Luật sư Hoàng Văn Chiển, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội tư vấn như sau:
Điều 107, Bộ luật Lao động 2019 có quy định về việc làm thêm giờ như sau:
– Thời gian người lao động làm thêm giờ được xác định là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường theo quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động.
– Người sử dụng lao động sẽ được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau đây:
+ Thời gian làm thêm giờ phải được sự đồng ý của người lao động;
+ Bảo đảm về số giờ làm thêm của người lao động nhưng không được vượt quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; trường hợp áp dụng quy định về thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm được xác định không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 40 giờ trong 01 tháng;
+ Bảo đảm về số giờ làm thêm của người lao động không được quá 200 giờ trong 01 năm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3, Điều này.
Ngoài ra, tại Điều 59, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP cũng quy định đối với sự đồng ý của người lao động khi làm thêm giờ như sau:
– Ngoại trừ các trường hợp quy định tại Điều 108 của Bộ luật Lao động, thì đối với các trường hợp khác khi tổ chức, bố trí làm thêm giờ, người sử dụng lao động sẽ phải được sự đồng ý của người lao động khi tham gia làm thêm về các nội dung sau đây:
+ Thời gian người lao động làm thêm giờ;
+ Địa điểm người lao động làm thêm;
+ Công việc người lao động làm thêm.
Như vậy, căn cứ theo quy định được nêu trên, người lao động sẽ có quyền để từ chối làm thêm giờ và người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi được người lao động đồng ý, trừ trường hợp đặc biệt được quy định Điều 108, Bộ luật Lao động 2019.