Tân Phó giáo sư Lê Thanh Hà sinh ngày 09.02.1990, quê ở xã Cẩm Chế, huyện Thanh Hà, Hải Dương. Ông là cựu sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (tốt nghiệp năm 2011), ngành Kinh tế, chuyên ngành Kinh tế học. Sau khi tốt nghiệp cử nhân, ông Hà ở lại trường công tác, trở thành giảng viên bộ môn Kinh tế vi mô, Khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Đến tháng 09.2013, ông Lê Thanh Hà sang Nhật Bản theo học chương trình thạc sĩ Chính sách công tại Viện nghiên cứu chính sách công Nhật Bản, Tokyo. Kết thúc chương trình thạc sĩ, cũng tại đây, ông theo học chương trình tiến sĩ Kinh tế quốc tế đến tháng 9.2018.
Hiện nay, ông tiếp tục công tác tại Khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, là giảng viên bộ môn Kinh tế vi mô.
Tân Phó giáo sư Lê Thanh Hà có 4 hướng nghiên cứu chủ yếu:
Hướng nghiên cứu thứ nhất: Kinh tế học về các vấn đề năng lượng và môi trường. Trong hướng nghiên cứu này, ông Lê Thanh Hà tập trung vào nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng tới vấn đề an ninh năng lượng ở mức độ quốc gia và toàn cầu. Các yếu tố này có thể là các rủi ro phát sinh trên thị trường tiền điện tử (cryptocurrency); các hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu; các hình thức trợ cấp và nhận viện trợ nước ngoài; hay gần đây là rủi ro liên quan tới đại dịch Covid-19 và những ảnh hưởng từ xung đột chính trị giữa các quốc gia trên thế giới.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu ảnh hưởng hoạt động đầu tư và phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh tới sự bền vững của môi trường toàn cầu; phân tích các điều kiện và các yếu tố góp phần thúc đẩy vấn đề an ninh năng lượng và bền vững môi trường tại Việt Nam. Hướng nghiên cứu này tập trung vào việc nhận diện và phân tích các điều kiện cần thiết để Việt Nam theo đuổi và hoàn thành được các mục tiêu này trong bối cảnh hiện tại.
Hướng nghiên cứu hai: Kinh tế quốc tế và thương mại quốc tế. Trong hướng nghiên cứu này, ông Lê Thanh Hà tập trung vào một số nội dung chủ yếu như đánh giá tác động của xung đột và trừng phạt quốc tế khi một quốc gia áp đặt lên một quốc gia khác. Các lệnh trừng phạt này không chỉ gây ra ảnh hưởng tới các quốc gia liên quan mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa tới các quốc gia xung quanh và gây ra hậu quả nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu.
Đối với lĩnh vực thương mại quốc tế, ông Lê Thanh Hà nghiên cứu quy tắc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do với vai trò là rào cản thương mại, mối quan hệ trong ngắn hạn và dài hạn giữa tỷ giá và cán cân thương mại.
Đối với chuỗi giá trị toàn cầu, ông Lê Thanh Hà tập trung nhận diện và phân tích, đánh giá những yếu tố ảnh hưởng tới mức độ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Hướng nghiên cứu thứ ba: Tính toán mức độ chuyển số và đánh giá tác động mà chuyển đổi số gây ra.
Trong hướng nghiên cứu này, ông Lê Thanh Hà hướng tới việc xây dựng một khái niệm chính thống về chuyển đổi số nhằm đánh giá mức độ chuyển đổi số tại các quốc gia. Từ đó, mong muốn xây dựng một chỉ số tốt nhất và phù hợp nhất cho nền kinh tế Việt Nam.
Ngoài ra, nghiên cứu của ông Lê Thanh Hà cũng đánh giá tác động của việc số hóa nền kinh tế tới các khía cạnh khác nhau như vấn đề an ninh năng lượng, vấn đề môi trường bền vững của Việt Nam.
Ở quy mô quốc tế, các nghiên cứu về chủ đề này nhằm mục tiêu đánh giá ảnh hưởng đa chiều của chuyển đổi số (đặc biệt ở khu vực doanh nghiệp và khu vực công) tới vấn đề liên quan tới chính trị và thể chế, môi trường, thương mại và tài chính quốc tế.
Hướng nghiên cứu thứ tư: Nghiên cứu về hệ thống tài chính tiền tệ và các chính sách vĩ mô (bao gồm chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa).
Các nghiên cứu theo hướng này xoay quanh việc khai thác ý tưởng về sự tồn tại đồng thời của hai vấn đề rủi ro chính sách và lạm phát xu hướng thay đổi trong một mô hình mà doanh nghiệp gặp phải các hạn chế tín dụng.
Mục tiêu quan trọng nhất của hướng nghiên cứu này là đánh giá các hậu quả của việc không nhất quán trong quá trình thực hiện chính sách, các vấn đề rủi ro và bất ổn chính sách, những sai lầm trong việc đưa ra chính sách điều hành của cơ quan quản lý và những hậu quả liên quan.
Việc nghiên cứu hướng tới nền kinh tế Việt Nam sẽ giúp đưa ra những khuyến nghị để khắc phục các hậu quả liên quan tới sai sót và rủi ro chính sách và nâng cao hiệu quả thực thi chính sách tài khóa và tiền tệ.
Đã có 55 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín
Tới nay, ông Lê Thanh Hà đã hướng dẫn 4 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, đã hoàn thành 3 đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở trở lên. Trong đó, ông là chủ nhiệm 1 đề tài cấp Nhà nước (đề tài NAFOSTED) và 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) và tương đương. Ngoài ra, ông cũng là thành viên tham gia 1 đề tài NAFOSTED cấp nhà nước.
Tân PGS.TS. Lê Thanh Hà đã công bố 65 bài báo khoa học, trong đó 55 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín. Đồng thời, xuất bản 5 cuốn sách, tất cả đều thuộc nhà xuất bản có uy tín. Trong đó, tham gia biên soạn 1 giáo trình môn học, tham gia biên soạn 2 sách hướng dẫn cho môn học, chủ biên 2 cuốn sách tham khảo cho môn học.
Một số giải thưởng tiêu biểu của tân PGS.TS Lê Thanh Hà gồm: Học bổng thạc sĩ năm 2013-2015 và tiến sỹ năm 2015-2018 của Chính phủ Nhật Bản (MEXT); Chiến sĩ thi đua cơ sở năm học 2019-2020, năm học 2020-2021, năm học 2021-2022; Giấy khen “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nghiên cứu khoa học" của trường Đại học Kinh tế quốc dân năm học 2020-2021, năm học 2021-2022.
Trong đợt xét giáo sư, phó giáo sư năm 2023, ngoài tân PGS.TS Lê Thanh Hà, còn một người trẻ khác cùng sinh năm 1990 được công nhận chức danh Phó giáo sư, theo danh sách của Hội đồng Giáo sư Nhà nước.
Đó là bà Nguyễn Thị Hồng Nhâm, sinh ngày 06.07.1990, quê ở xã Phương Xá (nay là xã Minh Tân), huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Tân Phó giáo sư Nguyễn Thị Hồng Nhâm cũng là Phó giáo sư ngành Kinh tế. Bà Nhâm hiện là giảng viên cơ hữu tại khoa Tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
Trước đó, bà Nhâm tốt nghiệp cử nhân, rồi thạc sĩ ngành Kinh tế, chuyên ngành Toán Kinh tế tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân vào các năm 2012 và 2015. Tới năm 2020, bà nhận bằng tiến sĩ Kinh tế; chuyên ngành Kinh tế học tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.