặc sắc, ý nghĩa tiếp sức học trò và tiếp lửa thầy cô nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Đạo làm thầy
Giáo dục

Đạo làm thầy

Mỗi người chúng ta đã một thời là học trò và cũng có người đã là thầy. Những người làm thầy, dù mới ra trường hay đã có mấy chục năm trong nghề vẫn bâng khuâng nhớ tới những kỷ niệm của tuổi học trò, nhớ tới những người thầy với tất cả tình cảm thiêng liêng, trân quý và biết ơn sâu lắng nhất.