Đó là chia sẻ của GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN bên lề buổi tọa đàm "ChatGPT, trí tuệ nhân tạo - lợi ích và thách thức đối với giáo dục" do Viện Khoa học Giáo dục, Bộ GD&ĐT vừa tổ chức.
Nhiều thách thức đặt ra
- Thưa GS, chúng ta không thể không thừa nhận những lợi ích mà Trí tuệ Nhân tạo nói chung, trong đó có ChatGPT, có thể mang lại cho hoạt động dạy – học ở Việt Nam. Theo ông ChatGPT mang đến những lợi ích căn bản nào?
GS. Hoàng Anh Tuấn: Trí tuệ nhân tạo mang đến rất nhiều lợi ích cho dạy-học và nghiên cứu khoa học, ví dụ như: Tăng tốc độ tìm kiếm thông tin. Trí tuệ nhân tạo có thể giúp thầy – trò dễ dàng tìm kiếm và truy cập các tài nguyên học tập một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Trí tuệ nhân tạo có thể giúp thầy - trò tự động hoá các tác vụ nhàm chán và tập trung vào việc tìm hiểu về các nội dung quan trọng hơn.
Trí tuệ nhân tạo có thể giúp người học giải quyết các vấn đề mà họ gặp phải trong quá trình học tập; đưa ra các giợi ý, giải pháp cho vấn đề mà họ đang cần giải quyết;
Trí tuệ nhân tạo có thể cung cấp các câu trả lời chính xác và cập nhật cho các câu hỏi của trò hoặc thầy trong suốt quá trình học tập hoặc giảng dạy, dĩ nhiên với điều kiện dữ liệu đầu vào cho AI phải được cập nhật và có bộ lọc tốt.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng trí tuệ nhân tạo và các công cụ tương tự không thể thay thế hoàn toàn cho sự suy nghĩ tự nhiên của con người.
Lạm dụng trí tuệ nhân tạo và các công cụ tương tự có thể làm giảm khả năng tự suy nghĩ và tự học của sinh viên. Vì vậy, người học cần phải sử dụng trí tuệ nhân tạo và các công cụ tương tự một cách cân bằng và cẩn thận.
- Các thách thức đối với hoạt động giáo dục dưới tác động của sự bùng nổ trí tuệ nhân tạo và ChatGPT cũng không hề nhỏ, thưa GS?
GS. Hoàng Anh Tuấn: Đúng vậy! sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo và ChatGPT dẫn đến nhiều thách thức như suy giảm tính sáng tạo và việc tự học của người học nếu họ quá dựa dẫm vào công nghệ. Hiện nay đã có hiện tượng sinh viên đang tìm kiếm câu trả lời cho bài tập của mình trên internet thay vì phải tư duy tìm kiếm giải pháp/đáp án.
Một trong những thách thức lớn nữa của sử dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục là đảm bảo tính chính xác và tính tin cậy của thông tin được cung cấp. Nếu thông tin đầu vào bị cố tình làm cho sai lệch, AI có thể cung cấp câu trả lời thiếu chính xác.
Khi sử dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục, cần đảm bảo rằng thông tin cá nhân của người học được bảo mật và an toàn. Thông tin cá nhân dễ dàng bị khai thác cho các mục đích xấu.
Sự phụ thuộc vào công nghệ của học sinh và sinh viên, điều này có thể giảm khả năng học tập và giảng dạy một cách tự nhiên và giảm đi động lực cho việc học tập.
Công nghệ có thể tạo ra sự cạnh tranh giữa công nghệ và người thầy; có thể người học sẽ chọn sử dụng công nghệ thay vì học tập với giáo viên. Giáo viên phải thay đổi vai trò là người dẫn dắt, người khơi gợi sáng tạo thay vì chỉ thuần túy cung cấp thông tin.
Tôi nghĩ,trí tuệ nhân tạo và ChatGPT có thể giúp dạy và học trở nên dễ dàng hơn, đồng thời có thể tạo ra những giới hạn trong giáo dục nếu chúng ta không cẩn thận và chú ý đến sự tương tác giữa con người và công nghệ.
