Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng
Tiếp công dân được coi là điểm khởi đầu, là một trong những khâu quan trọng của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời, hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo đúng quy định pháp luật, đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Công tác tiếp công dân giúp các cơ quan kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Những kiến nghị, phản ánh từ thực tiễn xã hội sẽ là cơ sở giúp cho các cơ quan có thẩm quyền phát hiện và tìm ra những bất cập tồn tại trong hoạt động tổ chức và quản lý. Từ đó, Nhà nước có thể đưa ra được những giải pháp để điều chỉnh sao cho phù hợp và mang lại hiệu quả cao.
Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên những năm gần đây, việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đã mang đến sự thay đổi căn bản về diện mạo, kết quả tăng trưởng chung của các địa phương. Tuy vậy, điều này cũng tác động không nhỏ đến đời sống, sinh kế của rất nhiều hộ dân. Do đó, hoạt động tiếp công dân được cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện nhằm ổn định tình hình, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân.
Đánh giá của Thanh tra tỉnh cho thấy, công tác tiếp công dân trên địa bàn đã có sự đổi mới rõ nét về mặt nhận thức và hành động. Việc thực hiện tiếp công dân tại Trụ sở, địa điểm tiếp công dân cơ bản được các cấp, các ngành nghiêm túc, trách nhiệm, sâu sát; đội ngũ công chức tiếp công dân đã được kiện toàn và nâng cao chất lượng. Thống kê trong kỳ từ tháng 8.2023 đến tháng 8.2024, các cấp đã tiếp 1.932 lượt với 3.285 người (tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, tiếp thường xuyên 1.695 lượt với 1.759 người; tiếp dân của Chủ tịch UBND là 237 lượt với 1.526 người (Chủ tịch cấp tỉnh tiếp 12 ngày với 856 công dân; Chủ tịch UBND cấp huyện tiếp 225 lượt với 670 công dân).
Đối với cơ quan dân cử tỉnh, số liệu do Ban Pháp chế HĐND tỉnh cung cấp cho thấy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các đại biểu HĐND tỉnh đã tiếp 109 lượt công dân. Ở HĐND cấp huyện, việc tiếp công dân tại trụ sở Ban Tiếp công dân đã được Thường trực HĐND thực hiện nghiêm túc theo đúng kế hoạch đề ra. Các buổi tiếp công dân của Thường trực HĐND cấp huyện luôn có đại diện các phòng, đơn vị chuyên môn của UBND huyện tham gia. Ngoài ra, Thường trực HĐND các địa phương còn tổ chức tiếp công dân thường xuyên tại trụ sở làm việc; chỉ đạo Văn phòng HĐND - UBND bố trí lãnh đạo Văn phòng và công chức cùng tham gia tiếp công dân, tham mưu Thường trực HĐND tiếp nhận xử lý đơn, hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo luật định; giải thích vận động công dân chấp hành các quyết định đã có hiệu lực pháp luật và theo dõi sát tiến độ, kết quả giải quyết…
Thể hiện rõ sự tôn trọng đối với quyền làm chủ của nhân dân
Mặc dù đạt những kết quả đáng ghi nhận, song thực tiễn công tác tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân ở một số nơi, một số việc vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Theo đánh giá của Ban Pháp chế HĐND tỉnh, đại biểu HĐND các cấp còn hoạt động kiêm nhiệm nhiều trong khi chức năng, nhiệm vụ của HĐND là rất lớn, bao trùm ở nhiều lĩnh vực. Do vậy, để HĐND và đại biểu HĐND làm tốt chức trách của mình trong hoạt động tiếp công dân có vai trò rất lớn của các cán bộ tham mưu, phục vụ.
Từ thực tiễn nhiệm vụ được giao là cơ quan chủ trì, phối hợp với Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tham mưu HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh thực hiện công tác tiếp công dân, Ban Pháp chế HĐND tỉnh kiến nghị: thời gian tới, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, rộng rãi trong toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 26.5.2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Luật Tiếp công dân; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật... Mặt khác, phải tăng cường hơn nữa công tác tham mưu, phục vụ và xây dựng văn bản giúp Thường trực HĐND các cấp trong triển khai hiệu quả Luật Tiếp công dân, Nghị quyết 759 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động tiếp công dân của HĐND, đại biểu HĐND cũng như công tác bố trí lịch tiếp công dân của đại biểu HĐND. Qua công tác tiếp công dân, cần tham mưu Thường trực HĐND chọn một số trường hợp khiếu nại bức xúc để tổ chức giám sát chuyên đề...
Từ góc độ cơ quan dân cử địa phương, Thường trực HĐND huyện Tiên Lữ cho rằng, cần nâng cao vai trò trách nhiệm của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử; thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của người dân; theo dõi, đeo bám đến cùng việc giải quyết. Đại biểu HĐND cũng cần nắm chắc các văn bản pháp luật hiện hành, kịp thời cập nhật các văn bản mới làm cơ sở để giải đáp, trả lời, hướng dẫn công dân trong quá trình tiếp công dân...
Với địa bàn có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, Thường trực HĐND huyện Văn Giang nhận định, tình hình khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới tiếp tục có những diễn biến mới, khó lường, khó dự báo, không chỉ trong lĩnh vực thu hồi, đền bù đất mà còn phát sinh trong nhiều lĩnh vực khác. Do đó, chính quyền các cấp, trong đó có cơ quan dân cử và mỗi đại biểu HĐND phải nỗ lực hơn nữa trong công tác tiếp dân, kịp thời giải quyết các vụ việc ngay từ cơ sở. Một trong những giải pháp trọng tâm, then chốt được cơ quan dân cử huyện Văn Giang xác định là phải “nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong công tác tiếp công dân”. Thực hiện tốt sẽ vừa góp phần giúp người đứng đầu cơ quan, đơn vị thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ vừa giúp công tác tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo ngày càng đi vào nền nếp; qua đó, thể hiện rõ sự tôn trọng của các cơ quan nhà nước đối với quyền làm chủ của Nhân dân.