Bộ GD-ĐT đã số hoá dữ liệu gần 800 ngàn hồ sơ giáo viên và hơn 18 triệu hồ sơ học sinh

Đến nay, Bộ GD-ĐT đã hoàn thành xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục. Đối với dữ liệu cơ sở giáo dục phổ thông, đã số hóa dữ liệu của hơn 26,000 cơ sở giáo dục; gần 800 ngàn hồ sơ giáo viên và hơn 18 triệu hồ sơ học sinh. 

Kết nối và xác thực và định danh của hơn 24 triệu giáo viên và học sinh

Theo báo cáo sơ kết kết quả triển khai chuyển đổi số và Đề án 06 của Bộ GD-ĐT, trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ GD-ĐT đã ban hành theo thẩm quyền các văn bản nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành giáo dục, triển khai nhiệm vụ hoàn thiện thể chế và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Đến nay, Bộ GD-ĐT đã hoàn thành xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục. Trong đó, đối với cơ sở dữ liệu giáo dục mầm non, đã số hóa dữ liệu của gần 22.000 cơ sở giáo dục và nhóm trẻ độc lập, gần 500 ngàn hồ sơ giáo viên và hơn 5 triệu hồ sơ trẻ em. Đối với dữ liệu cơ sở giáo dục phổ thông, đã số hóa dữ liệu của hơn 26.000 cơ sở giáo dục; gần 800 ngàn hồ sơ giáo viên và hơn 18 triệu hồ sơ học sinh. Cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học (HEMIS) với 470 cơ sở đào tạo đại học, trên 25.000 chương trình đào tạo, trên 100.000 hồ sơ cán bộ, gần 3 triệu hồ sơ người học.

Bộ GD-ĐT đã số hoá dữ liệu gần 800 ngàn hồ sơ giáo viên và hơn 18 triệu hồ sơ học sinh -0
Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Nguyễn Sơn Hải trình bày báo cáo công tác chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2024

Triển khai Đề án số 06, cơ sở dữ liệu ngành giáo dục đã kết nối thành công với các cơ sở dữ liệu quốc gia. Từ năm 2022, cơ sở dữ liệu ngành giáo dục đã kết nối và xác thực và định danh của hơn 24 triệu giáo viên và học sinh (đạt tỷ lệ gần 98%). Cơ sở dữ liệu ngành giáo dục cũng đã làm giàu cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông tin giáo dục của hơn 24 triệu công dân.

Kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. Cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học (HEMIS) hàng năm đã kết nối và đồng bộ chia sẻ dữ liệu việc làm của trên 97.000 sinh viên đã tốt nghiệp. Hiện nay các cơ sở đào tạo đang tiếp tục rà soát cập nhật dữ liệu sinh viên ra trường để có báo cáo đánh giá, phân tích tin cậy.

Kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về công chức viên chức do Bộ Nội vụ quản lý. Hiện nay đã thực hiện báo cáo được gần 18.000 hồ sơ viên chức của các đơn vị trực thuộc Bộ trên tổng số 20.000 lên có sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức.

Trên cơ sở dữ liệu sạch, ngành giáo dục đã và đang triển khai hiệu quả các ứng dụng phục vụ người dân. Đã đưa vào sử dụng dịch vụ công trực tuyến cho phép 100% học sinh khoảng 1 triệu thí sinh hàng năm đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Đã đưa vào sử dụng dịch vụ công trực tuyến phục vụ gần 700.000 thí sinh đăng ký các nguyện vọng tuyển sinh vào đại học, thanh toán lệ phí xét tuyển trực tuyến và thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến.

Từ năm 2023, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ Công an đưa vào sử dụng chính thức công cụ khai thác dữ liệu dân cư trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục nhằm phục vụ các cơ sở giáo dục kiểm tra, xác nhận cho thí sinh về thông tin cư trú phục vụ công tác tuyển sinh đầu cấp. Mỗi năm phục vụ hàng triệu thí sinh thực hiện tuyển sinh đầu cấp và tốt nghiệp THPT sử dụng dịch vụ này.

Triển khai học bạ số

6 tháng đầu năm 2024, một trong những nhiệm vụ nổi bật về chuyển đổi số của ngành giáo dục là triển khai thí điểm học bạ số cấp Tiểu học. Để các địa phương có căn cứ thực hiện, Bộ GD-ĐT đã ban hành kế hoạch về việc triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học và nhiều văn bản quy định về thẩm quyền trách nhiệm, mô hình quản lý, đặc tả kỹ thuật về học bạ số để chỉ đạo, hướng dẫn địa phương tổ chức thực hiện theo thẩm quyền.

Tính đến ngày 5.7.2024, có tổng số 18 Sở GD-ĐT đã thực hiện gửi báo cáo học bạ số về Kho học bạ số Bộ GD-ĐT bao gồm 2.985 trường tiểu học (trong tổng số 14.661 trường tiểu học trên phạm vi toàn quốc) với 1.747.231 học bạ số cấp tiểu học (trong tổng số 8.919.198 học bạ cấp tiểu học).

Đối với công tác cải cách hành chính, trong 6 tháng đầu năm 2024, công tác cải cách hành chính tiếp tục được lãnh đạo Bộ GD-ĐT quan tâm chỉ đạo, các đơn vị nỗ lực triển khai và đạt được một số kết quả quan trọng.

Bộ GD-ĐT đã số hoá dữ liệu gần 800 ngàn hồ sơ giáo viên và hơn 18 triệu hồ sơ học sinh -0
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn 

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá, thời gian qua ngành đã làm được nhiều việc quan trọng trong công tác chuyển đổi số và cải cách hành chính. Theo Bộ trưởng với một ngành có quy mô lớn, nhiều thách thức, các công việc chưa bao giờ là dễ dàng như ngành Giáo dục thì cần trí tuệ, kinh nghiệm, quyết tâm, chủ động để thực hiện nhiệm vụ này.

Khẳng định tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số và cải cách hành chính đối với ngành Giáo dục, Bộ trưởng nhấn mạnh tới việc cần bắt đầu từ tư tưởng, nhận thức và phải vượt qua được “ngại” để dám làm trong công việc này.

Với công việc chuyển đổi số, đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Bộ trưởng cho rằng, việc ứng dụng trong công việc là không giới hạn, vai trò quản lý phải đi sớm hơn, phải bắt đầu làm ngay.

Đề cập một số việc cần làm trước mắt, Bộ trưởng chỉ đạo mỗi đơn vị cục, vụ hàng năm cần đăng ký một việc cụ thể ứng dụng chuyển đổi số, cải cách hành chính phục vụ cho quản lý nhà nước phù hợp với đơn vị mình; có sự phối hợp, kết nối giữa các đơn vị. Bộ trưởng cũng yêu cầu triển khai ngay một số ứng dụng trong lĩnh vực quản lý ngành và xây dựng, triển khai khung năng lực số với cán bộ, công chức của Bộ GD-ĐT.

Về triển khai học bạ số, Bộ trưởng lưu ý đơn vị đầu mối bên cạnh đánh giá hoạt động thí điểm cần đề xuất các việc làm tiếp theo để chuẩn bị ứng dụng từ đầu năm học mới. Với ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục, Bộ trưởng yêu cầu triển khai một số chuyên đề sâu với sự tham gia của các chuyên gia; trong đó lưu ý việc làm sao để phát huy sự hỗ trợ của AI giải quyết một số vấn đề mà ngành đang đối mặt.

Giáo dục

TP. Hồ Chí Minh: Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng 4.500 phòng học
Giáo dục

TP. Hồ Chí Minh: Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng 4.500 phòng học

Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP. Hồ Chí Minh vừa làm việc với Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP. Hồ Chí Minh về thực hiện Đề án xây dựng 4.500 phòng học chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Phổ điểm thi tháng Ba Đánh giá năng lực (HSA): Điểm trung bình là 80,0/150, cao hơn năm trước
Giáo dục

Phổ điểm thi tháng Ba Đánh giá năng lực (HSA): Điểm trung bình là 80,0/150, cao hơn năm trước

Ngày 2.4, Viện Đào tạo số và Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố phổ điểm thi Đánh giá năng lực (HSA) tháng Ba, năm 2025. Theo đó, đến hết tháng Ba năm 2025, kỳ thi đã tổ chức được 2 đợt thi liên tiếp, phục vụ 30.793 thí sinh dự thi, đạt tỉ lệ 99,4% đăng ký của hai đợt thi này.

Tạo điều kiện cho trường nghề đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Thời sự Quốc hội

Tạo điều kiện cho trường nghề đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Chiều 1.4, dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Đinh Công Sỹ, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội về thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, giai đoạn 2021 - 2024.

Viện CFA, Hoa Kỳ trao giấy chứng nhận đối tác cho Đại học Kinh tế Quốc dân
Giáo dục

Viện CFA, Hoa Kỳ trao giấy chứng nhận đối tác cho Đại học Kinh tế Quốc dân

Sáng 1.4, Viện CFA (Hoa Kỳ) đã trao giấy chứng nhận đối tác cho các chương trình đào tạo Tài chính Doanh nghiệp Chất lượng cao và Tài chính Tiên tiến của Đại học Kinh tế Quốc dân, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc khẳng định chất lượng đào tạo chuẩn quốc tế của nhà trường.