Các giới hạn có thể thiếu sự lựa chọn và kiểm soát nội dung (sử dụng nội dung được cho sẵn); thiếu sự tương tác trực tiếp, hạn chế cơ hội tương tác trực tiếp, thiếu động lực học tập; thiếu sót trong kiến thức vì phụ thuộc vào tài nguyên được cung cấp; sự phục thuộc của người học vào công nghệ…
Cần phải có kỹ năng sử dụng công nghệ
-Theo ông, chúng ta nên chuẩn bị những gì để hoạt động giáo dục có thể tận dụng được lợi ích của ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đồng thời giảm thiểu nguy cơ?
GS. Hoàng Anh Tuấn: Trước mắt, theo tôi có một số kỹ năng để giảm thiểu nguy cơ chúng ta cần phải có là Kỹ năng sử dụng công nghệ.Giáo viên và nhà quản lý giáo dục cần phải học cách sử dụng các công nghệ mới, bao gồm trí tuệ nhân tạo và ChatGPT, để tận dụng được lợi ích của chúng trong giảng dạy và học tập.
Giáo viên cần phải nâng cao kỹ năng giảng dạy của mình để có thể tận dụng được các công cụ trợ giúp của trí tuệ nhân tạo và ChatGPT một cách hiệu quả.
Học sinh và sinh viên cần được nâng cao tư duy critical thinking để có thể phân tích và xác định nguồn thông tin chính xác và hữu ích từ trí tuệ nhân tạo và ChatGPT.
Các Nhà quản lý giáo dục cần xây dựng mô hình học tập tích hợp. Ngoài ra, việc chuẩn bị các chính sách và quy định cho việc sử dụng trí tuệ nhân tạo và các công cụ tương tự cũng rất quan trọng. Điều này sẽ giúp hạn chế các rủi ro về bảo mật thông tin và giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền riêng tư và bảo vệ thông tin cá nhân.
Cần có sự hỗ trợ và đầu tư từ các cơ quan quản lý và các tổ chức liên quan để giúp lĩnh vực giáo dục tận dụng được lợi ích của trí tuệ nhân tạo và các công cụ tương tự.
Không thể thay thế vai trò người thầy
- Vậy vai trò và vị trí của người thầy sẽ như thế nào trong nền giáo dục có sự tham gia của trí tuệ nhân tạo và chatGPT, thưa GS?
GS. Hoàng Anh Tuấn: Trong phiên tọa đàm, tôi đã dẫn lại ý phát biểu đề dẫn của Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn để khẳng định rằng vai trò của người thầy là không thể thay thế, song người thầy sẽ phải thay đổi triệt để thì mới có thể thích ứng với bối cảnh hoạt động giáo dục ngày càng được hỗ trợ bởi AI và các công nghệ bổ trợ khác.
Trong thực tế, đổi mới dạy học, đặc biệt là đổi mới theo hướng tăng cường công nghệ hóa hoạt động dạy học, là thuộc tính rất tự nhiên của hoạt động giáo dục hiện đại. Trong bối cảnh phát triển như vũ bão của công nghệ giáo dục hiện nay, áp lực đổi mới lên người thầy còn mạnh mẽ hơn.
Từ nhiều năm nay, người thầy đã phải chuyển đổi vai trò từ người truyền thụ tri thức (teacher, lecturer) sang người hướng dẫn học tập (instructor, facilitator). Đứng trước thời đại của tài nguyên lớn - dữ liệu mở và những công cụ hỗ trợ thông minh như trí tuệ nhân tạo, tôi cho rằng người thầy càng phải chủ động hơn, quyết liệt hơn trong việc chuyển đổi mình từ “dạy dỗ” sang “dẫn dắt”. Không thay đổi, người thầy sẽ bị đào thải.
-Trân trọng cảm ơn Giáo sư!