Ngày 3.12, tại Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu truyền thông và phát triển tổ chức hội thảo khoa học "Giải pháp phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ trẻ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước ta giai đoạn 2021 – 2030".
Phát biểu đề dẫn, TS Đặng Vũ Cảnh Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thanh niên, cho biết, lực lượng lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 26,6% lao động toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nền kinh tế cũng như thị trường lao động của Việt Nam.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển mạnh của công nghệ, đặc biệt là công nghệ số và AI, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã và đang nỗ lực ứng dụng, thậm chí sáng tạo ra công nghệ. Kết quả khảo sát cho thấy, 47,8% doanh nghiệp có áp dụng thành tựu khoa học và công nghệ, 18,4% doanh nghiệp có áp dụng đổi mới sáng tạo, 14,3% doanh nghiệp áp dụng thành tựu và nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo khoa học và công nghệ và 19,5% doanh nghiệp không áp dụng. Đặc biệt, có tới 34% doanh nghiệp siêu nhỏ không áp dụng khoa học công nghệ.
Về hiệu quả của hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ trong doanh nghiệp, 48,6% doanh nghiệp đánh giá cao đối với chất lượng sản phẩm và 48,1% doanh nghiệp đánh giá đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Cũng theo kết quả khảo sát, chỉ có 49/300 doanh nghiệp cho biết họ có bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D), trong đó cơ chế vận hành chiếm tỷ lệ cao nhất là chủ động nghiên cứu và đề xuất cải tiến sản phẩm chiếm 60%.
Ngoài ra, 8% doanh nghiệp cho biết R&D hoạt động theo nhiệm vụ được lãnh đạo giao; 4% hướng tới việc xây dựng chương trình đào tạo nội bộ và 28% doanh nghiệp cho biết bộ phận này vận hành theo các cơ chế khác.
Bên cạnh đó, theo TS. Đặng Vũ Cảnh Linh quá trình hoạt động khoa học và công nghệ trong doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn như: 40,8% doanh nghiệp đang sử dụng vốn vay để hoạt động với mức vay chủ yếu từ 1 tỷ đến 5 tỷ đồng.
Nhân lực trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay chỉ có 57,5% đại học trở lên, trung cấp và cao đẳng chiếm 26,9% và 12,7% nhân lực có trình độ THPT thường làm việc trong các dây chuyển sản xuất, có sử dụng máy móc. Đồng thời, chỉ mới có 53,2% nhân lực khoa học và công nghệ làm việc đúng ngày nghề đào tạo và 39,5% nhân lực khoa học và công nghệ phát huy được năng lực chuyên môn.
Cũng tại hội thảo, các ý kiến tham luận đã tập trung làm rõ nhiều vấn đề cơ bản như: Phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ - lý luận và một số vấn đề đặt ra; Nâng cao vị trí vai trò nhân lực khoa học, công nghệ trẻ ở khu vực doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững; Chính sách nhân lực khoa học và công nghệ ở Việt Nam: thực trạng và vấn đề đặt ra; Một số thuận lợi, khó khăn, rào cản và thách thức của việc phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ trong các doanh nghiệp; Tác động của trí tuệ nhân tạo và làn sóng công nghệ mới đến nhân lực khoa học và công nghệ trẻ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ…