Bộ GD-ĐT: 75% đề thi tốt nghiệp THPT nghiêng về câu hỏi nhận biết và thông hiểu

- Chủ Nhật, 19/03/2023, 16:54 - Chia sẻ

PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho hay, đề thi cơ bản giữ nguyên theo định hướng năm 2022, tuy nhiên sẽ có một số điều chỉnh. 75% đề thi sẽ nghiêng về câu hỏi nhận biết và thông hiểu, 25% còn lại là câu hỏi mức độ vận dụng và vận dụng cao.

Chỉ có 25% câu hỏi của đề thi ở mức độ vận dụng và vận dụng cao

Chia sẻ tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2023, tổ chức ngày 19.3 tại Hà Nội, PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) thông tin, năm nay do việc ôn thi và kỳ thi không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT đã quyết tâm điều chỉnh lại khung thời gian thi tốt nghiệp THPT.

Kỳ thi sẽ diễn ra trong các ngày 27, 28 và 29 của tháng 6 (ngày 27.6, thí sinh làm thủ tục dự thi; các ngày 28.6, 29.6 sẽ tổ chức kỳ thi), sớm hơn 10 ngày so với năm 2022.

Bộ GD-ĐT đã công bố đề thi mẫu vào ngày 1.3 vừa qua. PGS Chương cho hay, đề thi cơ bản giữ nguyên theo định hướng năm 2022, tuy nhiên sẽ có một số điều chỉnh.

75% đề thi sẽ nghiêng về câu hỏi nhận biết và thông hiểu, có nghĩa các em nếu học kỹ, học tốt kiến thức cơ bản ở bậc THPT, đặc biệt ở khối 12 có thể làm tốt được phần này. Đây cũng là cơ sở tốt nhất cho việc đánh giá kết quả và xét tốt nghiệp THPT.

25% còn lại của đề thi là câu hỏi mức độ vận dụng và vận dụng cao. Theo PGS Chương, phần này sẽ tiệm cận đến mức độ khó cao; là cơ sở tốt để phân loại được học sinh và xét tuyển vào đại học, đặc biệt là với những trường tốp đầu.

“Các em lưu ý, cần nghiên cứu kỹ, đọc kỹ đề thi tham khảo, nhất là các câu vận dụng, vận dụng cao và tập trung ôn tập tốt. Còn gần 4 tháng nữa, chúng tôi nghĩ các em đủ thời gian để ôn tập tốt nhất cho kỳ thi THPT”, PGS Chương nói.

Bộ GD-ĐT: 75% đề thi tốt nghiệp THPT nghiêng về câu hỏi nhận biết và thông hiểu -0
PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) chia sẻ tại Ngày hội (Ảnh: Nguyễn Liên)

Cũng theo ông Chương, hiện nay, Bộ GD-ĐT đang xây dựng và ban hành Thông tư, Quy chế mới sửa đổi cũng như một số hướng dẫn cụ thể và dự kiến công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT vào khung thời gian từ ngày 17 - 19.7. Đây là thời gian hợp lý và thuận lợi nhất cho việc các em đăng ký xét tuyển vào đại học.

Nói về các kỳ thi riêng như đánh giá năng lực, đánh giá tư duy đang được nhiều trường đại học tổ chức, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) nhấn mạnh, cần lưu ý kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT phục vụ việc xét tốt nghiệp, đồng thời cũng là một trong những cơ sở tốt nhất cho việc các trường đại học sử dụng để xét tuyển. Với các đặc điểm là kỳ thi chung đề, chung đợt, có sự đồng nhất và đánh giá chung, kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT đủ độ tin cậy cho các cơ sở đào tạo sử dụng.

“Chúng tôi cho rằng các em vẫn nên tập trung tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Sau đó, các em có thể cân nhắc sử dụng một trong những kết quả kỳ thi khác để hướng đến ngành nghề chúng ta mong muốn”, PGS Chương đưa ra lời khuyên.

Bộ GD-ĐT: 75% đề thi tốt nghiệp THPT nghiêng về câu hỏi nhận biết và thông hiểu -0
Thí sinh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2023 (Ảnh: Nguyễn Liên)

Xét tuyển sớm ở trường đại học không đảm bảo thí sinh sẽ trúng tuyển nguyện vọng đó

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), năm 2023, Bộ GD-ĐT ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của quá trình tuyển sinh.

Do đó, thí sinh lưu ý từ quá trình đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT cho đến khi đăng ký xét tuyển các nguyện vọng, thay đổi nguyện vọng xét tuyển hay nhập học đều hoàn toàn thực hiện trực tuyến.

Điều này tạo điều kiện thuận lợi giúp thí sinh có thể truy cập, thao tác, cập nhật hệ thống bất cứ thời gian nào, bất cứ tại đâu.

Năm 2023, điểm ưu tiên khu vực của các thí sinh sẽ được áp dụng có hiệu lực trong 2 năm liên tiếp từ năm thí sinh tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đó, việc cộng điểm ưu tiên (cả đối tượng và khu vực) vào điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc những kết quả khác để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng sẽ có điều chỉnh giảm dần khi thi sinh đạt được mức điểm giỏi.

“Chính sách điểm ưu tiên của Đảng và Nhà nước áp dụng là để tăng cường tiếp cận giáo dục đại học đối với các con em ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó. Nhưng khi các em đã học thực sự giỏi, đạt đến mức điểm xuất sắc thì phải cạnh tranh với các bạn giỏi trên toàn quốc để có thể trúng tuyển vào các trường đại học tốt nhất, những ngành đào tạo tốt nhất của Việt Nam.

Chính vì vậy, việc cạnh tranh này cần có sự công bằng. Các trường đại học ở tốp đầu, trường có mức độ cạnh tranh cao nhất cũng muốn tuyển được những thí sinh giỏi nhất để học những chương trình tốt nhất của mình”, PGS Thủy nói.

Bộ GD-ĐT: 75% đề thi tốt nghiệp THPT nghiêng về câu hỏi nhận biết và thông hiểu -0
PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT (Ảnh: Nguyễn Liên)

PGS Thủy cũng đưa ra lưu ý, ngay tại thời điểm thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, các em cần cung cấp thông tin và minh chứng về đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên của mình để các cán bộ ở điểm tiếp nhận của Sở GD-ĐT, thầy cô ở các trường THPT có thời gian rà soát tất cả những thông tin đó, tránh sai sót.

Trong Quy chế tuyển sinh năm 2022, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu năm 2023, các trường phải công bố quy chế tuyển sinh riêng, cung cấp thông tin đầy đủ tới thí sinh. Do đó, các em có thể truy cập vào website của các trường mình mong muốn vào học để nắm vững thông tin tuyển sinh. Đặc biệt, trong việc xét tuyển sớm, cần theo dõi đầy đủ thông tin từ các trường để thực hiện đúng quy trình, thủ tục, hồ sơ và thời gian.

Tuy nhiên, PGS Thủy cũng nhấn mạnh, việc xét tuyển sớm ở các trường đại học (tức trúng tuyển tạm thời, trúng tuyển có điều kiện) không đảm bảo thí sinh sẽ trúng tuyển vào nguyện vọng đó. Thí sinh không đủ điều kiện vào học đại học nếu chưa tốt nghiệp THPT.

Sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT rồi, thí sinh phải đăng ký các nguyện vọng của mình, bao gồm cả các nguyện vọng đã trúng tuyển có điều kiện trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT.

“Đây là điều rất quan trọng. Nhiều em cứ nghĩ rằng đã trúng tuyển vào trường rồi thì không cần đăng ký trên hệ thống của Bộ GD-ĐT nữa. Như vậy là các em không thực hiện đúng những thao tác để có thể trúng tuyển vào trường. Việc xét tuyển sớm chỉ là điều kiện ban đầu, điều kiện cần, còn điều kiện đủ là các em phải đăng ký trên hệ thống của Bộ”, PGS Thủy thông tin.

Bà cũng cho biết, năm nay, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường phải công bố những phương án xử lý rủi ro; chủ trì, phối hợp với các trường liên quan khác để xét tuyển cho thí sinh nếu các em gặp rủi ro ở nguyện vọng đã được công bố trúng tuyển.

“Chúng tôi cũng đề nghị các Bộ liên quan phối hợp để giải quyết những rủi ro này cho thí sinh. Phía các trường thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cũng nên có phương án xử lý rủi ro trường hợp các em gặp vấn đề (như về sức khỏe, lý lịch chính trị) để giảm thiểu việc đã nhập học vào trường rồi, sau đó lại thông báo không trúng tuyển, phải chuyển sang trường khác

Mục tiêu của Bộ GD-ĐT là làm sao thí sinh có được nhiều thuận lợi, thuận tiện trong quá trình đăng ký xét tuyển toàn bộ quy trình từ đầu đến cuối”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.

Nguyễn Liên
#